MUFG Research: Những chiếc "phao cứu sinh" nổi lên giữa lúc khẩu vị rủi ro giảm sốc; BoC liệu có đi nước cờ táo bạo trước thềm cuộc họp FOMC tháng 9?

MUFG Research: Những chiếc "phao cứu sinh" nổi lên giữa lúc khẩu vị rủi ro giảm sốc; BoC liệu có đi nước cờ táo bạo trước thềm cuộc họp FOMC tháng 9?

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

16:54 04/09/2024

Nhận định của MUFG Research.

USD: JPY, CHFEUR nổi lên như những chiếc "phao cứu sinh" khi khẩu vị rủi ro giảm sốc

Biến động của các đồng tiền G10 ngày hôm qua phản ánh một phản ứng khá quen thuộc trước khi xảy ra cú sốc lạm phát toàn cầu, đó là làn sóng “đổ xô” vào các tài sản trú ẩn khi tâm lý e ngại rủi ro tăng cao. Khi đó, vai trò trú ẩn của JPY đã có phần lung lay. Tuy nhiên, khi thị trường dậy sóng vào hôm qua, JPY đã nổi lên như một chiếc "phao cứu sinh”, khẳng định vai trò là một trong những tài sản trú ẩn đáng tin cậy khi tăng đến 1.0% so với USD. Bên cạnh đó, CHF và EUR cũng có những diễn biến tích cực. Ngược lại, các đồng tiền rủi ro như AUD, NOK và NZD chịu nhiều thiệt hại nhất.

Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang gia tăng, điều này có thể dẫn đến việc các đồng tiền G10 tiếp tục diễn biến như đã thấy trong ngày hôm qua, ít nhất là cho đến cuộc họp của FOMC vào ngày 18/09. Dấu hiệu suy yếu trong báo cáo PMI Sản xuất ISM của Mỹ công bố ngày hôm qua đã thúc đẩy làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Giảm thiểu rủi ro luôn là điều mà các nhà đầu tư ưu tiên và Nvidia đã giảm đến 9.5%, phản ánh tâm lý bi quan cực độ về tăng trưởng toàn cầu.

Dữ liệu từ ISM cho thấy một bức tranh hỗn hợp. Mặc dù chỉ số tổng thể có cải thiện, nhưng hoạt động sản xuất lại đang gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất đã giảm liên tiếp 5 tháng và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đại dịch là 44.8. Chỉ số việc làm đã cải thiện (tăng 2.6%), nhưng chưa đủ để đảo ngược mức giảm 5.9% vào tháng trước và trung bình hai tháng qua vẫn ở mức thấp nhất kể từ đại dịch. Hàng tồn kho cũng góp phần vào tổng mức tăng của chỉ số, điều này có thể không đến từ chủ ý của các nhà sản xuất, mà là một dấu hiệu tiềm tàng cho thấy nhu cầu suy yếu và dự kiến sẽ gây áp lực lên hoạt động sản xuất trong thời gian tới. Điều đó cũng có thể giải thích phần nào cho sự sụt giảm của chỉ số đơn hàng mới xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Tóm lại, ngành sản xuất vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và triển vọng phục hồi vẫn còn mờ mịt.

Tất cả các dữ liệu kinh tế hiện nay đều được phân tích kỹ lưỡng để dự báo quyết định lãi suất của FOMC vào ngày 18/09, với chủ đề gây tranh cãi chủ đạo vẫn là mức cắt giảm 25 hay 50 bps. Các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến báo cáo việc làm JOLTS sẽ được công bố hôm nay, vì có thể cung cấp thêm thông tin về tình hình thị trường lao động của Mỹ và ảnh hưởng đến kỳ vọng với dữ liệu NFP vào thứ Sáu. Ngoài ra, diễn biến của giá cả hàng hóa toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng. Giá dầu thô sàn NYMEX (nơi giao dịch các hợp đồng tương laiquyền chọn WTI) hiện đã giảm gần 20% so với đỉnh năm tính đến tháng 4 và giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Bên cạnh đó, mối quan ngại lớn nhất từ ​​quan điểm của người tiêu dùng Mỹ là giá xăng đã giảm mạnh, với hợp đồng tương lai chạm đáy mới trong năm vào hôm qua và trên đà ghi nhận mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Như có thể thấy trong biểu đồ dưới đây, giá dầu thô sàn NYMEX tương quan chặt chẽ với giá xăng bán lẻ. Sự điều chỉnh giảm cho thấy khả năng giá xăng bán lẻ sẽ giảm hơn nữa, có thể xuống dưới mức 3 USD/gallon (1 galon tương đương khoảng 3.78541 lít; tuy nhiên ở Anh, 1 galon khoảng 4.54609 lít). Đà giảm giá dầu thô và xăng đã làm vơi đi phần nào áp lực lạm phát, có thể giúp Fed có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hiện tại, thị trường đang định giá mức cắt giảm 33 bps cho cuộc họp FOMC vào ngày 18/09. Nếu khẩu vị rủi ro chung tiếp tục diễn biến theo chiều hướng hiện tại, đặc biệt là trên thị trường hàng hóa, khả năng cho một đợt cắt giảm lãi suất 50 bps là hoàn toàn có thể, khi mà rủi ro lạm phát giảm đi. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên USD/JPY.

