Danske Bank Research: Báo cáo việc làm và lạm phát Mỹ "chiếm sóng" tuần mới, khi cuộc bầu cử Mỹ và kỳ họp FOMC tháng 11 đã rất gần

Danske Bank Research: Báo cáo việc làm và lạm phát Mỹ "chiếm sóng" tuần mới, khi cuộc bầu cử Mỹ và kỳ họp FOMC tháng 11 đã rất gần

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:36 28/10/2024

Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn trong tuần

Hôm nay sẽ là một ngày khá im ắng về mặt dữ liệu khi không có báo cáo kinh tế quan trọng nào được công bố. Nhìn chung, tuần này được dự đoán sẽ tương đối yên bình trước "cơn bão" bầu cử Tổng thống Mỹ.

Những dữ liệu trọng tâm của tuần:

  • Thứ Ba: Báo cáo JOLTs (số lượng việc làm đang tuyển dụng) và chỉ số niềm tin người tiêu dùng CB của Mỹ.
  • Thứ Tư: Ước tính sơ bộ về tăng trưởng GDP Q3 cho cả Mỹ và Eurozone.
  • Thứ Năm: Dữ liệu lạm phát HICP Eurozone cho tháng 10 và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9.
  • Thứ Sáu: Báo cáo thị trường lao động Mỹ, đặc biệt là bảng lương phi nông nghiệp tháng 10; CPI của Thụy Sĩ.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Nhật Bản: Liên cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh đã chính thức mất thế đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 50 vào hôm qua, đánh dấu lần đầu tiên trong 15 năm họ mất vị thế này. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố rạng sáng nay cho thấy liên minh cầm quyền chỉ đạt được tổng cộng 215 ghế, thiếu 18 ghế để duy trì thế đa số. Đây được coi là thất bại lớn của liên minh cầm quyền, khi họ để mất tới 64 ghế tại Hạ viện, trong khi các đảng đối lập giành được thắng lợi với 71 ghế mới, phá thế đa số của đảng cầm quyền. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do phản ứng mạnh mẽ của công chúng trước các vụ bê bối về quỹ chính trị trong thời gian qua.

Mặc dù việc thành lập một chính phủ mới mà không có sự tham gia của LDP là điều khó xảy ra, nhưng kết quả bầu cử này đã tạo nên một bầu không khí đầy bất ổn trên chính trường Nhật Bản và điều này đã ngay lập tức được phản ánh trên thị trường tài chính. Cụ thể, USD/JPY đã nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 7 trong sáng nay trước khi giảm trở lại giao dịch quanh mức 153.00 tại thời điểm viết bài. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Nhật Bản kỳ hạn dài cũng tăng nhẹ. Một điểm đáng chú ý khác là cả Đảng Dân chủ vì Nhân dân và Đảng Đổi mới - hai đảng có khả năng đóng vai trò then chốt trong việc thành lập chính phủ liên minh - đều đã từng công khai chỉ trích quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng, diễn biến chính trường Nhật Bản sẽ tiếp tục là tâm điểm theo dõi trong tuần này bởi tác động tiềm tàng đến định hướng chính sách tiền tệ của BoJ trong thời gian tới.

Trung Đông: Cuối tuần qua, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Israel tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm quân sự của Iran. Đây được xem là động thái đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào ngày 01/10 mà Israel cho là do Iran chủ mưu. Phía Israel tuyên bố đã đạt được mục tiêu, trong khi Iran cho biết thiệt hại là không đáng kể. Giá dầu Brent rơi hơn 5.5%, xuống giao dịch quanh 71.20 USD/thùng tại thời điểm viết bài.

Pháp: Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp từ "ổn định" xuống "tiêu cực" do lo ngại về các vấn đề tài khóa của quốc gia này. Moody's cảnh báo rằng Pháp có nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm nếu chính phủ nước này không thể đưa ra một "chiến lược trung hạn khả thi nhằm cải thiện tình hình tài khóa hoặc thiếu tin cậy trong việc triển khai hiệu quả". Điều này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi Pháp đang có một chính phủ thiểu số và kế hoạch ngân sách cho năm 2025 vẫn chưa được thông qua.

Đức: Chỉ số Ifo - thước đo tâm lý kinh doanh tại Đức - đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 10, cho thấy tín hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất Eurozone. Cả hai thành phần đánh giá về tình hình hiện tại và kỳ vọng kinh doanh đều tăng, đạt lần lượt là 85.7 (dự kiến: 84.4) và 87.3 (dự kiến: 86.9). Mặc dù chỉ số Ifo nhìn chung vẫn ở mức thấp, nhưng kết quả khả quan này cùng với dữ liệu PMI tích cực trước đó đã mang đến tia hy vọng mong manh cho thấy nền kinh tế Đức có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất. Mặc dù đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về điều này, đồng thời không vội đưa ra các đánh giá lạc quan, bởi đây mới chỉ là dữ liệu của một tháng.

Eurozone: Dữ liệu tăng trưởng tín dụng tiếp tục cho thấy sự phục hồi trong tháng 9. Cụ thể tăng trưởng cho vay doanh nghiệp đạt 1.1% - cao nhất kể từ giữa năm 2023, trong khi cho vay hộ gia đình tăng 0.7% - cao nhất kể từ tháng 10/2023. Cung tiền M3 cũng tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt mức 3.2% (dự kiến: 3.0%, trước đó: 2.9%).

