Thuế quan của Mỹ đối với các đồng minh làm suy yếu chính sách ngoại giao kinh tế như thế nào?
Tạ Thị Giang
Junior Analyst
Việc Tổng thống Trump đề xuất sử dụng IEEPA để áp thuế đối với Mexico và Canada đi ngược lại mọi điều kiện cần thiết cho một chính sách ngoại giao kinh tế hiệu quả.
Không ít những bài viết được lập luận chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng và trình bày rõ ràng về sự sai lầm trong việc chính quyền Trump đe dọa nhưng sau đó trì hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico, cũng như việc áp thuế đối với Trung Quốc. Những biện pháp này sẽ gây tổn thất kinh tế, làm tăng giá cả đối với cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất, đồng thời kìm hãm tăng trưởng. Dựa trên những gì đã xảy ra trong quá khứ, bất kỳ khoản thu nào từ thuế quan cũng sẽ bị bù đắp bởi các gói hỗ trợ dành cho những ngành bị ảnh hưởng do các biện pháp trả đũa. Hơn nữa, các biện pháp thuế quan và hỗ trợ này sẽ làm rối loạn hoạt động kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải chuyển hướng sang những lĩnh vực kém hiệu quả hơn và làm suy giảm khả năng cạnh tranh với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) trong các ngành công nghiệp tương lai.
Thay vì bổ sung thêm 1,200 từ vào những phân tích đã có, tôi muốn tập trung vào chính sách ngoại giao kinh tế và cách mà sự kiện này làm suy giảm nghiêm trọng khả năng sử dụng các công cụ kinh tế của Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh cho công dân trong tương lai.
Tổng thống đang viện dẫn các quyền hạn được trao theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), một đạo luật được ban hành vào năm 1977, cho phép ông có quyền hạn lớn trong việc điều chỉnh thương mại để đối phó với những "mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia hoặc kinh tế bắt nguồn từ bên ngoài Hoa Kỳ. IEEPA được xem là công cụ trao cho Tổng thống quyền hạn đơn phương lớn nhất trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế để theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này đặt ra câu hỏi: Sự kiện này tác động như thế nào đến khả năng bảo vệ an ninh kinh tế và quốc gia của Hoa Kỳ thông qua các công cụ như IEEPA?
Ngoại giao kinh tế hiệu quả cần đảm bảo hai yếu tố: sức mạnh và độ tin cậy
Trước tiên, cần khẳng định một nguyên tắc rõ ràng và ít gây tranh cãi: để có thể điều chỉnh hành vi của các quốc gia khác thông qua biện pháp kinh tế, Hoa Kỳ phải có khả năng cung cấp các lợi ích để khuyến khích hợp tác, đồng thời duy trì sức mạnh cưỡng chế nhằm ngăn chặn khả năng các quốc gia khác áp dụng biện pháp tương tự đối với Hoa Kỳ. Để đạt được và duy trì những khả năng này, Hoa Kỳ cần theo đuổi các chính sách thúc đẩy một nền kinh tế mạnh, có liên kết với các nền kinh tế khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đồng thời đảm bảo hệ thống kinh tế - chính trị có đủ uy tín để vận hành những công cụ này theo đúng mục tiêu của quốc gia và được quốc tế thừa nhận.
Việc Tổng thống Trump đề xuất sử dụng IEEPA để áp thuế đối với Mexico và Canada đi ngược lại mọi điều kiện cần thiết cho một chính sách ngoại giao kinh tế hiệu quả.
Giống như kháng sinh, biện pháp cưỡng chế kinh tế có thể mất tác dụng khi lạm dụng
Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là trung tâm đổi mới, tài chính và thương mại. Vì vậy, Hoa Kỳ có thể mang lại lợi ích lớn cho các đối tác, nhưng cũng có khả năng gây áp lực kinh tế đáng kể khi cần thiết. Hoa Kỳ chưa bao giờ ngần ngại sử dụng sức mạnh cưỡng chế, nhưng trong lịch sử, điều này thường được thực hiện để bảo vệ luật pháp quốc tế và nhân quyền. Việc sử dụng IEEPA theo cách hiện tại báo hiệu rằng trong tương lai, chính sách cưỡng chế kinh tế của Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt.
