Chiến thuật giao dịch các cặp ngoại tệ G7 ngày 10/3 của FX Trader JPMorgan London
Lê Bảo Khánh
Founder
Trader tại JPMorgan London đang đánh giá sẽ có những đợt bán tháo cổ phiếu trở lại khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ bùng phát, nỗ lực thông qua các gói giảm thuế của Trump để giải cứu thị trường chứng khoán sẽ vấp phải sự không hậu thuẫn của đảng Dân chủ, và việc canh Short USD với các đồng tiền có lợi suất thấp như JPY, CHF và EUR là các cơ hội giao dịch trong ngắn hạn.
GBP (Karim Mir)
Cú địa chấn ngày hôm qua của thị trường tài chính dẫn đến biến động cực lớn đối với thị trường ngoại hối, xuyên suốt cả phiên giao dịch. Trong khi đồng Bảng Anh ít chịu ảnh hưởng nhất trong các đồng G10, thì biến động trong ngày của Sterling không phải quá bất ngờ. Không nghi ngờ gì về việc xu thế này sẽ tiếp tục diễn ra, và đồng Bảng Anh sẽ bị dẫn dắt bởi tâm lý rủi ro trên khía cạnh toàn diện. Pha bật tăng đầu tuần đã đưa đồng Bảng Anh quay lại vùng trên 1.30. Không có sự thay đổi đáng kể nào về quan điểm đối với rủi ro, biến động lớn sẽ duy trì, nhận định biên độ giao dịch của GBP/USD trong ngắn hạn sẽ là 1.2850/1.3200 và với EURGBP là 0.8625/0.8775, đây sẽ là những mức giá cần quan sát và có thể giao dịch một cách chiến thuật theo biên độ này.
EUR (Jeffrey Simmons)
Đồng EUR di chuyển chậm chạp trong sáng nay khi tâm lý rủi ro phục hồi trên diện rộng, tác động bởi (1) tâm lý tích cực trải khắp Châu Á, nổi bật bởi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán, và (2) những hứa hẹn về hành động “cực kỳ kịch tính” bởi ông Trump, bao gồm việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và gói giải cứu tài khóa đối với các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi virus. Không có nhiều băn khoăn về tâm lý rủi ro tại thị trường Châu Á hôm nay đã đi ngược lại với các nước phương Tây, công bằng mà nói thì đúng là thế - tỷ lệ nhiễm bệnh tại Trung Quốc có vẻ đang chậm lại ở mức độ ổn định, và sự lây nhiễm ở những quốc gia châu Á khác đã được kiểm soát tốt hơn so với những tuần vừa qua. Dù vậy, tình hình có vẻ ít lạc quan đối với các nước phương Tây. Việc Ý bị phong tỏa hoàn toàn và phần còn lại của Châu Âu bắt đầu ghi nhận số ca bệnh ngày càng gia tăng đáng kể (và có khả năng tăng lên đến mức độ của Ý hiện nay), khu vực này vẫn chưa đặt mọi thứ dưới sự kiểm soát như cách mà Châu Á đàng làm. Và tiếp theo, dĩ nhiên, là đến nước Mỹ. Cho tới hiện tại, số lượng ca xét nghiệm được thực hiện ở mức rất thấp, nhưng có khả năng điều này sẽ sớm được thay đổi. Việc xác nhận chính xác con số xét nghiệm thực hiện tại Mỹ sẽ là “hộp đen bí ẩn”, đây là việc mà tôi lo ngại. Giả định rằng nhiều ca xét nghiệm sẽ được thực hiện là đúng, nghĩa là số ca nhiễm bệnh sẽ tăng lên khủng khiếp. Có người phản biện rằng điều này “đã phán ảnh trong giá”, nhưng tôi hoài nghi về điều đó. Sự ghi nhận của công chúng là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của tôi, khi thị trường biến động mạnh, do có quá nhiều thứ diễn ra, người ta thường có xu hướng phản ứng