Cách các cuộc khủng hoảng định hình hệ thống tài chính thế giới

Cách các cuộc khủng hoảng định hình hệ thống tài chính thế giới

Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

23:42 16/05/2024

Các biến cố và sự thay đổi trong hệ thống tài chính Thế Giới

Năm 1919, John Maynard Keynes viết lại sự tiếc nuối khi nhìn cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã chấm dứt thời kỳ đầu của sự toàn cầu hóa tài chính. Vài năm trước đó, một người London có thể vừa nhâm nhi trà trên giường và chỉ bằng một cuộc điện thoại là có thể "khám phá cơ hội đầu tư vào tài nguyên tự nhiên và các doanh nghiệp mới ở bất kỳ nơi nào trên thế giới". Nếu trái phiếu chính phủ được anh ấy ưa thích hơn là hàng hóa hoặc các công ty khởi nghiệp, anh ấy có thể mua trái phiếu tại một thị trấn nào đó trên thế giới và tin tưởng vào thị trấn đó trong việc bảo vệ và quản lý tài sản của mình. Khả năng "chia sẻ mà không gặp khó khăn" trong việc tham gia vào sự tạo ra của cải trên thế giới là một phần của " nền kinh tế không tưởng". Keynes đã trưởng thành trong một thời kỳ đầy mơ mộng về sự giàu có và tiềm năng tăng trưởng không giới hạn. Nhưng cuộc chiến thế giới đầu tiên năm 1914 đã phá hủy mọi kỳ vọng này, khiến niềm tin vào sự ổn định và tiến bộ của nền kinh tế bị xóa bỏ.

Sau hơn một thế kỷ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa tài chính thứ hai, chỉ với chiếc điện thoại đã mang đến cho nhà giao dịch nhỏ những lựa chọn phong phú hơn rất nhiều so với những gì Keynes từng tưởng tượng. Mặc dù chiến tranh đã trở lại châu Âu, nhưng hầu hết các kênh tài chính vẫn hoạt động. Không có chuyện thị trường chứng khoán và trái phiếu bị đóng cửa hàng loạt như trong Thế chiến thứ nhất. Người dân London vào năm 2024 có thể dễ dàng đầu tư vào bất kỳ thị trường chứng khoán nào trong hàng chục thị trường trên khắp thế giới mà không gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính toàn cầu đang được tái cấu trúc một lần nữa. Các cuộc khủng hoảng tái diễn và sự thất bại của phương Tây trong việc kiểm soát ảnh hưởng của các cuộc khửng hoảng đã thúc đẩy các quốc gia có thu nhập trung bình phát triển thị trường vốn trong nước, củng cố thể chế và tự bảo vệ mình khỏi sự biến động của dòng vốn quốc tế. Cuộc chiến tài chính do Mỹ dẫn đầu đã khuyến khích việc tạo ra các hệ thống song song, vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Kết quả là, hệ thống tài chính trở nên phân tán hơn, không còn phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ như trước. Một xu hướng thứ ba là xung đột kinh tế ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể buộc một số quốc gia phải chọn phe. Nguy cơ là hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị chia rẽ.

Hãy xem xét các quốc gia đã kiên quyết tiến tới tự cung tự cấp thay vì phụ thuộc vào sự bất ổn của nguồn vốn toàn cầu. Nhóm quan trọng nhất bao gồm các nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Bắt đầu từ một cuộc tấn công đầu cơ vào đồng Baht của Thái Lan, khi đó được gắn kết không bền vững với đồng USD, cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng và gây ra một cơn bão tài chính và kinh tế quét qua hầu hết Đông Nam Á, Hàn Quốc và Hồng Kông.

Cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng một phần vì nợ của các doanh nghiệp và ngành tài chính đã tăng nhanh chóng trong những năm trước đó. Nhiều khoản vay đến từ nước ngoài, với kỳ hạn ngắn và bằng ngoại tệ. Khi tỷ giá hối đoái của Thái Lan bị phá vỡ vào tháng 7/1997, rủi ro của nó nhanh chóng bị lộ rõ. Ngân hàng Trung Ương buộc phải phá giá đồng Baht, làm tăng mạnh giá trị nợ bằng Đô la Mỹ khi tính theo đồng nội tệ. Kịch bản này sau đó lặp lại ở Malaysia, Philippines và Indonesia. Điều này đủ để đẩy các công ty có nợ cao vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản. Nhưng sau đó, các nhà đầu tư toàn cầu rút lui hàng loạt, rút vốn một cách bừa bãi. Kết quả là một cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó nợ nước ngoài ngắn hạn không thể được gia hạn, dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia.

