Đồng bạc xanh tăng giá đột ngột - Điềm báo xấu cho thị trường tài chính
Tùng Trịnh
CEO
Trên thị trường tài chính, những nhà đầu tư rao bán tài sản đang nắm giữ sẽ chia thành hai nhóm.
Nhóm đầu tiên bán đơn giản vì họ muốn, có thể họ cần tiền mặt cho một khoản dự phòng, hoặc qua các phân tích của mình, họ đánh giá rằng việc nắm giữ tài sản đó đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là tiềm năng lợi nhuận.
Nhóm thứ hai bán vì họ bắt buộc phải làm vậy. Đó là những nhà đầu tư đi vay tiền hoặc ký quỹ để giao dịch và phải đóng trạng thái nếu không muốn món nợ bị giải chấp. Hãy tưởng tượng trong điều kiện thị trường biến động và giảm mạnh, tạo áp lực khiến nhóm thứ hai rút khỏi cuộc chơi, kết cục sẽ dẫn đến một cảnh tượng bán tháo hỗn loạn.
Các lệnh bán miễn cưỡng này có thể khuếch đại tâm lý tiêu cực đối với bất cứ loại tài sản nào, và nó đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau thay vì chỉ mỗi bán giải chấp. Có thể từ việc hạ bậc tín nhiệm, do quy định mới của chính phủ, hoặc biến động thị trường vượt quá giới hạn quản lý rủi ro. Những gì xảy ra trên thị trường sau đó sẽ phản ánh lên cả nền kinh tế vĩ mô, khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Câu chuyện này khiến chúng ta nhớ tới Dollar Mỹ những ngày qua. Vấn đề muôn thuở của đồng bạc xanh là các khoản nợ và tài sản định giá bằng USD bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã thiết lập nhiều kênh tín dụng hoán đổi (Swap line) với các ngân hàng trung ương khác nhằm giảm thiểu tình trạng khan hiếm đồng Dollar mà các nhà đầu tư, hay cụ thể hơn là các “con nợ” Dollar Mỹ ở nước khác lúc đó gặp phải. Sự tăng giá đột ngột của Dollar sẽ là dấu hiệu cho thấy thị trường đang chịu áp lực nặng nề. Các nhà đầu tư giờ đây bị ép vào nhóm thứ hai: Nhóm bị buộc phải bán ra tài sản rủi ro để thu về Dollar Mỹ, bất kể họ muốn hay không.
Cho tới trung tuần tháng Ba năm nay, Dollar Mỹ vẫn giữ mối tương quan khá hợp lý với các đồng bạc khác: Tăng so với nhóm tiền hàng hóa (Loonie, Aussie và Kiwi), và giảm so với nhóm tài sản trú ẩn (Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ) và Euro. Có lẽ ở đâu đó ngoài kia thị trường tài sản rủi ro đang chịu áp lực nhưng thời điểm đó chưa phản ánh toàn diện lên Dollar Mỹ như hiện nay. Thậm chí lần đầu tiên hạ lãi suất khẩn cấp của Fed đầu tháng này còn khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường sẽ giảm bớt ưu tiên nắm giữ Dollar.
Đây không phải lần đầu tiên xu hướng tâm lý về Dollar Mỹ bị đánh giá sai trong những thời điểm nhạy cảm. Vào năm 2008, đa phần giới đầu tư suy luận rằng đồng bạc xanh sẽ giảm do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng xuất phát từ chính nước Mỹ. Nhưng trước sự sững sờ của cả thế giới, Dollar Mỹ vẫn tăng rất mạnh, các ngân hàng bên ngoài Hoa Kỳ tranh nhau vay ngắn hạn đồng bạc xanh để xử lý nhu cầu thanh khoản của các danh mục chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Nhiều quốc gia đã sớm nhìn ra và cố gắng giải quyết vấn đề này. Giai đoạn 2015-16, Trung Quốc đã mất một nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối, một phần để đáp ứng nhu cầu Dollar Mỹ từ các công ty nội địa đang vay quá nhiều từ nước ngoài. Và bất chấp những nỗ lực chống Dollar hóa nền kinh tế của nhiều quốc gia ví dụ như Nga, đồng bạc xanh vẫn đóng vai trò trung tâm của thế giới cho tới tận bây giờ. Và như một lối mòn, nếu thị trường tài chính có bất cứ căng thẳng xuyên biên giới nào đang nhen nhóm, một cú tăng mạnh của Dollar sẽ phơi bày tất cả.