mạnh mẽ với các sự thật rõ ràng trước mắt, hơn là đối với các khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán hôm nay, mặc dù thực sự ấn tượng, nhưng theo tôi sẽ gặp thử thách để bảo toàn, trừ phi tình hình xoay chuyển tích cực cho các nước phương Tây. Liệu điều này có sớm xảy ra trong tuần này? Dường như là không khả thi lắm. Biến cố xấu thì dễ xảy ra hơn. Đối với đồng EUR, tôi biết khó tự tin để mua đồng tiền mà nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực Châu Âu hoàn toàn đóng cửa, nhưng nếu chúng ta nhìn thấy các vùng giá thấp hơn, tôi nghĩ việc mua vào Euro là phù hợp. Và thậm chí, là mua vào tại thời điểm này (quanh vùng 1.1300/30). Scandal về xét nghiệm virus của Mỹ đang lan rộng, và dù thế lực đằng sau có muốn giữ cho con số báo cáo lây nhiễm thấp càng lâu càng tốt, thì số ca bệnh cũng vẫn đang tăng lên. Điều đó có nghĩa là sự phong tỏa sẽ nhiều hơn, và nỗi hoảng sợ sẽ gia tăng. Đến cuối cùng tôi cảm giác điều này sẽ dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu nữa và gây tiêu cực trên diện rộng, bao gồm cả việc đồng đô la yếu hơn so với các đồng đang có lợi suất trái phiếu chính phủ thấp nhất hiện nay (JPY, CHF, và EUR). Đúng là một gói kích thích khổng lồ và việc lãi suất tiến về 0% là điều tốt, nhưng nó chỉ khả thi khi tình hình được kiểm soát ổn định. Các đo lường này sẽ là nhân tố cốt lõi cho động lượng hiện nay, nhưng tôi không nghĩ mọi thứ sẽ chuyển biến tích cực cho USD.
JPY (Charlie Cass)
Một lần nữa phiên giao dịch châu Á lại là tâm điểm của thị trường tiền tệ khi chúng ta chứng kiến sự phục hồi khá mạnh của tâm lý rủi ro và tỷ giá USDJPY sáng nay, động thái này được hỗ trợ bởi tuyên bố của tổng thống Trump hứa hẹn về một hành động bình ổn thị trường đáng kể bao gồm việc giảm thuế thu nhập cá nhân (tuy rằng việc này sẽ rất khó được thông qua bởi quốc hội) và tiếp theo đó là thông tin về chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình tới tỉnh Hồ Bắc. So với các nỗ lực rất quyết liệt của Trung Quốc để kiềm chế dịch bệnh và bây giờ đã cho thấy hiệu quả thì phương Tây (đặc biệt là Mỹ) đã bị bỏ lại xa phía sau. Italy đã mở rộng phong tỏa ra cả nước và tôi nghĩ các quốc gia châu Âu cũng sẽ phải công bố các biện pháp ứng phó sớm. Tuy nhiên tôi cho rằng đỉnh điểm hoảng loạn sẽ diễn ra khi con số các ca nhiễm tại Hoa Kỳ bùng nổ, đây là một khả năng khá rõ ràng nếu xét đến việc số ca xét nghiệm virus thấp đáng kinh ngạc mà họ đã công bố. Với sự khác biệt của tâm lý thị trường qua các khu vực địa lý như vậy, chúng tôi nhìn nhận thấy cơ hội tốt để mở lại vị thế short USD/JPY tại các vùng kháng cự. Dòng tiền mua bán hôm qua của khách hàng của chúng tôi thể hiện một sự cân bằng bất ngờ tuy nhiên sang đến ngày hôm nay chúng tôi đã chú ý thấy lực bán USD/JPY nhiều hơn từ các quỹ tiền thật nước ngoài và vị thế bán ròng USD/JPY của các tổ chức tại Nhật - những người hầu như im lặng cả ngày hôm qua. Hỗ trợ hiện nay nằm ở vùng 103.60/70, sâu hơn là 102.30/70 trong khi kháng cự phía trước là 105.00/20. Canh bán tại vùng này.