Trong những năm sau đó, Clifford Lee, người điều hành bộ phận ngân hàng đầu tư của DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, cho biết, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực bắt đầu áp đặt nhiều kiểm soát hơn đối với đầu tư nước ngoài. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các công ty và do đó, hạn chế sự tăng trưởng của họ, nhưng cũng ngăn chặn các rủi ro tương tự tái diễn. Đồng thời, Art Karoonyavanich, cũng của DBS, cho biết các chính phủ châu Á bận rộn tư nhân hóa và niêm yết các công ty nhà nước.

Sự kết hợp giữa kiểm soát vốn, tỷ lệ tiết kiệm cao và việc niêm yết các tài sản "ngọc quý" như cách gọi của ông Karoonyavanich, đã thổi sức sống vào thị trường vốn trong khu vực. Khi phần lớn thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và Đông Nam Á không bị ảnh hưởng quá nhiều, các chính phủ bắt đầu phát hành các lô trái phiếu chính phủ lớn bằng đồng nội tệ thay vì bằng đồng bạc xanh. Hiện nay, ông Lee cho biết, trái phiếu do các công ty châu Á phát hành thường được mua trong khu vực, khi các nhà đầu tư nội địa giàu có hơn các đối tác ở London và New York.

Trong khi đó, tại các quốc gia có thu nhập trung bình trên khắp thế giới, các tổ chức tài chính và kinh tế đã trở nên mạnh mẽ hơn, giúp họ tự bảo vệ khỏi chu kỳ tài chính toàn cầu. Nhiều quốc gia đã tích lũy dự trữ ngoại hối, cho phép họ bảo vệ đồng tiền của mình trước các cuộc tấn công đầu cơ hoặc khủng hoảng. Các ngân hàng Trung Ương trở nên độc lập hơn, thường áp dụng các chính sách kiểm soát lạm phát như ở các nước phát triển. Trong đợt tăng lạm phát toàn cầu gần đây, các cơ quan quản lý tiền tệ ở Brazil, Chile, Hungary, Peru, Ba Lan và Hàn Quốc đã tăng lãi suất từ rất sớm, trước cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, và đã thành công trong việc kiềm chế giá cả leo thang.

Mỹ thắt chặt kiểm soát tài chính quốc tế, sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001

Những thay đổi này đã dần làm giảm vai trò thống trị của phương Tây trong hệ thống tài chính, và điều này đem lại nhiều lợi ích. Các tổ chức mạnh hơn rõ ràng mang lại lợi ích lớn. Các biện pháp kiểm soát vốn ở Đông Nam Á đã giúp ngăn chặn sự bất ổn do dòng vốn biến động gây ra, buộc các thị trường nội địa phải trưởng thành và cung cấp nguồn vốn ổn định cho các công ty đang phát triển nhanh trong khu vực. Điều này diễn ra mà không làm khu vực này tách rời khỏi nguồn tài chính quốc tế. Các tòa nhà chọc trời trong khu tài chính của Singapore vẫn trưng bày các biểu tượng của các ngân hàng đa quốc gia; vốn nước ngoài vẫn lưu thông ra vào.

Tuy nhiên, một lực lượng khác đang định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu theo hướng tiêu cực: việc Mỹ và các đồng minh đã sử dụng tài chính như một vũ khí. Chiến tranh kinh tế không phải là mới mẻ, nó đã có từ ít nhất là lệnh cấm vận thương mại của Athens đối với Megara, nước láng giềng của họ vào năm 432 trước Công nguyên. Nhưng phiên bản thế kỷ 21, không chỉ bao gồm các lệnh cấm vận thương mại mà còn biến hệ thống tài chính thành vũ khí, đã đưa nó lên một tầm cao mới. Các khoản thanh toán điện tử có thể theo dõi, cùng với sự thống trị của đồng USD trong tài chính toàn cầu và vai trò trung tâm của các ngân hàng Mỹ, đã mang lại cho chính phủ Mỹ một mức độ ảnh hưởng chưa từng có. Họ có khả năng loại bỏ các ngân hàng hoặc cả quốc gia khỏi hệ thống tài chính. Kết quả là, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các công cụ tài chính do Mỹ kiểm soát.

Sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên Thế giới

Sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 11/9 /2001, Mỹ đã tăng cường kiểm soát về tài chính nước ngoài. Bộ Tài chính Mỹ đã tìm cách ngăn chặn các kẻ tấn công tiềm ẩn khỏi việc tiếp cận nguồn tài trợ, và họ chú ý đến hệ thống Swift, một tổ chức tài chính quốc tế. Hệ thống Swift cho phép việc thanh toán qua các quốc gia. Thông tin từ Swift có thể được sử dụng để theo dõi các giao dịch và phát hiện các mối liên kết giữa các nhóm khủng bố và những nhà tài chính. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng sử dụng thông tin tài chính này để phát hiện ra các mối liên kết khác, bao gồm giữa các ngân hàng nước ngoài và các quốc gia đang bị Mỹ áp đặt trừng phạt. Sau đó, Đạo luật Patriot được áp dụng, cho phép Bộ Tài chính Mỹ có quyền để đưa ra các biện pháp trừng phạt như làm ngân hàng phải ngừng hoạt động.

Điều này được thực hiện vào tháng 9/2005 với Ngân hàng Delta Á Châu ở Macau và sau đó vào tháng 2/2018 với Ngân hàng ABLV ở Latvia. Trong cả hai trường hợp, mục tiêu thực sự là để đặt áp lực lên Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các ngân hàng này đã hỗ trợ Triều Tiên, vi phạm quy định pháp luật quốc tế, đặc biệt là trong việc tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Theo Đạo luật Patriot, Mỹ có thể cấm các ngân hàng Mỹ cung cấp dịch vụ tài chính cho những ngân hàng này, từ đó loại bỏ họ khỏi hệ thống tài chính quốc tế. Các ngân hàng khác trên thế giới cũng đối mặt với rủi ro bị xem xét là người rửa tiền nếu tiếp tục giao dịch với những ngân hàng này.

Cách để xóa xổ một ngân hàng trong vòng 10 ngày

Tác động của các biện pháp này rất nhanh chóng và ấn tượng. Các ngân hàng toàn cầu rút tiền ra khỏi cả hai ngân hàng này một cách đồng loạt. Chỉ trong vài tuần sau khi Bộ Tài chính công bố, mỗi ngân hàng đều đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và bị cơ quan quản lý tịch thu quyền quản lý. Sự sụp đổ đến một cách đột ngột đến nỗi các cáo buộc từ Bộ Tài chính không thể bị phản đối tại tòa án. Với sự hỗ trợ của một sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 12/2023, Bộ Tài chính có thể áp dụng biện pháp tương tự đối với bất kỳ cơ quan tài chính nước ngoài nào được xem là ủng hộ cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh còn có các cách khác để loại bỏ kẻ thù ra khỏi các phần quan trọng của hệ thống tài chính. Từ năm 2008, các ngân hàng Mỹ đã bị cấm hỗ trợ thanh toán USD cho các ngân hàng Iran, thậm chí cho các giao dịch bắt đầu và kết thúc bên ngoài nước Mỹ. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga sau khi xâm lược Crimea vào năm 2014 đã ngăn họ gọi vốn cổ phần hoặc vốn nợ ở Mỹ và châu Âu; và những biện pháp trừng phạt áp dụng vào năm 2022 đã loại bỏ chúng khỏi hệ thống Swift. Những lệnh cấm như vậy có tác động dây chuyền đáng kể ra ngoài biên giới nước Mỹ. Một nghiên cứu của Deloitte vào năm 2009 cho thấy hơn một nửa các tổ chức tài chính sử dụng danh sách trừng phạt của Mỹ để quyết định với các công ty mà họ có thể hợp tác kinh doanh.

