MUFG Research: JPY tiếp tục lên ngôi, BoC bật đèn xanh cắt giảm lãi suất hơn nữa. Báo cáo NFP liệu có "thổi bay" USD?

MUFG Research: JPY tiếp tục lên ngôi, BoC bật đèn xanh cắt giảm lãi suất hơn nữa. Báo cáo NFP liệu có "thổi bay" USD?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

15:40 05/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

JPY: Yên Nhật "lên ngôi", USD/JPY chao đảo trước thềm báo cáo việc làm Mỹ

Yên Nhật đang "thừa thắng xông lên" khi tiếp tục tỏ ra lấn lướt đồng bạc xanh trong phiên Á, với USD/JPY chạm mức thấp nhất trong ngày là 143.05, tiến sát vùng đáy ghi nhận hồi đầu tháng 8. "Cú ngã" của USD/JPY nay lại càng đau hơn sau khi dữ liệu JOLTs của Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới thấp hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) công bố vào thứ Sáu tới cũng có thể gây thất vọng.

Ngày hôm qua, báo cáo JOLTs như "giọt nước tràn ly", cho thấy thêm bằng chứng về việc nhu cầu lao động tại Mỹ đang hạ nhiệt và tốc độ tăng lương có thể sẽ tiếp tục giảm. Sau khi tăng trong hai tháng trước đó, số lượng việc làm mới đã giảm mạnh xuống mức 7.673 triệu trong tháng 7, thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Đồng thời, tỷ lệ tuyển dụng và tỷ lệ nghỉ việc vẫn duy trì ở mức thấp như trong thời gian gần đây. Rõ ràng, việc các doanh nghiệp giảm tốc độ tuyển dụng khiến thị trường lao động đứng trước nguy cơ mất cân bằng, với nguồn cung lao động vượt cầu (nới lỏng), khi số lượng việc làm tạo ra không đủ để hấp thụ lượng lao động mới gia nhập. Diễn biến này nếu nhìn vào mặt tích cực sẽ góp phần kiềm chế tăng trưởng tiền lương, qua đó hỗ trợ nỗ lực kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp và ổn định, phần nào xoa dịu lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.

Phản ứng với báo cáo JOLTs yếu kém, lợi suất trái phiếu Mỹ đã ngay lập tức điều chỉnh, phản ánh kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn (50 bps) trong tháng này. Hiện tại, thị trường dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 36 bps trước thềm báo cáo NFP được công bố vào thứ Sáu. Để củng cố kỳ vọng về một đợt cắt giảm 50 bps, báo cáo NFP cần cho thấy thêm bằng chứng về sự suy yếu rõ rệt của nhu cầu tuyển dụng và thị trường lao động đang nới lỏng.

Trong khi đó, JPY lại được "tiếp sức" bởi báo cáo tiền lương thực tế mới nhất của Nhật Bản. Báo cáo đã cho thấy thêm bằng chứng về tăng trưởng lương mạnh mẽ tại "xứ sở mặt trời mọc", điều này có thể củng cố niềm tin của BoJ trong việc tiếp tục tăng lãi suất. Tiền lương thực tế đã tăng 3.6% so với cùng kỳ trong tháng 7, vượt xa dự báo của thị trường là 2.9%. Sau khi loại bỏ những biến động do thay đổi mẫu khảo sát, thước đo tăng trưởng lương ưa thích của BoJ thậm chí còn ấn tượng hơn, tăng 4.8% so với cùng kỳ trong tháng 7. Ngoài ra, BoJ cũng sẽ chú ý đến tốc độ tăng trưởng lương cơ bản (sau khi điều chỉnh do thay đổi mẫu khảo sát) tiếp tục tăng lên 3.0% so với cùng kỳ trong tháng 7, mức cao nhất trong chu kỳ hiện tại. Dữ liệu này củng cố kỳ vọng rằng BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay nếu điều kiện thị trường tài chính ổn định. Thành viên Hội đồng quản trị BoJ - Hajime Takata đã nhắc lại rằng "sẽ cần phải điều chỉnh mức độ nới lỏng tiền tệ bằng cách tăng lãi suất thêm nữa", nếu xu hướng lạm phát phù hợp với dự báo. Bên cạnh đó, ông lưu ý thêm rằng "chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để hướng về kỷ nguyên lãi suất dương". Nhìn chung, những diễn biến này rõ ràng đang ủng hộ quan điểm rằng JPY sẽ tiếp tục tăng giá.

