Mỹ đã kiếm tiền từ việc buôn bán "hàng nóng" ra thế giới như thế nào? (Phần II)
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Tiếp nối phần I về câu chuyện Mỹ xuất khẩu vũ khí ra thế giới và kiếm tiền ra sao.
Hai mươi năm trước, Sig Sauer chỉ là một nhà cung cấp nhỏ trên thị trường Mỹ. Một trong số ít loại súng mà họ thực sự lắp ráp ở Mỹ là súng lục 9mm có tên P226. Trong số 43 bộ phận của nó, 42 bộ phận phải nhập khẩu từ Đức. Sau đó, chi nhánh của Sig Sauer ở Mỹ được một công ty Đức có tên L&O Holding mua lại vào năm 2000 - một phần của thỏa thuận bao gồm cả nhà máy chính của Sig ở châu Âu trên Biển Baltic. Vào thời điểm đó, thương vụ này định giá hoạt động của Sig tại Mỹ với giá chỉ dưới $1.
Để vực dậy công ty, những người chủ sở hữu mới đã bổ nhiệm Cohen làm giám đốc điều hành vào năm 2004. Cohen là người Israel. Ông kể rằng thời gian phục vụ trong quân đội Israel (IDF) với vai trò là một sĩ quan pháo binh trong cuộc chiến tranh du kích khốc liệt ở Lebanon vào đầu những năm 1980 đã định hình phong cách quản lý quyết đoán của ông. Cohen nhanh chóng được bổ nhiệm lên làm Giám đốc điều hành ở Mỹ, nơi các nhân viên thường gọi ông là "chỉ huy". Cohen vạch ra chiến lược phát triển mạnh mẽ và đến năm 2012, ông đã mở một nhà máy mới rộng 200,000 feet vuông ở Exeter, New Hampshire.
Nhà máy của Sig Sauer gần Exeter, New Hampshire. Nhiếp ảnh gia: Ed Jones/AFP/Getty Images
Cohen tập trung hoạt động của Sig tại Mỹ vào việc phát triển các loại súng "đen", đây là loại súng được các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội sử dụng. Theo lời kể của các cựu thành viên ban điều hành của Sig (những người yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù pháp lý), để hiểu rõ quy trình mua sắm phức tạp của quân đội, công ty đã tập hợp một nhóm không chính thức bao gồm các cựu tướng lĩnh. Cohen cũng tuyển dụng các cựu quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt và những người am hiểu văn hóa quân đội. Ông nói với các nhân viên rằng ông đang trao cho công ty một sứ mệnh mới: Trang bị cho những người tốt.
Súng lục của Sig vào thời điểm đó có chất lượng cao nhưng đắt tiền. Đối với các sản phẩm mới, Cohen đã thay đổi công thức: ông thuê ngoài các công ty ở Ấn Độ và những nơi khác để sản xuất các bộ phận, sử dụng phương pháp ép kim loại, vừa rẻ và vừa kém chính xác hơn so với phương pháp rèn búa được sử dụng ở Đức. Ông tận dụng danh tiếng về kỹ thuật Thụy Sĩ và tay nghề thủ công Đức của công ty, đồng thời giảm đáng kể chi phí sản phẩm - và đương nhiên chất lượng sản phẩm cũng giảm theo.
Một số khách hàng mới của Sig Sauer nhanh chóng bắt đầu phàn nàn về độ an toàn của súng. Năm 2016, Cảnh sát bang New Jersey đã trả lại toàn bộ 3,000 khẩu súng lục Sig Sauer 9mm vì chúng liên tục bị kẹt đạn. Các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm bắt đầu ập đến, cáo buộc rằng các sĩ quan cảnh sát đã bị thương hoặc thiệt mạng do súng bị hỏng. Sig đã thuê nhiều công ty luật xử lý và vẫn tiếp tục hoạt động.
Hai cựu giám đốc điều hành công ty cho biết, chủ sở hữu người Đức của Sig Sauer, Michael Lüke và Thomas Ortmeier - “L” và “O” của L&O Holding - ban đầu tỏ ra khá thận trọng về việc Mỹ hóa một công ty châu Âu lâu đời. Họ là những người đam mê hoạt động ngoài trời và niềm đam mê súng đạn của họ bắt nguồn từ sở thích quý tộc đối với việc săn bắn thú lạ. Dưới thời Cohen, Sig ngày càng sản xuất các loại súng được thiết kế để giết người. Tuy nhiên, Lüke và Ortmeier vẫn chấp thuận kế hoạch của ông.
Bốn năm sau khi Cohen nhậm chức Giám đốc điều hành, công ty ở Mỹ đã giành được hợp đồng quốc tế lớn đầu tiên - thỏa thuận bán súng lục trị giá 45 triệu USD cho Cảnh sát Quốc gia Colombia. Theo hợp đồng năm 2009, công ty đồng ý cung cấp gần 56,000 khẩu súng lục trong vòng 3 năm, mặc dù các nhà máy của họ không thể sản xuất đủ con số đó. Nhà máy ở Bờ biển Baltic, Eckernförde, có thể sản xuất. Tuy nhiên, luật pháp Đức nghiêm cấm vận chuyển súng đến các quốc gia đang có xung đột, bao gồm cả Colombia vào thời điểm đó.
