JPMorgan khuyến nghị mua bắt đáy tài sản rủi ro trong đại dịch virus Corona
JPMorgan, Corona
JPMorgan khuyến nghị mua bắt đáy tài sản rủi ro trong đại dịch virus Corona
(dịch và tổng hợp từ Bloomberg bởi Tung Trinh)
Ngân hàng JP Morgan Chase đang thể hiện sự đồng tình với quan điểm của các chiến lược gia và nhà đầu tư cho rằng đại dịch virus Corona đang hoành hành tại Trung Quốc có thể sẽ mang đến cơ hội mua vào tài sản rủi ro với giá rẻ.
“Dường như thị trường đang tạo đáy khi khủng hoảng lan rộng”, ông Gabriela Santos, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, New York cho biết. “Có vẻ đây là một cơ hội cho nhà đầu tư mua vào tài sản rủi ro, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi khu vực Châu Á”
Bất chấp việc các chính phủ tăng cường hạn chế đi lại và số ca lây nhiễm cũng như tử vong tăng lên, vẫn xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một số nhà đầu tư đang tạm ngưng bán tháo tài sản rủi ro liên quan tới hoặc đại diện cho thị trường Trung Quốc.
Đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đã tăng trở lại trong phiên Á vào thứ Tư, sau khi chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong sáu tuần qua. “Dù vẫn còn quá sớm để các nhà đầu tư đánh giá được mức độ nghiêm trọng của đại dịch này cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng một khi nó được kiểm soát, vẫn có cơ hội cho thị trường điều chỉnh và tăng cao hơn”, ông Santos đề cập thêm.
Thứ Ba tuần này, quỹ ETF iShares MSCI China hay còn có tên là MCHI, được biết đến là quỹ ETF lớn nhất nước Mỹ chuyên về cổ phiếu Trung Quốc với tổng vốn hóa 4.7 tỷ Dollar Mỹ, đã phục hồi 1%, một ngày sau khi trải qua phiên giảm điểm tệ nhất kể từ tháng Tám năm ngoái.
Chủng virus này đã gây tử vong cho hơn 100 người và khiến hoạt động đi lại trong và ngoài Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bi hạn chế. Chính phủ Mỹ cũng khuyến nghị du khách nước mình tránh tất cả các chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc, trong khi đó một số thị trường châu Á vẫn đóng cửa cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Lo ngại gia tăng đã khiến hãng Julius Baer mới tuần trước còn khuyến khích các nhà đầu tư mua vào tài sản rủi ro đang bị bán tháo, phải cân nhắc lại chiến lược của mình. Mặc dù công ty này vẫn giữ quan điểm tích cực với các cổ phiếu Trung Quốc trong trung và dài hạn, nhưng phản ứng thị trường đang cảnh báo về việc các cổ phiếu này có thể giảm sâu thêm 10% tới 15%.
“Đại dịch virus ở Vũ Hán đã trở nên tồi tệ hơn so với lần đầu tiên chúng tôi nhận xét về nó”, Richard Tang, nhà phân tích cổ phiếu tại Julius Baer, đã viết trong một báo cáo vào thứ Ba. “Virus đang lây lan nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu”
Tuy nhiên, thị trường cũng tiềm ẩn những dấu hiệu lạc quan, khi các tổ chức tài chính từ UBS đến Morgan Stanley vẫn đang khuyến nghị các nhà đầu tư nắm lấy cơ hội mua vào tài sản rủi ro khi chúng còn đang rẻ, và cổ phiếu các công ty lớn của Trung Quốc lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, từ Alibaba đến JD.com, gần đây cũng đang phục hồi nhẹ.
Dưới đây là tóm lược ý kiến của các chuyên gia xung quanh tác động của virus Corona tới thị trường:
1. Gabriela Santos từ JPMorgan Asset Management:
- Thị trường vẫn chưa rõ ràng về mức độ lây nhiễm và tính nghiêm trọng của đại dịch
- Thông thường, tác động của một dịch bệnh virus lên thị trường chỉ mang tính ngắn hạn.
- Khi khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, thị trường sẽ chạm đáy, phục hồi và tiếp tục xu hướng trước đó.
