Giá vàng đang thiết lập kỷ lục mới một cách hoàn toàn hợp lý
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Bối cảnh kinh tế hiện nay ngày càng thuận lợi để giá vàng thiết lập những mức đỉnh mới.
Vàng đã chính thức vượt ra khỏi phạm vi bị kìm hãm kể từ đầu thập kỷ, đạt mức kỷ lục 2,195 USD/oz trong tháng này. Nhu cầu tăng ở Trung Quốc có thể là lý do đằng sau đợt phục hồi gần đây của giá vàng, nhưng một số yếu tố thông thường khác cũng thúc đẩy kim loại quý này bắt đầu đi đúng hướng. Những kỷ lục mới đang vẫy gọi.
Giá vàng lập đỉnh cao mọi thời đại mới
Vàng đã vượt ra khỏi biên độ dao động trong 4 năm qua.
Trong suốt phần lớn thập kỷ qua, Trung Quốc đã liên tục nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ bằng cách mua vàng, mặc dù số liệu báo cáo về hoạt động này còn rời rạc. Liệu Trung Quốc có tiếp tục mua vàng vào với mức giá kỷ lục hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn, nhưng nhu cầu từ các cá nhân giàu có của quốc gia này dường như vẫn chưa được đáp ứng.
Nhập khẩu vàng của Trung Quốc tăng vọt
Ngoài ra, có những dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu vàng đang tăng trên diện rộng. Các nhà phân tích của Societe Generale SA báo cáo dòng tiền kỷ lục của các nhà quản lý quỹ đổ vào vàng trong tháng 2, trị giá 11.3 tỷ USD. Trong hai tuần qua, hợp đồng tương lai vàng COMEX đã chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất trong 5 năm về các hợp đồng mua ròng mới, mặc dù mức độ tham gia thị trường qua các vị thế mở vẫn chưa đạt đến mức cao kỷ lục như cuối năm 2019 là 550,000 hợp đồng nắm giữ, hiện mới đang ở mức 426,000 hợp đồng.
Sự sụt giảm của các quỹ giao dịch vàng (ETF) vẫn đang là một điều khó hiểu. Thông thường, giá vàng và giá trị của các quỹ này biến động gần như trùng khớp với nhau. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022, mối liên kết này đã có sự tách biệt đáng kể. Tháng 2 vừa qua đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp chứng kiến dòng tiền chảy ra khỏi các ETF được hỗ trợ bằng vàng vật chất, với tổng giá trị bán ra là 5.7 tỷ USD trong năm nay. Mặc dù vậy, lượng bán ra này không là gì so với nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, vốn đã vượt quá 1,000 tấn mỗi năm trong hai năm liên tiếp.
Chuyển giao quyền sở hữu
Các nhà đầu tư trên thị trường mở đang dần giảm lượng vàng nắm giữ.
Tỷ suất lợi nhuận của vàng trong những năm gần đây rất khó dự báo. Theo logic thông thường, giá vàng được dự đoán sẽ đạt đỉnh cao mới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chương trình kích thích tiền tệ quy mô lớn để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, bối cảnh lúc đó cho thấy giá năng lượng tăng vọt kéo theo lạm phát, nhưng mối tương quan giữa vàng và các lớp tài sản khác gần như bị phá vỡ. Lãi suất tăng đáng lẽ sẽ gây áp lực lên vàng, còn chiến tranh bùng phát khiến vàng được hưởng lợi, nhưng phản ứng của thị trường vàng đối với những sự kiện này lại rất hạn chế.
Theo Chris Watling, nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư Longview Economics, ba yếu tố lịch sử chính tác động đến giá vàng là đồng USD, kỳ vọng lạm phát và dự báo lãi suất. Những yếu tố này đang bắt đầu chi phối thị trường vàng trở lại.
Chỉ số DXY đã giảm gần 4% kể từ đầu tháng 11, khiến vàng trở nên rẻ hơn. Mặc dù gần đây lạm phát giảm dần đều nhưng chưa phải là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của vàng. Cách chuyên gia theo dõi mối quan hệ giữa vàng và tình hình tiền tệ của nền kinh tế là giám sát lợi suất trái phiếu sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 20 điểm cơ bản xuống còn khoảng 1.8% kể từ giữa tháng 2; lợi suất thực tế giảm đang hỗ trợ đà tăng của vàng do việc gửi tiền nhàn rỗi vào trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Trong khi đó, thị trường đang định giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay, điều này cũng sẽ hỗ trợ giá vàng tăng cao hơn.
Đối với những người ưa chuộng vàng, sức hấp dẫn cơ bản của vàng đến từ sự đối lập với các loại tiền tệ được bảo trợ bởi chính phủ chi tiêu quá mức. Ví dụ, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng trong thập kỷ tới. Việc phát hành thêm nợ sẽ diễn ra liên tục - củng cố thêm lý do đầu tư cho những người đam mê kim loại quý này. Và trong khi mức cao kỷ lục gần đây của Bitcoin được thúc đẩy bởi sự ra mắt của các quỹ giao dịch trao đổi tiền điện tử (ETF), động lực tiềm ẩn của nhu cầu đối với Bitcoin cũng tương tự - đó là sự khinh thường đối với các loại tiền tệ do chính phủ phát hành.
Thay vì chỉ đơn giản tự hỏi liệu Trung Quốc có mua thêm một xe tải thỏi vàng nữa hay không, các nhà đầu tư có một số lý do ít trừu tượng hơn để phân bổ thêm tiền cho kim loại quý này. Căng thẳng địa chính trị leo thang, khả năng xảy ra các cuộc bầu cử phức tạp ở một số quốc gia và bối cảnh kinh tế ngày càng thuận lợi cho vàng sẽ mở đường cho những đỉnh cao mới.
Bloomberg