Mỹ đã kiếm tiền từ việc buôn bán "hàng nóng" ra thế giới như thế nào? (Phần III - Phần cuối)
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Một trong những thương vụ xuất khẩu súng lục lớn nhất trong lịch sử của Sig Sauer đã bị chặn lại. Nhưng vào tháng 6 năm 2015, Donald Trump đã đảo ngược tình thế trong cuộc đua tổng thống Mỹ, và công ty có thêm một đồng minh mới.
Một tháng trước khi Trump chính thức tuyên bố tranh cử, các quan chức Sig đã tổ chức cho ông một chuyến tham quan riêng tới nhà máy ở Exeter của họ. Vào tháng 1 năm 2016, khi ông phát biểu tại triển lãm thương mại hàng đầu của ngành công nghiệp súng, các con trai của ông là Eric và Donald Jr. đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của Sig tại gian hàng của công ty. Một tháng sau, họ đã đích thân tới New Hampshire để thăm trụ sở của Sig.
Mối quan hệ này mang lại lợi ích cho cả ứng cử viên và nhà sản xuất súng. Trump có cơ hội thể hiện thiện chí của mình với các vận động viên thể thao và những người sở hữu súng - ở một tiểu bang tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đất nước. Đối với Sig, việc hợp tác với Trump đã hoàn thành quá trình chuyển đổi của công ty, từ một nhà sản xuất súng “thế giới cũ” trở thành “nhà vô địch” về văn hóa súng đạn của Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Donald Trump tại Diễn đàn Lãnh đạo thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia vào ngày 14 tháng 4 năm 2023. Nhiếp ảnh gia: Jon Cherry/Bloomberg
Các nhà sản xuất súng khác của Mỹ thường để các nhóm vận động hành lang như Hiệp hội Súng trường Quốc gia và Quỹ Thể thao Bắn súng Quốc gia đại diện cho lợi ích của họ trong các cuộc chiến chính trị phân cực của đất nước. Dưới thời Cohen, Sig đã trở thành một tay chơi năng nổ đúng nghĩa.
Theo hồ sơ công khai, công ty đã trao tặng Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) hàng trăm nghìn USD và tài trợ cho một loạt phim tài liệu ngắn phát trực tuyến trên mạng của tổ chức này. Một tập phim "Defending Our America" (Bảo vệ nước Mỹ của chúng ta) năm 2015 đã liên hệ hiện tượng xả súng hàng loạt trong trường học với việc thiếu giáo dục tích cực về súng trong các trường học.
Vào năm 2016, công ty đã quyên góp $100,000 cho #GunVote, một superPAC (siêu ủy ban hành động chính trị) hỗ trợ rất nhiều cho Trump. Trong chu kỳ lập pháp của năm đó, Cohen, Goncalves và luật sư trưởng lúc bấy giờ của Sig, Steven Shawver, đều đã quyên góp cho một ứng cử viên sơ bộ của Đảng Cộng hòa cho Khu vực Quốc hội 1 của New Hampshire. Richard Ashooh, cựu nhà vận động hành lang cho nhà thầu quốc phòng BAE Systems, đã tiếp tục thua cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng khi Trump đắc cử tổng thống, ông đã bổ nhiệm Ashooh vào một vị trí có ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch của Sig. Cựu ứng cử viên Hạ viện trở thành trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu, giám sát các quy định của cơ quan về xuất khẩu súng và các nhiệm vụ khác.
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu - Richard Ashooh. Nhiếp ảnh gia: Andrew Harrer/Bloomberg
Công việc mới của Ashooh liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng như xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Nhưng người vận động hành lang đầu tiên tiếp cận ông không đến từ Microsoft hay Micron. Mà là Larry Keane, phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề về chính phủ và công cộng của NSSF. Keane đã trình bày lý do của ngành về việc thay đổi quy định hành chính, nhằm chuyển quyền giám sát xuất khẩu súng từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại.
Ý tưởng này đã được hình thành trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, nhằm mục đích cho phép Bộ Ngoại giao tập trung vào các trang thiết bị quân sự hạng nặng như máy bay chiến đấu. Chính quyền dự định công bố thay đổi này vào năm 2012, nhưng sau đó đã xảy ra vụ xả súng thảm sát khiến 26 người thiệt mạng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut. Kế hoạch đã bị gác lại. Khi chính quyền cố gắng tiếp tục kế hoạch vào cuối nhiệm kỳ của Obama, Quốc hội đã bác bỏ nó.
Chính quyền của Trump đã bác bỏ đề xuất này. Ashooh đồng ý với Keane rằng sự thay đổi này là một ý tưởng hay và trong ba năm tiếp theo, Ashooh đã đưa nó trở thành hiện thực - một người nắm rõ thông tin các sự kiện cho biết.