Nhìn vào lịch sử, chỉ số VIX (đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán) đang dần tiến vào giai đoạn “sóng gió” nhất trong năm (Nguồn: Macrobond & Bloomberg)

CAD: BoC dự kiến ​​cắt giảm lãi suất một lần nữa

Dự kiến BoC sẽ cắt giảm lãi suất chính sách thêm 25 bps vào tối nay. Đây sẽ là lần cắt giảm 25 bps thứ ba liên tiếp sau các cuộc họp tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, thị trường hiện đang định giá mức cắt giảm lớn hơn là 30 bps. Mặc dù chúng tôi không chắc chắn rằng BoC sẽ thực hiện nước đi táo bạo đó, nhưng Thống đốc Macklem có thể sẽ nhấn mạnh khả năng giảm lãi suất thêm trong tương lai. Với việc Fed sắp bắt đầu chu kỳ nới lỏng của mình, BoC rõ ràng có nhiều dư địa hơn để tự tin báo hiệu cho khả năng nêu trên.

Kể từ lần cắt giảm lãi suất gần nhất vào tháng 7, tình hình lạm phát đã có những chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát trung bình và trung vị đều giảm 0.1% so với dự báo. Tỷ lệ lạm phát trung bình hiện tại ở mức 2.4%, nằm gần giữa mục tiêu mà BoC đặt ra là 1.0%-3.0%. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường trên thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng có xu hướng giảm mạnh hơn dự kiến, BoC đang “nửa mừng nửa lo” bởi lạm phát có thể tiếp tục giảm và thậm chí có thể thấp hơn mức mục tiêu.

Mặc dù tăng trưởng GDP thực theo SAAR Q2 tốt hơn dự báo ở mức 2.1%, nhưng thị trường lao động lại cho thấy dấu hiệu suy yếu với việc làm giảm hai quý liên tiếp. Mặc dù mức độ giảm là không đáng kể, nhưng đây là “cú đúp” đầu tiên về việc làm kể từ cuối Q3/2022. Điều này cho thấy BoC cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc kích thích tăng trưởng và đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Giả sử BoC không thực hiện cắt giảm 50 bps vào tối nay và né tránh cả việc đề cập, chúng tôi cho rằng khả năng điều chỉnh lãi suất mạnh hơn trong tương lai là không cao. Theo dự báo của thị trường, lãi suất chính sách của BoC có thể giảm xuống gần 3.0% vào giữa năm sau. Điều này cho thấy BoC có thể sẽ hạ lãi suất dần dần, mỗi lần 25 bps và cũng có khả năng giảm mạnh 50 bps trong một số thời điểm. Hiện tại, lãi suất chính sách của BoC dự kiến sẽ thấp hơn Fed khoảng 40 bps. Đồng nghĩa với việc chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp trong tương lai, giúp hỗ trợ CAD và kìm hãm đà tăng của USD so với đồng tiền này. Vì BoC đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6, nên hiện tại không cần phải vội vàng giảm lãi suất, nhằm duy trì sự ổn định cho CAD.

Giá hàng hóa giảm sẽ giúp xoa dịu những nỗi lo về lạm phát trước thềm cuộc họp FOMC sắp tới (Nguồn: Macrobond & Bloomberg)

MUFG Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