Danske Bank Research: Sơ lược diễn biến thị trường trước thềm công bố quyết định lãi suất ECB

Danske Bank Research: Sơ lược diễn biến thị trường trước thềm công bố quyết định lãi suất ECB

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

17:44 12/09/2024

Nhận định của Danske Bank Research.

Điểm chính

Hôm nay, cả giới phân tích và thị trường đều hướng sự chú ý đến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), cùng kỳ vọng về một quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps. Kể từ cuộc họp hồi tháng 6, thị trường lao động và hoạt động kinh tế đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tiền lương đang chậm lại. Điều này càng củng cố thêm niềm tin rằng tiến trình kiểm soát lạm phát đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, thị trường Na Uy cũng đón nhận kết quả khảo sát khu vực, cung cấp thêm thông tin chi tiết về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất, một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến thông điệp của Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) vào ngày 19/09 tới. Mặc dù trước đó, Norges Bank từng khuyến cáo thị trường không nên suy đoán về việc nới lỏng chính sách trong năm nay, nhưng những diễn biến phức tạp gần đây trên thế giới và trong nước đã làm tăng khả năng lãi suất được điều chỉnh giảm vào cuối năm 2024. Nếu dữ liệu về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất có sự thay đổi đáng kể, chúng tôi sẽ điều chỉnh dự báo hiện tại về thời điểm Norges Bank bắt đầu cắt giảm lãi suất, có thể sớm hơn so với kỳ vọng ban đầu là tháng 03/2025.

Ngoài ra, thị trường Thụy Điển cũng không kém phần sôi động khi đón nhận số liệu lạm phát chính thức cho tháng 8. Số liệu được công bố cho thấy, CPIF tăng 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Kết quả này cao hơn kỳ vọng của chúng tôi với mức giảm mạnh xuống 1.1%, nhưng thấp hơn 0.5% so với dự báo của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank).

Diễn biến đáng chú ý sáng nay

Tại Nhật Bản, lạm phát bán buôn trong tháng 8 thấp hơn dự kiến, đạt mức -0.2% so với tháng trước và 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với dự báo lần lượt là 0.0% và 2.8%. Kết quả bất ngờ này đến từ sự phục hồi của đồng Yên Nhật (JPY), qua đó giúp giảm bớt áp lực chi phí nhập khẩu. Xu hướng giảm phát này được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến giá tiêu dùng trong những tháng tới và có thể ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Cũng trong sáng nay, ông Tamura, một thành viên thuộc cánh diều hâu của BoJ, đã tuyên bố rằng lãi suất nên được nâng lên ít nhất 1.0% vào cuối năm tới, bởi khả năng đạt được mục tiêu lạm phát 2.0% một cách bền vững đã sáng sủa hơn. Nhận xét của ông Tamura, người đầu tiên tuyên bố mục tiêu lãi suất cụ thể, được đưa ra sau khi nhiều thành viên khác của BoJ ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt chính sách, bất chấp những bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

Diễn biến đáng chú ý hôm qua

Tại Mỹ, lạm phát toàn phần trong tháng 8 gần như đúng với dự kiến, đạt mức 0.2% so với tháng trước và 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo lần lượt là 0.2% và 2.6%). Trong khi đó, lạm phát lõi cao hơn một chút so với dự kiến ​​ở mức 0.3% so với tháng trước (dự báo là 0.2%), nhưng mức tăng so với cùng kỳ lại phù hợp với kỳ vọng. Mức tăng nhẹ bất ngờ này chủ yếu là do giá nhà ở, trong khi áp lực ở những lĩnh vực khác như dịch vụ, hàng hóa cơ bản, thực phẩm và năng lượng đều gần như đúng với dự kiến. Cụ thể, giá nhà ở, đặc biệt là giá thuê tương đương của chủ sở hữu (OER), đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá nhà ở trong đo lường chỉ số CPI thường phản ánh những thay đổi trên thị trường cho thuê/bất động sản thực tế chậm hơn khoảng 10-11 tháng, vì vậy, không nên xem đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng trở lại. Kết quả khả quan này cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ vẫn cắt hạ lãi suất vào tuần tới, củng cố thêm dự báo về việc cắt giảm 25 bps. Ngay sau khi công bố số liệu lạm phát, thị trường đã điều chỉnh kỳ vọng cắt giảm 25/50 bps ở mức 85%/15%, cho thấy giới đầu tư nghiêng về khả năng Fed sẽ có một động thái điều chỉnh nhẹ.

