Danske Bank Research: Lò lửa Trung Đông đang "gào thét"! Báo cáo việc làm Mỹ đưa "nhà vua" trở lại

Danske Bank Research: Lò lửa Trung Đông đang "gào thét"! Báo cáo việc làm Mỹ đưa "nhà vua" trở lại

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:26 07/10/2024

Nhận định của Danske Bank Research.

Điểm chính

Như vậy, đã tròn một năm kể từ ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố của Hamas (07/10/2023), mở màn cho cuộc xung đột kéo dài tại Trung Đông cho đến nay. Vào thời điểm nhạy cảm này, việc Israel mở rộng chiến dịch quân sự sang cả Lebanon và Gaza càng làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện.

Hướng về Châu Âu, chúng ta sẽ có chỉ số niềm tin nhà đầu tư Sentix, hé lộ những tín hiệu đầu tiên về tâm lý thị trường trong tháng 10. Bên cạnh đó, số liệu doanh số bán lẻ tháng 8 sẽ cho thấy bức tranh chi tiêu tiêu dùng - chìa khóa cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực. Về phía Đức, giới đầu tư sẽ đổ dồn sự chú ý vào đơn đặt hàng nhà máy tháng 8, để có thêm cơ sở dự báo cho số liệu sản xuất công nghiệp được công bố vào ngày mai.

Nhìn sang Châu Á, thị trường đang chờ đón số liệu thu nhập thực tế của Nhật Bản trong tháng 8, dự kiến công bố vào sáng sớm ngày mai. Với tăng trưởng thu nhập thực tế chuyển biến tích cực trong mùa hè, đó sẽ là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực cho chi tiêu tiêu dùng. Do đó, xu hướng tích cực này cần được duy trì để BoJ có thể tự tin tiếp tục kế hoạch bình thường hóa chính sách.

Ngoài ra, tuần này cũng chứng kiến hàng loạt báo cáo kinh tế quan trọng khác:

  • Thứ Ba: Chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ từ NFIB.
  • Thứ Tư: Quyết định lãi suất của RBNZ và biên bản họp FOMC tháng 9.
  • Thứ Năm: Chỉ số CPI tháng 9 của Mỹ – dữ liệu được mong chờ nhất trong tuần.
  • Thứ Sáu: Khảo sát tâm lý người tiêu dùng tháng 10 của Đại học Michigan.

Diễn biến đáng chú ý gần đây

Bóng ma chiến tranh tiếp tục bao trùm Trung Đông khi Israel mở rộng chiến dịch quân sự sang cả Gaza và Lebanon, ngay trước thềm 07/10 - ngày đánh dấu một năm kể từ cuộc tấn công khủng bố của Hamas. Việc một quả tên lửa từ Hezbollah xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Israel và bắn trúng thành phố Haifa, đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ leo thang xung đột. Iran đã hủy bỏ một số chuyến bay đêm, được cho là nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bị Israel tấn công trả đũa.

Giới phân tích nhận định, một cuộc tấn công của Israel nhắm vào mục tiêu quân sự của Iran có thể diễn lại những gì đã xảy ra vào tháng 4 và với kịch bản lạc quan nhất, sẽ khiến Iran phải kiềm chế các động thái đáp trả. Mặt khác, nếu Israel tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, xung đột có thể sẽ leo thang nghiêm trọng, đẩy thị trường năng lượng toàn cầu vào bất ổn. Mặc dù nguồn cung từ Iran chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, nhưng tác động ngắn hạn của một cuộc tấn công là không thể xem thường. Dẫu vậy, về dài hạn, Ả Rập Xê Út – quốc gia nắm giữ phần lớn công suất dự phòng – đã sẵn sàng tăng cường sản xuất để bù đắp sản lượng thiếu hụt, giúp thị trường dầu mỏ sớm tìm lại trạng thái cân bằng.

