SWIFT là gì, và nó có ý nghĩa gì trong xung đột Nga-Ukraine?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Trước tình hình Mỹ, Canada và châu Âu chuẩn bị gây thêm áp lực lên hệ thống tài chính Nga tuần này, các quốc gia trên đã đưa ra kế hoạch loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, một hệ thống kết nối các ngân hàng toàn cầu với nhau, và là xương sống của tài chính quốc tế.
Việc trừng phạt Nga thông qua SWIFT là một vấn đề gây chia rẽ giữa phương Tây, với bộ trưởng tài chính Pháp cho rằng đây như một “quả bom hạt nhân tài chính.”
Đây là những gì bạn cần biết về SWIFT, và câu chuyện có nên gây áp lực lên Nga qua hệ thống này.
SWIFT là gì?
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, viết tắt: SWIFT) là một hệ thống tin nhắn kết nối các ngân hàng trên toàn thế giới và được cho là xương sống của tài chính quốc tế. SWIFT kết nối hơn 11 nghìn định chế tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng vai trò như một trung gian cho hoạt động thanh toán quốc tế. Năm ngoái, trung bình 42 triệu tin nhắn được gửi trên SWIFT mỗi ngày, gồm cả lệnh & xác nhận lệnh, giao dịch và quy đổi tiền tệ. Khoảng 1% tin nhắn có liên quan đến các khoản thanh toán từ Nga.
SWIFT có ý nghĩa gì trong xung đột Nga-Ukraine?
Các quốc gia Đông Âu và Pháp đã đi đầu trong đề xuất trừng phạt kinh tế thông qua việc loại Nga khỏi SWIFT. Kế hoạch này sẽ khiến các thực thể tại Nga khó xử lý giao dịch hơn, và khiến Nga khó giao thương quốc tế hơn; ảnh hưởng lớn tới đâu sẽ tùy vào số ngân hàng bị trừng phạt. Khi phương Tây đe dọa loại Nga khỏi SWIFT từ năm 2014 trong vụ sáp nhập bán đảo Crimea, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin nói điều này có thể giảm GDP Nga khoảng 5% trong 1 năm. GDP Nga đạt 1.7 nghìn tỷ USD năm ngoái, là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.
“Các nhà ngoại giao của chúng tôi đã chiến đấu miệt mài suốt nhiều ngày để thuyết phục tất cả các nước châu Âu đồng ý với quyết định rất cứng rắn và chính đáng này, cắt đứt Nga khỏi mạng lưới liên ngân hàng quốc tế,” tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm thứ Bảy.
Có phải tất cả 27 quốc gia châu Âu từng đồng ý trừng phạt Nga cùng ủng hộ loại Nga khỏi SWIFT?
Câu trả lời là không hẳn. Một số yêu cầu loại hoàn toàn Nga khỏi SWIFT, nhưng Đức cho biết họ ủng hộ sử dụng công cụ một cách hiệu quả và có tính toán. Lệnh trừng phạt thực tế tương đồng với quyết định của Đức hơn mong muốn đánh mạnh và rộng từ nhiều nước khác.
Với kế hoạch trừng phạt đưa ra, Nga vẫn có thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trừng phạt mạnh tay hơn có thể ảnh hưởng tới lợi ích phương Tây, đặc biệt là các công ty dầu khí. Các ngân hàng Mỹ và Đức là người dùng SWIFT thường xuyên nhất để giao dịch với các ngân hàng Nga, khiến 2 nước này dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Nếu các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT, có lựa chọn khác nào không?
Có. Nga đã tự tạo một hệ thống riêng, Hệ thống Chuyển giao Thông báo Tài chính, nhưng giới chuyên gia cho rằng đây không phải phương án thay thế hoàn hảo. Tới cuối năm 2020, hệ thống chỉ có 400 thành viên từ 23 quốc gia. Ngoài ra, còn có Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc, giúp cả 2 nước vượt qua SWIFT. Đây là mối lo lớn hơn, vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và mọi sự cải thiện của hệ thống này có thể xói mòn hệ thống tài chính sử dụng USD toàn cầu, hãm lại sức mạnh phương Tây.
Nga có thể sử dụng tiền điện tử để trốn lệnh trừng phạt nếu nước này mất quyền truy cập vào SWIFT không?
Với việc thiếu đi một hệ thống kiểm soát trung tâm, crypto có thể dùng để quyên góp tiền cho quân đội Ukraine, và giúp Nga né tránh trừng phạt. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch crypto tại Nga vẫn còn rất nhỏ so với hoạt động của các định chế tài chính truyền thống, nên đây không phải cách thay thế hoàn toàn SWIFT. Hơn nữa, các quốc gia và hệ thống ngân hàng lựa chọn hỗ trợ Nga có thể đối mặt với hậu quả khó lường.
Ai điều tiết SWIFT?
SWIFT là một thể chế hợp tác được điều khiển bởi các quan chức từ ngân hàng thành viên, như Ngân hàng trung ương Bỉ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Nga có phải quốc gia đầu tiên bị loại khỏi SWIFT?
Không. Các định chế tài chính Iran đã bị cắt khỏi SWIFT từ năm 2012, sau khi Liên minh châu Âu áp trừng phạt do chương trình hạt nhân của nước này. Hậu quả là Iran mất 30% thương mại quốc tế. Các ngân hàng Iran được quyền truy cập lại SWIFT sau thỏa thuận hạn chế hoạt động hạt nhân năm 2015. Họ sau đó lại bị cắt năm 2018 khi tổng thống Trump hủy thỏa thuận và gây sức ép lên SWIFT.
The Washington Post