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, với 4 trên tổng số 5 phiên giao dịch trong sắc đỏ. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chu kỳ tiếp tục cho thấy sức mạnh vượt trội, trong khi chỉ số VIX (đo lường biến động của thị trường) đã vượt ngưỡng 20. Yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong tuần trước là báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty, đặc biệt là những con số khả quan từ Tesla đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu ô tô vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng hiệu suất trên Phố Wall. Mặc dù vậy, hiệu ứng lan tỏa từ Tesla sang các công ty khác cùng ngành tại Châu Âu là khá hạn chế. Biến động gia tăng trên thị trường cũng được cho là do tâm lý lo ngại khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần, thay vì phản ứng với dữ liệu kinh tế vĩ mô hay vi mô. Kết phiên thứ Sáu, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0.6% và 0.03%; trong khi Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.6% và 0.5%. Chứng khoán Châu Á diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần, với điểm sáng là thị trường Nhật Bản khi Yên Nhật suy yếu sau thất bại của liên minh cầm quyền.

Lợi suất TPCP Mỹ

Lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Sáu, với khoảng 6 bps từ mức thấp trong ngày, cho cả kỳ hạn 2 năm và 10 năm. Xu hướng tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên Á hôm nay. Nguyên nhân chính dẫn đến đà bán tháo trên thị trường TPCP Mỹ là do lo ngại về khả năng ông Trump tái đắc cử. Bên cạnh đó, báo cáo hàng quý từ Bộ Tài chính Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này cũng có thể gây thêm áp lực lên tâm lý thị trường. Chưa kể, thị trường còn phải đối mặt với một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố trong tuần.

Ngoại hối

EUR/USD: USD tiếp tục mạnh lên, với chỉ số DXY ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, trong khi EUR/USD giảm từ 1.1150 xuống khoảng 1.0800 vào tháng 10. Cuộc tấn công trả đũa từ phía Israel nhằm vào Iran dường như không tạo ra quá nhiều biến động trên thị trường ngoại hối. Sang tuần này, tâm điểm chú ý sẽ chuyển sang báo cáo thị trường lao động Mỹ, đặc biệt là bảng lương phi nông nghiệp dự kiến được công bố vào thứ Sáu, trước thềm bầu cử Mỹ và cuộc họp FOMC diễn ra vào tuần sau.

Hiện tại, nguy cơ lạm phát tại Mỹ nóng trở lại, đặc biệt là sau cuộc bầu cử, đang đóng vai trò là điểm tựa vững chắc cho đà tăng của USD. Diễn biến này khá giống với giai đoạn hồi tháng 6-7, khi dữ liệu công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong Q2, đã khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) buộc phải giữ nguyên lãi suất bất chấp kỳ vọng trước đó của thị trường về việc họ sẽ sớm bắt đầu chu kỳ nới lỏng sau thời gian dài thắt chặt chính sách. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Mỹ được cho là đang trên đà “tăng trưởng nóng”, làm dấy lên lo ngại áp lực lạm phát quay trở lại. Dù vậy, dữ liệu kinh tế Mỹ suy yếu hơn trong tháng 8 đã phần nào xoa dịu những lo ngại này.

Có thể thấy, thị trường dường như đã phản ứng thái quá trước những dữ liệu tích cực vào giữa năm khi lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Sau đó, tiếp tục là sự phản ứng thái quá trước những dữ liệu tiêu cực vào giai đoạn tháng 8-9 khi lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng". Giờ đây, thị trường có thể lại đang phản ứng thái quá một lần nữa khi lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Kịch bản cơ sở của chúng tôi là nền kinh tế Mỹ sẽ có một cú “hạ cánh mềm”, mặc dù không loại trừ khả năng lạm phát có thể nóng trở lại, nhất là khi chính quyền mới hậu bầu cử có thể sẽ đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng như giảm thuế hoặc tăng thuế quan. Những rủi ro này có thể đã được phản ánh phần nào vào giá, cùng với những bất ngờ tích cực từ dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây, đã đẩy lợi suất TPCP Mỹ và USD tăng cao. Về ngắn hạn, chúng tôi cho rằng EUR/USD có thể sẽ tiếp tục giảm, với cuộc bầu cử Mỹ được xem là một ẩn số khó lường và tiềm ẩn nhiều biến động mạnh.

EUR/CHF: Cặp tiền này đã giao dịch trong biên độ khá hẹp trong vài tuần qua, quanh mức 0.9350. Sự kiện đáng chú ý nhất đối với CHF trong tuần này là báo cáo lạm phát tháng 10, dự kiến được công bố vào thứ Sáu. Lạm phát lõi của Thụy Sĩ hiện đang ở mức 0.8% so với cùng kỳ, nằm trong vùng trung bình thấp của mục tiêu 0-2% mà Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đề ra. Kỳ vọng chung cho rằng lạm phát tháng 10 của Thụy Sĩ sẽ giữ nguyên ở mức 0.8%, thấp hơn so với dự báo 1.0% của SNB. Vì còn một báo cáo lạm phát nữa sẽ được công bố trước cuộc họp chính sách tiếp theo của SNB vào tháng 12, phản ứng của thị trường đối với báo cáo lạm phát tuần này có thể sẽ khá hạn chế, trừ khi có bất ngờ giảm mạnh. Chúng tôi giữ nguyên quan điểm rằng SNB sẽ đưa lãi suất về 0.5% vào tháng 03/2025. Do đó, chênh lệch lãi suất thu hẹp sẽ hỗ trợ cho CHF. Mục tiêu của chúng tôi cho EUR/CHF là 0.9100 trong 12 tháng tới.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