Chiến lược giao dịch FX Trader JPMorgan London 08.07.2021: Xu hướng tăng của USD/JPY đang bị đe dọa!
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Quan điểm và chiến lược giao dịch Forex của JP Morgan Trading Desk tại London.
EUR – Kelvin Hebburn
Sự cắt giảm vị thế tiếp tục diễn ra trên khắp các thị trường, dẫn đầu là giá dầu và lợi suất và điều này đã tràn sang thị trường ngoại hối, bất chấp sự ổn định chung của thị trường chứng khoán. Tôi đang cố gắng tìm ra câu chuyện vào lúc này, có lẽ những lo lắng xung quanh vấn đề nguồn cung và biến thể Delta, hoặc sự bùng nổ tăng trưởng vào mùa hè mà mọi người mong đợi đang bị giảm sút hoặc trì hoãn. Cổ phiếu có thể sẽ giữ được mức định giá hiện tại nếu quá trình bình thường hóa chính sách cũng bị trì hoãn và Fed tỏ ra kiên nhẫn, nhưng điều đó cũng không thể hỗ trợ cho một thị trường có quá nhiều vị thế như trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, cũng như trong thị trường ngoại hối đối với các quốc gia nơi rất nhiều vị thế đặt cược theo lợi suất tương ứng. Đó là những nơi chúng ta đang nhìn thấy sự khốc liệt vào lúc này. Đây cũng là lời giải thích của tôi cho hành động giá hiện tại, tuy nhiên tôi không thể chắc nó đúng hay sai! Không có gì thực sự đáng chú ý từ biên bản của Fed, không có manh mối nào cho những vấn đề thị trường đang thực sự theo dõi! Và một sự kiện rủi ro mới ngày hôm nay sẽ diễn ra chính là buổi kết luận cho đánh giá chiến lược của ECB. Các tiêu đề báo chí đề xuất mục tiêu lạm phát 2% với việc chấp nhận cho áp lực giá vượt quá mức, nhưng điều quan trọng hơn đối với đồng Euro là làm thế nào chúng ta đạt được mục tiêu đó. Có thể là nhờ sự trợ giúp của việc tính chi phí nhà ở nhưng chắc chắn rằng điều đó sẽ là không đủ, dù vậy tôi không cho rằng chúng ta sẽ biết thêm bất kỳ chi tiết nào về chính sách tại thời điểm này.
Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nguyên vị thế short Euro khi áp lực vẫn nghiêng về phía giảm và mức kháng cự đầu tiên đã được giữ vững trong tuần này. Tôi đang chờ đợi một nhịp giảm xuống đáy của năm tại 1.17. JPY là nơi vị thế thị trường đã thay đổi và tôi đã chuyển sang short USD vào ngày hôm qua, việc USD/JPY không thể tăng lên trong khi EUR/USD tụt dốc và USD/CHF bứt phá là rất đáng chú ý. Trong một môi trường nơi lợi suất đang giảm và mọi người đều đang giảm thiểu vị thế thì rất khó để USD/JPY có thể duy trì mức giá hiện tại. Mức hỗ trợ quan trọng cũng đã bị phá vỡ vào sáng nay. EUR/CZK cũng không thể tránh khỏi sự đóng lại ồ ạt vị thế trên thị trường EM và đã đi chuyển đến một mức giá cân bằng hơn.
GBP – Charlie Cass
Biên bản họp của Fed công bố tối qua có phần thiên về hướng ‘dovish’, dù vậy thực lòng tôi thấy xu hướng này rất nhỏ bé bởi tác động tạo ra không lớn. Bức tranh thị trường khá thử thách khi tình hình giảm bớt các trạng thái dùng đòn bẩy tiếp tục diễn ra. Vị thế của đồng Sterling vẫn còn trên thị trường, và đồng này vẫn còn giữ ổn định trong những phiên vừa qua (khi chỉ có JPY, USD, và CHF là tăng). Những lý giải vẫn là do tinh thần hồ hởi từ vòng chung kết Euro đang diễn ra, hoặc có thể do nước này đang là tâm điểm trong việc phá vỡ sự liên kết giữa các ca nhiễm với những người nhập viện khi ông Boris tin tưởng hoàn toàn vào tiến trình tiêm chủng (tuy nhiên chiến thuật này ngày càng trở thành một rủi ro không nhỏ). Bỏ qua câu chuyện về Sterling, tôi đã đóng các trạng thái Long USD/JPY khi ghi nhận lực mua của thị trường trái phiếu chính phủ (lợi suất đang giảm) và có khả năng xảy ra đợt quét những trạng thái cứng rắn nhất. Ngoài ra, USD/JPY có vẻ đang rơi vào mẫu hình ‘bull trap’ điển hình vào giai đoạn cuối quý vừa qua và đang xuyên thủng đường hỗ trợ cho xu hướng tăng. Mức hỗ trợ ngắn hạn của GBP/USD là 1.3760/70 và 1.3650/70 ở phía dưới (EUR/GBP: 0.8530/40, 0.8470). Kháng cự là tại những mức 1.3815/20 và 1.3925/35. ECB sẽ là trọng điểm của hôm nay khi thị trường xem xét khả năng chịu đựng mức tăng trưởng lạm phát của NHTW này.
CHF – Matthew Pheasant
Ngày hôm qua có hành động giá tương tự như ngày thứ Ba, khi các tài sản rủi ro tiếp tục suy yếu sau khi bước vào phiên NY, khiến đồng Dollar mạnh lên và USD/CHF quay trở ại vùng đỉnh tuần trước. Thật khó để xác định chính xác điều gì khiến tâm lý rủi ro đột ngột xấu đi trên FX, đặc biệt là thị trường chứng khoán vẫn giữ ở mức ổn định, nhưng có vẻ là do các vị thế “reflation trade” bị đóng và cắt giảm dần vị thế rủi ro nói chung. Biên bản cuộc họp của Fed hơi “dovish” nhưng thị trường dường như không chú ý, và do đó, USD/CHF hiện vẫn nằm trong phạm vi 0.9200/75 quen thuộc. Chúng tôi giữ quan điểm bullish mặc dù niềm tin không cao.
JP Morgan Trading Desk