Các ngân hàng trung ương sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Thị trường tài chính đang bị kéo theo các hướng khác nhau bởi hai yếu tố chủ đạo: lượng thanh khoản dồi dào từ các ngân hàng trung ương và lo ngại về “làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai”.
Thị trường tài chính đang bị kéo theo các hướng khác nhau bởi hai yếu tố chủ đạo: lượng thanh khoản dồi dào từ các ngân hàng trung ương và lo ngại về “làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai”.
Các tin tức hàng ngày có thể khiến chúng ta tin rằng, trong hai yếu tố trên, covid-19 là tác nhân thống trị và chi phối thị trường. Những tháng sắp tới có thể cho thấy đây là 1 quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các nhà đầu tư nên hỗ trợ các ngân hàng trung ương giành chiến thắng trong cuộc chiến này, đồng thời thiết lập danh mục đầu tư 1 cách phù hợp.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã ứng phó với đại dịch với quy mô và tốc độ chưa từng có. Trong khi họ tiếp tục hỗ trợ các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các chương trình mua tài sản trên diện rộng, cùng với mức lãi suất được duy trì vô cùng thấp, điều quan trọng nhất mà các nhà đầu tư có thể làm chính là tiếp tục đầu tư.
Đặc biệt, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán của Vương quốc Anh và Đức sẽ đem lại những khoản lợi nhuận vượt trội, mặc dù chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi thu nhập tổng thể của châu Âu sẽ diễn ra chậm hơn các khu vực khác.
Cấu trúc của thị trường chứng khoán Vương quốc Anh, hiện đang giao dịch với mức chiết khấu đáng kể so với các thị trường lớn khác, khiến nó được hưởng lợi từ sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch covid-19. Khoảng 40% cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE 100, tính theo vốn hóa thị trường, được cấu thành từ các công ty giá trị - có nghĩa là đang được giao dịch ở mức định giá thấp so với lợi nhuận hay quy mô tài sản của họ. Những doanh nghiệp này sẽ đem lại lợi nhuận vượt trội khi quá trình phục hồi diễn ra.
Vương quốc Anh nhiều khả năng cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá dầu thô Brent, tài sản mà chúng tôi dự đoán sẽ tăng lên mức $55/thùng vào giữa năm tới. Cổ phiếu năng lượng, thường là các khoản đầu tư phòng thủ, chiếm 11% chỉ số MSCI Vương quốc Anh (MSCI UK index), so với mức 4% trong chỉ số MSCI Thế giới (MSCI World index).
Trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vẫn còn hết sức căng thẳng, rủi ro về việc không có bất cứ thỏa thuận nào dường như đã bị thổi phồng. Một kết quả như vậy sẽ vô cùng tồi tệ cho cả hai bên và chắc chắn họ sẽ làm việc có thể để tìm thấy lối ra cho vấn đề này.
Đức cũng có một số lợi thế khi bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Quốc gia này bước vào cuộc khủng hoảng với nền tài chính công mạnh mẽ, được phản ánh qua tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng kinh tế khoảng 60%, tốt hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực đồng tiền chung châu Âu là gần 85%. Do đó, Đức đang ở 1 vị thế khá tốt để hỗ trợ nền kinh tế của mình thông qua các biện pháp kích thích lớn.
Phản ứng của Berlin trong thời gian qua là việc thực hiện các chính sách nới lỏng tài khóa, với quy mô tương đương khoảng 8% tổng sản phẩm quốc nội và có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng nếu cần thiết. Cấu trúc của thị trường chứng khoán Đức cũng là 1 yếu tố hỗ trợ tích cực, khi bao gồm 1 lượng lớn các cổ phiếu công nghiệp nặng, những khoản đầu tư sẽ vô cùng hiệu quả khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi.
Ngược lại, đà tăng giá của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ kể từ tháng 3 chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu công nghệ lớn. Việc các nhà đầu tư tái cơ cấu tỷ trọng cổ phiếu ngành công nghệ tuần trước đã đẩy toàn bộ thị trường xuống thấp hơn, đồng thời cũng nhấn mạnh nhu cầu và sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục. Chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào các xu hướng dài hạn đang được đẩy nhanh bởi cuộc khủng hoảng hiện tại. Ví dụ, các chuỗi cung ứng nhiều khả năng sẽ giảm tính toàn cầu, thay vào đó sẽ mang tính địa phương hơn trong tương lai, điều sẽ mang lại lợi ích cho lĩnh vực tự động hóa và robot. Châu Âu chính là nơi có nhiều công ty dẫn đầu thị trường về tự động hóa và nhà máy toàn cầu.
Xu hướng số hóa ngành chăm sóc sức khỏe cũng có vẻ sẽ rất phát triển sau đại dịch, điều sẽ rất có lợi cho các doanh nghiệp châu Âu, khi các doanh nghiệp này chiếm tới 22% trong tổng số công ty thuộc một chỉ số MSCI toàn cầu chuyên theo dõi các doanh nghiêp “y tế công nghệ”.
Các sáng kiến xanh - cốt lõi của các kế hoạch phục hồi Covid của Châu Âu cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực. Vào tháng 7, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro, trong đó tập trung vào vấn đề bảo vệ khí hậu và số hóa. Về lâu dài, điều này sẽ khuyến khích sự phát triển của các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, xe điện và cơ sở hạ tầng liên quan đến di chuyển và vận tải.
Các đợt bùng phát vi rút tiếp theo có thể làm chậm lại quá trình mở cửa lại các nền kinh tế, nhưng những điều này sẽ chỉ làm chậm chứ không thể làm chệch hướng quỹ đạo của quá trình phục hồi.
Ngoài ra, giờ đây chúng ta đã biết nhiều hơn về vi rút so với thời điểm đầu năm. Các ước tính về cả tỷ lệ tử vong cũng như tỷ lệ lây nhiễm vi rút đã liên tục giảm kể từ khi bắt đầu đại dịch, đồng thời một tỷ lệ đáng kể trong một số quần thể đã tiếp xúc với vi rút.
Điều này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách áp dụng các biện pháp ít tổn hại đến kinh tế hơn trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát mới, bao gồm đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc và giãn cách xã hội. Thêm vào đó, tiếp tục có những bằng chứng về sự tiến bộ trong vắc xin và phương pháp điều trị. Mặc dù những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ làm tăng thêm sự biến động xung quanh sức mạnh và tốc độ phục hồi, chúng tôi kỳ vọng động lực kinh tế sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.
Tất cả điều này cho thấy dư địa cho sự tăng trưởng của chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ cần phải lựạ chọn hết sức cẩn thận.