Danske Bank Research: Đón chờ chỉ số tâm lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, quyết định lãi suất RBNZ, bên cạnh phản ứng của Israel

Danske Bank Research: Đón chờ chỉ số tâm lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, quyết định lãi suất RBNZ, bên cạnh phản ứng của Israel

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:18 08/10/2024

Nhận định của Danske Bank Research.

Những điểm chính

Mỹ: Sự chú ý đổ dồn về chỉ số niềm lạc quan kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ từ NFIB cho tháng 9, đặc biệt là nhận định của các nhà tuyển dụng về thị trường lao động.

New Zealand: Dự kiến RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 50 bps vào sáng mai. Mặc dù giới chuyên gia vẫn chia rẽ quan điểm giữa hai mức 25 và 50 bps, nhưng thị trường đã nghiêng về bước giảm lớn hơn.

Diễn biến đáng chú ý gần đây

Trung Quốc: Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc bày tỏ sự tự tin vào khả năng đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay. Ông cho biết một phần ngân sách năm 2025 sẽ được giải ngân ngay trong năm nay để hỗ trợ các dự án. Đó là lý do mà kể từ cuối tháng 9, chính phủ đã đẩy mạnh các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông chia sẻ thêm rằng, chìa khóa để xoay chuyển tình thế là chặn đứng cuộc khủng hoảng nhà đất - tâm điểm của những thách thức hiện tại. Chúng tôi dự báo thị trường nhà đất Trung Quốc sẽ cải thiện dần dần trong năm tới, nhưng đặc biệt lưu ý đà phục hồi này sẽ diễn ra một cách chậm rãi. Ngoài ra, tuần trước, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4.8% lên 5.2% trong năm 2024. Dẫu vậy, việc thiếu chi tiết trong các kế hoạch đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Trung Đông: Giao tranh giữa Hezbollah và Israel leo thang nghiêm trọng, đánh dấu một năm sau vụ tấn công của Hamas vào Israel (07/10/2023). Hezbollah tuyên bố đã nhắm mục tiêu vào một căn cứ quân sự phía nam thành phố Haifa của Israel bằng tên lửa. Israel đã xác nhận vụ tấn công. Giờ đây, thế giới vẫn đang chờ đợi phản ứng của Israel đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran một tuần trước.

Phản ứng này có thể sẽ quyết định cục diện của cuộc xung đột. Giới phân tích nhận định, một cuộc tấn công của Israel nhắm vào mục tiêu quân sự của Iran có thể diễn lại những gì đã xảy ra vào tháng 4 và với kịch bản lạc quan nhất, sẽ khiến Iran phải kiềm chế các động thái đáp trả. Mặt khác, nếu Israel tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, xung đột có thể sẽ leo thang nghiêm trọng, đẩy thị trường năng lượng toàn cầu vào bất ổn. Mặc dù nguồn cung từ Iran chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, nhưng tác động ngắn hạn của một cuộc tấn công là không thể xem thường. Dẫu vậy, về dài hạn, Ả Rập Xê Út – quốc gia nắm giữ phần lớn công suất dự phòng – đã sẵn sàng tăng cường sản xuất để bù đắp sản lượng thiếu hụt, giúp thị trường dầu mỏ sớm tìm lại trạng thái cân bằng.

Châu Âu: Chỉ số tâm lý nhà đầu tư Sentix cho thấy sự cải thiện trong tháng 10 sau ba tháng giảm liên tiếp, tuy nhiên, vẫn ở mức tương đối thấp.

Đức: Đơn đặt hàng nhà máy giảm mạnh hơn dự kiến, báo hiệu ngành sản xuất của Đức sẽ chưa thể phục hồi trong những tháng tới. Các đơn đặt hàng đã giảm 5.8% so với dự báo và kỳ trước lần lượt là 2.0% và 2.9%. Mặt khác, dữ liệu sản xuất công nghiệp tháng 8 vừa được công bố lại cho thấy sự khởi sắc khi tăng 2.9%, vượt xa dự báo và con số âm của kỳ trước, cũng như mức trung bình nhiều tháng qua.