Cuộc tranh luận Tổng thống giữa Kamala Harris và Donald Trump đã thu hút sự chú ý lớn từ giới truyền thông và công chúng. Bà Harris đã cho thấy mình là ứng cử viên sáng giá hơn khi truyền đạt một tầm nhìn hướng tới tương lai, trong khi ông Trump chủ yếu tập trung vào việc chỉ trích chính quyền hiện tại và thiếu rõ ràng về các sáng kiến ​​của riêng mình. Các chiến lược gia của Đảng Cộng hòa nhận định rằng mặc dù màn trình diễn của ông Trump không được coi là một bước lùi lớn, nhưng nỗ lực tái đắc cử của ông dường như sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Theo kết quả khảo sát nhanh của YouGov, 43% người xem coi bà Harris là người chiến thắng, so với 28% đối với ông Trump, 30% còn lại đứng ở thế trung lập. Bên cạnh đó, khảo sát của trang dự đoán thị trường PredictIt cũng cho thấy bà Harris hiện là ứng cử viên sáng giá hơn. Tuy nhiên, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang diễn ra gay cấn, đặc biệt là ở các bang trung lập.

Ở mặt trận khác, tại Vương quốc Anh, số liệu GDP tháng 7 đã gây thất vọng khi không tăng trưởng so với tháng trước (dự báo và trước đó lần lượt là 0.2% và 0.0%), cho thấy nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi”.

Chứng khoán

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm trong phiên giao dịch hôm qua, dẫn đầu là các cổ phiếu tăng trưởng theo chu kỳ có vốn hóa lớn trên Phố Wall. Diễn biến này được thúc đẩy bởi số liệu CPI lõi tăng nhẹ so với dự kiến, làm hạ kỳ vọng Fed cắt giảm 50 bps vào tuần tới. Điều này khiến các nhà đầu tư chứng khoán cảm thấy nhẹ nhõm vì Fed có thể không cần phải thực hiện mức cắt giảm gấp đôi, ngụ ý rằng triển vọng kinh tế vẫn khả quan. Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự luân chuyển vốn mạnh mẽ từ lĩnh vực năng lượng sang công nghệ, vốn có tiềm năng tăng trưởng cao hơn trong chu kỳ hiện tại. Có thể thấy, nếu động lực đằng sau sự lạc quan của thị trường chứng khoán hôm qua được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tốt hoặc nhu cầu mạnh mẽ, chúng ta đã có thể đã chứng kiến sắc xanh trên diện rộng hơn và lĩnh vực năng lượng sẽ không kém sắc như vậy.

Điều quan trọng nữa là cần lưu ý đến mối tương quan nghịch giữa trái phiếu và cổ phiếu vào ngày công bố báo cáo CPI. Điều này cho thấy tiến bộ đáng kể trong quá trình kiểm soát lạm phát và sự thay đổi trong quan điểm của nhà đầu tư. Kết phiên hôm qua, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq và Russell 2000 tăng lần lượt 0.3%, 1.1%, 2.2% và 0.3%. Đà tăng lan sang cả thị trường châu Á vào sáng nay, trong đó lĩnh vực công nghệ tiếp tục cho thấy sự lấn át.

