Chiến lược giao dịch FX Trader JPMorgan London 07.01.2021: USD đã trải qua một "chuyến tàu lượn siêu tốc" như thế nào?
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Hàng loạt câu chuyện đang diễn ra đan xen trên thị trường khiến tỷ giá biến động co giật 2 chiều trong những ngày gần đây. Chúng tôi chốt lời và chỉ còn giữ trạng thái lõi với các cặp tiền, và chờ đợi thời cơ gia tăng vị thế Short USD ở những mức hấp dẫn hơn.
EUR – Simon Spearing
Sau khi EUR/USD tạo mức cao mới vào buổi sáng phiên London, thì khi NY mở cửa, USD một lần nữa gặp lực mua mạnh từ cả các quỹ phòng hộ và quỹ tiền thật. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp khi nhu cầu mua USD đã được chứng kiến vào buổi chiều phiên London, do đó price action một lần nữa sẽ được theo dõi chặt chẽ. Nhưng cho đến nay, EUR đã “đối phó” với những đợt bán tháo này một cách ấn tượng, điều này đáng khích lệ đối với quan điểm lâu dài của chúng tôi về Long EUR/USD. Có vẻ như lực mua EUR/USD cũng xuất hiện trong phiên châu Á, đây là một dấu hiệu đáng khích lệ hơn nữa. Price action từ đầu năm đến nay cho thấy rằng thị trường sẽ có nhiều biến động, nhưng chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm dài hạn. Các gói kích thích tài khóa hơn nữa từ chiến thắng của đảng Dân Chủ, dẫn đến thâm hụt lớn hơn và bức tranh tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn là tâm điểm cho các thị trường trong hiện tại, và điều này sẽ tiếp tục củng cố đà suy yếu của USD. Biên bản FOMC đêm qua, mặc dù không có gì đáng chú ý, nhắc nhở chúng ta rằng họ vẫn giữ nguyên chính sách nới lỏng, với tiềm năng mạnh tay hơn nữa, do đó cũng tiếp tục ủng hộ quan điểm về việc đồng USD giảm thấp hơn. Mối quan tâm, như tôi đã viết một vài lần, là động thái tăng mạnh mẽ của lợi suất, và trong khi tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở đây, chứng khoán đang tiếp tục tăng và thị trường tín dụng vẫn không tỏ ra lo lắng. Nếu điều này thay đổi, thì trước mắt chúng ta nên linh hoạt trong quan điểm của mình trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, chúng tôi đã chốt lời một phần vị thế long EUR/USD ngày hôm qua, nhưng chúng tôi vẫn giữ các vị thế chủ đạo và chờ buy on dips. Trong ngày hôm nay, hỗ trợ xuất hiện ở mức 1.2240/50 với 1.2350 đóng vai trò là ngưỡng kháng cự cần theo dõi.
GBP – Charlie Cass
Thị trường hôm qua hơi lỏng lẻo khi tâm lý thị trường khá không chắc chắn về tác động của làn sóng xanh đối với đồng USD khi đường cong lợi suất của Hoa Kỳ tiếp tục dốc hơn, gây ra bởi những cảnh tượng kinh hoàng ở Washington, và biên bản cuộc họp FOMC đến và đi không có bất ngờ. Cable di chuyển cùng chiều với chỉ số DXY và có lúc GBP như đang dẫn dắt thị trường, có lẽ bởi khả năng áp dụng lãi suất âm của BOE, mặc dù nguồn tin cho điều này không đáng tin cậy. Dựa vào tần suất đề cập đến nó của các quan chức BOE, lãi suất âm hầu như sẽ không gây bất ngờ trong tương lai (quan điểm của trading desk chúng tôi là họ triển khai vào cuối năm). Trong khi đó, bức tranh Covid-19 vẫn vô cùng ảm đạm với các báo cáo cho thấy các bệnh viện ở London sẽ quá tải trong vòng hai tuần tới, ngay cả trong kịch bản tỷ lệ lây nhiễm giảm đi, trong khi số ca nhiễm bệnh đạt mức cao chóng mặt mới vào ngày hôm qua. Bất chấp tình cảnh tăm tối hiện nay, sẽ không phải là bất hợp lý nếu kỳ vọng rằng số ca lây nhiễm trong đợt bùng phát này đã gần đạt đỉnh, thực tế là tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm đã giảm bớt. Quan điểm Long đồng bảng Anh của chúng tôi tiếp tục duy trì nhưng vẫn ở mức khiêm tốn cho đến nay, dữ liệu dòng tiền phiên hôm qua khá trầm lắng nhưng chúng tôi ghi nhận lực bán ra nhiều hơn trong tuần chủ yếu từ các quỹ phòng hộ và các tập đoàn. Chúng tôi mong muốn giao dịch phạm vi 1.35/1.37 với vị thế Long ngày hôm nay, kháng cự trong ngày nằm ở 1.3630 với 1.3710/20 ở bên trên (0.9090/95, 0.9155 với EUR/GBP) trong khi 1.3525/30 là mức hỗ trợ tốt với 1.3430/40 bên dưới (0.9040/45, 0.9010/15 cho EUR/GBP).