Ở mặt trận khác, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, thành viên Hội đồng quản trị ECB - Francois Villeroy de Galhau, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc ECB giảm lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 10. Theo ông, rủi ro lạm phát tăng nóng đã không còn là mối lo ngại chính, mà thay vào đó, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt quá lâu có thể khiến đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy giảm phát do tăng trưởng yếu. Quan điểm này được củng cố bởi phát biểu của Mario Centeno, một quan chức ôn hòa của ECB, khi ông cho rằng thị trường lao động Châu Âu đang hạ nhiệt và lạm phát đã dần được kiểm soát, ngầm ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ giảm lãi suất thêm 25 bps tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 17/10.

Nhìn lại hôm thứ Sáu

Phiên cuối tuần, đáng chú ý nhất có lẽ là báo cáo việc làm NFP khả quan ngoài mong đợi của Mỹ. Số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng 254,000 trong tháng 9 (dự báo của Danske: 160,000, đồng thuận: 150,000, kỳ trước: 142,000). Bên cạnh đó, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.4% so với tháng trước sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ (dự báo của Danske: 0.2%, thị trường: 0.3%, kỳ trước: 0.4%). Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4.1% (dự báo chung và kỳ trước: 4.2%).

Báo cáo tích cực đã đẩy lợi suất TPCP Mỹ nhảy vọt, với kỳ hạn 2 năm tăng hơn 20 bps; trong khi kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 10 bps. EUR/USD thủng mốc 1.1000, đóng cửa phiên thứ Sáu ở mức 1.0980. Cũng từ đây, thị trường phần nào đã từ bỏ kỳ vọng Fed cắt giảm 50 bps và hiện đang nghiêng về dự báo của các chuyên gia rằng Fed sẽ chỉ hạ lãi suất hai lần cho cả thời gian còn lại của năm 2024 và 2025.

Về phía Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của BoE - Huw Pill, người phản đối việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 8, đã tiếp tục đưa ra những bình luận mang tính diều hâu. Ông cho rằng thời điểm tháng 8 "là quá sớm để khởi động chu kỳ nới lỏng" và nhấn mạnh BoE cần thận trọng hơn trong thời gian tới, tránh việc "cắt giảm lãi suất quá mức hoặc quá nhanh".

Hàng hóa: Giá dầu thô khép lại tuần giao dịch ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 với Brent vượt 78 USD/thùng, từ mức 74 USD/thùng vào đầu tuần. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất trong gần một năm. Nguyên nhân chính cho đà tăng giá này là căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông, đặc biệt sau khi Israel tuyên bố sẽ đáp trả Iran sau vụ tấn công bằng tên lửa hôm thứ Ba. Giá dầu tiếp tục tăng vọt vào cuối tuần khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận đã thảo luận với Israel về việc tài trợ cho một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.

Chứng khoán: Cổ phiếu toàn cầu tăng mạnh vào thứ Sáu, với toàn bộ các khu vực đều đắm chìm trong sự phấn khởi, trong đó thị trường Mỹ dẫn đầu xu hướng do chiếm tỷ trọng lớn và tác động tích cực từ báo cáo việc làm NFP. Dù vậy, sắc xanh lại không lan tỏa đều trên các lĩnh vực. Mặt khác, thị trường trái phiếu phản ứng mạnh mẽ hơn so với chứng khoán, đẩy lợi suất TPCP kỳ hạn ngắn tăng vọt. Kết quả là, hầu hết các nhóm phòng thủ đều giao dịch ảm đạm, trong khi nhóm ngân hàng nổi lên như những vị vua nhờ tâm lý lo ngại suy thoái giảm bớt và được hỗ trợ từ việc lợi suất TPCP tăng.

