MUFG Research: Đánh giá triển vọng USD/JPY và tín hiệu "dovish" từ BoE
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của MUFG Research.
USD/JPY: Đà tăng liệu có bền vững?
USD/JPY đã tăng gần 2.0% trong ngày hôm qua, nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố thúc đẩy làn sóng bán tháo Yên Nhật. Đồng bạc xanh nhìn chung tăng giá, nhưng biến động so với nhóm G10 là khá hạn chế. Do đó, báo cáo việc làm khu vực tư nhân khả quan của ADP chỉ là một phần lý do, khi lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm nhích nhẹ 3 bps. Mức tăng 143,000 việc làm theo dữ liệu từ ADP dù nhỉnh hơn dự kiến và vượt xa tháng trước, nhưng vẫn cho thấy dấu hiệu thị trường lao động đang tiếp tục hạ nhiệt. Cụ thể, mức tăng trưởng việc làm trung bình trong 3 và 6 tháng (lần lượt là 119,000 và 143,000), đã chạm đáy của chu kỳ mới. Dù vậy, điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại về một bất ngờ theo hướng tiêu cực trong báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu.
Yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến USD/JPY chính là những bình luận của tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba và Thống đốc BoJ Ueda sau cuộc họp đầu tiên của họ để bàn về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ. Lời khẳng định của vị tân Thủ tướng rằng "hiện không phải lúc để tăng lãi suất" đã khiến thị trường đánh giá lại cách tiếp cận của ông, đồng thời củng cố kỳ vọng BoJ sẽ duy trì chính sách hiện tại lâu hơn dự kiến. Định giá thị trường OIS hiện tại cho thấy, xác suất BoJ tăng lãi suất 25 bps tại cuộc họp tháng 12 là 25%.
Ngoài ra, chúng tôi không nhận thấy có điều khác biệt nào trong những bình luận của Thống đốc BoJ so với những gì ông đã phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 20/09. Ông Ueda tuyên bố rằng BoJ sẽ hành động nếu nền kinh tế diễn biến đúng như kỳ vọng của họ và cho biết cần có thêm thời gian để quan sát. Mặt khác, chúng tôi cho rằng bình luận của tân Thủ tướng Ishiba lại phù hợp với phát biểu của Thống đốc Ueda. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy việc chuyển giao quyền lực đã tạo ra một số bất ổn về định hướng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi tin rằng gói kích thích tài khóa mà ông Ishiba đang lên kế hoạch sẽ là yếu tố then chốt. Nếu gói kích thích này lớn hơn dự kiến, cùng với sự lạc quan về tăng trưởng toàn cầu nhờ động thái tương tự từ Trung Quốc, thì việc tăng lãi suất vào tháng 12 vẫn rất khả thi, nhưng chúng tôi sẽ không kỳ vọng quá nhiều.
Một số yếu tố khác cũng có thể khuyến khích hoạt động bán ra JPY. Căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông đã đẩy giá dầu thô tăng khoảng 7% và với việc Nhật Bản là một nước nhập khẩu năng lượng lớn, diễn biến này có thể gây áp lực giảm giá lên JPY. Bên cạnh đó, nỗi lo ngại về một cú sốc lạm phát toàn cầu mới do xung đột leo thang cũng là một yếu tố bất lợi cho JPY.
