Danske Bank Research: Dữ liệu lạm phát, cùng với thị trường lao động của Châu Âu và Mỹ thu hút mọi ánh nhìn
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Châu Âu sẽ công bố dữ liệu lạm phát HICP tháng 10 vào lúc 17:00 theo giờ Việt Nam. Dựa trên dữ liệu lạm phát đã công bố từ Tây Ban Nha, Đức và Bỉ, chúng tôi cho rằng chỉ số HICP Châu Âu sẽ tăng 2.0% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10, cao hơn dự báo chung là 1.9%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lạm phát lõi tăng trên diện rộng. Chúng tôi dự kiến lạm phát lõi sẽ giữ nguyên ở mức 2.7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo chung là 2.6%. Hơn hết, chúng ta sẽ xem xét mức tăng hàng tháng của lạm phát dịch vụ sau khi đã hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. Đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), dữ liệu này sẽ là yếu tố quyết định xem đà giảm lạm phát có tiếp diễn trong tháng 10 hay không. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 cũng sẽ được công bố, dự kiến thu hút nhiều sự quan tâm sau khi thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục là 6.4%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số chi phí việc làm (ECI) cho Q3 của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay. Đây là một chỉ số quan trọng phản ánh áp lực chi phí lao động theo quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 9 cũng sẽ được công bố.
Diễn biến đáng chú ý gần đây
Nhật bản
Sáng nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất đúng như dự kiến, nhưng đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách nếu nền kinh tế nước này duy trì đà phục hồi với tốc độ vừa phải. Dự kiến BoJ sẽ có xu hướng thận trọng, chờ đợi và quan sát trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào tuần tới và cho đến khi tình hình chính trị ổn định hơn sau thất bại của liên minh cầm quyền. Sau đó, chúng tôi cho rằng BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào cuộc họp chính sách tháng 12, một phần để hỗ trợ đồng nội tệ. Bên cạnh đó, việc lạm phát đạt mục tiêu và sức mua của người tiêu dùng đang dần cải thiện cũng tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho quyết định này, bất kể diễn biến của JPY.
Trung Quốc
Nhìn sang Trung Quốc, các chỉ số PMI tháng 10 cho thấy những tín hiệu lạc quan. Chỉ số PMI tổng hợp tăng lên 50.8, được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, lần lượt đạt 50.1 và 50.2 (kỳ trước: 49.8 và 50.0). Điều này cho thấy các biện pháp kích thích kinh tế gần đây đang phát huy tác dụng.
Châu Âu
Ở mặt trận khác, GDP sơ bộ Q3 của Châu Âu tăng trưởng 0.4% so với quý trước, vượt dự báo. ECB trước đó dự báo mức tăng trưởng 0.2% so với quý trước, do đó, kết quả này rõ ràng là một bất ngờ theo chiều hướng tích cực. Con số tích cực nêu trên được dẫn dắt bởi nền kinh tế Tây Ban Nha với mức tăng 0.8% so với quý trước (dự báo: 0.6%, kỳ trước: 0.8%). Bên cạnh đó, nền kinh tế Pháp cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0.4% nhờ cú hích từ Olympic Paris 2024. Nền kinh tế Đức cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0.2% do số liệu của Q2 được điều chỉnh giảm. Dù vậy, triển vọng tăng trưởng vẫn còn mong manh khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục gặp khó khăn, trong khi lĩnh vực dịch vụ đang chững lại. Vì vậy, triển vọng cho năm 2025 khả năng sẽ phụ thuộc vào việc tiêu dùng phục hồi khi thu nhập thực tế tăng và hoạt động sản xuất cải thiện. Hiện tại, chúng ta chưa thấy những dấu hiệu này, do đó rủi ro giảm vẫn hiện hữu. Sau cùng, dữ liệu lạm phát và tăng trưởng cao hơn dự kiến giúp củng cố dự báo của chúng tôi về việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 12, thay vì mức mạnh hơn.
Mỹ
Về phía Mỹ, GDP sơ bộ Q3 đạt 2.8% so với quý trước (đã hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ), gần như khớp với dự báo 2.9%. Mức tăng trưởng này chủ yếu phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của chi tiêu cá nhân, cho thấy người tiêu dùng vẫn giữ được khả năng chống chịu trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Bên cạnh đó, số liệu việc làm khu vực tư nhân tháng 10 của ADP cũng vượt xa dự báo, tăng 233,000 (dự báo: 111,000). Số liệu tháng 9 được điều chỉnh tăng nhẹ từ 143,000 lên 159,000. Dữ liệu này từ ADP thường không phải là chỉ báo chính xác cho báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP), vì vậy phản ứng của thị trường cũng có phần dè dặt.
Anh
Ở một diễn biến khác, chính phủ Anh, do Đảng Lao động cầm quyền đã công bố bản kết hoạch ngân sách đầu tiên. Đúng như dự kiến, bản kế hoạch ngân sách này bao gồm một số biện pháp tài khóa mở rộng với nguồn tài trợ đến từ việc tăng thuế và thay đổi phương pháp ước tính nợ công. Điểm đáng lo ngại là nợ công sẽ tăng đáng kể, trung bình 36 tỷ Bảng mỗi năm trong 5 năm tới. Do phần lớn nguồn thu từ việc tăng thuế dự kiến sẽ đến muộn hơn so với thời điểm các khoản chi tiêu được thực hiện, ngân sách chỉ còn 10 tỷ Bảng để đáp ứng “quy tắc ổn định” tài khóa – một mức thấp kỷ lục và đang làm dấy lên nhiều lo ngại.
