Hãy cẩn trọng bởi nỗi ám ảnh "Thiên nga đen" vẫn sẽ còn đeo đuổi thị trường chứng khoán toàn cầu!
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Thị trường tài chính toàn cầu vẫn trong trạng thái mong manh trước nguy cơ xuất hiện của những sự kiện "Thiên nga đen"
Bất chấp số lượng ca nhiễm Covid-19 mới vẫn đang tăng nhanh, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đang tiếp tục áp sát các mức đỉnh trong lịch sử. Các nhà đầu tư giờ đây đã không còn quá lo sợ về dịch bệnh và một sự sụp đổ như trong tháng 3 vừa qua có thể sẽ chưa lặp lại trong tương lai gần. Tôi đã không còn cho rằng chỉ dịch bệnh Covid-19 có thể khiến cho thị trường một lần nữa rơi vào hoảng loạn. Mặc dù vậy, những gì xảy ra trong năm nay cho thấy thị trường hoàn toàn có thể trở nên mỏng manh trước những sự kiện cực đoan bất ngờ. Sẽ là rất khó để có thể dự đoán một sự kiện “Thiên nga đen” tiếp theo, nhưng chí ít chúng ta có thể theo dõi diễn biến của các yếu tố xúc tác khác có thể tạo tiền đề cho một sự sụp đổ tương tự xảy ra.
Sự mất liên lạc giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế
Về lý thuyết, nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ cùng song hành với nhau. Đôi khi thị trường sẽ đi trước nền kinh tế hoặc ngược lại. Tuy vậy, cuối cùng cả 2 sẽ đều tới đích gần như cùng lúc. Ở thời điểm hiện tại, tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư đang giúp cho thị trường chứng khoán đi trước so với nền kinh tế thực.
Trong khi các thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng, quá trình phục hồi của các nền kinh tế lại đang cho thấy dấu hiệu chững lại. Nếu như nhìn vào cụ thể từng nền kinh tế, quá trình phục hồi đã có xu hướng chững lại. Các chỉ số theo dõi cho thấy hoạt động kinh tế vẫn còn ở dưới mức trước đại dịch.
Sự mất liên lạc trên có thể sẽ còn kéo dài trong tương lai khi dự báo của IMF cho thấy các quốc gia sẽ cần tới khoảng 2 năm mới có thể khôi phục quy mô GDP trước đại dịch.
Động lực nào đã thúc đẩy thị trường chứng khoán
Trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới phải dựa vào các gói cứu trợ với quy mô kỷ lục nhằm đối phó với khủng hoảng, hy vọng về những gói kích thích kinh tế tiếp theo đã giúp giá cổ phiếu neo ở mức cao như hiện tại. Biểu đồ dưới đây cho thấy quy mô các gói cứu trợ của nhóm G7 năm nay đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử, làm gia tăng gánh nặng nợ công hiện đã gần gấp 3 lần GDP.
Vấn đề ở đây đó là thị trường không tăng bởi sự cải thiện của nền kinh tế mà bởi kỳ vọng rằng chính phủ sẽ tiếp tục đổ tiền vào nền kinh tế. Điều này tất nhiên có thể giúp cải thiện tình hình của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những gói kích thích trên có thể chỉ mang tính chất cầm chừng. Chúng đảm bảo rằng nền kinh tế có thể hoạt động với một nửa công suất, tức doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và trả lương cho người lao động. Người lao động ngược lại dùng tiền lương để tiêu dùng. Chu trình vận hàng của nền kinh tế nhờ đó được giữ nguyên, tuy nhiên nó cũng khiến cho thị trường chứng khoán dần tách biệt so với nền kinh tế thực, cụ thể:
Dòng tiền thông minh trở lại thị trường
Một lượng thanh khoản lớn của thị trường đến từ các quỹ thị trường tiền tệ (Money Market Fund) với danh mục tập trung vào các tài sản ngắn hạn dưới 12 tháng với mức thanh khoản cao. Thị trường giao dịch của các quỹ trên phần lớn là các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, công ty bảo hiểm và các chính phủ. Trong một vài năm trở lại đây, lượng vốn đổ vào các quỹ trên đã ngày càng gia tăng và được đẩy mạnh hơn nữa với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán bắt đầu từ cuối tháng 2.
Mặc dù giá trị tài sản ròng của các quỹ này vẫn còn rất cao so với mức trước khủng hoảng, con số này đang có xu hướng giảm dần. Một phần lượng tiền giảm xuống trên có thể đã trở lại thị trường chứng khoán và việc sở hữu quá nhiều tiền mặt khiến cho các nhà đầu tư trở nên trơ hơn với những diễn biến của dịch bệnh.
Hiệu ứng đám đông từ các nhà đầu tư cá nhân
Bên cạnh đó, nhu cầu đối với cổ phiếu cũng gia tăng từ khu vực các nhà đầu tư cá nhân, những người thường bị phấn khích bởi sự phục hồi nhanh chóng của thị trường và sẵn sàng đổ tiền vào một cách nhanh chóng. Có dư thừa thời gian do buộc phải cách ly tại nhà cùng với thu nhập từ tiền trợ cấp của chính phủ, những nhà đầu tư cá nhân này hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để gia nhập vào thị trường.
Vậy sự kiện “Thiên nga đen” tiếp theo khi nào sẽ ập tới?
Như đã nói ở trên, việc dự báo sự xuất hiện của sự kiện thiên nga đen là rất khó khăn, thậm chí là không thể. Việc chúng ta có thể làm đó là theo dõi sự tích tụ của các yếu tố nền tảng để xác định thời điểm thị trường dễ bị tổn thương nhất bởi những sự kiện bất ngờ. Một yếu tố khó lường hiện tại đó là triển vọng phục hồi của việc làm trong thời gian tới. Trong bối cảnh hiện tại, các công ty sẽ hạn chế hoạt động đầu tư và tăng cường lượng tiền mặt. Biểu đồ dưới đây cho thấy số lượng các thương vụ sáp nhập của các công ty Mỹ đã giảm mạnh và vẫn chưa thể phục hồi kể từ sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Việc các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư sẽ gây cản trở tới quá trình phục hồi của thị trường lao động, vốn đang được hỗ trợ từ chính sách tiền tệ nới lỏng của các NHTW. Tuy nhiên trong trung hạn, triển vọng phục hồi của việc làm vẫn là khá mong manh khi phụ thuộc vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và gánh nặng nợ của nền kinh tế.
Yếu tố trên có thể chưa được tính toán thấu đáo bởi thị trường và do đó có thể nới nới rộng khoảng cách giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố trên sẽ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ sẽ là một sự kiện “Thiên nga đen” tiếp theo, có thể sẽ là một làn sóng phong tỏa thứ 2 trên toàn cầu khi mà số ca nhiễm mới vẫn đang tăng chóng mặt qua từng ngày.