CAD: BoC tiếp tục "bật đèn xanh" cho việc cắt giảm lãi suất

Đợt bán tháo USD trên diện rộng hôm qua, được kích hoạt bởi báo cáo JOLTs yếu kém của Mỹ, đã đẩy USD/CAD về gần mốc 1.3500, ngay cả sau khi BoC hạ lãi suất điều hành thêm 25 bps xuống 4.25% trong cuộc họp chính sách thứ ba liên tiếp. USD/CAD đã điều chỉnh giảm trong tháng qua sau khi chạm mức cao 1.3946 vào ngày 05/08. Đà điều chỉnh giảm gần đây của USD/CAD được hỗ trợ bởi việc thu hẹp kỳ vọng về sự phân kỳ chính sách giữa BoC và Fed. Trong khi BoC đã đi đầu trong chu kỳ nới lỏng chính sách hiện tại, dự kiến Fed sẽ nối gót bằng cách bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng này. Dù vậy, nếu dựa trên những biến động gần đây của chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, có vẻ như USD/CAD đã giảm quá đà khi chạm mức thấp 1.3441 vào cuối tháng 8.

Biểu đồ USD/CAD và chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm

Nguồn: Bloomberg, Macrobond & MUFG GMR

Thị trường hiện đã phản ánh phần lớn kỳ vọng về việc BoC sẽ cắt giảm lãi suất trong năm tới, điều này khiến CAD khó bị ảnh hưởng bởi những bất ngờ mang tính "bồ câu" từ ngân hàng trung ương này. Thị trường hiện gần như chắc chắn rằng BoC sẽ cắt giảm lãi suất thêm 5 lần, mỗi lần 25 bps cho đến giữa năm sau. Điều này sẽ đưa lãi suất điều hành trở lại gần mức trung tính theo mong muốn của BoC là 2.25%-3.25% (được cho là không khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh, hay chậm lại quá nhiều). Để tạo ra một cú sốc lớn hơn, BoC sẽ phải thực hiện một đợt cắt giảm 50 bps.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thông điệp của BoC hôm qua không mang tính "dovish". BoC đã tiếp tục "bật đèn xanh" cho khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Thống đốc Tiff Macklem cho biết BoC đã thảo luận về nhiều kịch bản khác nhau cho lộ trình hạ lãi suất trong tương lai, bao gồm cả khả năng cho một đợt cắt giảm 50 bps. Ông lưu ý thêm rằng, nếu nền kinh tế và lạm phát hạ nhiệt đáng kể so với dự báo của BoC, "việc thực hiện một bước cắt giảm lớn hơn là hoàn toàn có thể". Tương tự như những thông điệp gần đây của Fed, BoC dường như lo ngại hơn về sự suy yếu của thị trường lao động sau khi tăng trưởng việc làm chững lại gần đây. Người đại diện BoC cũng phát biểu thêm rằng "chúng ta cần phải ngày càng đề phòng rủi ro nền kinh tế quá yếu và nguy cơ rơi vào giảm phát", khi lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu.

Nhìn chung, triển vọng chính sách dovish của BoC vẫn tiếp tục gây áp lực cho CAD, cùng với đà giảm của giá dầu, hiện đã trở lại gần mốc 70 USD/thùng. Điều này khiến CAD kém hiệu quả hơn so với các đồng tiền G10 khác (ngoại trừ USD).

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