Danske Bank Research: Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở một tuần giao dịch "nghẹt thở" với loạt sự kiện "trọng đại"?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm chính
Chiều nay, báo cáo từ Sentix sẽ cung cấp tín hiệu đầu tiên về niềm tin của nhà đầu tư tại Châu Âu trong tháng 12.
Sáng mai, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ có một cuộc họp chính sách tiền tệ. Chúng tôi dự đoán RBA sẽ giữ nguyên lãi suất, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với dự báo chung của thị trường. Hiện tại, thị trường đang định giá một xác suất rất thấp, chỉ khoảng 10% cho việc RBA bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này.
Nhìn chung, tuần này sẽ rất sôi động với nhiều báo cáo kinh tế quan trọng. Về phía Trung Quốc, những nhà lãnh đạo cấp cao sẽ họp vào thứ Tư và thứ Năm để bàn về các ưu tiên kinh tế cho năm tới. Ngoài ra, tâm điểm chú ý vào thứ Tư còn có báo cáo CPI của Mỹ cho tháng 11, và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng sẽ công bố quyết định về lãi suất trong cùng ngày. Sang thứ Năm, điểm nhấn đầu tiên sẽ là quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB). Sau đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố lãi suất tiền gửi vào tối cùng ngày. Sáng thứ Sáu, chúng ta sẽ có kết quả khảo sát Doanh nghiệp Tankan hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Dữ liệu lạm phát tháng 11 yếu hơn dự kiến, đạt mức 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 0.5%), và giảm 0.6% so với tháng trước (dự báo: giảm 0.4%). Giá thực phẩm tươi sống hạ nhiệt và tình trạng suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất là những yếu tố chính góp phần vào kết quả trên.
Mỹ
Sau những ảnh hưởng của bão và đình công, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp NFP vào thứ Sáu đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi của thị trường lao động. Số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 11 vượt kỳ vọng ở mức 227,000 (dự báo: 200,000). Ngoài ra, số liệu của hai tháng trước đó đã được điều chỉnh tăng tổng cộng 56,000 việc làm. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp, vốn ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính nhất thời, đã tăng lên 4.2% trong tháng 11. Đồng thời, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống 62.5%, trái ngược với mức tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến. Sau cùng, tăng trưởng tiền lương không đổi ở mức 0.4% so với tháng trước (dự báo: 0.3%). Nhìn chung, sự tăng nhẹ của tỷ lệ thất nghiệp củng cố dự báo của chúng tôi về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tuần tới.
Sau khi báo cáo NFP được công bố, nhiều quan chức Fed đã có bài phát biểu. Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - Mary Daly (thuộc phe diều hâu và có quyền biểu quyết), nhận định rằng thị trường lao động đang mạnh và bà không phản đối việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Mặc dù vậy, bà kêu gọi một cách tiếp cận thận trọng hơn một khi lãi suất chính sách gần chạm đến mức trung lập. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed - Michelle Bowman (thuộc phe diều hâu và có quyền biểu quyết) và Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland - Loretta Mester (có quyền biểu quyết), cũng đồng tình với lập trường thận trọng, từng bước trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động ổn định. Cuối cùng, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Austan Goolsbee (thuộc phe ôn hòa và không có quyền biểu quyết) chia sẻ, ông dự kiến lãi suất sẽ giảm đáng kể trong năm tới và lưu ý rằng nếu lạm phát bất ngờ tăng vọt hoặc thị trường lao động đột ngột thắt chặt, lộ trình của Fed có thể sẽ thay đổi.
Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng đã tăng tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 12, lên mức 74, trong khi kỳ vọng lạm phát lại diễn biến trái chiều. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát 1 năm tăng lên 2.9% (trước đó: 2.6%), trong khi kỳ vọng lạm phát 5 năm giảm nhẹ xuống 3.1% (trước đó: 3.2%).
Eurozone
Mức tăng lương bình quân, thước đo về tiền lương ưa thích của ECB, đã hạ nhiệt còn 4.4% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q3 - gần như phù hợp với dự báo của ECB hồi tháng 9 là 4.5%. Với mức tăng so với quý trước là 0.9% sau khi điều chỉnh theo mùa, đà tăng lương cũng đang chậm lại, ủng hộ quan điểm cho rằng lạm phát cơ bản đang tiến dần về mục tiêu 2.0%.
