Danske Bank Research: Giá dầu thô vẫn trong cơn 'nguy kịch' sau đòn chí mạng từ OPEC, mặc cho căng thẳng địa chính trị không ngừng leo thang
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Điểm nóng hôm nay
Chỉ số ZEW của Đức, thước đo tâm lý nhà đầu tư về nền kinh tế, sẽ được công bố vào lúc 16:00 theo giờ Việt Nam. Vào tháng 9 vừa qua, chỉ số đánh giá về tình hình hiện tại đã chạm đáy mới kể từ sau đại dịch; trong khi chỉ số kỳ vọng cũng suy giảm đáng kể, gióng lên “hồi chuông báo động” về triển vọng ảm đạm của đầu tàu kinh tế Châu Âu. Ngoài ra, thị trường cũng đang theo dõi sát sao các báo cáo CPI từ Canada và New Zealand.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Phát biểu của các quan chức Fed
Chủ tịch Fed - Christopher Waller trong bài phát biểu vào đêm qua đã đưa ra bình luận rằng dữ liệu gần đây cho thấy Fed cần thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Ông cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái cân bằng lý tưởng và nhiệm vụ của Fed là duy trì trạng điều này, đặc biệt là khi thị trường lao động vẫn đang vận hành tốt và lạm phát dần tiệm cận mục tiêu 2%. Ông bày tỏ thêm, sau động thái cắt giảm lãi suất 50 bps tại cuộc họp chính sách gần nhất, Fed cần phải hành động một cách “thận trọng" hơn trong thời gian tới.
Cùng với đó, Chủ tịch Fed Minneapolis - Neel Kashkari cũng cho rằng việc xem xét cắt giảm lãi suất "với tốc độ vừa phải" là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%.
Dầu mỏ
OPEC đã có lần thứ ba liên tiếp hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025. Cụ thể, tổ chức này dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng lần lượt 1.93 và 1.64 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 2025 (trước đó là 2.03 và 1.74 triệu thùng/ngày). Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng nhu cầu trung bình 1.4 triệu thùng/ngày ghi nhận trong giai đoạn trước khi đại dịch bùng phát. Đáng chú ý, gần như toàn bộ mức giảm 100,000 thùng/ngày trong dự báo nhu cầu cho năm 2024 đến từ việc OPEC hạ triển vọng tiêu thụ dầu của Trung Quốc từ 650,000 thùng/ngày xuống còn 580,000 thùng/ngày. Cũng theo ước tính của OPEC, tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt lần lượt 104.1 và 105.8 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm sau.
Ở một diễn biến khác, Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ rằng, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu khẳng định, Israel sẽ không tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran. Giá dầu thô Brent đóng cửa tuần trước ở mức gần 79 USD/thùng và hiện đang giằng co tại vùng hỗ trợ 74 USD/thùng vào thời điểm viết bài.
Trung Đông: Căng thẳng leo thang trở lại khi Israel mở rộng tấn công vào Lebanon, nhắm vào thị trấn Aitou ở phía bắc, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Các cuộc tấn công của Israel trước đó chỉ chủ yếu tập trung vào miền nam Lebanon và ngoại ô Beirut.
Nhịp đập vĩ mô
Trung Quốc: Caixin Global đưa tin, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phát hành thêm TPCP trị giá 850 tỷ USD trong vòng 3 năm tới nhằm tài trợ cho các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Động thái này xuất hiện ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc - Lưu Côn vào cuối tuần trước về kế hoạch "mạnh tay" hơn trong việc sử dụng TPCP để thúc đẩy nền kinh tế.
Về mặt dữ liệu, thặng dư thương mại tăng lên 81.7 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 75.5 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn dự báo từ giới chuyên gia là 90.5 tỷ USD. Xuất khẩu tăng trưởng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái, kém xa mức dự báo là 6.0%. Chưa kể, đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong năm tháng qua và thua xa con số 8.7% của tháng 8. Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng tương đối ì ạch khi chỉ tăng 0.3% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản phù hợp với mức dự báo 0.8%. Ngoài ra, thặng dư thương mại với Mỹ thu hẹp xuống còn 33.3 tỷ USD trong tháng 9, từ mức 33.8 tỷ USD của tháng 8.
Nhu cầu bên ngoài suy yếu khẳng định sự cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ. Ngày hôm qua, những quan chức Trung Quốc đã mở rộng danh sách các biện pháp hỗ trợ bằng cách cho biết chính phủ sẽ thực hiện các bước để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư và khuyến khích đối xử công bằng hơn với doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý và chính quyền các cấp.
Mặt khác, tổng mức tăng trưởng tín dụng giảm tốc xuống còn 8.0% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được công bố vào năm 2017. Phân tích chi tiết dòng tín dụng cho thấy mức tăng trưởng của tháng 9 chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực công, trong khi khu vực tư nhân thấp hơn mức trung bình.
Anh: Mới đây, báo cáo thị trường lao động cho giai đoạn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 đã cho thấy sự hạ nhiệt trên diện rộng đúng như dự kiến. Cụ thể, tăng trưởng tiền lương (không bao gồm tiền thưởng) đã giảm từ 5.1% xuống còn 4.9% so với cùng kỳ năm trước; trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 4.0%, thấp hơn mức dự báo 4.1%. Xu hướng hạ nhiệt của thị trường lao động được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy BoE mạnh tay cắt giảm lãi suất vào cuộc họp chính sách trong tháng 11 tới đây.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP Châu Âu dao động trong biên độ hẹp (nhích nhẹ 2 bps trên toàn bộ kỳ hạn) do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Columbus. Hiện tại, thị trường lãi suất đang phản ánh kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm khoảng 23 bps trong cuộc họp chính sách tháng 10 và tổng cộng 150 bps cho đến cuối năm 2025.
Ngoại hối
USD là đồng tiền tăng mạnh nhất trong phiên giao dịch đầu tuần. Hiện tại, EUR/USD đang có dấu hiệu rút chân sau khi xuyên thủng hỗ trợ 1.0900, USD/JPY lùi về quanh ngưỡng 149.00, trong khi EUR/GBP giảm xuống mức thấp nhất nhiều tuần do thị trường kỳ vọng BoE sẽ đẩy mạnh tốc độ cắt giảm lãi suất. Hai yếu tố được cho là có tác động chính đến EUR/USD trong tuần này là quyết định lãi suất của ECB và dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ, cùng được công bố vào thứ Năm. Xu hướng tăng của USD có thể sẽ tiếp tục trong tháng tới do tâm lý bất ổn trước thềm bầu cử Mỹ, căng thẳng địa chính trị leo thang và những nghi ngại về tốc độ nới lỏng chính sách của Fed.
Danske Bank Research