MUFG Research: Dù cho báo cáo việc làm NFP có phần được “tô vẽ”, kịch bản Fed cắt giảm 50 bps vào cuộc họp tháng 11 vẫn khó lòng xảy ra!
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của MUFG Research.
Sự trở lại của “nhà vua” và những động lực nội tại …
Đồng bạc xanh tiếp tục giữ vững đà tăng sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) được công bố vào thứ Sáu cho thấy số liệu khả quan hơn nhiều so với dự kiến. Báo cáo đã củng cố niềm tin của thị trường rằng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 25 bps vào kỳ họp tháng 11, ngay sau cuộc bầu cử Mỹ. Chỉ số DXY theo đó đã tăng trở lại mức 102.00, vượt xa mức thấp nhất trong năm gần 100.00 ghi nhận hồi cuối tháng trước. Đồng thời, đây cũng là đợt phục hồi mạnh mẽ nhất của đồng bạc xanh kể từ khi bước vào xu hướng giảm từ cuối tháng 6.
Báo cáo cho thấy, tăng trưởng việc làm đã ghi nhận sự tích cực trong tháng thứ ba liên tiếp. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 254,000 việc làm trong tháng 9, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 3. Bên cạnh đó, dữ liệu điều chỉnh cho thấy số lượng việc làm trong hai tháng trước đó cũng tăng thêm 72,000. Mặc dù tăng trưởng việc làm trung bình sáu tháng qua có phần chậm lại, nhưng không đáng ngại như dự đoán ban đầu. Cụ thể, tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng trong sáu tháng qua đạt 167,000 (tính đến tháng 9), so với mức 240,000 của giai đoạn sáu tháng trước đó và 251,000 năm 2023. Ngoài ra, khảo sát hộ gia đình cũng cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, với số việc làm tăng mạnh 430,000, góp phần kéo tỷ lệ thất nghiệp từ 4.2% xuống còn 4.1%.
Báo cáo khả quan này sẽ củng cố niềm tin cho Fed, xoa dịu lo ngại về việc ngân hàng trung ương này đã chậm chân khi phải chờ đến tháng 9 mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Để buộc Fed phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm 50 bps, cần phải có thêm những bằng chứng cho thấy thị trường lao động đang xấu đi rõ rệt. Dù vậy, khó có khả năng kịch bản này diễn ra tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11, ngay cả khi báo cáo NFP tháng 9 có phần được "tô vẽ".
Vì vậy, dự kiến đồng bạc xanh sẽ tiếp tục mở rộng đà tăng cho đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 05/11. Hơn nữa, ngay cả khi báo cáo CPI của Mỹ cho tháng 9 được công bố vào thứ Năm yếu hơn dự kiến, thì điều đó cũng khó có thể thay đổi kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ chỉ cắt giảm 25 bps trong cuộc họp tháng 11.
Hiện tại, thị trường đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất với mỗi 25 bps cho cả hai cuộc họp FOMC còn lại trong năm nay. Lãi suất kỳ vọng trên hợp đồng tương lai quỹ liên bang Fed cho tháng 12 năm sau đã tăng khoảng 57 bps lên 3.35% so với mức đáy thiết lập hồi tháng trước.
… Cho đến lực đẩy từ bên ngoài
Đà phục hồi của USD trong tuần trước cũng được hỗ trợ bởi việc thị trường đang đánh giá lại kỳ vọng, theo hướng ôn hòa hơn đối với lộ trình chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác, đặc biệt là ECB và BoE.
Cụ thể, thị trường lãi suất Châu Âu hiện đang phản ánh kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm 25 bps trong cả bốn cuộc họp chính sách tiếp theo. Diễn biến này xuất phát từ việc dữ liệu lạm phát của khu vực cho tháng 9 yếu hơn nhiều so với dự kiến, cùng với những bình luận ôn hòa từ các quan chức ECB, bao gồm cả Chủ tịch Christine Lagarde - người đã "bật đèn xanh" cho việc cắt giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong tháng này. Quan điểm này được thành viên Hội đồng Quản trị Francois Villeroy de Galhau ủng hộ, khi ông tuyên bố ECB "có thể" sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối tháng này.
Bên cạnh đó, thị trường lãi suất Anh cũng phản ánh khả năng gần như chắc chắn rằng BoE sẽ cắt giảm thêm 25 bps lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11. Dù vậy, giới đầu tư vẫn chưa chắc chắn về việc liệu BoE có đẩy nhanh tốc độ, sớm nhất là vào tháng 12 bằng cách cắt giảm liên tiếp hay không. Trong khi Thống đốc BoE - Andrew Bailey báo hiệu vào tuần trước rằng ông sẽ “cởi mở” hơn với việc cắt giảm lãi suất nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, chúng ta vẫn chưa rõ liệu phần lớn thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) có đồng quan điểm hay không. Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, chuyên gia kinh tế trưởng của BoE - Huw Pill, đã tiếp tục bày tỏ sự thận trọng khi cảnh báo BoE không nên cắt giảm lãi suất "quá mức hoặc quá nhanh", do ông lo ngại rằng lạm phát có thể "dai dẳng hơn” so với dự kiến. Những bình luận từ ông đã giúp GBP phần nào phục hồi sau đợt bán tháo mạnh do những tín hiệu dovish trước đó của Thống đốc Andrew Bailey.
RBNZ là ngân hàng trung ương G10 tiếp theo đưa ra cập nhật chính sách trong tuần này. Giới phân tích hiện đang cho rằng RBNZ sẽ đẩy nhanh tốc độ nới lỏng chính sách bằng cách cắt giảm 50 bps tại cuộc họp tuần này và thêm một lần nữa vào tháng 11. Cũng như BoE, RBNZ đã khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 8 bằng việc cắt giảm lãi suất 25 bps. Do đó, NZD có thể sẽ tăng giá trong ngắn hạn nếu RBNZ đi ngược lại với kỳ vọng của thị trường,
MUFG Research