Câu chuyện lãi suất

Sự kiện chính trong ngày hôm nay là cuộc họp của ECB. Việc cắt giảm lãi suất 25 bps dường như là một kết quả đã được định đoạt, do đó, thị trường sẽ hướng sự chú ý nhiều hơn vào thông điệp, cùng với các dự báo cập nhật của ECB. Vào thứ Sáu tuần trước, thước đo tiền lương ưa thích của ECB - thu nhập trung bình trên mỗi nhân viên - đã giảm đáng kể từ 4.8% xuống 4.3% so với cùng kỳ trong Q2 và điều này có khả năng đã xua tan một số lo ngại liên quan đến lạm phát trong nước vẫn ở mức cao trong tháng 8. Chúng tôi dự kiến Chủ tịch Lagarde sẽ xác nhận rằng ECB đang bước vào giai đoạn nới lỏng chính sách, nhưng không mong đợi một cam kết về thời gian cụ thể cho việc cắt giảm lãi suất thêm. Nhiều khả năng, ECB sẽ không đi chệch khỏi cách tiếp cận thận trọng rằng họ sẽ đưa ra quyết định theo từng cuộc họp và điều này còn phụ thuộc vào dữ liệu khi đó diễn biến thế nào. Thị trường lãi suất hiện đang định giá tổng mức cắt giảm 62 bps cho đến cuối năm và 126 bps trong năm 2025.

Tại Na Uy, tâm điểm trước mắt sẽ là kết quả khảo sát khu vực, trong đó thông tin chi tiết về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất - số liệu có thể là yếu tố quyết định cho quyết định của Norges Bank vào cuộc họp ngày 19/09. Mặc dù hồi tháng 6, Norges Bank đã khuyến cáo thị trường không nên suy đoán về việc nới lỏng chính sách trong năm nay, nhưng những diễn biến gần đây cả trong nước và toàn cầu đã làm gia tăng đáng kể khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Nếu dữ liệu về tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất thay đổi đáng kể, chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh dự báo hiện tại của mình cho lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Norges Bank vào tháng 03/2025.

Tại Thụy Điển, số liệu được công bố cho thấy, CPIF tăng 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Kết quả này cao hơn kỳ vọng của chúng tôi với mức giảm mạnh xuống 1.1%, nhưng thấp hơn 0.5% so với dự báo của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank). Câu hỏi đặt ra lúc này là Riksbank sẽ "nhìn nhận" kết quả CPI mới nhất như thế nào trong các cân nhắc về chính sách của mình. Nếu nhìn vào các nhân tố thúc đẩy lạm phát gần đây, tháng 8 thường bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh mạnh trong các loại hình dịch vụ vận tải và giải trí, bởi chi phí du lịch, nghỉ dưỡng thường giảm sau vài tháng tăng giá. Ngoài ra, giá thực phẩm thường giảm vào tháng 8, trong khi giá quần áo tăng trở lại sau các chương trình khuyến mãi mùa hè. Theo tính toán của chúng tôi, giá năng lượng sẽ tiếp tục là một yếu tố lớn thúc đẩy chỉ số CPI.

Thị trường ngoại hối

Các đồng tiền chính

EUR/USD: Cặp tiền đã giảm xuống 1.1000 sau khi dữ liệu lạm phát lõi của Mỹ công bố cao hơn một chút so với dự kiến. Nguyên nhân chính đến từ thành phần giá nhà ở vốn rất khó kiểm soát, khiến tâm lý diều hâu của thị trường bị hạn chế phần nào. Dù vậy, khẩu vị rủi ro chung suy giảm tiếp tục hỗ trợ USD, đặc biệt là khi thị trường đã hạ kỳ vọng cắt giảm lãi suất 50 bps tại cuộc họp FOMC tuần tới và hiện chỉ còn dữ liệu doanh số bán lẻ được công bố trước thềm cuộc họp. Đối với cuộc họp ECB hôm nay, việc cắt giảm lãi suất 25 bps dường như đã được phản ánh phần lớn vào giá. Do đó, nếu đúng như kỳ vọng, EUR/USD khả năng sẽ không có biến động đáng kể khi quyết định được công bố. Mặt khác, trọng tâm sẽ là thông điệp của ECB. Với bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm và kỳ vọng Fed hạ lãi suất mạnh tay giảm bớt, đà tăng của USD dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn và có thể đẩy EUR/USD xuống dưới 1.1000.

