Scotiabank: Điểm nhấn thị trường hôm nay - Bóng ma giảm phát tại Trung Quốc

Scotiabank: Điểm nhấn thị trường hôm nay - Bóng ma giảm phát tại Trung Quốc

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

21:49 09/09/2024

Nhận định của Scotiabank.

Điểm chính

  • Nỗi lo trên thị trường chứng khoán đã được xoa dịu sau báo cáo việc làm kém sắc của Mỹ hôm thứ Sáu.
  • Lạm phát lõi của Trung Quốc tiếp tục hạ nhiệt.
  • Giảm phát tại Trung Quốc: Thực trạng và giải pháp... Fed có thể "thúc đẩy" PBOC hành động... trong bối cảnh rủi ro tiềm ẩn từ cuộc bầu cử Mỹ ngày càng lớn.

Sơ lược diễn biến thị trường

Nhìn chung, phiên giao dịch hôm nay trôi qua khá ảm đạm, không có nhiều diễn biến vĩ mô đáng chú ý. Chứng khoán Bắc Mỹ và châu Âu đang hồi phục nhẹ. Trái lại, chứng khoán châu Á "hụt hơi" khi bắt kịp với những diễn biến tiêu cực hôm thứ Sáu. Lợi suất TPCP giảm nhẹ trên diện rộng. USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác, ngoại trừ CAD và MXN. Giá dầu thô tăng khoảng 1.0%.

Lạm phát lõi của Trung Quốc tiếp tục hạ nhiệt

Chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 0.6% so với cùng kỳ (tháng trước và dự báo lần lượt là 0.5% và 0.7%). Trong khi đó, CPI lõi tăng 0.3% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát vẫn ở mức rất thấp. Chưa loại trừ yếu tố mùa vụ, tháng 8 là một điểm bất thường về CPI lõi so với các tháng 8 của những năm trước (Biểu đồ 1). Mặt khác, xu hướng giảm của CPI lõi trở nên rõ ràng hơn khi xem xét số liệu hàng tháng (đã loại trừ yếu tố mùa vụ) và được tính theo năm (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 1: So sánh CPI lõi của Trung Quốc trong tháng 8 qua các năm/ Biểu đồ 2: CPI lõi của Trung Quốc

Phải chăng bóng ma giảm phát đang quay trở lại?

Câu trả lời không hề đơn giản. Giảm phát không chỉ là sự sụt giảm giá cả, mà chính xác là sự sụt giảm kéo dài và trên diện rộng. Hiện tượng này có thể làm thay đổi căn bản hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến họ trì hoãn chi tiêu, đầu tư để chờ đợi giá giảm hơn nữa. Kiềm chế giảm phát là một bài toán vô cùng hóc búa, như những gì đã xảy ra trong thập niên 1930.

Để đánh giá kỳ vọng của thị trường, chúng ta có thể tham khảo một số nguồn, chẳng hạn như khảo sát người gửi tiền tại khu vực thành thị của PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc). Khảo sát này bao gồm một vài chỉ số như kỳ vọng lạm phát và giá nhà (Biểu đồ 3). Chỉ số kỳ vọng lạm phát đã tăng trong Q2/2024, với 23.5% số người được hỏi cho rằng giá cả sẽ tăng trong quý tới, 54.5% ít thay đổi và 9.4% giảm. Tuy nhiên, nhìn chung, chỉ số này đã giảm dần kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù không có kỳ vọng giảm phát rõ ràng, nhưng cần lưu ý rằng các cuộc khảo sát về thái độ của người tiêu dùng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, đặc biệt là ở Trung Quốc!

Còn giới phân tích thì sao? Dự báo của Bloomberg cho thấy lạm phát sẽ tăng 1.5% so với cùng kỳ trong năm 2025 và 1.9% vào năm 2026. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng không phải là "bất khả chiến bại".