Sig đã tìm ra một cách giải quyết. Theo hồ sơ tòa án, họ đã vận chuyển súng SP2022 sản xuất tại Đức đến New Hampshire và nộp các giấy tờ chứng thực những khẩu súng này sẽ được bán cho thị trường dân dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, hồ sơ cũng cho thấy, sau khi lô hàng vũ khí đến Mỹ, các nhân viên của Sig đã dán lại nhãn cho các thùng hàng và vận chuyển chúng đến Colombia.
Hàng chục nghìn khẩu súng lục đã được vận chuyển theo hành trình bí mật này cho đến năm 2011, khi một nhân viên của Sig ở New Hampshire gửi email cho các đối tác người Đức, phàn nàn rằng bao bì kém chất lượng đã khiến một số súng lục do Đức sản xuất bị ăn mòn trên đường đến Colombia bằng đường biển. Theo các tài liệu nội bộ của Sig nộp lên tòa án, bên Đức, những người không có hồ sơ nào về việc bán hàng cho Colombia, đã rất kinh ngạc và hoảng hốt.
Giữa những lo ngại về việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, Cohen đã bay đến Eckernförde. Tại đây, trong hai ngày, ông ta đã cùng các giám đốc điều hành khác tiêu hủy tài liệu, xóa email và các bằng chứng buộc tội khác khỏi máy tính, theo lời kể của một cựu giám đốc điều hành của Sig có mặt tại đó và một nhân viên giấu tên cung cấp thông tin cho một bộ phim tài liệu. Cựu giám đốc điều hành cho biết, sự kiện này được những người trong cuộc gọi là "bữa tiệc tiêu hủy tài liệu".
Vài tháng sau, Sig thuê Amaro Goncalves làm phó chủ tịch mới phụ trách mảng kinh doanh quốc tế. Goncalves từng giữ các vị trí kinh doanh quốc tế hàng đầu tại Smith & Wesson và Colt’s Manufacturing Co. Ông ta đến Sig Sauer với một danh sách dài các mối quan hệ quốc tế, tiếng tăm "kiếm tiền giỏi" và cũng có tiền án bị bắt giữ gần đây.
Goncalves đã bị truy tố liên bang vào năm 2009, sau đó bị các đặc vụ FBI bắt giữ tại triển lãm thương mại súng ở Vegas. Chính phủ cáo buộc ông ta cố gắng hối lộ một đặc vụ chìm đóng giả làm trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng Gabon để thúc đẩy một thương vụ bán súng lục Smith & Wesson. Vụ án, bao gồm các cáo buộc chống lại gần hai chục người, đã bị bác bỏ sau khi một thẩm phán phát hiện ra rằng các đặc vụ liên bang đã xóa các tin nhắn văn bản có thể chứng minh sự vô tội của bị cáo.
Trong một loạt các cuộc họp với đội ngũ điều hành của Sig, theo những người tham dự (yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù), giám đốc kinh doanh mới đã vạch ra kế hoạch mở rộng toàn cầu đầy tham vọng. "Có cảm giác rằng với Amaro, bạn sẽ có thể bán bất cứ thứ gì ở bất cứ nơi nào trên thế giới", một cựu giám đốc điều hành của Sig châu Âu chia sẻ.
* * *
Vào chiều ngày 22 tháng 5 năm 2014, quân đội Thái Lan đã tiến hành một cuộc đảo chính - lần thứ 12 chính phủ nước này bị lật đổ kể từ những năm 1930. Quân đội đã ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, cấm tụ tập chính trị và đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập. Trong khi người dân Thái Lan cảm thấy đây là một đòn giáng mạnh vào nền dân chủ mong manh, thì Sig lại nhìn thấy một cơ hội.
Thái Lan có lịch sử lâu đời với súng Mỹ, kể từ thời nước này còn là đồng minh khu vực quan trọng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, thậm chí trẻ em chỉ mới 10 tuổi đã tham gia các câu lạc bộ bắn súng thể thao, và rất nhiều nam thanh thiếu niên Thái Lan ghi danh vào chương trình huấn luyện sử dụng súng do chính phủ điều hành theo mô hình ROTC của Mỹ, một trong số ít cách để tránh nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Boonwara Sumano, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Phát Triển Thái Lan, một tổ chức chính sách công, cho biết: “Chúng tôi có súng từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác. Nhưng ở Thái Lan vẫn tồn tại suy nghĩ rằng các sản phẩm từ Mỹ vượt trội và tiên tiến hơn, bao gồm tất cả mọi thứ, từ vắc-xin do Mỹ sản xuất cho đến súng.”