USD/JPY: Cặp tiền vẫn đang dao động gần mức thấp nhất trong năm nay quanh ngưỡng 142.00. Những bình luận diều hâu của BoJ, lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, giá dầu rơi mạnh và tâm lý e ngại rủi ro bao trùm đang cung cấp rất nhiều lý do tăng giá cho JPY, đẩy USD/JPY xuống mức thấp gần đây. Kể từ mùa hè, JPY đã tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bước từng bước nặng trĩu với động lực tăng trưởng mờ nhạt và lạm phát được kiềm chế. Trong thời gian tới, do dư địa nới lỏng chính sách của Fed hạn chế, đà tăng giá của JPY có thể chậm dần. Nếu Fed cắt giảm 25 bps vào tuần tới đúng như dự kiến, USD/JPY thậm chí có thể mở ra đà phục hồi tạm thời trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi nào về chính sách trong cuộc họp BoJ vào tuần tới, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Nguyên do là vì BoJ có thể sẽ cần thêm thời gian để đánh giá ảnh hưởng của việc tăng lãi suất 25 bps hồi tháng 7, động thái sau đó đã gây ra sự gián đoạn đáng kể trên thị trường tài chính. Về trung hạn, chứng tôi dự báo USD/JPY sẽ giảm xuống 135.00 hoặc thậm chí hơn. Với kỳ vọng thị trường hiện tại, khả năng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất 25 bps khác trong năm nay, khả năng là vào tháng 10 hoặc 12, khi quan điểm từ các quan chức và dữ liệu gần đây đều ủng hộ cho điều này.

EUR/GBP: Cặp tiền ngày hôm qua đóng cửa tăng nhẹ khi số liệu GDP tháng 7 của Anh cho thấy sự trì trệ. Mặc dù báo cáo được công bố ngày hôm qua cho thấy dấu hiệu của một nền kinh tế đang mất động lực, chúng tôi đặc biệt lưu ý bản chất dễ biến động của số liệu và nhấn mạnh rằng rủi ro lạm phát do cầu kéo vẫn hiện hữu, tương tự như mối lo ngại của BoE. Điều này củng cố thêm cho dự báo của chúng tôi rằng GBP sẽ tăng giá trong thời gian tới.

Các đồng tiền Bắc Âu: Số liệu lạm phát lõi của Hoa Kỳ cao hơn dự kiến ​​ủng hộ dự báo của chúng tôi về việc Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 25 bps vào tuần tới. Nhìn chung, một chính sách tiền tệ ít nới lỏng hơn từ Fed có thể được coi là bất lợi cho Krona Thụy Điển (SEK) do đồng tiền này vốn nhạy cảm với rủi ro. Do đó, phản ứng bán tháo SEK so với USD và EUR ban đầu có vẻ khá hợp lý, mặc dù sau đó một phần mức giảm đã được thu hẹp trong phiên. Hiện tại, song song với dữ liệu lạm phát của Thụy Điển, kết quả khảo sát khu vực hàng quý của Na Uy cũng là một sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào các chi tiết, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng năng lực sản xuất. Bất kỳ thay đổi nào ở chỉ số này cũng có thể mở ra cánh cửa cho việc Norges Bank cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Tuy nhiên, như đã nhấn mạnh trong các ấn bản gần đây, chúng tôi cho rằng kết quả khảo sát sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất là chính, trong khi triển vọng ngắn hạn đối với Krone Na Uy (NOK) sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào môi trường đầu tư toàn cầu, bao gồm cả xu hướng giá cả hàng hóa. Vì vậy, chúng tôi duy trì quan điểm trung lập đối với NOK vào lúc này.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