Các biện pháp cưỡng chế kinh tế giống như thuốc kháng sinh: chúng rất hiệu quả trong việc nhắm vào các mối đe dọa cụ thể, nhưng nếu lạm dụng, hiệu quả của chúng sẽ giảm dần. Cũng giống như vi khuẩn có thể kháng thuốc kháng sinh, các quốc gia bị áp đặt lệnh trừng phạt liên tục sẽ phát triển khả năng "miễn dịch" bằng cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ.
Rõ ràng, chính quyền Trump lo ngại về hiện tượng "kháng thuốc" này, vì họ đã đe dọa áp thuế đối với bất kỳ quốc gia nào cố gắng phát triển hệ thống thanh toán thay thế cho đồng USD. Mặc dù các đối tác có thể chú ý đến lời đe dọa này, nhưng đồng thời, họ cũng chứng kiến việc Tổng thống Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính thứ cấp đối với Colombia chỉ vì một bất đồng ngoại giao nhỏ. Việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt hoặc công cụ cưỡng chế khác sẽ khiến cả đồng minh và đối thủ hoài nghi về độ tin cậy của Hoa Kỳ, thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế. Chỉ trong hai tuần đầu của nhiệm kỳ mới, Hoa Kỳ đã làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của mình và làm giảm hiệu quả của IEEPA bằng cách đặt mục tiêu chiến lược ngắn hạn lên trên sự ổn định lâu dài của hệ thống kinh tế toàn cầu.
Gây sức ép lên đồng minh làm tăng tính tổn thương trước đối thủ
Để các công cụ như IEEPA có thể trở thành mối đe dọa đáng tin cậy, các quốc gia và tổ chức phi nhà nước phải tin rằng Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng chúng. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải có khả năng ngăn chặn hoặc phủ nhận việc các quốc gia khác sử dụng biện pháp tương tự chống lại mình. Cả hai đảng đều đồng thuận rằng Trung Quốc sở hữu nhiều công cụ kinh tế có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến Hoa Kỳ. Ba đời chính quyền gần đây đã đầu tư đáng kể về ngoại giao và tài chính để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng tự vệ của nền kinh tế Hoa Kỳ trước những nguy cơ này. Tuy nhiên, việc sử dụng IEEPA để áp đặt hạn chế thương mại đối với Canada và Mexico ở mức cao hơn so với Trung Quốc đã làm suy yếu tất cả những nỗ lực này.
Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và mở rộng quyền tiếp cận với các mỏ khai thác trên toàn cầu. Trong khi đó, Canada và Mexico sở hữu trữ lượng khoáng sản quan trọng, và hiện tại, Hoa Kỳ nhập khẩu 47 tỷ USD khoáng sản từ Canada. Việc lạm dụng IEEPA không chỉ làm tăng chi phí nhập khẩu mà còn làm giảm động lực của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm nguồn cung mới ngoài Trung Quốc, khiến Hoa Kỳ dễ bị tổn thương hơn trước sức ép kinh tế từ Trung Quốc.
Uy tín: Xây dựng khó khăn, đánh mất dễ dàng
Việc lạm dụng IEEPA không chỉ làm suy yếu hiệu quả của các công cụ cưỡng chế kinh tế và tăng tính tổn thương của nền kinh tế Hoa Kỳ mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Hoa Kỳ.
Để duy trì sức mạnh kinh tế, Hoa Kỳ cần giữ vững cam kết trong các thỏa thuận thương mại, hiệp ước an ninh và các cam kết quốc tế khác. Nếu Hoa Kỳ sử dụng chính sách kinh tế một cách tùy tiện, không nhất quán, các đồng minh sẽ mất niềm tin, và hiệu quả của các công cụ này cũng suy giảm.
Tóm lại, cách chính quyền Trump sử dụng IEEPA không chỉ làm gia tăng sự bất ổn mà còn làm suy yếu đáng kể năng lực bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong tương lai.
CSIS