Chúng tôi đã từng nhận định rằng một bản kế hoạch ngân sách mở rộng hơn có thể khiến thị trường hạ kỳ vọng về việc BoE cắt giảm lãi suất vào tháng 12, và các sự kiện ngày hôm qua đã củng cho cố quan điểm này. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo BoE sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 11 và giữ nguyên trong tháng 12.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm trong phiên hôm qua, do kết quả kinh doanh đáng thất vọng của một số doanh nghiệp và tâm lý e ngại rủi ro trước thềm cuộc bầu cử Mỹ. Chúng tôi cho rằng, dữ liệu vĩ mô không phải là nguyên nhân chính đứng sau sự suy giảm này, bởi hầu hết các chỉ số đều khả quan, ngay cả ở Châu Âu, nơi thị trường chứng khoán có hiệu suất kém nhất. Cần lưu ý đến lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP), vốn đã tăng nhẹ, cũng như sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành và chiến lược đầu tư, với cổ phiếu chu kỳ tăng giá, trong khi cổ phiếu chất lượng cao giao dịch kém sắc, và cổ phiếu phòng thủ đi ngang. Những diễn biến này không cho thấy một môi trường tiêu cực điển hình xuất phát từ nỗi lo suy thoái. Xin nhắc lại, đây là điều đã được dự báo trước, xét đến số lượng lớn các yếu tố tác động hiện tại, cộng thêm cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn chưa đầy một tuần nữa. Kết phiên hôm qua, Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 giảm lần lượt 0.2%, 0.3%, 0.6% và 0.2%.
Lợi suất TPCP
Trong một phiên giao dịch biến động mạnh, chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt dữ liệu được công bố, lợi suất TPCP đã bị bán tháo ở kỳ hạn ngắn, dẫn đến đường cong lợi suất phẳng hơn và dốc xuống. Dữ liệu lạm phát của Đức cao hơn dự kiến đã khiến thị trường hạ kỳ vọng về việc ECB cắt giảm lãi suất mạnh tay vào tháng 12, xuống còn 31 bps. Kết hợp với tăng trưởng kinh tế Châu Âu vượt kỳ vọng (bao gồm cả dự báo của ECB cho Q3), kịch bản mà thị trường cho rằng khả thi nhất hiện tại có lẽ là ECB sẽ áp dụng cách tiếp cận thận trọng, từ tốn hơn trong việc nới lỏng chính sách.
Ngoại hối
EUR/USD bứt phá khỏi vùng sideway trong vài phiên trở lại đây nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Châu Âu, làm giảm khả năng ECB hạ lãi suất mạnh tay vào tháng 12. Lạm phát của Đức vượt dự kiến và những phát biểu diều hâu từ quan chức ECB - Isabel Schnabel đã đẩy lãi suất hoán đổi EUR kỳ hạn 2 năm tăng hơn 10 bps. Hiện tại, kỳ vọng của thị trường cho thấy ECB sẽ cắt giảm lãi suất 30 bps tại cuộc họp vào tháng 12, giảm so với mức 35 bps chỉ vài ngày trước. Nhìn chung, thị trường có thể sẽ tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng trước thềm báo cáo NFP tháng 10 vào ngày mai và một tuần quan trọng với cuộc bầu cử Mỹ và kỳ họp tháng 11 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
USD/JPY giảm thủng mức 153.00 sau quyết định của BoJ. Với tình hình chính trị bất ổn sau khi liên minh cầm quyền mất thế đa số tại Hạ viện hôm Chủ nhật, đã đặt ra hàng loạt nghi vấn về sự ủng hộ chính trị cho việc tăng lãi suất. BoJ cũng sẽ ưu tiên duy trì lập trường thận trọng trước thềm cuộc bầu cử Mỹ vào tuần tới. Với những quan điểm đã được đưa ra ở phần đầu của bài viết, chúng tôi giữ nguyên dự báo giảm cho USD/JPY. Bất kể chính sách của BoJ, chênh lệch lãi suất cũng sẽ ủng hộ cho xu hướng giảm của cặp tiền này.
EUR/GBP biến động mạnh sau khi chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền công bố bản kế hoạch ngân sách đầu tiên, với sự mở rộng đúng như dự kiến. Kết hợp với việc Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) điều chỉnh giảm tăng trưởng kỳ vọng, trong khi nâng dự báo lạm phát, chi tiêu và nợ công trong 5 năm tới so với bản kế hoạch ngân sách vào đầu năm, đây là một thông tin tiêu cực cho TPCP Anh. Lợi suất TPCP Anh theo đó tăng mạnh trên diện rộng. Cụ thể, lợi suất kỳ hạn ngắn tăng do ngân sách mở rộng có thể thúc đẩy lạm phát và ăn mòn dư địa nới lỏng chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), trong khi lợi suất kỳ hạn dài tăng theo lượng phát hành TPCP. Chúng tôi đã từng nhận định rằng một bản kế hoạch ngân sách mở rộng có thể làm giảm bớt kỳ vọng của thị trường về việc BoE cắt giảm lãi suất vào tháng 12, và các sự kiện ngày hôm qua đã củng cố cho quan điểm này. Chúng tôi giữ nguyên dự báo rằng BoE sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng 11 và giữ nguyên trong tháng 12. Về thị trường ngoại hối, GBP là đồng tiền có hiệu suất kém nhất trong phiên hôm qua, với những lo ngại về tình hình tài khóa của Anh một lần nữa trở thành yếu tố bất lợi. Sau cùng, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ ổn định trở lại và các biện pháp hỗ trợ tài khóa sẽ giảm bớt áp lực buộc BoE phải nới lỏng chính sách, qua đó hỗ trợ GBP.
Danske Bank Research