Danske Bank Research: Bế tắc chính trị Pháp, dữ liệu kinh tế Mỹ và thông điệp từ Chủ tịch Fed Jerome Powell - một đêm bận rộn của thị trường!

Danske Bank Research: Bế tắc chính trị Pháp, dữ liệu kinh tế Mỹ và thông điệp từ Chủ tịch Fed Jerome Powell - một đêm bận rộn của thị trường!

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:45 04/12/2024

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Pháp - Michel Barnier sẽ là tâm điểm chú ý trong ngày hôm nay, dự kiến diễn ra vào lúc 22:00 theo giờ Việt Nam. Với việc Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của Marine Le Pen tuyên bố ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Pháp hiện tại nhiều khả năng sẽ sụp đổ vào tối nay. Nếu điều này xảy ra, Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với bài toán khó khăn trong việc bổ nhiệm một Thủ tướng mới, người có thể trụ vững trước các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Bế tắc chính trị hiện tại ở Pháp có thể sẽ kéo dài, khiến các cải cách lớn khó có thể được thông qua.

Chiều nay, dữ liệu việc làm khu vực tư nhân ADP và chỉ số PMI dịch vụ ISM của Mỹ cho tháng 11 sẽ được công bố. Dữ liệu từ ADP sẽ phần nào hé lộ những gì mà chúng ta có thể kỳ vọng từ báo cáo việc làm phi nông nghiệp NFP công bố vào thứ Sáu, trong khi số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn cho thấy một thị trường lao động vững chắc. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi xem chỉ số PMI dịch vụ có tăng mạnh tương tự như PMI sản xuất đã công bố trước đó hay không. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed - Jerome Powell, sẽ tham gia một buổi phỏng vấn vào đêm nay tại sự kiện do tờ New York Times tổ chức.

Về phía Eurozone, trọng tâm sẽ hướng vào chỉ số PMI dịch vụ và PMI tổng hợp chính thức cho tháng 11. Chỉ số PMI sản xuất được công bố hôm thứ Hai vẫn giữ nguyên ở mức 45.2 như dự kiến. Các số liệu sơ bộ đã tạo ra những phản ứng đáng kể trên thị trường, do đó chúng tôi đang theo dõi sát sao bản công bố chính thức này.

Những diễn biến đáng chú ý gần đây

Úc

GDP Q3 tăng 0.3% so với quý trước, thấp hơn mức dự báo 0.5%. So với cùng kỳ, tăng trưởng GDP đạt mức 0.8%. Mặc dù vậy, GDP bình quân đầu người lại thấp hơn 0.3% so với quý trước, đánh dấu quý suy giảm thứ bảy liên tiếp. Trưởng bộ phận Tài khoản Quốc gia tại Cục Thống kê Úc - Katherine Keenan, nhận định: "Nền kinh tế Úc mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng trong 12 quý liên tiếp, nhưng xu hướng đã chậm lại kể từ tháng 09/2023."

Trung Quốc

Chỉ số PMI dịch vụ Caixin tháng 11 giảm nhẹ từ mức 52.0 trong tháng 10 xuống 51.5, do việc mở rộng hoạt động kinh doanh mới chậm lại và lo ngại về khả năng chính quyền Trump áp đặt thêm thuế quan.

Hàn Quốc

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bất ngờ tuyên bố thiết quân luật, nhắm vào “những thế lực chống phá nhà nước thân Bắc Triều Tiên”. Người dân đã xuống đường biểu tình và chỉ vài giờ sau, Tổng thống Yoon đã rút lại tuyên bố, chấp thuận quyết định bác bỏ thiết quân luật của Quốc hội. USD/KRW tăng chạm mức cao nhất trong hai năm, tuy nhiên đã giảm trở lại sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ. Các nhà lập pháp hiện đang kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức hoặc đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

Mỹ

Số lượng việc làm trống (JOLTs) tháng 10 cao hơn dự kiến, mặc dù có sự điều chỉnh giảm. Mặc dù tuyển dụng thực tế giảm từ 5.6 triệu xuống còn 5.3 triệu, nhưng số lượng sa thải không tự nguyện cũng giảm từ 1.8 triệu xuống 1.6 triệu so với tháng trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ việc làm trống trên số người thất nghiệp vẫn ở mức 1.11 lần, gần với mức trung bình trong năm tháng qua. EUR/USD giảm nhẹ sau khi số liệu được công bố.