Tất cả những biện pháp trừng phạt này đang thúc đẩy các nước tìm ra các giải pháp, nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính mà phương Tây kiểm soát. Đối với Iran, điều này có nghĩa là bán dầu cho các nhà chế biến tư nhân sẵn lòng chịu rủi ro từ Mỹ, và có thể sử dụng đồng nhân dân tệ hoặc đồng Dirham thay vì Dollar Mỹ. Đối với Nga, việc này dẫn đến việc xây dựng hệ thống Mir, một mạng lưới thẻ được ngân hàng Trung ương của họ điều hành để thúc đẩy thanh toán nội địa khi không có các công ty thẻ của phương Tây. Câu hỏi đối với Trung Quốc là liệu có cách nào để đối phó với các biện pháp trừng phạt giống như Mỹ đã áp đặt lên Nga vào năm 2022, khiến các dự trữ ngoại hối của một ngân hàng Trung ương bị đóng băng. Điều này lại đặt ra một câu hỏi khác: tác động của việc thực hiện hành động tương tự đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới Mỹ sẽ như thế nào?

Việc cạnh tranh kinh tế ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố thứ ba đang làm thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu. Giống như Nga, Trung Quốc đã thiết lập các mạng thanh toán riêng và độc lập với phương Tây, một phần để làm giảm sức mạnh của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong tương lai được áp đặt lên nó. Nhưng để hiểu rõ hơn về tác động của sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hãy nhìn tác động của nó đối với dòng vốn trên toàn cầu.

Các công ty không muốn bị kéo vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

Rào cản rõ ràng nhất được nêu lên bởi hai quốc gia là trong các chương trình kiểm soát đầu tư xuyên biên giới. Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài vào Hoa Kỳ (CFIUS) của Mỹ đã lâu đã kiểm tra các khoản đầu tư đến liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng gần đây, nó đã trở nên bận rộn hơn. Trong năm 2022, ngay cả khi khối lượng giao dịch giảm đi, CFIUS đã xem xét 286 giao dịch, gấp đôi lần so với số lượng từ mười năm trước. Quyền lực của nó cũng đã được mở rộng, ông Biden đã chỉ đạo tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng và dẫn đầu về công nghệ. Nước Anh đã bắt đầu chương trình kiểm soát đầu tư riêng của mình vào năm 2022, một lần nữa vì mục đích an ninh quốc gia, và đã xem xét 866 giao dịch trong năm báo cáo đầu tiên của nó. Năm ngoái, Nhật Bản đã thêm chín lĩnh vực, bao gồm bán dẫn, vào chương trình kiểm soát đầu tư của nước ngoài của họ. Liên minh châu Âu cũng đang nghĩ đến việc tăng cường các quy định sàng lọc của riêng mình.

Cách Mỹ tiếp cận đầu tư ra nước ngoài là một điều khá mới mẻ, đó là hạn chế khả năng của công dân khi đầu tư tiền của họ vào các doanh nghiệp mới ít nhất là ở một trong những khu vực của thế giới. Một sắc lệnh hành pháp được ký vào tháng Tám năm ngoái yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra các khoản đầu tư vào các ngành "công nghệ có tính nhạy cảm" như chip tiên tiến, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo, ở "các quốc gia đáng lo ngại" như Trung Quốc. Lý do là an ninh quốc gia được ưu tiên hơn lợi tức đầu tư, và dù sao thì Bộ Tài chính chỉ sẽ kiểm tra một số lĩnh vực hẹp. Những lĩnh vực này lại chính là những lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm nhất. Và các tính toán chính trị nội địa có thể làm tăng mức độ kiểm tra. Cơ quan CFIUS đang xem xét một đề xuất mua lại của công ty US Steel, một công ty sở hữu công nghệ không quá nhạy cảm, bởi một công ty ở Nhật Bản, một đồng minh về an ninh. Robert Lighthizer, người đại diện thương mại của Donald Trump, đã đề xuất mở rộng phạm vi làm việc của CFIUS để bao gồm các khoản đầu tư có thể gây "tổn thất kinh tế lâu dài" cho Mỹ.

Trong bối cảnh này, không ngạc nhiên khi các công ty và nhà đầu tư quốc tế đang thực hiện các biện pháp để tránh bị ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sequoia, một trong những tổ chức quỹ rủi ro thành công nhất thế giới, đã thông báo vào tháng Sáu năm ngoái rằng họ sẽ chia thành các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ riêng biệt. Các nhà ngân hàng Singapore nói về hàng loạt các công ty chuyển từ Trung Quốc để tái định cư vào lãnh thổ của họ, nơi được coi là trung lập, thậm chí còn có những công ty lựa chọn niêm yết ở đó thay vì ở Hong Kong, mặc dù làm như vậy mức định giá sẽ thấp hơn.