Ashooh cũng nhận được một cuộc gọi từ Shawver, luật sư của Sig, đồng thời là cựu sinh viên của BAE. Shawver đã yêu cầu Ashooh hỗ trợ về một vấn đề cụ thể hơn: Ông muốn giải quyết một số hợp đồng súng lớn của công ty đang bị đình trệ sau khi Bộ Ngoại giao bác bỏ đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu của họ.
Giờ đây, công ty đã có một người bạn ở Phòng Bầu dục và có mối quan hệ cá nhân với một quan chức Thương mại chủ chốt. Theo hồ sơ vận động hành lang của liên bang, họ cũng đã chi $140,000 để thuê Bob Grand, người gây quỹ lâu năm cho Phó Tổng thống Mike Pence, nhằm vận động hành lang trực tiếp Bộ Ngoại giao về vấn đề bán súng quốc tế.
Chiến dịch của Sig đã thành công. Vào tháng 7 năm 2017, đối tác địa phương của họ tại Thái Lan đã thông báo cho cảnh sát Thái Lan rằng giấy phép xuất khẩu của họ đang trong giai đoạn cuối cùng để được phê duyệt. Đến tháng 12, hàng nghìn khẩu P320 dành cho chương trình súng phúc lợi đã được vận chuyển đến Thái Lan.
* * *
Khi súng lục Sig Sauer ồ ạt nhập khẩu vào Thái Lan trong khoảng thời gian giữa năm 2018, ông Thititorn Bupparamanee đã nhận thấy những vấn đề mà chúng gây ra. Là chủ tịch Hiệp hội Buôn bán Vũ khí Thái Lan, Thititorn không phản đối súng: Ông kiếm sống bằng nghề bán súng lục và súng trường cao cấp tại một cửa hàng rộng 8 feet trên một con phố tấp nập ở khu bán súng. Nhưng ông tin rằng gia tăng bạo lực súng đạn không tốt cho bất kỳ ai - kể cả những người bán chúng.
Khách hàng lớn nhất
Khối lượng tích lũy súng bán tự động xuất khẩu của Hoa Kỳ theo quốc gia đến, 2005-2022
Đôi khi mọi người đổ lỗi cho các cửa hàng súng như cửa hàng của ông sau các vụ bạo lực, Thititorn nói, nhưng tất cả các cửa hàng súng ở Thái Lan chỉ được phép bán tổng cộng 15,000 khẩu súng lục mỗi năm. Ông tin rằng hợp đồng của Sig đã mở đường cho con số đó tăng lên gấp 10 lần thông qua chương trình súng phúc lợi, khiến bạo lực súng đạn gia tăng. “Việc mua súng đối với người dân bình thường không hề dễ dàng, không giống như súng từ chương trình,” Thititorn nói.
Bằng cách thương lượng mức giá thấp hơn thị trường, trên thực tế, các quan chức Thái Lan và Sig đã tạo ra một loại tài sản mới và mọi người đổ xô đi tận dụng. Một số sĩ quan cảnh sát cho biết họ đã mua súng Sig Sauer như một khoản đầu tư, rằng họ có thể bán lại chúng với mức giá cao hơn đáng kể sau thời hạn 5 năm được quy định trong chương trình.
Những kẻ sẵn sàng vi phạm quy định đã bán súng sớm hơn. Một ủy ban cảnh sát được thành lập sau vụ xả súng hàng loạt vào tháng 10 để kiểm tra chương trình súng phúc lợi đã phát hiện ra rằng khi cảnh sát gặp khó khăn về tài chính, một số người đã mang súng mới của họ đến các tiệm cầm đồ, nơi chúng được bán lại trong các giao dịch khó truy vết.
Các nhà điều tra Thái Lan đã phát hiện một số súng lục từ chương trình này cuối cùng lại rơi vào tay các tổ chức tội phạm và những kẻ buôn bán vũ khí quốc tế. Một vụ án vào năm 2022 do cơ quan tương đương FBI của Thái Lan dẫn đầu điều tra liên quan đến Danupol Yompong, một cựu phó trưởng thôn được cảnh sát đặt biệt danh là "Danupol ngàn súng". Với sự trợ giúp của các quan chức cấp cao ở hai tỉnh, băng đảng buôn bán súng của hắn bị cáo buộc đã mua súng từ chương trình phúc lợi bằng cách mạo danh hoặc mua lại, sau đó bán lại chúng trên thị trường chợ đen để kiếm lợi nhuận - hoặc buôn lậu chúng sang Lào với giá cao. Theo cảnh sát, Danupol đã phủ nhận những cáo buộc này.