Đáng chú ý, nhóm penny cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bất chấp việc lợi suất TPCP tăng và hoạt động kém hiệu quả của các quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Điều này cho thấy các nhà đầu tư hiện đang quan tâm đến nguy cơ suy yếu của thị trường lao động hơn là lo ngại lạm phát gia tăng trở lại. Cả hai yếu tố này đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản thương mại. Dẫu vậy, những diễn biến tích cực hôm thứ Sáu đã củng cố cho kịch bản "hạ cánh mềm" của nền kinh tế toàn cầu, qua đó thúc đẩy đà tăng trưởng của nhóm penny. Kết phiên, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.8%, 0.9%, 1.2% và 1.5%. Chưa dừng lại ở đó, thị trường chứng khoán Châu Á đồng loạt tăng điểm vào sáng nay, dẫn đầu là Nhật Bản do JPY tiếp tục suy yếu. Mặt khác, thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ sideway; trong khi thị trường Châu Âu có xu hướng tăng điểm.

Trái phiếu: Lợi suất TPCP toàn cầu điều chỉnh mạnh sau báo cáo việc làm tích cực của Mỹ vào thứ Sáu. Số liệu NFP đạt 254,000, cùng với việc điều chỉnh tăng của hai tháng trước đó, đã đẩy lợi suất TPCP Mỹ nhảy vọt khi thị trường đánh giá lại khả năng Fed cắt giảm 50 bps vào cuộc họp tháng 11.

Ngoại hối: EUR/USD xuyên thủng mốc 1.1000 sau khi báo cáo việc làm NFP của Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cùng với tỷ lệ thất nghiệp giảm - một kết quả nằm ngoài dự báo của phần lớn chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Bloomberg (69/71) - đã đẩy USD tăng mạnh so với các đồng tiền G10. Đồng thời, đây là tuần tăng mạnh mẽ nhất của USD trong vòng 2 năm qua.

Vào tuần này, tâm điểm chú ý sẽ hướng về chỉ số CPI tháng 9 của Mỹ, với kỳ vọng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Nhìn chung, chênh lệch lãi suất kém hấp dẫn hơn, tâm lý e ngại rủi ro, căng thẳng địa chính trị leo thang và bất ổn từ cuộc bầu cử Mỹ, tất cả đều là những yếu tố bất lợi cho EUR. Do đó, dự kiến EUR/USD sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Chưa kể, kinh tế Mỹ được đánh giá là có nền tảng vững chắc hơn so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là sau khi báo cáo việc làm NFP ghi nhận những chuyển biến tích cực, trong khi triển vọng tăng trưởng của Châu Âu vẫn ảm đạm. So với Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ là khu vực duy nhất ghi nhận những tín hiệu tích cực về nền kinh tế trong thời gian gần đây. Ngoài ra, các chuyên gia dự báo rằng EUR/USD sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong 12 tháng tới.

GBP/USD phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, được hỗ trợ bởi những bình luận diều hâu từ ông Pill và báo cáo việc làm tích cực của Mỹ, yếu tố đẩy lợi suất TPCP toàn cầu tăng cao. Với bài phát biểu vào chiều thứ Sáu, ông Pill tiếp tục nhấn mạnh quan điểm ủng hộ cách tiếp cận thận trọng từ phía BoE trong việc cắt giảm lãi suất. Về triển vọng, giới chuyên gia nhận thấy tiềm năng tăng giá của GBP, với tâm điểm chú ý trong tuần này sẽ là báo cáo việc làm và GDP tháng 8 của Anh.

USD/CNY tăng nhẹ vào thứ Sáu do USD mạnh lên. Dự kiến cặp tiền này sẽ mở rộng đà tăng trong ngắn hạn do lực kéo từ đồng bạc xanh. Sau khi chứng kiến dòng vốn lớn đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong hai tuần qua, nhà đầu tư cần lưu ý đến khả năng biến động tăng cao trong thời gian tới và điều này có thể gây áp lực lên CNY. Do đó, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao các tín hiệu về gói kích thích kinh tế từ chính phủ Trung Quốc trong tuần này, khi thị trường đại lục mở cửa trở lại vào thứ Ba, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