Mặt khác, chúng tôi cũng cho rằng những diễn biến tiêu cực ở Trung Đông có thể có lợi cho Donald Trump, khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy cử tri dường như tin tưởng ông hơn về chính sách đối ngoại. Về vấn đề bảo vệ lợi ích của Mỹ ở nước ngoài và giải quyết các cuộc xung đột quốc tế, Viện Nghiên cứu Các vấn đề Toàn cầu đã công bố kết quả khảo sát ngày 24/09 tại sáu bang trung lập, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump và Harris lần lượt là 56% và 44%. Cùng khảo sát này cũng cho thấy 58% cử tri tin tưởng Trump hơn trong việc chấm dứt xung đột ở nước ngoài, so với 42% ủng hộ Harris. Nếu xung đột ở Trung Đông tiếp tục leo thang, khả năng Trump chiến thắng sẽ tăng lên. Chúng tôi cho rằng, ít nhất là thời gian đầu, USD/JPY sẽ tăng mạnh khi Trump trở lại Nhà Trắng với chiến thắng áp đảo tại Quốc hội. Cuộc tranh luận trên truyền hình của Phó Tổng thống cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy kỳ vọng về chiến thắng của Trump, sau khi Tim Walz được cho là đã thể hiện kém cỏi trước JD Vance hôm thứ Ba.
Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ đằng sau đà tăng của USD/JPY. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn còn nhiều hoài nghi về tính bền vững của điều này. Nguyên nhân là do nhu cầu nắm giữ JPY để phòng ngừa rủi ro có thể sẽ gia tăng khi đồng tiền này suy yếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể sẽ cần thêm JPY để trả nợ ngoại tệ do mất giá. Tuy nhiên, diễn biến ở Trung Đông có thể làm thay đổi quan điểm này nếu xung đột leo thang đáng kể.
Trump đang dần thu hẹp khoảng cách với Harris và điều này có thể liên quan đến yếu tố địa chính trị (Nguồn: Macrobond & Bloomberg)
GBP: Thống đốc BoE báo hiệu khả năng đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất
Trong Báo cáo Triển vọng Ngoại hối tháng 10 được công bố cách đây vài hôm, chúng tôi đã cập nhật quan điểm về chính sách tiền tệ của BoE do nền kinh tế nước này đang cho thấy rõ ràng hơn những dấu hiệu chậm lại. Các chỉ báo tâm lý như niềm tin người tiêu dùng GfK, PMI, đơn đặt hàng công nghiệp CBI, phong vũ biểu kinh doanh Lloyds đều đang chuyển biến tiêu cực, cho thấy triển vọng tăng trưởng yếu hơn và khả năng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Theo đó, chúng tôi tin rằng BoE có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách bằng cách cắt giảm lãi suất tại cả hai cuộc họp còn lại trong năm. Điều này càng trở nên khả thi hơn sau bình luận của Thống đốc BoE Andrew Bailey, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian sáng nay. Điểm đáng chú ý về triển vọng chính sách tiền tệ là khi Bailey tuyên bố rằng "nếu lạm phát tiếp tục diễn biến tích cực" thì BoE có thể "chủ động hơn" trong việc cắt giảm lãi suất. Bailey cũng cho biết thêm rằng ông "cảm thấy phấn khởi" khi lạm phát không "dai dẳng" như dự đoán ban đầu của BoE. Đó là tất cả những gì ông đề cập đến chính sách tiền tệ trong một cuộc phỏng vấn với nhiều vấn đề nóng hổi hiện nay, bao gồm cả xung đột tại Trung Đông và khả năng xảy ra một cú sốc lạm phát mới. Bailey cũng bác bỏ lời cáo buộc của Liz Truss rằng BoE là một phần của "chính phủ ngầm" và có liên quan đến việc bà bị phế truất khỏi chức vụ Thủ tướng.
Với việc Fed và ECB cũng có thể thực hiện cắt giảm lãi suất liên tiếp tại các cuộc họp còn lại trong năm, tác động tiêu cực lên GBP là không đáng kể. Tuy nhiên, dù chiến lược nắm giữ vị thế mua GBP dài hạn vẫn phổ biến và sinh lời trong năm nay, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đảo chiều, đặc biệt nếu biến động thị trường tài chính gia tăng do tâm lý e ngại rủi ro.
Vị thế mua GBP dài hạn trong các quỹ đòn bẩy vẫn ở mức cao (Nguồn: Bloomberg & MUFG Research)
MUFG Research