Các nhà chức trách cho biết có bằng chứng cho thấy băng đảng này đã tuồn hơn 2,000 khẩu súng theo cách đó, và con số cuối cùng có thể sẽ tăng lên sau khi họ hoàn tất các cuộc điều tra đang tiến hành ở hai quận khác.
Khó có thể định lượng chính xác vai trò của súng Mỹ đối với các tội phạm súng đạn ở Thái Lan dựa trên dữ liệu hiện có của cảnh sát nước này. Theo dữ liệu, các vụ án liên quan đến súng đã tăng vọt 43%, từ 34,043 vụ vào năm 2016 lên 48,509 vụ vào năm 2021, trùng khớp với giai đoạn súng lục Mỹ được nhập khẩu ồ ạt vào Thái Lan. Nhưng những con số đó cũng có thể bao gồm cả súng tự chế và cải tiến, vốn rất phổ biến ở nước này. Ngoài ra, cảnh sát cho biết họ không lưu giữ số liệu thống kê về các tội phạm liên quan đến súng được nhập khẩu thông qua chương trình súng phúc lợi.
Quan chức cảnh sát Thái Lan đứng đầu ủy ban điều tra cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chương trình súng phúc lợi có thể sẽ tiếp tục, mặc dù có một số thay đổi về điều kiện tham gia và thực thi. Trung tướng Torsak Sukvimol, Phó Cảnh sát trưởng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, thừa nhận rằng tội phạm súng đạn nhìn chung đang gia tăng, nhưng ông cho rằng sự gia tăng này là do các yếu tố xã hội nhiều hơn, bao gồm cả tình trạng sử dụng ma túy ngày càng phổ biến.
Khi Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng, thì thương vụ lớn nhất của Sig ở đây vẫn chưa diễn ra.
Mở rộng thị trường toàn cầu
Kể từ năm 2005, Mỹ đã xuất khẩu 3.7 triệu khẩu súng bán tự động với tổng giá trị gần 1.9 tỷ USD.
Vào tháng 3 năm 2020, các quan chức ở Thái Lan đã công bố hợp đồng mua khoảng 250,000 súng Sig 9mm mới. Đây là hợp đồng súng lục lớn nhất của Thái Lan và là một trong những hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay đối với một hãng sản xuất súng Mỹ. Vào thời điểm đó, chính phủ Thái Lan đã mở rộng đối tượng tham gia chương trình súng phúc lợi; nhiều nhân viên nhà nước cũng như cảnh sát “tình nguyện” có thể mua một khẩu Sig model P365 mới.
Chính quyền Trump đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu của Sig mà không có bất kỳ sự trì hoãn nào, và những khẩu súng mới bắt đầu được vận chuyển đến Thái Lan vào cuối năm đó.
Cảnh sát cho biết, vào khoảng năm 2021, Panya Kamrab đã có được khẩu súng của mình.
* * *
Vào đầu tháng Sáu, nhân một ngày lễ Phật giáo lớn ở Thái Lan, gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát của Panya vào tháng 10 đã tập trung tại một ngôi chùa địa phương và thực hiện các nghi lễ cầu siêu cho linh hồn người đã khuất. Họ đặt những nắm gạo nhỏ lên đĩa nhựa và rót nước từ từ vào các ly trong khi các nhà sư tụng kinh dưới mái chùa dốc đứng. Ở Thái Lan, người ta tin rằng linh hồn người chết thường cư ngụ tại những nơi xảy ra cái chết bất thường, đặc biệt là những cái chết mang tính bạo lực.
Những người phụ nữ đang đổ nước trong một buổi lễ vào tháng 6 để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ thảm sát hàng loạt vào tháng 10 năm 2022 tại một trường mẫu giáo gần đó ở Nong Bua Lamphu, Thái Lan. Nhiếp ảnh gia: Andre Malerba/Bloomberg
Kẻ sát nhân lớn lên ở cụm làng nông nghiệp này nhưng sau đó đã rời đến Bangkok để đào tạo làm cảnh sát và phục vụ trong vài năm. Theo cảnh sát và các quan chức cấp huyện, gần như ngay khi trở về nhà, Panya đã gặp rắc rối. Giữa những nghi ngờ lạm dụng thuốc yaba, một loại ma túy tổng hợp pha trộn với caffeine được các công nhân trồng mía trong vùng sử dụng, Panya đã phải trải qua vài lần kiểm tra ma túy và sau đó đã bị đình chỉ công tác vào tháng 1 năm 2022. Sáu tháng sau, hắn ta bị sa thải.
