Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ kế thừa chính sách kinh tế của người tiền nhiệm thế nào?
Chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược cải cách ngành công nghiệp sẽ là trọng tâm
Việc ông Yoshihide Suga được bầu làm thủ tướng mới của Nhật Bản vào ngày 16/09 khiến nhiều người đặt giả thiết đây là dấu chấm hết cho “Abenomics” - chính sách kinh tế của người tiền nhiệm, ông Shinzo Abe được đưa ra từ tháng 12/2012. Nhật Bản đã trở lại làm tiêu điểm cho các nhà đầu tư vĩ mô toàn cầu, sau một thời gian dài ảm đạm.
Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Suga có đem đến cho giới đầu tư nước ngoài cơ hội mới hay không và những bài học nào từ “Abenomics” mà các quốc gia khác có thể học hỏi được trên con đường “Nhật bản hóa” – sự kết hợp giữa lãi suất 0%, lạm phát thấp, sản lượng đầu ra trì trệ và nợ công khổng lồ.
Sau hàng thập kỷ mà các nhà kinh tế học phương Tây thuyết giảng cho Nhật Bản về cách tiếp cận “đúng đắn” để kích thích kinh tế vĩ mô, thật trớ trêu khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu bắt đầu áp dụng những đặc điểm giống Nhật Bản. Sự tương đồng đã xảy ra, nhưng theo cách mà không ai ngờ đến.
Abenomics được áp dụng nhằm mục đích chấm dứt áp lực giảm phát thông qua “ba mũi tên”: Chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược cải cách ngành công nghiệp.
Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, chắc chắn đã thực hiện đúng mũi tên đầu tiên. Việc nới lỏng định lượng chủ động đã làm giảm lãi suất trên đường cong lợi suất xuống gần mức 0 vào năm 2016. Sau đó, lãi suất ngắn hạn đã xuống mức âm và việc kiểm soát đường cong lợi suất được sử dụng để giữ cho lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dưới 0.1%. Do đó, khoản nợ chính phủ BoJ nắm giữ đã tăng lên 84% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối năm 2019, khoảng 41% dư nợ công. Đây là liều QE lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác.
Ban đầu chính sách tiền tệ có vẻ thành công. Kỳ vọng lạm phát tăng lên hướng tới mục tiêu 2%, nhưng điều này chủ yếu là do tỷ giá hối đoái thực của đồng yên đã giảm 30% trong hai năm đầu tiên, bị đảo ngược sau hàng thập kỷ bị định giá quá cao. Sự mất giá này làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, được cho là điểm sáng của Abenomics.
Dòng vốn nước ngoài đổ vào cổ phiếu đã thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng 120% trong 30 tháng đầu nhiệm kỳ của ông Abe, mức tăng tốt nhất so với các thị trường chứng khoán cùng thời. Nhưng kể từ đó, các nỗ lực kích thích tiền tệ đã mất tác dụng. Lạm phát vẫn ở mức thấp hơn mức mục tiêu do tiền lương không thay đổi bất chấp thị trường lao động thắt chặt. Chứng khoán Nhật Bản sau đó đi ngang, trong khi các thị trường Mỹ và châu Âu tăng mạnh.
Về chính sách tài khóa, có sự nhầm lẫn về ý nghĩa chính xác của từ “linh hoạt” trong mũi tên thứ 2 của ông Abe. Ban đầu chính sách tài khóa mang tính mở rộng, hỗ trợ lực đẩy của chính sách tiền tệ. Nhưng Bộ Tài chính luôn muốn kiểm soát nợ công bằng cách tăng thuế tiêu dùng.
Trong năm 2014 và 2019, thuế cao hơn đã làm chậm tăng trưởng kinh tế, mặc dù chúng cũng làm chuyển dịch cán cân ngân sách sang thặng dư, đồng thời ổn định tỷ lệ nợ công. Trái với một số kỳ vọng, mức nợ bất thường không bao giờ dẫn đến khủng hoảng tài chính của chính phủ, nhưng chính sách tài khóa cũng không hỗ trợ đầy đủ cho chính sách tiền tệ trong việc kích thích lạm phát.
Cuối cùng, cải cách cơ cấu trong chính sách công nghiệp tỏ ra khó khăn về mặt chính trị. Theo BoJ, tăng trưởng GDP tiềm năng đã giảm đều đặn kể từ năm 2015 và đã đạt tốc độ đáng lo ngại là 0.1%/năm trong dữ liệu năm 2020. Xu hướng nhân khẩu học bất lợi chiếm phần lớn trong số này nhưng tăng trưởng năng suất cũng chậm lại mạnh mẽ.
Một thành tựu lớn của nền kinh tế thực là thị trường lao động phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm một nửa vào thời của ông Abe, đạt 2.2% trước cú sốc coronavirus vào tháng Giêng.
Ông Suga thừa hưởng một nền kinh tế phát triển vượt bậc dưới thời người tiền nhiệm. Hiện ông có 12 tháng để củng cố vị trí của mình ở vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do và giành chiến thắng trong cuộc tái bầu cử. Chiến lược của ông là tiếp nhận các khía cạnh kinh tế vĩ mô của Abenomics, nhưng tập trung nguồn lực hợp lý vào cải cách cơ cấu, chẳng hạn như tái cơ cấu các ngân hàng khu vực và định giá cạnh tranh hơn trong các thị trường kỹ thuật số đã chuyển đổi.
Với hiệu suất vượt trội của Nhật Bản so với các nền kinh tế tiên tiến khác trong việc xử lý đại dịch Covid-19, triển vọng cho năm 2021 có vẻ đáng khích lệ. Đồng Yên và Nikkei 225 không tăng trưởng nhiều từ thành tích này nhưng hiện có thể thu hẹp khoảng cách với tài sản rủi ro của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Về dài hạn, việc ông Suga tái đắc cử có thể phải đối mặt với các vấn đề kinh tế vĩ mô giống như các nền kinh tế tiên tiến khác, giả sử tình trạng trì trệ ngày càng sâu sắc sau đại dịch. Tuy nhiên, trái ngược với những thập kỷ gần đây nhất, Nhật Bản có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đua lần này.