Nhận định của FX Trader JPMorgan London 8/2
Quỳnh Nguyễn
Currency Analyst
Nhận định của FX Trader JPMorgan London 8/2
JPY (Matthew Pheasant)
Nhu cầu đối với cặp tỷ giá USD/JPY có vẻ đang lu mờ dần khi cặp tiền này tiếp tục gặp khó khăn trong việc phá vỡ ngưỡng 110, đi kèm với xu thế mua vào JPY của các quỹ phòng hộ. Một ngày khá khó hiểu của thị trường trong phiên hôm qua với xu hướng “risk off” xuất hiện trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là đối với đồng tiền các thị trường mới nổi, nhưng cổ phiếu tiếp tục chuỗi tăng giá ấn tượng. Không có chất xúc tác cụ thể trong thời điểm này, dù rủi ro gia tăng gần như suốt tuần rồi mặc cho đánh giá chung về sự ảnh hưởng của virus corona lên tăng trưởng toàn cầu vẫn còn bỏ ngỏ, không bất ngờ lắm nếu chúng ta thấy JPY tăng trở lại. Chúng tôi tiếp tục đứng ngoài tại thời điểm này, mặc dù tỷ lệ Risk-Reward khi giao dịch USDJPY đang giảm nhưng chúng tôi chỉ vào lệnh Short nếu bức tranh về triển vọng rủi ro thay đổi, và cổ phiếu quay đầu giảm. Dữ liệu NFP sẽ là tâm điểm hôm nay, mặc dù rằng kỳ vọng vào phản ứng thị trường chỉ ở mức tương đối. Nếu số liệu rất khả quan, nhiều khả năng USDJPY sẽ quay lại kiểm tra ngưỡng kháng cự quan trọng tại 110.30.
AUD/NZD (James Clark)
Chi tiết cuộc họp của NHTW Úc (RBA) dù đã được các trang tin dự liệu về kết quả ngay từ đầu tuần này, nhưng các thông tin này vẫn bổ ích để giúp nhà đầu tư nhận ra mức độ lạc quan (và có phần sai lệch) của các dự báo của RBA trong những năm trở lại đây (và có thể tiếp tục diễn ra trong các năm tới). Tôi hoàn toàn tự tin nhận định rằng niềm tin của thị trường vào lãi suất của Úc sẽ giảm đang ở mức độ cực kỳ cao, đến mức các luận điệu đầy tự tin của RBA ngay tắp lự bị bỏ qua. Vận động giá của các đồng tiền thị trường mới nổi cho thấy rằng các nhà giao dịch đang nhìn thấy mô hình phục hồi hình chữ V (V-shapped recovery) đối với rủi ro, nên tôi cho rằng số lượng lớn lệnh short AUD đã được chốt lời vào cuối tuần trước. Việc phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 0.6700 là chất xúc tác buộc các nhà giao dịch quay lại với nhu cầu short khi đối mặt với vùng hỗ trợ mạnh 0.6670. NZDUSD thì đã xuyên thủng hỗ trợ 0.6450 mà tôi đề cập gần đây nên hoàn toàn dễ hiểu khi ngưỡng hỗ trợ kế tiếp sẽ là 0.6320/35.
GBP (Karim Mir)
Phiên giao dịch sôi động ngày hôm qua chứng kiến sự trượt giá của Bảng Anh diễn ra gần như xuyên suốt thời gian, GBP dần giảm về ngưỡng 1.2950 trước khi rơi về mức thấp nhất trong ngày hôm nay là 1.2922. Sự bật tăng phiên Á tương đối nhỏ, trong khi chúng tôi vẫn thấy hỗ trợ đang ở mức 1.2900/10, nhưng nhìn chung biên độ dao động tiếp tục duy trì ở mức rất cao. Tuy vậy, thời điểm hiện tại đang chứng kiến sức mạnh của đồng USD trên diện rộng và quan ngại đặc biệt xoay quanh thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU, điều này tạo áp lực lớn lên đồng Bảng Anh và khó để có sự thay đổi nào lớn trừ phi cục diện xoay chiều đáng kể. Chúng tôi tạm đứng ngoài ở thời điểm này nhưng nếu có một cú gãy mạnh rơi khỏi mức hỗ trợ quan trọng 1.2900, mọi chuyện sẽ khác. Với chiều ngược lại, ngưỡng hỗ trợ cần quan sát sẽ là 1.2970 và 1.3020.
