Đối với các nhà đầu tư trái phiếu, mọi quốc gia giờ đây đều là thị trường mới nổi
Nguyễn Thu Thủy
Junior Analyst
Trái phiếu chính phủ của các nước giàu sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong một khoảng thời gian dài.
Một quốc gia được coi là một thị trường mới nổi có vẻ như sẽ thu hút các nhà đầu tư. Những nền kinh tế như vậy dường như đang "phát triển", hay nói cách khác là tích hợp với hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu, tăng trưởng ổn định và mang lại thu nhập cao cho công dân trong nước. Tuy nhiên, tên gọi này cũng có thể được áp dụng cho các quốc gia có chính sách quá ly kỳ để có thể tin tưởng. Hãy xem xét Argentina, một quốc gia vỡ nợ hàng loạt do chi tiêu quá mức, hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lãi suất vẫn ở mức thấp ngay cả khi lạm phát tăng vọt lên trên 80%.
Ngày càng có nhiều nền kinh tế blue-chip được so sánh theo những thuật ngữ này và sự so sánh này không hẳn là sự “tâng bốc”. Cuối tháng 9, nước Anh gần như rơi vào vực thẳm tài chính khi công bố kế hoạch cắt giảm thuế quy mô lớn với nguồn thu thay thế chưa rõ từ đâu khiến giá trị của đồng bảng Anh giảm mạnh. Tuy nhiên, Anh không phải là quốc gia giàu có duy nhất có trái phiếu chính phủ trở nên hấp dẫn một cách bất thường. Không những thế, sự hấp dẫn này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong một khoảng thời gian.
Năm nay, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã liên tục tăng lãi suất làm giảm giá trị hiện tại của trái phiếu coupon dẫn tới một đợt giảm giá trên khắp thị trường. Không ai biết lãi suất sẽ tăng đến mức nào hoặc duy trì mức cao trong bao lâu. Do đó, thị trường trái phiếu dường như đang rất hồi hộp. Chỉ số biến động đo lường mức độ bất an của các nhà đầu tư trái phiếu về tương lai cao gần gấp đôi mức trung bình 5 năm kể từ tháng 2 năm 2020, khi đại dịch lần đầu tiên nổ ra gây chấn động thị trường.
Những bất ngờ về chính sách tiền tệ không còn xa lạ đối với các nhà đầu tư trái phiếu ở các thị trường đã phát triển từ lâu (hãy nhớ lại những năm 1980s). Tuy nhiên, sự gay cấn ngày nay xoay quanh hai vấn đề mới: liệu các chính phủ ở các nước giàu có thể trả nổi số nợ khổng lồ mà họ đang phát hành hay không và liệu thị trường có thể tiêu thụ được số nợ đó hay không.
Bắt đầu với tổng nợ. Hầu hết các chính phủ ở các nước phát triển đều đã tích trữ 1 lượng đáng kể các khoản nợ sau 15 năm giải cứu công dân và doanh nghiệp của mình khỏi các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Khi khủng hoảng tài chính siết chặt các ngân hàng, lệnh phong tỏa buộc các cửa hàng phải đóng cửa và hóa đơn tiền điện khổng lồ đe dọa “đóng băng” các hộ gia đình thì phản ứng hiển nhiên là phân phát quỹ công. Sự hào phóng tài chính vẫn là xu hướng: Mỹ đang trợ cấp cho các ngành công nghiệp xanh trong khi chẳng biết khi nào châu Âu sẽ chấm dứt các khoản trợ cấp năng lượng xa hoa của mình.
Thói quen về một chính phủ ngập trong nợ nần này được hình thành trong những năm mà lãi suất chạm đáy dẫn tới chi phí vay vốn thấp và khiến các chủ nợ ở các nước giàu trên thế giới trở nên xông xênh. Giờ đây, hóa đơn lãi suất đang tăng lên, khiến các kế hoạch chi tiêu của các chính phủ ở các thị trường phát triển phải đối mặt với sự giám sát mà trước đây chỉ dành cho các đối tác của họ ở các nước mới nổi. Theo Moody's Analytics, vào giữa thập kỷ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ chi nhiều hơn cho các khoản thanh toán lãi suất hơn là cho quốc phòng. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách ở Vương quốc Anh ước tính rằng chính phủ sẽ chi 120 tỷ bảng Anh (146 tỷ USD) cho tiền lãi trong năm tài chính này, tương đương với 80% ngân sách cho Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh.
Trong khoảng một thập kỷ qua, không chỉ có các nhà đầu tư mua nợ do chính phủ các nước giàu phát hành mà trong suốt những năm 2010 và cho đến gần đây, phần lớn trong số đó đã được các ngân hàng trung ương mua lại thông qua các chương trình nới lỏng định lượng. Bây giờ, những người mua đó đang rời đi, để lại các nhà đầu tư trái phiếu phải gánh chịu hết những phần còn lại.
Do đó, ẩn số thứ hai là liệu thị trường trái phiếu có đủ thanh khoản để xử lý cơn lũ sắp xảy ra hay không. Kho bạc Hoa Kỳ có thể cần vay tới 2 nghìn tỷ đô la từ thị trường trong năm tài chính 2023, gần gấp đôi số tiền họ vay từ các nhà đầu tư hàng năm trong hai năm trước đại dịch và gấp bốn lần mức trung bình hàng năm trong 5 năm trước đó. Theo Citigroup , chính phủ Anh sẽ cần lượng tiền mặt ròng từ thị trường trái phiếu trong năm tài chính nhiều hơn gấp đôi so với 8 năm trước đó.
Một kế hoạch như trên nếu được đề xuất bởi 1 chính phủ Mỹ Latin chắc hẳn đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt. Các nước giàu từ lâu đã sở hữu nhiều lựa chọn hơn và họ có lẽ sẽ tiếp tục tránh được việc phải hứng chịu toàn bộ hậu quả của việc không kiểm soát được tài khóa. Họ hiện đang tìm kiếm các nhà đầu tư để mua một lượng lớn nợ khi đối mặt với chi phí vay tăng cao và triển vọng kinh tế ảm đạm. Bi kịch thị trường trái phiếu có thể vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian dài.
The Economist