Chứng khoán 

Nhìn chung, chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, kéo theo sắc đỏ của các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Ngược lại, các thị trường chứng khoán Châu Âu, Đông Á và Nhật Bản đều ghi nhận diễn biến tích cực.

Đi sâu vào phân tích hiệu suất của các ngành trong phiên giao dịch hôm qua, chúng ta có thể thấy rõ động lực chi phối thị trường hiện tại. Nhóm phòng thủ chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong phiên bán tháo, cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt từ việc lợi suất TPCP tăng do thị trường tiếp tục định giá lại lộ trình chính sách của Fed theo hướng diều hâu hơn. Chưa kể, đà tăng phi mã của giá dầu thô và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần (chưa đầy một tháng nữa) đã góp phần làm gia tăng bất ổn trên thị trường, đẩy chỉ số đo lường sự biến động VIX lên mức 23.

Kết phiên giao dịch ngày hôm qua, các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều chìm trong sắc đỏ với Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 giảm lần lượt 0.9%, 1.0%, 1.2% và 0.9%. Bước sang phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc bật tăng mạnh mẽ sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Cổ phiếu đại lục tăng vọt khoảng 5.0% tại thời điểm viết bài. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu H (H-Shares) niêm yết tại Hồng Kông giảm 5.0% do giới đầu tư thất vọng trước việc chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có động thái mới về các biện pháp kích thích kinh tế sau kỳ nghỉ lễ. Cùng lúc đó, hợp đồng tương lai chứng khoán Châu Âu giảm điểm đáng kể. Nguyên nhân có thể là do phản ứng dây chuyền từ diễn biến kém sắc của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối phiên giao dịch ngày hôm qua. Mặt khác, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ gần như đi ngang.

Kỳ vọng lãi suất

Việc định giá lại kỳ vọng về chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra khi lợi suất TPCP toàn cầu mở rộng đà tăng do dữ liệu thị trường lao động Mỹ khả quan hơn dự kiến vào tuần trước và diễn biến giá dầu thô. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng khoảng 8 bps; trong khi kỳ hạn 10 và 30 năm tăng lần lượt 5 và 6 bps. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Châu Âu.

Ngoại hối

EUR/USD củng cố ngay dưới mốc 1.1000 trong bối cảnh khởi đầu tuần giao dịch trầm lắng. Chỉ số DXY gần như không biến động sau tuần tăng điểm mạnh nhất trong hai năm. Cặp tiền này có thể sẽ tiếp tục giằng co dưới mốc 1.1000 do không có chất xúc tác nào đủ mạnh để bẻ gãy xu hướng tăng gần đây của USD, trừ khi có bất ngờ về số liệu CPI của Mỹ vào thứ Năm. Mặt khác, EUR/GBP tăng sau khi báo cáo của KPMG/REC cho thấy nhiều hơn các dấu hiệu hạ nhiệt trong tăng trưởng tiền lương và sự suy yếu của thị trường lao động.

NZD/USD tiếp tục giảm nhẹ trước thềm quyết định lãi suất của RBNZ vào sáng mai. Dự kiến RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 50 bps vào sáng mai. Mặc dù giới chuyên gia vẫn chia rẽ quan điểm giữa hai mức 25 và 50 bps, nhưng thị trường đã nghiêng về bước giảm lớn hơn. Cách đây chưa đầy nửa năm tại cuộc họp chính sách hồi tháng 5, RBNZ đã tuyên bố lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ rơi vào năm 2025, nhưng sau đó đã nhanh chóng quay xe thành tháng 8. Mặc dù tuyên bố chính sách mới chỉ báo hiệu tổng mức cắt giảm 25-50 bps trong Q4, nhưng thị trường hiện đang định giá 90 bps cho hai cuộc họp còn lại của năm. Do đó, khả năng NZD suy yếu trong ngắn hạn sẽ khá hạn chế, ngay cả khi RBNZ quyết định cắt giảm lãi suất mạnh tay đúng như thị trường kỳ vọng.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