Nguy cơ giá thực phẩm thế giới leo thang vì đứt gãy chuỗi cung ứng lao động (PI)
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Hệ sinh thái lương thực thế giới đều đang gặp khó khăn do thiếu nhân công trầm trọng, dù là người hái trái cây trên trang trại, công nhân ở lò giết mổ, tài xế lái xe tải hay bồi bàn.
Trên khắp thế giới, tình trạng khan hiếm nhân công đang làm lung lay chuỗi cung ứng thực phẩm.
Ở Việt Nam, quân đội đang hỗ trợ thu hoạch lúa. Ở Anh, nông dân phải đổ sữa vì không có xe tải đến thu gom. Vụ cà phê robusta năm nay của Brazil phải mất tới 120 ngày để thu hoạch, thay vì 90 ngày như bình thường. Các công ty đóng gói thịt của Mỹ cũng đang cố gắng lôi kéo nhân viên mới bằng Apple Watch, còn các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh phải tăng giá bán burger và burrito.
Nói cách khác, hệ sinh thái lương thực thế giới đều đang gặp khó khăn do thiếu nhân công trầm trọng, dù là người hái trái cây trên trang trại, công nhân ở lò giết mổ, tài xế lái xe tải hay bồi bàn. Nguồn cung thực phẩm vì thế cũng bị ảnh hưởng và một số công ty buộc phải tăng lương ở mức hai con số. Điều này khiến giá thực phẩm, vốn đã cao do giá hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng, có nguy cơ tiếp tục lên cao hơn. Tháng 8, giá thực phẩm tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.
Giá lương thực toàn cầu tăng trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tình trạng này có tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với thực phẩm và nông nghiệp, vốn là một trong những ngành mang ít tính tự động nhất trên thế giới. Theo Boston Consulting Group, an ninh lương thực là một vấn đề nhạy cảm ở nhiều nơi trên thế giới và tỷ suất lợi nhuận thấp đồng nghĩa với việc phần chi phí tăng thường được chuyển sang cho người mua.
Decker Walker, chuyên gia về kinh doanh nông sản của BCG, cho biết: “Gần như chắc chắn sẽ xảy ra gián đoạn. Tác động có thể khác nhau đối với từng nơi và sản phẩm, nhưng tóm lại, càng là những công việc có điều kiện làm việc ít hấp dẫn nhất thì lại càng bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động đang khiến nguồn cung thực phẩm bị hạn chế. Ở Mỹ, các nhà phân phối bán buôn như Sysco và United Natural Foods cho biết hoạt động sản xuất bị đình trệ và chậm chạp đối với nhiều mặt hàng từ thịt xông khói, phô mai đến nước dừa và gia vị. Ở Anh, một số cửa hàng đang cạn kiệt các mặt hàng chủ lực như bánh mì và gà, trong khi McDonald’s Corp đã hết sữa lắc vào tháng 8.
Ở Anh, nông dân phải đổ sữa vì không có xe tải đến thu gom. Ảnh: Bloomberg. |
Patrick Criteser, giám đốc điều hành của Tillamook County Creamery Association, cho hay: “Chúng tôi đang tuyển dụng những vị trí tuyệt vời với mức lương có thể nuôi sống gia đình, nhưng rất khó để tìm người lấp chỗ trống. Đơn vị này thiếu nhân công đến nỗi một thành viên hội đồng quản trị phải bỏ qua một cuộc họp vận hành để giúp giải quyết vấn đề này.
“Với mức lạm phát mà chúng ta đang chứng kiến ở cả cấp độ kinh doanh và cấp độ trang trại, phần chi phí gia tăng sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm”, ông Criteser nói.
Tình trạng thiếu hụt nhân công đang ảnh hưởng đến các trang trại, nhà chế biến và nhà hàng. Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đã mất khoảng 30% sản lượng dầu ăn tiềm năng. Ở Italia, sản lượng cà chua ở miền nam cũng bị giảm 1/5 trong năm nay do nắng nóng khắc nghiệt và giao thông tê liệt.
“Tôi đã kinh doanh cà chua, loại thực phẩm rất dễ hư hỏng, từ những năm 80, nhưng tôi chưa bao giờ gặp tình cảnh nào như thế này. Không có đủ xe tải để vận chuyển hàng đến các nhà máy chế biến trong thời kỳ đỉnh điểm của vụ thu hoạch", theo Michele Ferrandino, một nông dân ở Foggia.
Việc giao hàng bị hủy hoặc trì hoãn cũng buộc nông dân chăn nuôi bò sữa, như Mike King ở South Gloucestershire, Anh, phải bán phá giá sữa trong khi các cửa hàng lại khan hiếm mặt hàng này. King ước tính ông đã mất khoảng 20.000 lít, đồng thời cho biết một số nông dân buộc phải vắt sữa với tần suất thấp hơn bình thường do thiếu nhân viên.
Ngay cả khi các nhà hàng và doanh nghiệp khác mở cửa trở lại ở Mỹ và nhiều nơi ở châu Âu, khiến nhu cầu các mặt hàng như thịt và đồ uống đóng chai, thì biến thể Delta lại lan rộng ở những khu vực như Đông Nam Á, khiến hoạt động sản xuất sơ cấp bị hạn chế. Cùng với việc các nhà máy chế biến thịt và cá phải đóng cửa tạm thời vì dịch bệnh bùng phát trong cơ sở sản xuất, lệnh hạn chế biên giới mà nhiều quốc gia, từ Anh tới Thái Lan, đang áp dụng cũng khiến nguồn cung lao động nhập cư bị hạn chế.
Ở một số nơi, tình trạng thiếu nhân công còn trầm trọng hơn bởi các vấn đề như điều kiện làm việc khó khăn và nguy hiểm do đợt nắng nóng kỷ lục ở Mỹ hoặc sự gián đoạn của Brexit.
Link gốc tại đây.
Theo NDH