Trong nhiều tháng, Panya đã cố gắng nhờ cậy các trưởng thôn giúp hắn lấy lại công việc nhưng không thành công. Trong thời gian chờ đợi, hắn kiếm sống bằng công việc làm thuê theo ngày trên các cánh đồng mía. Vào ngày xảy ra vụ thảm sát, Panya phải ra tòa để nghe phán quyết về một tội danh nhẹ liên quan đến tàng trữ ma túy, sau khi cảnh sát phát hiện yaba tại nhà của hắn ta.
Theo hai quan chức cấp huyện nắm rõ thông tin về cuộc điều tra của cảnh sát, trước khi tấn công trường học, Panya đã nói với bạn nhậu rằng hắn muốn giết nhiều người hơn so với 29 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở trung tâm thương mại Thái Lan hai năm trước đó.
Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, Robert Godec, gọi vụ giết người vào tháng 10 năm ngoái là “ác mộng”, nhưng ông cho biết bản thân không biết chi tiết về các hợp đồng súng phúc lợi Sig Sauer. "Tôi không nghĩ có gì đáng nghi ngờ về việc càng nhiều súng được lưu hành, dù là ở bất kỳ đâu trên thế giới, thì càng có nhiều vụ xả súng”, ông nói. "Đó chỉ là thực tế."
Kumthorn Thongpod, một công nhân bảo trì bị bắn và bị thương nặng trong vụ thảm sát ở Nong Bua Lamphu. Nhiếp ảnh gia: Andre Malerba/Bloomberg
Một trong những nạn nhân bị Panya bắn là một công nhân bảo trì tên Kumthorn Thongpod, khi anh đang ăn trưa với các đồng nghiệp dưới bóng râm bên ngoài trường mẫu giáo. Kumthorn may mắn sống sót, nhưng anh không thể đi lại và tiếng thở nặng nhọc của anh phát ra khe khẽ qua lỗ mở khí quản trên cổ họng. Vào buổi sáng xảy ra vụ xả súng, Kumthorn đưa cháu trai 5 tuổi đi học như thường lệ. Đột nhiên Panya lái chiếc xe bán tải màu trắng đến, bắn Kumthorn và các đồng nghiệp của anh trước khi họ kịp hiểu ra hắn ta là một mối nguy hiểm. Cháu trai của anh đã chết vài phút ngay sau đó cùng với những đứa trẻ khác ở bên trong.
Panya, 34 tuổi, điên cuồng lái xe khắp làng, tiếp tục bắn thêm nhiều nạn nhân và tông xe vào những người khác. Sau đó, hắn lái xe về nhà, phóng hỏa chiếc xe tải - thứ mà các chủ nợ đe dọa sẽ tịch thu sau khi hắn bị sa thải. Cuối cùng, hắn ra tay sát hại vợ, con trai riêng và tự sát.
Danaichoke Boonsom, người đứng đầu tiểu khu Uthai Sawan, cho biết thảm kịch này bắt nguồn những vấn đề tâm lý bất ổn của Panya. Nhưng nó vẫn để lại những bài học đắt giá. "Súng rất dễ kiếm và chúng tôi thấy bạo lực súng đạn xảy ra hàng ngày," Danaichoke nói. "Cần phải hành động ngay lập tức.” Sau vụ thảm sát, ông đã nêu lên những rắc rối của chương trình súng phúc lợi trong các cuộc họp chính phủ. "Họ nói sẽ chuyển tiếp mối quan ngại của tôi lên chính quyền trung ương, nhưng chính họ mới là những người phải đưa ra quyết định."
Những đồ vật để lại nhằm nuôi dưỡng linh hồn của những đứa trẻ bị sát hại. Nhiếp ảnh gia: Andre Malerba/Bloomberg
Trong một chuyến thăm gần đây, ngôi trường mẫu giáo hiện bị bỏ hoang vẫn còn lưu lại dấu vết của những đứa trẻ đã từng học tập ở đây. Những ngăn tủ nhỏ nhắn nằm bên ngoài cửa trước và những chậu cây cảnh nhiệt đới được sơn màu sắc tươi sáng nở hoa rực rỡ.
Trên bức tường bao quanh trường, người ta đặt những hộp sữa trẻ em và một chai nước với nhiều ống hút - những vật dụng được đặt lại để nuôi dưỡng linh hồn của những đứa trẻ xấu số và các giáo viên của chúng, theo lời kể của một nhân viên bảo vệ được thuê để trông coi tài sản. Ông ấy đã làm việc ở đây bảy ngày một tuần trong nhiều tháng, nhưng chưa bao giờ vào bên trong. "Bên trong quá tối," ông nói.
(Hết)
Bloomberg