Về tổng thể, thị trường lao động Eurozone vẫn chống chịu tốt trong Q3 với việc làm tăng 0.2% so với quý trước. Dù vậy, số giờ làm việc không thay đổi so với quý trước, cho thấy nhiều lao động đang làm việc theo các chương trình ngắn hạn và thị trường lao động tổng thể vẫn trì trệ. Ngoài ra, có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, với việc làm tăng ở Tây Ban Nha, nhưng giảm ở Đức. Mặc dù chúng tôi dự kiến thị trường lao động sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm tới, nhưng nhìn chung, vẫn sẽ ở trạng thái tốt so với trước đây, qua đó hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng cá nhân.
Cuối cùng, dữ liệu GDP cho thấy sức mua nội địa bất ngờ mạnh lên với đầu tư tăng 2.0% so với quý trước (dự báo: giảm 0.5%), trong khi chi tiêu hộ gia đình tăng 0.7% (dự báo: 0.6%). Mặc dù đây là tín hiệu tốt, vì sức mua nội địa được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm tới, nhưng chúng tôi vẫn thận trọng vì dữ liệu có thể biến động theo từng quý. Song, trên thực tế, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong nửa đầu năm 2025 do lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, người tiêu dùng thận trọng và nền kinh tế Đức yếu kém.
Đức
Sản xuất công nghiệp tháng 10 bất ngờ giảm 1.0% so với tháng trước sau khi điều chỉnh theo mùa (dự báo: tăng 1.2%), phản ánh lĩnh vực sản xuất vốn đang gặp nhiều khó khăn của Đức.
Trung Đông
Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ khi quân nổi dậy Syria chiếm được thủ đô Damascus. Assad và gia đình được cho là đang ở Moscow, nơi họ được đề nghị tị nạn. Sự kết thúc của chế độ độc tài gia đình trị Assad là một thất bại nữa cho liên minh Nga-Iran, và là một chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ lâu đã ủng hộ phe đối lập Syria. Chính quyền mới có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tái thiết quan hệ đối ngoại. Nhóm đối lập vũ trang chính - Hayat Tahrir al-Sham (HTS), ban đầu là một nhánh của Al-Qaeda, bị cả Mỹ và EU liệt vào danh sách khủng bố. Các quốc gia vùng Vịnh cũng phản đối HTS. Do đó, bất ổn vẫn còn hiện hữu.
Hàn Quốc
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã vượt qua cuộc luận tội vào cuối tuần trước, khi các thành viên của đảng ông - đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Đại diện PPP tuyên bố rằng Yoon sẽ bị đình chỉ công tác, và họ sẽ tìm một cách "có trật tự, cũng như trách nhiệm hơn" để thương lượng về sự ra đi của ông.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu nhìn chung tăng điểm vào thứ Sáu, với chỉ số MSCI World tăng 1.5% cho cả tuần. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chu kỳ vượt trội hơn so với nhóm phòng thủ 1.0% vào thứ Sáu và gần 4.0% trong cả tuần trước. Điều này là khá bất thường, đặc biệt khi xét đến việc 7 trong số 10 lĩnh vực đã giảm điểm trong tuần trước. Do đó, có thể thấy động lực thị trường hiện tại đang khá ‘cô đặc”, chủ yếu được dẫn dắt bởi ba lĩnh vực có trọng số lớn: công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ truyền thông.
Mặc dù vậy, nếu nhìn ra ngoài nước Mỹ, chỉ số Stoxx 600 đã cho thấy sự vượt trội so với S&P 500 trong tuần trước và thị trường chứng khoán Châu Âu cũng cho thấy sắc xanh trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực. Với dữ liệu NFP khả quan vào thứ Sáu, chỉ số đo lường biến động CBOE (VIX) tiếp tục giảm về dưới mức 13. Kết phiên thứ Sáu, riêng chỉ số Dow Jones giảm 0.3%, trong khi S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.3%, 0.8% và 0.5%. Cho đến đến đầu giờ chiều nay, chứng khoán Châu Á hầu hết giảm điểm, dẫn đầu là thị trường Hàn Quốc, do lục đục chính trị vẫn tiếp diễn. Mặt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và Châu Âu gần như đi ngang, và các thị trường tài chính dường như không mấy quan tâm đến tin tức về Syria hồi cuối tuần.
