MUFG Research: Các đồng tiền châu Á phản ứng thế nào khi anh "Đô” tiếp tục phô diễn sức mạnh?

MUFG Research: Các đồng tiền châu Á phản ứng thế nào khi anh "Đô” tiếp tục phô diễn sức mạnh?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:44 10/09/2024

Đồng tiền các quốc gia châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) đồng loạt suy yếu so với USD trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, khi đồng bạc xanh tiếp tục mạnh lên. Baht Thái, Peso Philippine và Kyat Myanmar là những "nạn nhân" lớn nhất.

Dữ liệu hôm nay có gì đáng chú ý?

  • G3: Chỉ số niềm lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ NFBI (Mỹ), CPI (Đức), sản xuất công nghiệp (Ý)
  • Châu Á: Cán cân thương mại (Trung Quốc và Philippines), sản xuất công nghiệp (Malaysia)

Bối cảnh chung

Chỉ số DXY tăng 0.4% lên trên 101.50, sau khi tìm thấy hỗ trợ ở mức 100.50. "Làn sóng xanh" tràn ngập thị trường khi EUR, JPY, SEK và CHF đều giảm giá so với USD. Trong đó, EUR là "nạn nhân" lớn nhất, đóng góp đáng kể vào đà tăng của DXY. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ hôm thứ Sáu không đủ mạnh để giới đầu tư tự tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 bps vào tháng 9, càng củng cố thêm sức mạnh cho đồng bạc xanh. Thực tế, thị trường lao động Mỹ vẫn cho thấy tín hiệu tích cực với mức tăng 142,000 việc làm trong tháng 8, cao hơn so với con số 114,000 của tháng 7. Khảo sát kỳ vọng lạm phát 1 năm của Fed New York ổn định ở mức 3.0% so với cùng kỳ.

Không chỉ đồng USD "lên ngôi", tâm lý bi quan còn bao trùm lên các thị trường khác. Chỉ số niềm tin đầu tư Sentix của khu vực đồng Euro cũng xấu đi trong tháng này. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2.9% so với cùng kỳ trong Q2, được điều chỉnh giảm từ ước tính sơ bộ là 3.1% do nhu cầu nội địa tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào dữ liệu lạm phát CPI của Mỹ vào thứ Tư để tìm kiếm thêm manh mối về quyết định lãi suất của Fed. Nếu CPI lõi giảm, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn vào tháng 9 có thể sẽ tăng lên và ngược lại.

Diễn biến thị trường ngoại hối châu Á

Các đồng tiền châu Á (ngoại trừ Yên Nhật - JPY) đồng loạt "lao dốc" so với USD trong phiên giao dịch hôm thứ Hai do đồng bạc xanh tăng giá trở lại. Baht Thái THB (-1.3%), Peso Philippine PHP (-1.0%) và Kyat Myanmar MYR (-1.0%) là những đồng tiền chịu thiệt hại nặng nề nhất. Triển vọng đối với các đồng tiền châu Á có thể tiếp tục tiêu cực trong bối cảnh USD vẫn đang "làm mưa làm gió" trên thị trường, và giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá rõ hơn về quy mô và tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed trong thời gian tới.

Ngoài ra, THB giảm giá một phần do Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith (người vẫn giữ chức vụ dưới thời chính phủ mới) bày tỏ lo ngại về việc đồng Baht tăng giá quá mức trong ngắn hạn, cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan. Về mặt kỹ thuật, USD/THB có thể đã hình thành đáy ngắn hạn tại 33.50, với ngưỡng kháng cự tiếp theo là 34.60.

Bên cạnh đó, PHP suy yếu do chênh lệch lãi suất với Mỹ thu hẹp, lạm phát giảm thúc đẩy kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Philippines sẽ hạ lãi suất. Về mặt kỹ thuật, USD/PHP có thể đã hình thành đáy ngắn hạn tại 55.90, với ngưỡng kháng cự tiếp theo là 57.00.

Đáng chú ý, USD/CNY giảm 0.4% xuống 7.1164 do lo ngại việc “bóng ma” giảm phát quay trở lại Trung Quốc. Dữ liệu ngày hôm qua cho thấy, PPI của Trung Quốc giảm 1.8% do “nốt trầm” giá hàng hóa, trong khi CPI chỉ tăng 0.6% so với cùng kỳ, cao hơn một chút so với mức 0.5% của tháng trước. Mặc dù lãi suất của Mỹ giảm và các biện pháp tài khóa của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng có thể giúp giảm bớt áp lực lên CNY, nhưng một "bóng ma" khác vẫn đang lảng vảng, không đâu khác đó chính là thuế quan. Nếu Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 và áp đặt thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, CNY có thể sẽ chịu áp lực giảm giá mạnh mẽ hơn. Đà suy yếu của CNY có thể đã lan sang MYR, do hai đồng tiền này có mối tương quan chặt chẽ.

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