AUD, NZD, CAD – James Clark
24 giờ vừa qua hẳn sẽ lưu lại trong tâm trí mọi người suốt một thời gian dài, bởi đây là một phiên mà giá co giật hai chiều biến động rất mạnh trên toàn thị trường, và kết thúc với cuộc bạo động tại tòa nhà Chính phủ Mỹ. Phiên London hôm qua chứng kiến thị trường ngoại hối đặt trong tình trạng báo động khi USD bị bán tháo trong khi TTCK cũng giảm mạnh và lợi suất tăng cao hơn. Tôi đã nghĩ dao động trong ngày ở những loại hình tài sản khác đã che mờ bức tranh chung và khiến trạng thái bị siết. Biên bản họp FOMC không có gì mới mẻ ngoài việc “một vài” thành viên của Fed ủng hộ kéo dài thời hạn mua vào tài sản, còn “phần đông” còn lại hướng đến các hành động khác như tăng mức độ mua vào hoặc chỉ kéo dài thời hạn “nếu những thay đổi như vậy được xem xét là hợp lý”. Fed rồi cũng sẽ tìm cách “hạ nhiệt” đà tăng vọt của lợi suất TPCP. Kết quả cuối cùng của 24 giờ qua đó là TTCK có triển vọng rất tích cực, nhưng chỉ số VIX và khối lượng giao dịch FX lại tiêu cực, sự bùng nổ những kỳ vọng về lạm phát, và lời nhắc nhở là Fed vẫn đang là “thế lực” đáng chú ý, điều đó nghĩa là lợi suất thực và USD sẽ giảm sâu trong trung hạn. Diễn biến giá co giật hai chiều trong những ngày tới sẽ là điều dễ hiểu, nhưng một khi mọi thứ đã qua đi, tôi hy vọng vị thế Short USD vẫn tồn tại và đi đúng hướng. Tôi ưa thích Long AUD vào lúc này bởi sự liên quan với Trung Quốc và TTCK. Do đó, gia tăng vị thế Long tại 0.7700/50 là chiến lược hiện nay. CAD đang có dấu hiệu đuối sức và tôi hơi lo lắng về vị thể USD/CAD khi ghi nhận lực mua cặp tỷ giá này từ quỹ phòng hộ hôm qua, nhưng tôi cho rằng USD/CAD sẽ giảm sâu về 1.25. NZD vẫn là đồng tiền tôi không động vào bởi ảnh hưởng từ câu chuyện nội tại nước này.
JPY – James Clark
JPY đã gặp khó khăn trong ngày hôm qua với lợi suất thực tăng khi chúng ta thấy dòng tiền đầu cơ Short USD/JPY bị ép cắt lỗ với khối lượng đáng kể. Chúng ta vẫn đang trong quá trình “price discovery” sau tin tức về “làn sóng xanh” và lợi suất TPKB kỳ hạn 10 năm có thể sẽ tiếp tục tăng, do đó tôi không dám cản đường USD/JPY tại vùng này. Tuy nhiên, khi bụi lắng xuống, kỳ vọng lạm phát của Hoa Kỳ sẽ bùng nổ do khoản chi tiêu tài khóa khổng lồ của chính phủ Hoa Kỳ. Fed cũng nhắc nhở chúng ta trong biên bản FOMC đêm qua rằng họ phản đổi việc lợi suất tăng đột biến khiến đà phục hồi gặp khó khăn. Cuối cùng thì điều đó sẽ lại khiến USD/JPY tiếp tục giảm, nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng nên đứng ngoài và nắm giữ quyền chọn Put USD/JPY kỳ hạn dài và chờ đợi một nhịp giảm mạnh xuống dưới mốc 100. Tôi sẽ tìm cách xây dựng lại vị thế Short ở vùng kháng cự 103.90/00 và thậm chí mạnh tay hơn nếu tỷ giá tăng đột biến về phía kháng cự theo đường xu hướng giảm xung quanh 104.40/50.
CHF – Matthew Pheasant
Những cảnh tượng kinh hoàng tại Mỹ hôm qua đã đóng lại một ngày giao dịch đầy biến động khi các vị thế Short USD bị siết vào buổi chiều phiên London, trước khi đồng bạc xanh giảm trở lại trước tin tức về cuộc bạo động tại Thủ đô Mỹ. Phía Dân Chủ nắm quyền kiểm soát thượng viện nhìn chung là tín hiệu tích cực cho TTCK, bởi điều này đồng nghĩa với các gói kích thích tài khóa, dù rằng nó đi đôi với với việc tăng thuế sẽ triển khai về sau này. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm Bearish với USD trong trung hạn, tuy nhiên đang cẩn trọng bởi quá nhiều câu chuyện đang xảy ra (lợi suất TPCP Mỹ tăng, các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, phong tỏa) và ảnh hưởng lên thị trường. Do đó chỉ giữ trạng thái lõi và gia tăng vị thế Short USD khi đồng này điều chỉnh tăng. USD/CHF sắp đối mặt với kháng cự tại 0.8860, và chúng tôi chờ đợi gia tăng vị thế tại mức này với mục tiêu tỷ giá giảm về vùng hỗ trợ 0.8700/30.