Chủ tịch Fed Jerome Powell là người đưa ra quyết định độc lập, không dính dáng tới yếu tố chính trị?
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Cục Dự trữ Liên bang đã chứng minh rằng họ đang dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định về lãi suất.
Powell vẫn kiên trì với mục tiêu
Hy vọng của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay đã tan biến. Dữ liệu kinh tế quý vừa qua cho thấy cuộc chiến lạm phát vẫn chưa kết thúc; Việc Fed có nới lỏng chính sách hay không phụ thuộc vào dữ liệu, điều mà Jerome Powell và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sau đó, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 được công bố thấp hơn dự kiến, và điều này đủ để làm dấy lên hy vọng rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ quay trở lại bàn đàm phán - mặc dù theo hàm Xác suất Lãi suất Thế giới của Bloomberg, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 11.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất cho đến ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - và không có gì đáng ngạc nhiên khi các quyết định chính sách của Fed ngày càng được nhìn nhận qua lăng kính chính trị. Phe bảo thủ đã thẳng thắn chỉ trích Fed và đặt ra câu hỏi về việc liệu Fed có duy trì sự độc lập dưới chính quyền Trump thứ hai hay không.
Có những lý do chính đáng để đặt câu hỏi về sự độc lập của Fed hiện nay. Khi Powell được tái bổ nhiệm làm chủ tịch Fed, tiêu đề của chuyên mục này là Fed Đã Vượt Khỏi Tầm Kiểm Soát Chính Trị. Tuy nhiên, việc điều chỉnh trạng thái của Fed cần phải được tiến hành hết sức thận trọng, vì điều này có nguy cơ làm gia tăng bất ổn và làm xáo trộn thị trường vốn. Và hơn thế nữa, thật khó để phóng đại tính hữu ích của một ngân hàng trung ương độc lập. Việc chấm dứt sự ràng buộc giữa đồng USD với vàng vào năm 1971 đã dẫn đến một giai đoạn lạm phát khủng khiếp. Giá cả chỉ được kiểm soát sau khi Fed, dưới thời Paul Volcker, cho thấy họ sẵn sàng gây ra suy thoái. Kể từ đó, một ngân hàng trung ương độc lập được coi là yếu tố thiết yếu để duy trì niềm tin vào tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ có nhiều cáo buộc về việc chính trị hóa nếu Fed quyết định nới lỏng chính sách trước cuộc bầu cử dựa trên dữ liệu cho phép. Will Denyer của Gavekal Research nói rằng ông không thấy Fed từ bỏ quan điểm phụ thuộc vào dữ liệu của mình:
“Fed có thể thay đổi lãi suất ngay trước thềm bầu cử hay không? Câu trả lời ngắn gọn là họ đã từng làm điều đó nhiều lần trước đây. Liệu Powell, trong điều kiện bình thường, có muốn không can thiệp vào lãi suất ngay trước thềm bầu cử? Có lẽ có. Nhưng ông ấy vẫn có thể can thiệp nếu dữ liệu yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất. Liệu dữ liệu sẽ yêu cầu tăng hoặc giảm lãi suất trước thềm bầu cử? Đây là một câu hỏi lớn.
Theo Denyer, xu hướng giảm lạm phát rõ ràng vào năm ngoái dường như đã hợp lý hóa việc cắt giảm lãi suất, nhưng sau đó lạm phát lại tăng trở lại. Biểu đồ của Gavekal Research dưới đây cho thấy các hành động chính sách của Fed trước thềm các cuộc bầu cử trước đó.
Powell liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập của Fed. Như ông đã đề cập trong một bài phát biểu gần đây tại Đại học Stanford, sự độc lập này cho phép và yêu cầu Fed đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ mà không cần cân nhắc đến chính trị ngắn hạn. Thông thường, đây sẽ là phần kết của câu chuyện. Nhưng thực tế không phải vậy. Sự độc lập của Fed hiện đang nằm trong chương trình nghị sự chính trị, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người, và như mọi khi, các quyết định của ngân hàng trung ương đều có khả năng gây tổn hại đến vận mệnh chính trị. Vì vậy, Fed đã bị lôi kéo vào các cuộc đối thoại mang tính đảng phái, và sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc đối thoại này trong ít nhất sáu tháng tới.