Vài năm trước, một chủ ngân hàng Singapore cho biết, sự gia tăng của các quy tắc kiểm soát xuyên biên giới có thể đã khiến các công ty Trung Quốc suy nghĩ kỹ hơn về việc lựa chọn nhà đầu tư lớn. Sau tất cả, không có giá trị gì khi nhận được một phần lớn vốn "kiên nhẫn" từ một tổ chức phương Tây mà sau đó bị buộc phải rời bỏ bởi chính phủ của nó. Nhưng ngày nay điều đó không còn đáng lo ngại nữa, vì tâm trạng đã thay đổi đến mức chỉ những người đã có liên kết với Trung Quốc mới có khả năng đầu tư.

Những tác động lâu dài của sự tan rã này đang gây ra những lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu. Luồng vốn tự do tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư và nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đảo chiều các luồng này trong bối cảnh xung đột địa chính trị có thể gây ra nhiều vấn đề. Việc rút vốn nước ngoài đột ngột có thể gây ra sự sụt giảm giá tài sản, đe dọa sự ổn định tài chính. Nó cũng có thể làm cho các quốc gia dễ bị sốc hơn, bằng cách loại bỏ khả năng đa dạng hóa rủi ro trên phạm vi quốc tế. Hiện tại, điểm tới hạn vẫn còn cách xa. Tuy nhiên, nó đang dần tiến gần: dòng vốn xuyên biên giới đã giảm mạnh, và những luồng vốn còn lại ngày càng được hướng theo các đường lối địa chính trị.

The Economist

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Fed: Thận trọng hay táo bạo?
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Fed: Thận trọng hay táo bạo?

Fed dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên sau cuộc họp tối nay. Tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất các lần tiếp theo sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Nếu rủi ro suy thoái tăng thêm, việc cắt giảm lãi suất mạnh tay cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ ít tác động đến thị trường trái phiếu, trong khi thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng bởi việc suy thoái có xuất hiện hay không.
Chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Fed
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Fed

Fed sẽ có động thái cắt giảm lãi suất điều hành ít nhất ở mức 25 điểm cơ bản. Đồng thời, NHTW này cũng sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động thắt chặt định lượng (QT). Đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Fed thực hiện đồng thời cả hai biện pháp thắt chặt và nới lỏng.
Các kịch bản cuộc họp FOMC tháng 9 và tác động đến thị trường: Các đợt cắt giảm sắp đến!
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Các kịch bản cuộc họp FOMC tháng 9 và tác động đến thị trường: Các đợt cắt giảm sắp đến!

FOMC tháng 9 có thể cắt giảm lãi suất 50 bps nếu Chủ tịch Powell dovish, nhưng kịch bản với xác suất cao là cắt giảm 50 bps thận trọng dựa trên dữ liệu yếu kém. Việc chỉ cắt giảm 25 bps có thể dẫn đến tăng nhẹ lãi suất và bán tháo nhỏ tài sản rủi ro.
Báo cáo Kaiko Research số thứ 2 của tháng 9: Sự áp đảo của Bitcoin so với altcoin
Tuấn Hưng

Tuấn Hưng

Junior Analyst

Báo cáo Kaiko Research số thứ 2 của tháng 9: Sự áp đảo của Bitcoin so với altcoin

Bitcoin đóng cửa tuần cao hơn trong bối cảnh hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất lớn tại cuộc họp của Fed tuần này đang tăng lên. Trong khi đó, Donald Trump đã công bố ra mắt nền tảng DeFi vào hôm nay. Grayscale tiết lộ việc thành lập quỹ tín thác XRP đóng đầu tiên tại Hoa Kỳ và nền tảng giao dịch eToro đã đạt được sự đồng thuận của SEC với 1.5 triệu USD với SEC. Tuần này, chúng tôi sẽ khám phá sự áp đảo ngày càng tăng của Bitcoin so với các altcoin, nhu cầu đối với ETH ETF đang giảm và việc ứng dụng ngày càng tăng của Stablecoin.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