CHF (Jeffrey Simmons)
Cặp EUR/CHF bật tăng ngày hôm qua mặc cho tâm lý “risk off” tại thời điểm đó đang tồi tệ, tôi đồ rằng “Price Action” này phần nào đó có sự can thiệp của ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ SNB, với thanh khoản thấp của thị trường hiện tại thì sẽ không tốn quá nhiều “nguồn lực” để làm điều đó. CHF tiếp tục vẫn là một trong những đồng tiền được ưu tiên nắm giữ trong bối cảnh tâm lý lo sợ rủi ro tiếp tục tăng cao tại châu Âu và Mỹ hiện nay. Tuy nhiên khi tỷ giá EUR/CHF vẫn đang ở dưới mức 1.06, nếu muốn vào vị thế Long CHF, bạn có thể sẽ phải đối mặt với áp lực neo khiến tỷ giá EUR/CHF không giảm sâu dưới mức 1.06 từ SNB. Việc đó không phải là ngăn cản bạn một cách tuyệt đối không nên vào lệnh mua CHF nhưng ít nhất chúng ta cũng nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi hành động. Mặc dù tôi tin chắc rằng khó có khả năng SNB vào cuộc quyết liệt để đẩy tỷ giá EUR/CHF lên cao tại thời điểm này, nhưng nếu chỉ chăm chăm vào chiều bán EUR/CHF lúc này rất có thể bạn sẽ gặp phải một cú “short squeeze”, và sau đó thì chính cú bẫy giá này mới là cơ hội tốt để chúng ta vào lệnh Short EUR/CHF. Bất cứ động thái tăng giá hướng lên 1.07 nào đều bị bán xuống mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Với hoàn cảnh hiện tại tôi thiên về phương án “buy on dip” ở cặp EURUSD và mua CHF thông qua việc canh short cặp USD/CHF. Chúng tôi đã mở vị thế short USD/CHF hôm nay quanh vùng 0.9350+.
AUD/NZD/CAD (James Clark)
USD bật tăng từ mức đáy đầu ngày khi Tổng thống Trump thông báo về việc sẽ giảm thuế và đồng tiền mất giá nhiều nhất so với USD là JPY. Đối với tôi đó có vẻ như là một sự cố gắng trong “tuyệt vọng” của Trump để nâng đỡ thị trường chứng khoán trong bối cảnh bầu cử sắp tới và đó là chuyện mà đảng dân chủ không đời nào có thể để nó xảy ra, cho nên canh bán ra USD với nhịp điều chỉnh này là điều nên làm lúc này. Cặp tiền tốt nhất để giao dịch sẽ là USDJPY, cặp AUDUSD trông cũng rất hứa hẹn để giao dịch trong ngày cho dù về dài hạn chúng ta không nên long AUD do quyết định nới lỏng của RBA sẽ sớm được công bố trong thời gian tới. Chúng tôi đã thấy các quỹ phòng hộ mua AUDUSD và NZDUSD ngày hôm qua trong khi đó thì các quỹ tiền thật mua và bán CAD đồng thời. Các phát biểu của ngân hàng trung ương Úc có lẽ đã không “bồ câu” (dovish) như chúng ta kỳ vọng tuy nhiên việc giảm lãi suất là không thể tránh khỏi dù họ có muốn hay không. Hành động giá trên cặp USDCAD ngày hôm qua khá thú vị khi giới đầu cơ ngắn hạn có vẻ như đang mua lên ở mức 1.36 tuy nhiên tôi đang kỳ vọng sẽ có hành động chốt lời ở đồng tiền “dầu mỏ” này do đó có thể chúng ta sẽ thấy cặp tiền này tìm thấy hỗ trợ trong ngày hôm nay để mua lại. Hiện tại chiến thuật tốt nhất vẫn là giao dịch trong ngày (intraday) cho USD/CAD để tránh các rủi ro về chính trị.