Các nhà đầu tư cân nhắc chốt lời để có tiền bù lại chi phí lãi vay thế chấp tăng cao
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Gần 1 tỷ bảng được rút khỏi quỹ cổ phiếu và trái phiếu vào tháng 6.
Các nhà quản lý tài sản dự báo rằng những nhà đầu tư cá nhân ở Anh sẽ tiếp tục rút tiền ra khỏi các quỹ trong năm nay, khi các hộ gia đình phải vật lộn với lạm phát và lãi vay thế chấp BĐS gia tăng.
Dữ liệu từ Hiệp hội Đầu tư (Investment Association) - một cơ quan thương mại, cho thấy vào tháng 6, các nhà đầu tư cá nhân đã rút 986 triệu bảng từ các quỹ cổ phiếu và trái phiếu. Đây là dòng tiền rút ròng lần đầu tiên của các nhà đầu tư nhỏ lẻ kể từ tháng 12 năm ngoái.
Lãi suất tăng khiến nhu cầu mua trái phiếu chính phủ có dấu hiệu nóng trở lại, đặc biệt TPCP Anh Quốc đã ghi nhận lượng giao dịch lên tới hơn 504 triệu bảng từ nhà đầu tư cá nhân trong tuần trước.
Cuthbert Hopkinson, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Waverton Investment Management cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận một vài khách hàng rút tiền từ danh mục đầu tư của họ để trả nợ các khoản thế chấp khác. Mọi người lo ngại về chi phí gia tăng, nhưng lãi suất cao hơn đang bắt đầu đẩy lạm phát xuống.”
Lãi suất cao và nguy cơ nền kinh tế Anh giảm tốc trong năm nay tạo gánh nặng cho các nhà đầu tư cá nhân khi họ phải đối phó với các điều kiện thị trường khó khăn nhất trong hơn một thập kỷ.
Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Anh hôm thứ Năm đã tăng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm lên 5.25% đây là dấu hiệu cho thấy các Ngân hàng Trung ương vẫn cố chấp cảnh giác với lạm phát cao, mặc dù mức tăng giá đã giảm so với dự kiến xuống 7,9% trong tháng Sáu.
Tuy nhiên, mức lãi suất gần như cao nhất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những cá nhân nắm giữ tài sản thế chấp. Theo Moneyfacts, lãi thế chấp cố định trung bình 5 năm đạt 6,37% trước đợt tăng lãi suất hôm thứ Năm.
Rachel Winter, một đối tác tại công ty quản lý tài sản Killik & Co cho biết: “Nếu bạn đang trả 6-7% cho một khoản thế chấp, thì tốt hơn là nên trả hết khoản đó vì bạn không thể nhận được khoản tiền lãi từ khoản đầu tư đó vào lúc này" .
Hopkinson nói rằng cũng như trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng là một kênh thu hút đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên ông lập luận, cổ phiếu vẫn là hàng rào dài hạn hiệu quả nhất chống lại lạm phát.
Edward Glyn, người đứng đầu bộ phận thị trường toàn cầu tại Calastone, cho biết các nhà đầu tư cũng tận dụng đợt tăng giá cổ phiếu toàn cầu để làm lợi cho ngân hàng trong tháng 6.
Theo dữ liệu của Calastone, bao gồm cả các nhà đầu tư tổ chức nhỏ của Vương quốc Anh, cho thấy người gửi tiết kiệm chốt lãi khiến dòng tiền chảy ra 588 triệu bảng Anh từ các quỹ ở Bắc Mỹ — S&P 500 đã tăng 20% trong tháng 6 nhờ mức thấp gần đây của thị trường được ghi nhận trong tháng 10.
Glyn nói thêm: “Nếu lạm phát quay trở lại mức mục tiêu, việc giữ mức lãi suất trái phiếu cao như hiện nay trong trung và dài hạn sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho những nhà đầu tư đã rót vốn vào các quỹ trái phiếu.”
Financial Times