Sự sụp đổ của ngân hàng ngầm Zhongzhi có hàm ý gì tới nền kinh tế của Trung Quốc
Nguyễn Phương Anh
Junior Analyst
Tốc độ nộp đơn xin phá sản tại Trung Quốc đang bộc lộ những lo ngạii của chính phủ khả năng suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Cho đến mùa hè năm ngoái, mối liên kết khăng khít giữa các công ty bất động sản tại Trung Quốc và các ngân hàng ngầm (những tổ chức hoạt động như các ngân hàng nhưng lại không nằm trong danh sách được cấp phép hay giám sát dưới Ngân hàng Nhà nước) vẫn chưa bộc lộ những tín hiệu về sự suy thoái. Trong nhiều năm qua, hoạt động này đã tung ra hàng loạt sản phẩm có lãi suất vay mua nhà ở mức cao dành cho tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc với số tiền tiết kiệm khổng lồ.
Nhưng mọi thứ đột ngột thay đổi vào tháng 7, khi tập đoàn quản lý tài sản lâu đời Zhongzhi gặp khó khăn về thanh toán, khiến tập đoàn này trở thành tâm điểm lo ngại về khả năng lan truyền từ cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường bất động sản vốn đã ngày càng nghiêm trọng.
Trong sáu tháng tiếp theo, tập đoàn đã chính thức rơi vào khủng hoảng. Vào tháng 11, họ thừa nhận mất khả năng thanh toán và ban giám đốc đã hoạt động vô trách nhiệm sau khi người sáng lập qua đời. Gần đây, họ đã tuyên bố phá sản.
Trong khi nhà phát triển Evergrande là tâm điểm của những lời cảnh báo về việc vỡ nợ trong nhiều năm và sau đó thành hiện thực. Đến nay, Evergrande vẫn đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ, khi đó các vấn đề của Zhongzhi đã bất ngờ xuất hiện và được chính quyền giải quyết nhanh chóng. Tốc độ suy giảm của nó cho thấy mối lo ngại của chính phủ về sự suy thoái kéo dài trong ngành bất động sản khổng lồ của Trung Quốc và làm gia tăng sự không chắc chắn về hướng đi của nền kinh tế và tài chính của đất nước.
"Nhìn chung, việc nộp đơn phá sản của Zhongzhi cho thấy hiệu ứng lan truyền của khủng hoảng bất động sản và một số thất bại trong lĩnh vực ngân hàng ngầm”. Đây là quan điểm của Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis. “Mặc dù các công ty quản lý tín dụng đã giảm mức độ tiếp xúc với bất động sản, nhưng mặt tối của các sản phẩm quản lý tài sản của các tổ chức phi ngân hàng có thể gây ra nhiều rủi ro tín dụng hơn.”
Vai trò của Zhongzhi trong hệ thống tài chính Trung Quốc
Zhongzhi được thành lập vào năm 1989 bởi Xie Zhikun, doanh nhân xuất thân trong lĩnh vực gỗ và bất động sản. Công ty đã phát triển thành một tập đoàn lớn mạnh bao gồm năm doanh nghiệp quản lý tài sản, bốn công ty quản lý tài sản cá nhân và nắm cổ phần của Zhongrong, một công ty quản lý tín dụng – đóng vai trò trung gian chuyển hướng tiền tiết kiệm của cá nhân và doanh nghiệp thành các khoản đầu tư. Cấu trúc phức tạp của Zhongzhi phần nào phản ánh sự phát triển của hệ thống tài chính Trung Quốc, vốn đã thay đổi đáng kể kể từ khi được tự do hóa thương mại vào những năm 1990. Các sản phẩm đầu tư không chính thức hoặc được quản lý lỏng lẻo, thường được coi là phương tiện để chuyển tiền vào bất động sản và trong một số trường hợp được bán trực tiếp bởi các chi nhánh quản lý tài sản của các nhà phát triển, đã được bán rộng rãi cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc. Theo Financial Times, một sản phẩm của Zhongzhi từng cam kết tỷ suất lợi nhuận lên tới 8%.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, rất ít thông tin về Zhongzhi được công khai cho đến khi công ty tuyên bố phá sản. Theo trang web của họ, tổng tài sản của công ty là 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD). Tuy nhiên, trong một bức thư ngỏ gửi tới các nhà đầu tư vào năm ngoái, họ cho biết tài sản chỉ còn 200 tỷ nhân dân tệ, trong khi nghĩa vụ nợ lên tới 460 tỷ nhân dân tệ. Theo hồ sơ phá sản, 76% cổ phần của Zhongzhi thuộc sở hữu của Công ty Quản lý Đầu tư Zhonghai Shengfeng (Bắc Kinh). Tính đến năm 2019, công ty này thuộc sở hữu của ông Xie, người đã qua đời vào năm 2021. 16% và 8% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của cá nhân Liu Yiliang và Xie Rutong, lần lượt là đối tác kinh doanh và con gái của ông Xie.
Điều gì đã xảy ra?
Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào mùa hè năm 2023, giữa những đồn đoán lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc về tình hình tài chính của Zhongzhi và những khoản thanh toán bị chậm trễ tại Zhongrong. Hiện không rõ chính xác Zhongrong đã đầu tư bao nhiêu vào lĩnh vực bất động sản, nhưng ngành công nghiệp tín thác nói chung đang chịu áp lực từ các cơ quan quản lý nhằm giảm bớt mức độ đầu tư vào bất động sản. Vào cuối tháng 7, các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho biết Zhongrong, công ty không được đề cập trong hồ sơ phá sản, đã thất bại trong việc thực hiện các khoản thanh toán đầu tư. Tháng 8, các nhà đầu tư cá nhân tham gia các chi nhánh quản lý tài sản của Zhongzhi đã tập trung tại trụ sở chính của công ty, khiến lực lượng cảnh sát có mặt đông đảo. Tuy nhiên, cuộc biểu tình nhanh chóng tan rã.
Hồ sơ phá sản của Zhongzhi cho thấy công ty liên quan đến các vụ kiện do Ngân hàng Phát triển Pudong Thượng Hải và Năng lượng Sơn Đông khởi kiện vào mùa hè, cả hai đều liên quan đến các khoản tiền hoặc nợ chưa thanh toán. Những vụ kiện này vẫn đang diễn ra. Hồ sơ khẳng định rằng Zhongzhi "rõ ràng thiếu khả năng trả nợ"; do chênh lệch đáng kể giữa tài sản và nghĩa vụ nợ. Trong một lá thư gửi các nhà đầu tư được công bố vào tháng 11, công ty đã cho rằng cái chết của Xie là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề của công ty. Trong cùng bức thư, họ cho biết ban quản lý đã “hoang mang” khi chính quyền mở cuộc điều tra về “các tội phạm bị nghi ngờ là bất hợp pháp”.
Tại sao lần phá sản này lại khác biệt?
Điểm đáng chú ý nhất trong đơn xin phá sản của Zhongzhi là tốc độ nhanh chóng mà tòa án chấp thuận đơn và cách thức xử lý của các cơ quan chức năng nói chung. Điều này diễn ra sau động thái của của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 về việc "phát hiện nhanh chóng và giải quyết kịp thời" các rủi ro tài chính.
Trường hợp của Zhongzhi đối lập rõ ràng với tình hình của Evergrande, công ty phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới. Sự việc vỡ nợ của Evergrande vào năm 2021 đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Tương tự, HNA, một tập đoàn vay nợ nặng nề ở nước ngoài, cũng phải trải qua nhiều năm trì hoãn trước khi kế hoạch phá sản được các chủ nợ thông qua vào cuối năm 2021.
Theo hồ sơ phá sản, quy mô của Zhongzhi nhỏ hơn đáng kể so với Evergrande hay Country Garden, hai ông lớn trong ngành bất động sản TQ từng khiến lo ngại về thị trường bất động sản dâng cao trong những tháng gần đây sau khi vỡ nợ các khoản nợ quốc tế. Zhongzhi hoạt động chủ yếu trong nước và việc phá sản của công ty này ít có khả năng dẫn đến các quá trình pháp lý và tái cấu trúc phức tạp như những trường hợp liên quan đến nợ nước ngoài. Một số nhà quan sát cho rằng tốc độ giải quyết nhanh chóng cho thấy tình hình "không nhạy cảm"; như các vụ việc liên quan đến các tổ chức ngân hàng lớn hơn.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Sự sụp đổ của Zhongzhi đã phơi bày mức độ bất ổn của hệ thống tài chính Trung Quốc, trong bối cảnh chính phủ siết chặt kiểm soát thông tin và một phần lĩnh vực bất động sản từng bùng nổ của nước này đang rơi vào trạng thái đóng băng. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng tác động lan truyền từ vụ việc của Zhongzhi sẽ hạn chế. Tại hội nghị UBS ở Thượng Hải tuần này, Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Thụy Sĩ, cho biết bà "không thấy tác động đáng kể lên hệ thống tài chính nói chung".
Để củng cố quan điểm này, Zerlina Zeng, Giám đốc quản lý các doanh nghiệp Đông Á tại CreditSights, cho biết những người gửi tiền tại ZhongZhi chủ yếu là những người có giá trị tài sản ròng cực cao và do đó ít có khả năng phản đối hơn những người sở hữu các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Các khoản đầu tư của Zhongzhi chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu chưa niêm yết, nên sự sụp đổ của công ty khó có thể tác động đến thị trường chứng khoán nói chung.
Tuy nhiên, theo dữ liệu hiện có, lĩnh vực tài chính ngầm của Trung Quốc đã đóng vai trò ít quan trọng hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 nhưng bản chất của nó vốn đã rất mờ nhạt. Bà Zeng cho biết thêm, nhiều sản phẩm của Zhongzhi được "bán thông qua các kênh ngoài bảng cân đối", nghĩa là chúng "không nhất thiết được ghi nhận trong hồ sơ phá sản"; và "những tài sản này sẽ không nằm trong quy trình thanh lý". Điều này có thể khiến việc giải quyết sự sụp đổ của Zhongzhi mất nhiều thời gian hơn.
"Tác động hệ thống thực tế của vụ việc Zhongzhi phá sản sẽ hạn chế do khủng hoảng của họ đã âm ỉ trong nhiều năm và rủi ro của họ không liên quan đến các tổ chức tài chính khác"; ông Larry Hu, nhà kinh tế tại Macquarie cho biết. "Tuy nhiên, dư chấn có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường."
Financial Times