Đối với giá nhà, khảo sát của PBOC cho thấy 11% người được hỏi cho rằng ​​giá nhà sẽ tăng, 52% ít thay đổi và 23% giảm. Thực tế, giá nhà mới đang giảm khoảng 5.3%, trong khi giá nhà cũ giảm 8.2% so với cùng kỳ (Biểu đồ 4).

Biểu đồ 3: Chỉ số kỳ vọng giá cả trong khảo sát người gửi tiền tại khu vực thành thị của PBOC/ Biểu đồ 4: Giá nhà ở Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite, vốn nghiêng về các doanh nghiệp nhà nước, đã giảm 26% kể từ đỉnh vào cuối năm 2021. Trong khi đó, chỉ số Shenzhen Composite giảm hơn 40% (Biểu đồ 5).

USD/CNY đã giảm nhẹ kể từ cuối tháng 7 và kịch bản cơ sở là đi ngang trong năm nay nhờ sự can thiệp của PBOC. Biến động tỷ giá cho đến nay vẫn chưa thể thúc đẩy lạm phát.

Hàng tồn kho vẫn ở mức cao trong nền kinh tế Trung Quốc do sản xuất dư thừa, một phần xuất phát từ tham vọng toàn cầu của nước này, phần khác vì sản xuất dư thừa mang lại một số hỗ trợ ngắn hạn cho nền kinh tế trong bối cảnh thiếu vắng các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn và cuối cùng là do quản lý yếu kém (Biểu đồ 6). Sau cùng, hàng tồn kho cao đang gây áp lực giảm giá lên nền kinh tế.

Biểu đồ 5: Chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite/ Biểu đồ 6: Hàng tồn kho công nghiệp của Trung Quốc

Liệu tình hình có thể thay đổi? Câu trả lời là có. Khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, PBOC có thể sẽ mạnh dạn hơn trong động thái tương tự để thúc đẩy lạm phát đạt mục tiêu 3.0% (mục tiêu mà Trung Quốc hiếm khi đạt được). Nguyên do là vì CNY có thể ít bị ảnh hưởng bởi chính sách nới lỏng của Trung Quốc nếu Fed cũng đang làm điều tương tự, qua đó giảm bớt lo ngại về sự ổn định tài chính.

Thực tế, Trung Quốc có rất nhiều cách để kích thích nền kinh tế, nhưng nước này cần phải hành động quyết liệt hơn. PBOC là một trong số ít các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chưa áp dụng nới lỏng định lượng khi cần thiết. Do đó, ngân hàng trung ương này có thể giảm lãi suất chính sách, bơm thêm thanh khoản, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng vốn cho các ngân hàng. Hiện tại, cung tiền M1 giảm 6.6% so với cùng kỳ, mức mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, M2 chỉ tăng 6.3% so với cùng kỳ, mức chậm nhất trong nhiều thập kỷ (Biểu đồ 7).

Biểu đồ 7: Cung tiền của Trung Quốc

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với làn sóng bảo hộ mậu dịch từ nhiều quốc gia, nhằm chống lại tình trạng sản xuất dư thừa và tham vọng toàn cầu của nước này. Nếu Donald Trump đắc cử và áp đặt thuế quan cao, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng Mỹ và phần còn lại của thế giới cũng không tránh khỏi hệ lụy.

Lịch kinh tế Bắc Mỹ

Lịch kinh tế Bắc Mỹ hôm nay tương đối ảm đạm. CPI tháng 8 của Mexico không đổi so với tháng trước, trong khi tăng 5% so với cùng kỳ, gần với dự kiến. Cùng với đó, CPI lõi tăng 4% so với cùng kỳ.

Số liệu về kỳ vọng lạm phát 1 năm của Fed New York cho tháng 8 sẽ được công bố vào lúc 22:00 theo giờ Việt Nam. Chỉ số này đã đi ngang quanh mốc 3% trong năm nay, sau khi giảm từ đỉnh 6.8% hồi giữa năm 2022.

Scotiabank

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