CAD (James Clark)
Cặp USD/CAD gặp khó khăn khi tiến tới vùng 1.3300 và không thể hiện rõ xu hướng. Có lẽ dữ liệu việc làm Canada sắp công bố hôm nay sẽ là chất xúc tác để hướng thị trường quan tâm nhiều hơn tới Loonie. Cá nhân tôi ưu tiên chiến lược bán USD/CAD quanh vùng 1.335. Tuy nhiên trong bối cảnh các Ngân hàng trung ương (phần lớn ở Châu Á) hạ dự báo tăng trưởng và nghiêng về nới lỏng tiền tệ, sẽ có rủi ro là số liệu Canada hôm nay xấu có thể khiến thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Canada (BOC) thay vì hạ lãi suất một lần duy nhất sẽ chuyển sang bắt đầu một chu kỳ hạ lãi suất mới, nếu kịch bản này xảy ra, tôi sẽ hủy chiến lược Short cặp USD/CAD của mình.
CHF (Jeffrey Simmons)
Trong bối cảnh đồng Euro bị bán tháo, cặp USD/CHF liên tục được đẩy lên các mốc cao. Tuần này thị trường thể hiện tâm lý “Risk On” trên hầu hết các phiên giao dịch, tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá xu hướng này sắp kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm giữ Franc Thụy Sỹ nhiều hơn, nhưng với việc USD đang được hỗ trợ và cặp EUR/USD phá khỏi mốc hỗ trợ mạnh 1.0980, chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược của mình thông qua việc Short cặp EUR/CHF. Bất chấp thị trường rời bỏ tài sản trú ẩn trong tuần này, EUR/CHF vẫn thể hiện xu hướng giảm nói chung, điều này củng cố quan điểm của chúng tôi về nhu cầu của đồng Franc Thụy Sỹ. Hiện tại 1.0725/35 là vùng có thể canh Short, và 1.0600/25 là mục tiêu gần nhất. Nếu tỷ giá tăng lên vùng 1.0780/90 chúng tôi sẽ điều chỉnh lại quan điểm của mình. Ngoài ra đối với cặp USD/CHF, chúng tôi sẽ quan sát phản ứng của giá trong vùng kháng cự 0.9760/70 để đưa ra chiến lược phù hợp.
EUR (Jeffrey Simmons)
Cặp EUR/USD phá qua vùng hỗ trợ 1.0980/90 trong phiên giao dịch hôm qua, mặc dù vậy, giống như các trường hợp tương tự diễn ra gần đây tại vùng này, thị trường không đặt cược quá nhiều vào chiến lược Short nữa. Các vị thế Long cũng không nhiều tại vùng giá này, vì thế sẽ không xảy ra tình trạng cắt lỗ hay hoảng loạn trên diện rộng đối với phe bò tót. Điều đó đồng nghĩa với việc đồng Euro trở nên ít hấp dẫn hơn ở thời điểm này USD đang trên đà tăng mạnh do thị trường vẫn chưa thoát khỏi mối lo đối với dịch bệnh virus Corona cũng như chưa đánh giá được ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế. Cá nhân tôi thấy rằng đà phục hồi của tài sản rủi ro tuần này sẽ cần thêm thời gian để điều chỉnh, ngoài ra cũng do hôm nay là cuối tuần nên các trạng thái nắm giữ dòng tài sản này sẽ hạn chế. Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sắp công bố hôm nay cũng là yếu tố quan trọng, nhưng khó có thể thay đổi hoàn toàn xu hướng thị trường hiện tại. Nếu đồng Euro tiếp tục giảm xuống các mốc thấp hơn, vùng 1.0940/50 sẽ là hỗ trợ gần nhất. Đáy của năm 2019, vùng 1.0879 sẽ là mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm. Bên cạnh đó, vùng kháng cự gần nhất hiện nay đang là 1.1065/75. Tại thời điểm này, chúng tôi đưa ra quan điểm trung lập đối với Euro, quan điểm này có đôi chút mâu thuẫn trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhu cầu của USD tăng mạnh, cũng như thực tế rằng đồng Euro nhìn chung đang đi ngang không rõ xu hướng nhưng tiệm cận đáy của biên độ. Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm trung lập với đồng bạc này và cảnh giác với việc tâm lý “Risk off” có thể trở lại bất cứ lúc nào.