Thời điểm "vàng" để mua vàng dài hạn?
Nam Anh
Senior Economic Analyst
Vàng đang trên đà tăng giá kỷ lục nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.
Trong năm 2020, vàng đang đem lại cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận vượt xa những gì chỉ số S&P500 đem lại. Tuy nhiên, điều đó chẳng hề hàm ý rằng cơn sốt vàng đã đi đến hồi kết.
- Vàng đang trên đà tăng giá kỷ lục nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.
- Giá vàng thường biến động ngược chiều với lợi suất thực (đã loại bỏ yếu tố lạm phát) của trái phiếu chính phủ.
- Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ, lạm phát và các biện pháp kích thích tài khóa của chính phủ sẽ châm ngòi cho 1 đợt tăng giá tiếp theo.
Vàng là 1 trong những tài sản mang lại lợi nhuận cao nhất trong năm 2020. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng tới 35%, so với mức tăng khiêm tốn 1 chữ số của S&P500. Con số 35% trông có vẻ nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai, nhưng thực tế tiềm năng đạt đến những đỉnh cao mới của vàng là vô cùng to lớn.
Với sự suy yếu của đồng bạc xanh, sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ cũng như những biện pháp kích thích nền kinh tế vô tiền khoáng hậu của Fed, nền tảng cho những đợt tăng giá tiếp theo của vàng là vô cùng vững chắc.
Đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu
Trong quá khứ, với vị thế của 1 đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng bạc xanh được hưởng lợi rõ rệt trong những thời kỳ địa chính trị bất ổn, khi nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn tăng cao.
Thực tế, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại châu Á và châu Âu, thị trường toàn cầu cũng đã chứng kiến sự bán tháo các tài sản rủi ro trên diện rộng nhằm đổ dồn vào USD, với niềm tin về việc nền kinh tế Mỹ chính là nơi trú ẩn an toàn nhất giữa sự hỗn loạn của toàn thế giới.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 8, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Hoa Kỳ thất bại trong việc kiểm soát đại dịch, trong khi châu Âu và châu Á đã sẵn sàng trở lại với trạng thái bình thường.
Không những vậy, trong bối cảnh đang phải gồng mình chống chọi lại sự bùng phát của đại dịch, Hoa Kỳ còn đang trải qua những bất ổn xã hội tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua với hàng loạt những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các thành phố lớn trên toàn quốc. Còn chưa kể đến những sự hỗn loạn có thể diễn ra nếu tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bỏ phiếu bầu cử vào tháng 11 tới.
Sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Hoa Kỳ được thể hiện rõ qua sự suy yếu nhanh chóng của DXY trong 3 tháng qua.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp đà sụt giảm
Giá vàng có xu hướng biến động ngược chiều với lợi suất thực, với thước đo thường được sử dụng là lợi suất trái phiếu chính phủ chống lạm phát của Hoa Kỳ (TIPs) kỳ hạn 10 năm
Hiện nay, lợi suất loại trái phiếu này đang được giao dịch quanh mức -1.08%, đồng nghĩa với việc mức lạm phát kỳ vọng đang cao hơn mức lợi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thông thường. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tăng cường phân bổ danh mục vào các loại tài sản như vàng, với đặc tính bảo toàn sức mua khỏi lạm phát.
Đồ thị bên dưới mô tả mối quan hệ ngược chiều giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ chống lạm phát của Hoa Kỳ (TIPs) kỳ hạn 10 năm. Có thể thấy rõ giá vàng tăng mỗi khi lợi suất thực sụt giảm và ngược lại.
Lý do cho việc lợi suất thực sẽ tiếp tục âm sâu chính là những làn sòng kích thích tiền tệ và tài khóa vô tiền khoáng hậu của Fed và chính phủ Hoa Kỳ nhằm vực dậy nền kinh tế.
Những can thiệp thái quá của Fed và chính phủ Hoa Kỳ
Fed cùng với quốc hội đã bơm ra nền kinh tế tới hơn 6 nghìn tỷ USD thông qua các gói kích thích tài khóa và tiền tệ chưa từng có tiền lệ. Con số này thậm chí còn có thể tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nếu gói hỗ trợ tiếp theo của chính phủ Mỹ được quốc hội thông qua.
Lượng cung tiền của Hoa Kỳ đã tăng 20% từ 15.33 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2019 lên 18.3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng Bảy. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử, theo thống kê của Fed từ năm 1981.
Và theo Mike Wilson, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Hoa Kỳ tại Morgan Stanley, điều này có thể dẫn đến 1 tỷ lệ lạm phát lớn:
“Công bằng mà nói, chúng ta chưa bao giờ quan sát thấy cung tiền tăng trưởng ở tốc độ cao như hiện nay, điều này đồng thời sẽ kéo theo nguy cơ lạm phát hơn bao giờ hết. Trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng không phải lúc nào cũng có tác động trực tiếp đến lạm phát giá cả hàng hóa, nó dường như sẽ châm ngòi cho sự lạm phát ngày 1 gia tăng đối với giá tài sản, điều tất yếu sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng thu nhập (và bất ổn xã hội), làm giảm lợi suất trái phiếu và có khả năng thúc đẩy giá vàng.”
Cơn sốt chưa đi đến hồi kết
Sự suy yếu trầm trọng của USD, sự sụt giảm liên tiếp của lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, cùng với viễn cảnh lạm phát phi mã bắt nguồn từ những gói tài khóa thái quá của chính phủ Mỹ, tất cả tạo nên 1 nền tảng cơ bản vững chắc cho những đợt tăng giá mạnh mẽ tiếp theo của vàng trong nửa sau 2020.
Đây không gì khác chính là thời điểm "vàng" để mua vàng.