Hai nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là Mary Daly và Loretta Mester đều cho rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2%, nhưng không đưa ra bất kỳ thông điệp nào về việc liệu họ có ủng hộ một đợt cắt giảm lãi suất nữa tại cuộc họp tháng 12 hay không. Các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất hiện đang dự đoán mức cắt giảm chưa đến 20 bps cho cuộc họp sắp tới. Dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp cuối cùng của năm 2024.

Thụy Sĩ

Lạm phát tháng 11 đúng như kỳ vọng, với chỉ số toàn phần tăng 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 0.7%, tháng trước: 0.6%), trong khi lõi tăng 0.9% (dự báo: 0.9%, tháng trước: 0.8%). Cần lưu ý rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) dự báo lạm phát Q4 ở mức 1.0%, do đó, lạm phát thực tế một lần nữa thấp hơn dự báo của SNB. EUR/CHF gần như không đổi sau khi số liệu được công bố, với kỳ vọng thị trường chia đều giữa dự đoán cắt giảm lãi suất 25 bps và 50 bps tại cuộc họp tiếp theo trong tháng 12. Giờ đây, yếu tố then chốt sẽ là diễn biến tiếp theo của tỷ giá CHF thực tế, bởi nó đóng vai trò lớn đối với lạm phát nhập khẩu.

Chứng khoán

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm hôm qua, với các thị trường Châu Á và Châu Âu đều tỏ ra vượt trội so với thị trường Mỹ. Cổ phiếu chu kỳ tiếp tục thể hiện tốt hơn cổ phiếu phòng thủ, nới rộng khoảng cách vốn đã rất lớn trong hai năm qua. Đồng thời, chỉ số đo lường biến động VIX cũng giảm từ mức thấp sẵn có. Điều này phản ánh môi trường vĩ mô thuận lợi và sự lạc quan xoay quanh chính quyền mới của Mỹ, khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro hơn, đẩy thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục mới. Riêng về mặt dữ liệu, báo cáo quan trọng tiếp theo có thể làm gián đoạn xu hướng hiện tại không đâu khác chính là bảng lương phi nông nghiệp NFP công bố vào thứ Sáu. Kết phiên hôm qua, chỉ số Dow Jones và Russell 2000 giảm lần lượt 0.2% và 0.7%, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt ghi nhận mức tăng 0.1% và 0.4%. Hầu hết các thị trường Châu Á đều tăng điểm, ít nhất là cho đến đầu giờ chiều nay, ngoại trừ Hàn Quốc. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng cho thấy xu hướng tăng điểm, trong khi thị trường Châu Âu có diễn biến trái chiều.

Lợi suất

Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) toàn cầu biến động nhẹ hôm qua mặc cho bất ổn chính trị diễn ra ở Pháp và Hàn Quốc, cũng như những bài phát biểu từ các quan chức Fed rằng họ vẫn đang cân nhắc cắt giảm lãi suất, nhưng không đưa ra tín hiệu rõ ràng nào về khả năng này tại cuộc họp tháng 12. Do đó, thị trường giờ đây đang tập trung theo dõi dữ liệu thị trường lao động công bố vào thứ Sáu, cũng như thông điệp từ Chủ tịch Fed - Jerome Powell trong cuộc phỏng vấn đêm nay để tìm kiếm thêm manh mối.