Triển lãm Quốc phòng & An ninh 2022 tại Nonthaburi, Thái Lan. Nhiếp ảnh gia: Peerapon Boonyakiat/Hình ảnh SOPA/Sipa/AP
Ở Bangkok, thủ đô sầm uất với 11 triệu dân, các cửa hàng súng thương mại chủ yếu tập trung tại một khu vực rộng hai dãy phố có tên gọi là Wang Burapha. Tại đây, các chủ cửa hàng đi dép xỏ ngón luôn túc trực để phục vụ dòng khách hàng quen thuộc. Trên giấy tờ, nguồn cung súng bán lẻ có vẻ hạn chế. Có 500 cửa hàng súng và mỗi cửa hàng chỉ được phép nhập khẩu 30 khẩu súng lục và 50 khẩu súng trường mỗi năm - lượng hàng mà một cửa hàng Cabela’s đông khách có thể bán hết trong một tuần. Luật sử dụng súng đối với người dân Thái Lan bình thường rất nghiêm ngặt; họ cần một giấy phép để mua súng và một giấy phép khác để sở hữu nó. Các thủ tục giấy tờ đi kèm có thể mất hơn một năm và người mua phải nhờ sếp hoặc một cơ quan chức năng khác có thẩm quyền xác nhận họ đủ điều kiện sở hữu súng.
Nhưng vẫn tồn tại một lỗ hổng. Chương trình súng phúc lợi của Thái Lan được thiết kế cho phép cảnh sát và các quan chức chính phủ mua súng với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường bán lẻ. Chính phủ thương lượng chiết khấu giá với các nhà sản xuất, miễn hầu hết các thủ tục giấy tờ thông thường cần thiết cho các nhà bán lẻ.
Người dân nhìn qua cửa sổ một cửa hàng súng trên đường Burapha ở Bangkok, Thái Lan. Nhiếp ảnh gia: Andre Malerba/Bloomberg
Các sĩ quan cảnh sát cấp dưới cho rằng họ cần chương trình này vì súng của sở phân phát cho họ đã cũ, thậm chí nguy hiểm. Các sĩ quan cảnh sát được yêu cầu phải lấy súng - một số trong số đó đã có tuổi đời hàng chục năm - từ kho vũ khí của đơn vị vào mỗi buổi sáng và trả lại vào cuối ca làm việc.
Mặc dù chương trình súng phúc lợi đã giúp giải quyết vấn đề súng xuống cấp của cảnh sát, nhưng nó lại tạo ra một vấn đề khác: Người mua bị cám dỗ bán lại súng được trợ giá cho bạn bè hoặc trên thị trường chợ đen để kiếm lời. Theo dữ liệu của chính phủ Thái Lan, trong nhiều năm, tác động của việc bán lại như vậy là không đáng kể vì chương trình thường chỉ nhập vài nghìn khẩu súng mỗi năm.
Tuy nhiên, quy mô chương trình đã mở rộng vào năm 2015. Thông qua một doanh nhân địa phương tên là Dissatat Dejthamrong, Goncalves của Sig đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với người đứng đầu Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan lúc bấy giờ, Tướng Somyot Poompanmoung. Các nhà phân tích chính trị Thái Lan cho biết sau cuộc đảo chính, ngân sách quân sự tăng lên và các biện pháp kiểm soát đối với các lực lượng an ninh của nước này được nới lỏng. Goncalves và Somyot đã đàm phán thương vụ súng lớn nhất trong lịch sử chương trình súng phúc lợi của Thái Lan - trị giá khoảng 100 triệu USD - và giám đốc điều hành của Sig đã bay đến Bangkok để công bố thương vụ này vào tháng 4 năm đó.
Cảnh sát Thái Lan đã đồng ý nhập khẩu 150.000 khẩu súng lục Sig Sauer P320 với giá khoảng $525 mỗi khẩu, chưa bằng ⅓ giá bán tại một cửa hàng súng Wang Burapha. Đó cũng là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đối với Sig, khởi đầu cho một chuỗi thành công giúp hãng vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Công ty xuất khẩu vũ khí số một thế giới mới
Sig Sauer dẫn đầu các nhà sản xuất súng lục của Mỹ về xuất khẩu
Trước khi có thể vận chuyển súng, công ty phải vượt qua một rào cản cuối cùng. Theo quy định của Mỹ vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao phụ trách việc phê duyệt các đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu của chính phủ. Trong khi một phát ngôn viên của Bộ cho biết ông không thể bàn luận cụ thể về các chi tiết liên quan đến giấy phép xuất khẩu súng, ba cựu quan chức của chính quyền Obama cho biết Bộ Ngoại giao đã đánh dấu đơn xin của Sig là có vấn đề.
Bộ Ngoại giao đã trả lại đơn xin của Sig mà không phê duyệt - và cũng không đưa ra bất kỳ giải thích nào. Theo một trong những cựu quan chức, quyết định này không hề khó hiểu. "Tình hình Thái Lan quá bất ổn", ông nói. "Với cuộc đảo chính, cùng với tiền sử tham nhũng và lạm dụng quyền lực của cảnh sát, đây không phải là nơi chúng tôi sẽ phê duyệt một thương vụ bán súng lớn."
Một trong những thương vụ xuất khẩu súng lục lớn nhất trong lịch sử của công ty đã bị chặn lại. Nhưng vào tháng 6 năm 2015, Donald Trump đã đảo ngược tình thế trong cuộc đua tổng thống Mỹ, và Sig có thêm một đồng minh mới.
(Hết phần II)
Bloomberg