Ngoại hối
EUR/USD tăng nhẹ ngay sau khi báo cáo việc làm trái chiều hôm thứ Sáu được công bố. Dẫu vậy, cặp tiền này đã nhanh chóng đảo chiều sau đó và hiện vẫn giao dịch trong khoảng 1.0500-1.0600. Với diễn biến việc làm phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp như đã đề cập ở trên, phản ứng của thị trường có phần nghiêng về tâm lý ôn hòa, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn giảm. Kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất 25 bps vào cuộc họp tuần tới theo đó cũng được củng cố, với mức định giá trên thị trường OIS hiện rơi vào khoảng 21 bps.
Ở tuần này, trọng tâm sẽ chuyển sang dữ liệu CPI tháng 11 của Mỹ, bên cạnh cuộc họp của ECB vào thứ Năm, nơi chúng tôi dự đoán một đợt cắt giảm lãi suất 25 bps đi kèm thông điệp ôn hòa. Kỳ vọng về động thái hạ lãi suất 25 bps từ cả Fed và ECB trong tháng này sẽ giúp hạn chế rủi ro suy giảm trong ngắn hạn đối với EUR/USD. Ngoài ra, mô hình phân tích ngắn hạn của chúng tôi cho thấy EUR/USD đang bị bán quá mức, khiến USD dễ chịu áp lực tương tự, đặc biệt nếu khẩu vị rủi ro cải thiện hơn nữa vào cuối năm. Bên cạnh đó, các yếu tố theo mùa cũng ủng hộ cho kịch bản giảm đối với USD. Do đó, chúng tôi cho rằng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong tháng tới, phù hợp với khuyến nghị long GBP/USD giao ngay được đưa ra vào tuần trước, với mức tham chiếu là 1.2650.
EUR/CHF
Sự kiện quan trọng nhất đối với thị trường Thụy Sĩ trong tuần này sẽ là cuộc họp của SNB vào thứ Năm (12/12). Chúng tôi dự kiến SNB sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps lần thứ tư liên tiếp tại cuộc họp đầu tiên có sự góp mặt của ông Thomas J. Jordan với tư cách là Chủ tịch SNB, đưa lãi suất chính sách xuống còn 0.75%. Hiện tại, thị trường đang định giá mức cắt giảm khoảng 35 bps cho cuộc họp này, và dự báo chung nghiêng về 25 bps hơn là 50 bps.
Dữ liệu công bố gần đây cho thấy, lạm phát liên tục thấp hơn dự báo của SNB, với ước tính toàn phần và lõi hiện ở mức lần lượt là 0.7% và 0.9 (thấp hơn dự báo 1.0% cho Q4) so với cùng kỳ năm ngoái. CHF vẫn duy trì sức mạnh so với đồng tiền các đối tác thương mại chính, đặc biệt là EUR, gây áp lực giảm phát lên nền kinh tế Thụy Sĩ, và với đà tăng trưởng yếu ớt tại Eurozone, khả năng cao sẽ cần một đợt cắt giảm lãi suất nữa. Chúng tôi cho rằng CHF sẽ mạnh lên sau quyết định này. Đồng thời, dự kiến SNB sẽ giữ nguyên lập trường rằng “việc cắt giảm lãi suất thêm có thể sẽ trở nên cần thiết trong các quý tới để đảm bảo lạm phát ổn định". Vì vậy, chúng tôi dự báo một đợt hạ lãi suất nữa vào tháng 03/2025, với khả năng nghiêng về mức cắt giảm sâu hơn. Về triển vọng, chúng tôi cho rằng việc SNB cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps tại cuộc họp sắp tới đều sẽ không gây ra biến động đáng kể đối với EUR/CHF. Mặc dù vậy, với triển vọng chênh lệch lãi suất thu hẹp trong năm tới, đây sẽ là một trở ngại lớn hơn đối với EUR/CHF khi bước sang năm 2025. Kết hợp với các yếu tố cơ bản mạnh mẽ, chúng tôi dự báo cặp tiền này sẽ tiến dần về mức 0.9100 trong những tháng tới.
Danske Bank Research