KBC Bank: Cuộc tranh luận xoay quanh cuộc họp FOMC tuần tới đang trở nên "kịch tính" hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của "thuyết âm mưu"
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của KBC Bank.
Cuộc tranh luận tưởng chừng đã ngã ngũ nay lại sôi nổi hơn bao giờ hết
Sau khi chỉ số CPI lõi tháng 8 của Mỹ công bố hôm thứ Tư cao hơn đôi chút so với dự kiến, giới đầu tư trong thoáng chốc đã tin rằng cuộc tranh luận về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ở mức độ nào vừa ngã ngũ, với phe 25 bps chiếm ưu thế. Nhưng không, mọi chuyện chưa hề kết thúc và thị trường lại dậy sóng một lần nữa với xác suất gần như ngang bằng giữa việc cắt giảm 25 hay 50 bps. Giờ đây, các cuộc bàn luận không còn xoay quanh dữ liệu nữa. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tuần tới hoặc các dữ liệu ít quan trọng hơn khác có lẽ cũng chẳng còn tác động gì nhiều. Tâm điểm chú ý lúc này là chiến lược nào sẽ được Fed áp dụng.
Kịch tính hơn, cuộc tranh luận càng thêm sôi nổi với những bài phân tích đầy sức nặng trên Financial Times ("Fed vật lộn với bài toán cắt giảm lãi suất") và Wall Street Journal ("Fed tiến thoái lưỡng nan: Bắt đầu mạnh mẽ hay chậm rãi?"). Các bài viết này đã đưa ra hàng loạt lập luận ủng hộ và phản đối việc giảm 50 bps ngay từ đầu. Chúng ta hãy cùng xem xét một số ý kiến tiêu biểu.
Phe ủng hộ mức cắt giảm 25 bps:
- Việc bắt đầu một cách thận trọng sẽ là bước đi khôn ngoan, cho phép Fed đánh giá tác động của việc cắt giảm lãi suất, từ đó có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Một cú "xuống tay" mạnh mẽ tới 50 bps có thể vô tình "phá hỏng" kịch bản "hạ cánh mềm" mà Fed dày công theo đuổi, đẩy thị trường vào vòng xoáy tháo chạy khỏi rủi ro và gieo rắc tâm lý bất an về một cuộc suy thoái đang đến gần.
Phe ủng hộ mức cắt giảm 50 bps:
- Chính sách tiền tệ hiện đang rất thắt chặt. Để ngăn chặn nguy cơ thị trường lao động xấu đi hơn nữa như lời cảnh báo của Chủ tịch Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole, Fed cần phải hành động dứt khoát, đưa lãi suất chính sách về mức trung lập càng sớm càng tốt.
- Giảm 50 bps cũng là cách để Fed tránh được những lời chỉ trích về việc phản ứng chậm chạp nếu nền kinh tế bất ngờ giảm tốc. Hơn nữa, trong trường hợp kịch bản "hạ cánh mềm" mà Fed mong muốn trở thành hiện thực, họ hoàn toàn có thể chủ động làm chậm quá trình nới lỏng hoặc tạm dừng vào năm sau.
- Biểu đồ Dot Plot mới cũng có thể củng cố thêm cho lập luận giảm 50 bps. Tại sao lại phải dè dặt với mức giảm 25 bps trong khi phần lớn các quan chức Fed đều dự đoán lãi suất sẽ phải giảm hơn 100 bps trong năm nay?
Hiện tại, chúng ta không có cơ sở nào để khẳng định rằng cuộc tranh luận sôi nổi trên truyền thông trong giai đoạn “im hơi lặng tiếng” trước thềm cuộc họp là do chính Fed "giật dây". Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các chuyên gia "có mối quan hệ mật thiết” với Fed được trích dẫn trong các bài báo như cựu Chủ tịch Fed New York - William Dudley, hay cựu cố vấn của Chủ tịch Fed Jerome Powell - Jon Faust, đều tin rằng Fed sẽ giảm 50 bps.
Như đã đề cập, đây là cuộc chiến về chiến lược và tâm lý hơn là phân tích dữ liệu. Trên tinh thần đó, chúng ta hãy cùng xem xét thêm một lập luận nữa. Liệu Fed có dám mạo hiểm và gạt sang một bên việc cắt giảm 50 bps vào thứ Tư tới, trong bối cảnh thị trường đang đặt cược vào một cú “xuống tay” mạnh mẽ hơn? Nghe có vẻ phi lý, nhưng thị trường vốn dĩ vẫn luôn vận hành như vậy. Với thế trận cân não này, chúng tôi cho rằng Fed sẽ chọn cách ít rủi ro nhất, đó là giảm 50 bps, mở đường cho việc nới lỏng tổng cộng 150 bps trong năm nay.