Mặc dù Fed liên tục khẳng định sự trong sạch của mình nhưng họ vẫn không thể tránh khỏi những nghi ngờ. Tháng 12 năm ngoái, Powell đã có một động thái bất ngờ theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Động thái này đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai gần, và ngay lập tức đẩy lãi suất dài hạn giảm xuống. Nhưng Marko Papic, một chiến lược gia vĩ mô tại The Clocktower Group, lại cho rằng Fed "có động cơ chính trị" nhằm giúp đỡ Joe Biden:
“Không nhất thiết phải cắt giảm lãi suất để can thiệp vào chính trị - vấn đề là đảm bảo tư duy của họ tập trung vào ổn định, tăng trưởng và loại bỏ những rủi ro bất ngờ. Giống như Silicon Valley Bank, họ tập trung vào những điều này thay vì nhiệm vụ của họ, và rõ ràng một phần trong đó là kiềm chế lạm phát. Họ không quá cứng nhắc về lạm phát. Họ sẵn sàng chấp nhận lạm phát dai dẳng, có lẽ trong một thời gian khá dài. Và họ không còn thực sự quan tâm đến việc đưa lạm phát xuống dưới 2% nữa. Họ đã tạm thời bỏ qua điều đó trong 12 tháng trước thềm bầu cử. Đó chính là bản chất chính trị của họ.”
Một số nhà phân tích cho rằng động thái thay đổi chính sách bất ngờ vào tháng 12 là một “Fed put” mới - và cho rằng cuộc họp báo mới nhất của Powell sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Liên bang Mở (FOMC) có thể được coi là bằng chứng xác thực. Thật khó để giải thích chính xác “Fed put” là gì mà không cần dùng thêm nhiều thuật ngữ chuyên ngành khác. Alfonso Peccatiello của Macro Compass đã giải thích dễ hiểu hơn bằng cách tóm tắt nó như một tình huống mà cơ quan quản lý chính sách tiền tệ sẽ "hỗ trợ thị trường", và các nhà đầu tư sẽ biết rằng khi có bất kỳ dấu hiệu nào về sự suy yếu của thị trường, một đợt nới lỏng lớn sẽ diễn ra. Nhưng khi nền kinh tế hoặc lạm phát tăng tốc, Fed sẽ không phản ứng theo hướng siết chặt chính sách tiền tệ mà “chấp nhận để nền kinh tế nóng lên”. Ban đầu nó được gọi là “Greenspan Put” sau khi lãi suất quỹ liên bang biến động không ngừng để phản ứng với thị trường chứng khoán trong thập kỷ cuối cùng của Alan Greenspan với tư cách là chủ tịch Fed:
Trong suốt 25 năm kể từ khi mọi người bắt đầu bàn tán về "Greenspan put", thậm chí ngày càng nhiều tài sản của người dân Mỹ được đổ vào các quỹ hưu trí. Giờ đây, các chỉ số đảm bảo rằng mọi người sẽ biết ngay lập tức khi khoản đầu tư của họ bị mất giá. Do đó, bất kỳ sự suy thoái nào của thị trường cũng sẽ khiến các cử tri bất mãn. Điều đó đã thúc đẩy Fed hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Cho đến thời điểm hiện tại trong năm, thị trường có vẻ hoạt động tốt - mọi thứ vẫn ổn định giống như những gì Fed mong muốn. Nhiều người sẽ cho rằng đây là những toan tính liên quan đến chính trị phe phái, đặc biệt khi đối thủ của người đương nhiệm có kế hoạch hạn chế sự độc lập của Fed, điều mà chúng ta có thể cho rằng các quan chức Fed muốn tránh. Nhưng đó không phải là lý do đủ để nghi ngờ uy tín của Fed.
Như Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại PGIM Fixed Income lập luận, Fed đã chứng minh sự phụ thuộc của họ vào dữ liệu và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì khiến họ dễ bị tấn công chính trị. Rốt cuộc, bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng sẽ gây tổn hại không chỉ cho Powell mà con mà còn cho Fed với tư cách là một tổ chức.
“Mọi người rất dễ quy kết đây là vấn đề liên quan đến chính trị. Nhưng nếu tệ hơn thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed thực sự có cái nhìn sai lầm về những diễn biến kinh tế?”
Vì lợi ích của thị trường, điều quan trọng là Fed phải duy trì sự độc lập và uy tín của họ. Nhưng ngay cả khi họ muốn, họ cũng không thể làm gì nhiều để ngăn chặn những nghi ngờ này. Điều quan trọng là Fed nên giữ lời hứa và chủ động nhất có thể. Và trên phương diện đó, họ đã làm khá tốt.
Bloomberg