- Có thể thấy rõ một số tác động nhất định tới thị trường tiêu dùng, đặc biệt là ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
- Bất kỳ tác động nào tới kinh tế cũng chỉ mang tính tạm thời, và khi nó kết thúc cũng là thời điểm kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cho dù mô hình tăng trưởng có thay đổi.
2. Alejo Czerwonko, chiến lược gia phụ trách thị trường mới nổi của UBS Wealth Management tại New York:
- Bất cứ sự điều chỉnh mạnh nào của thị trường cũng là một cơ hội để mua vào
- Tham khảo từ các đợt bùng phát dịch trong quá khứ như SARS năm 2003 và MERS năm 2015, chúng tôi kỳ vọng tác động tới kinh tế vĩ mô của đai dịch hiện nãy sẽ bị hạn chế
- Virus có thể có tác động tạm thời đến Trung Quốc và tăng trưởng trong Quý I, nhưng sau đó nền kinh tế sẽ phục hồi.
- Chính quyền Trung Quốc lần này đã phản ứng nhanh hơn so với đại dịch SARS, và virus Corona hiện nay có vẻ gây tử vong ít hơn.
- Mua sắm trực tuyến hiện nay phổ biến hơn, vì vậy doanh số bán hàng có thể không bị ảnh hưởng nặng nề
3. Ek Pon Tay, quản lý danh mục nợ của thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management, Singapore:
- Do hoat động định giá year-to-date vẫn bị nén, dẫn tới tỷ lệ Risk-Reward hạn chế, chênh lệch tín dụng có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới do thị trường chưa định giá sự lây nhiễm ở mức độ đối đa.
- Ông cũng nói thêm rằng ông có kế hoạch gia tăng vị thế đối với các tập đoàn tại khu vực Bắc Á nếu tình trạng lây nhiễm được kiểm soát và hoạt động định giá điều chỉnh mạnh hơn.
Ông cân nhắc và đánh giá cao các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc cũng như những chính sách hỗ trợ có khả năng phục hồi nền kinh tế trước thách thức từ sự bùng phát của virus.
4. Takeshi Yokouchi, quản lý quỹ cao cấp tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, Tokyo:
- Sự bùng nổ của đại dịch virus Corona, vốn cần được xem xét kỹ diễn biến và tác động, chưa đẩy trạng thái “Risk Off” của thị trường tới mức độ khiến tôi phải thay quan điểm chiến lược của mình tại thời điểm này.
- Yokouchi đang đánh giá cao tài sản rủi ro tại thị trường Mexico và Indonesia, nhiều hơn so với thị trường Nam Phi và Ấn Độ, dựa trên thước đo nền tảng kinh tế, lạm phát và phạm vi ảnh hưởng của chính sách nới lỏng tiền tệ.
- Ông giữ quan điểm trung lập đối với tiền tệ và lãi suất dài hạn trong giai đoạn này, vì một số trái phiếu của thị trường mới nổi tăng, song song với trái phiếu của các thị trường khác, trong khi đang xuất hiện nhiều động thái bán ra tiền tệ của nhóm quốc gia đang phát triển.
5. Delphine Arrighi, quản lý quỹ tại Merian Global Investors UK, London:
- Rồi sẽ xuất hiện cơ hội cho chúng ta mua vào, mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá mức độ lan rộng của đại dịch và tác động của nó lên các nền kinh tế
- Tại Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng đã phục hồi trở lại từ đáy, trong ngắn hạn nền kinh tế nước này vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực, tương tự như ngành du lịch của cả khu vực.
- Trong trung hạn, chúng tôi nghĩ rằng khả năng tăng trưởng vẫn không thay đổi, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng hiện tại thị trường đang được đánh giá lại ở mức tiêu cực.
6. Gustavo Medeiros, phó phòng nghiên cứu tại hãng Ashmore, London:
- Các nhà chức trách của Trung Quốc và quốc tế xứng đáng được khen ngợi khi đã phản ứng mạnh mẽ và kịp thời đối với đại dịch.
- Nếu rủi ro về lây lan toàn cầu bị hạn chế, bất cứ động thái bán tháo tài sản nào cũng có thể là cơ hội tốt để mua vào.
- Sự bất an xung quanh khả năng virus đột biến hoặc tăng mức độ lây lan từ người sang người, có thể là yếu tố khiến thị trường tài chính biến động trong ngắn hạn.