Sẽ thật ngu ngốc nếu loại trừ quy luật này mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Một quỹ phòng hộ được phỏng vấn cho rằng két tiền của các tổ chức sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn về Dollar trong nhiều tuần tới, để giải quyết các khoản nợ mà trước đó họ vay để đầu tư vào tài sản rủi ro, và giờ đây phải đối mặt với khủng hoảng tiền mặt. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng cơ hội để các tổ chức đầu tư theo dạng đem nợ ngắn cho đi vay dài này sẽ không còn rộng mở như thời kỳ 2007-09, do các ngân hàng đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về chính sách cho vay, vì vậy thị trường hoảng loạn phát sinh do những con nợ lớn từ nước ngoài dường như không phải là mối quan tâm hàng đầu nữa.
Những thay đổi về tâm lý đầu tư sẽ ảnh hưởng đến đồng Dollar theo nhiều cách khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ đơn giản là lựa chọn bán (hoặc không mua) chứng khoán Mỹ trong bối cảnh hỗn loạn hiện tại, như một dạng “tự cách ly” về mặt tài chính, nhưng các khoản thặng dư từ tiết kiệm vẫn cần tái đầu tư ở một lớp tài sản nào đó. Các quỹ tại châu Á nhiều năm nay đã và đang đều đặn mua vào tài sản nợ của Mỹ. Quỹ hưu trí của chính phủ Nhật Bản với tổng tài sản nắm giữ trị giá 1.6 nghìn tỷ Dollar, thậm chí đã ra tín hiệu rằng họ sẽ tăng nắm giữ nợ nước ngoài và vốn chủ sở hữu trong năm tài chính sắp tới. Ông Mansoor Mohi-uddin, chiến lược gia kinh tế vĩ mô của hãng NatWest, Singapore cho biết, chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này vãn hồi. Thậm chí tồn tại hẳn một logic cho chiến lược ồ ạt mua vào tài sản nước ngoài, như một phương tiện làm suy yếu đồng Yên và hỗ trợ cho ngành xuất khẩu của Nhật.
Các quỹ đầu tư Nhật Bản trong những năm gần đây ưu tiên mua tài sản nợ định giá bằng đồng Euro, vì chi phí phòng hộ rủi ro đối với Euro khá thấp. Nhưng nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất, chi phí phòng hộ rủi ro của đồng bạc xanh sẽ trở nên rẻ hơn. Các nhà đầu tư châu Á đi theo chiến lược hedge tiền tệ có thể nghiêng về tài sản của Mỹ. Điều đó tạo ra tâm lý trung lập cho Dollar nhưng là một cơ hội lớn cho các nhà phát hành nợ doanh nghiệp ở Mỹ.
Về bản chất đồng Dollar không hoàn toàn là một loại tiền tệ được yêu mến. Giống như vàng tăng giá do tâm lý nhà đầu tư lo sợ và tìm kiếm sự trú ẩn. Đồng bạc xanh là một thứ tiền tệ mà người ta bị ép phải mua nhiều hơn. Trong điều kiện bình thường, dao động ổn định của Dollar có thể xoa dịu tâm lý thị trường. Nhưng với điều kiện hiện nay, sự tăng giá đột ngột của nó sẽ là một điềm xấu cho giới đầu tư toàn cầu.