Ngoại hối 

Kết phiên hôm qua, EUR/USD dừng chân ở mức cao hơn 1.0500 một chút sau khi dữ liệu JOLTs được công bố vượt kỳ vọng. EUR/CHF gần như không đổi sau khi dữ liệu lạm phát tháng 11 của Thụy Sĩ đúng như dự báo. USD/CNY tiếp tục tăng do kỳ vọng chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc phân kỳ trở lại, cũng như lo ngại về việc chính quyền Trump áp thêm thuế quan.

Hôm qua chúng tôi đã khuyến nghị long GBP/USD trong ngắn hạn. Chúng tôi nhận thấy khả năng USD sẽ suy yếu tạm thời, do vị thế mua ròng đồng tiền này đang ở mức quá nhiệt, cùng với các yếu tố mùa vụ tiêu cực và khả năng Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 12. Bên cạnh đó, luận điểm chính cho việc long GBP/USD vẫn dựa trên đà tăng trưởng kinh tế Anh và lập trường chính sách tiền tệ diều hâu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), những yếu tố khiến GBP trở nên hấp dẫn hơn. Chúng tôi khuyến nghị long GBP/USD giao ngay trong ngắn hạn, thời gian nắm giữ từ 1-3 tháng (mức tham chiếu 1.2650, cắt lỗ cứng là 1.2295 và mục tiêu chốt lời là 1.3300).

EUR/CHF khép lại phiên giao dịch giảm nhẹ sau dữ liệu lạm phát tháng 11 không mấy bất ngờ, với áp lực lạm phát hàng tháng tăng nhẹ ở cả chỉ số toàn phần và lõi. Đáng nói, lạm phát đang thấp hơn mức dự báo 1.0% của SNB cho Q4. Hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng SNB cắt giảm lãi suất 50 bps hơn là 25 bps tại cuộc họp tháng 12, với mức định giá tính đến thời điểm viết bài là 39 bps. Chúng tôi cho rằng mức định giá này sẽ không thay đổi nhiều cho đến khi cuộc họp diễn ra, và yếu tố then chốt cần theo dõi tiếp theo sẽ là diễn biến của tỷ giá CHF thực tế, bởi nó đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát nhập khẩu. Về thị trường ngoại hối, chúng tôi cho rằng việc SNB cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps đều không có tác động đáng kể đến EUR/CHF. Với triển vọng chênh lệch lãi suất thu hẹp trong năm tới, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một trở ngại đối với EUR/CHF khi bước sang năm 2025. Cùng với các yếu tố nền tảng vững chắc, chúng tôi dự báo cặp tiền này sẽ giảm về mục tiêu 0.9100 trong những tháng tới.

USD/CNY tiếp tục tăng do kỳ vọng chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc phân kỳ trở lại, cùng với lo ngại về việc chính quyền Trump tăng thuế. Phiên hôm qua, tỷ giá đã có thời điểm tăng chạm mức cao nhất trong hơn một năm là 7.2916 trước khi đóng cửa tại 7.2853 và thoái lui về giao dịch quanh 7.2670 tại thời điểm viết bài. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục, mặc dù có thể tạm thời chững lại trong thời gian tới bởi thị trường có thể đang quá bi quan về chính sách tiền tệ của Fed. Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng lãi suất trung lập trong dài hạn của Fed là gần 4%, mức mà chúng tôi cho là quá cao. Dẫu vậy, khi thuế quan của Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc bắt đầu tăng trong năm mới, xu hướng hiện tại của USD/CNY có thể sẽ tiếp diễn. Mục tiêu 12 tháng của chúng tôi cho USD/CNY là 7.4000, với rủi ro nghiêng về chiều tăng nếu chiến tranh thương mại leo thang mạnh hơn dự báo. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang tiếp tục can thiệp vào thị trường bằng cách giữ tỷ giá trung tâm USD/CNY ổn định thay vì thả nổi theo thị trường tự do, và đây là điều họ thường làm khi muốn kiềm chế sức nóng của tỷ giá.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