Bất kể động lực thực sự là gì, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hôm nay lại đồng loạt điều chỉnh, với kỳ hạn 2 năm và 30 năm giảm lần lượt 7 bps và 1 bps. Ngoài ra, trái phiếu chính phủ Đức cũng không khá khẩm hơn do ECB chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về lộ trình lãi suất (kỳ hạn 2 năm và 30 năm giảm lần lượt 2.5 bps và 0.5 bps. Đồng bạc xanh dường như cũng đang chuẩn bị tinh thần cho một cú "xuất kích" mạnh mẽ của Fed khi chỉ số DXY giảm trở lại mốc 101.00, EUR/USD kiểm nghiệm ngưỡng 1.1100 và USD/JPY cũng sắp chạm đến hỗ trợ quan trọng 140.25 (đáy tháng 12/2023).
Diễn biến đáng chú ý khác
Dựa trên kết quả khảo sát hàng quý của BoE, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008, người dân Anh lại kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong 12 tháng tới. Cụ thể, 38% số người được hỏi tin rằng lãi suất sẽ giảm, trong khi chỉ 29% kỳ vọng ngược lại. Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian 02-06/08, sau khi BoE có đợt giảm lãi suất đầu tiên xuống 5.0% và lạm phát toàn phần lúc bấy giờ đã chạm mốc 2.0%.
Kỳ vọng lạm phát của người dân cho năm tới tiếp tục giảm từ 2.8% xuống 2.7%, thấp nhất trong vòng ba năm qua và là một tín hiệu rất tích cực so với mức đỉnh 4.9% ghi nhận hồi tháng 08/2022. Lạm phát trong hai năm tới được dự báo ở mức 2.6%, không đổi so với trước đó. Mặt khác, dự báo lạm phát trong 5 năm tới tăng nhẹ lên 3.2%. Cũng theo kết quả khảo sát, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 02/2022, người dân Anh bày tỏ sự hài lòng với cách thức kiểm soát lạm phát của BoE. Mức chênh lệch giữa tỷ lệ người hài lòng và không hài lòng đã dịch chuyển từ -4% lên +4%, cải thiện đáng kể so với mức thấp kỷ lục -21% ghi nhận hồi tháng 08/2023.
Thành viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ Ba Lan - Ludwik Kotecki, cho biết ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ cắt giảm lãi suất trong Q2/2025. Đây là một thay đổi mang hơi hướng "bồ câu" so với quan điểm mà ông đưa ra hồi cuối tháng 7, khi đó ông chỉ đề cập đến việc bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm lãi suất. Nhận định của ông Kotecki trùng khớp với những gì Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) - Adam Glapinski đã phát biểu vào tuần trước. Ông Kotecki loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất trước khi dự báo lạm phát tháng 3 được công bố, đồng thời muốn chờ đợi xem các ngân hàng trung ương lớn hành động như thế nào. Ông cũng chia sẻ thêm rằng nếu ECB và Fed nới lỏng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, NBP cũng sẽ đẩy nhanh quá trình xem xét việc cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, ông Kotecki không loại trừ khả năng lãi suất sẽ giảm tổng cộng 100 bps trong năm 2025, từ mức 5.75% hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch ngân sách đang có phần "phóng tay" của chính phủ, với dự báo thâm hụt hơn 5.0%, có thể là một rào cản đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu chính Mỹ phủ kỳ hạn 2 năm dao động gần đáy của chu kỳ thắt chặt tiền tệ khi cuộc tranh luận về việc Fed sẽ bắt đầu với mức cắt giảm 25 hay 50 bps vẫn chưa ngã ngũ.
USD/JPY kiểm tra lại đáy tháng 12/2023 trong bối cảnh thị trường tiếp tục đặt cược vào sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Fed và BoJ.
EUR/PLN - Đồng Zloty Ba Lan giữ vững vị thế ngay cả khi NBP bắt đầu thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu (dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2025).
Vàng lập đỉnh mọi thời đại mới khi lợi suất trái phiếu giảm, đồng bạc xanh suy yếu và nhu cầu trú ẩn gia tăng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
KBC Bank