Trước thềm cuộc họp ECB: Chủ tịch Lagarde sẽ mang đến những thông điệp gì để cứu rỗi thị trường?
Tùng Trịnh
CEO
Các tổ chức tài chính kỳ vọng chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde sẽ đề xuất hạ 10 điểm cơ bản lãi suất trong kỳ họp ngày 12/3 sắp tới, cùng một loạt các giải pháp hỗ trợ tín dụng nhằm đối phó với tác động của virus Corona. Ngân hàng trung ương Châu Âu có thể không đủ khả năng ngăn chặn kinh tế Châu Âu khỏi tình trạng bị thu hẹp, nhưng chí ít cần đưa ra những hành động thiết yếu để đưa kinh tế khu vực thoát khỏi nguy cơ trước mắt.
Kỳ vọng gì từ cuộc họp ECB ngày 12/3?
ECB hạ triển vọng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 xuống mức vừa phải, hoãn lại mục tiêu bình ổn giá cả trong hoàn cảnh rủi ro chậm tăng trưởng đang xuất hiện.
Ngoài ra, ngân hàng này có thể đưa ra các gói kích thích tài chính thông qua hoạt động tái cấp vốn và hạ 10 điểm cơ bản lãi suất tiền gửi.
Không chỉ vậy, ECB sẽ công bố sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nữa, bao gồm cả việc gia tăng các gói QE, nếu ảnh hưởng từ virus Corona còn tiếp tục kéo dài.
Nguy cơ tới từ đâu?
Kể từ cuộc họp chính sách gần nhất của ECB, triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị hạ thấp sau khi virus Corona bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vốn không được báo cáo trong biên bản họp chính sách ECB hồi tháng 1. Trong kịch bản tích cực nhất mà chúng tôi đưa ra, dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm tại Châu Âu, thì nền kinh tế của khu vực này trong quý 2 cũng không tránh khỏi bị thu hẹp.
ECB rất có thể sẽ hạ dự báo phát triển xuống tối thiểu 0.3% trong năm 2020, và nửa đầu năm sẽ là khoảng thời gian chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Nhu cầu nội địa suy giảm cũng như giá dầu thấp cũng sẽ tạo rủi ro giảm phát cho năm 2020. Các thước đo kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm, đủ khiến các nhà lãnh đạo khu vực phải lo lắng về nguy cơ áp lực giá cả trong dài hạn.
Cầu cứu các Ngân hàng trung ương!
Thị trường tài chính và các nhà hoạch định chính sách đã bừng tỉnh sau cú shock. Đáp lại, Fed đã hạ lãi suất khẩn cấp tới 50 điểm cơ bản, và Ngân hàng trung ương Canada (BOC) nối bước ngay sau đó. Thị trường kỳ vọng ECB sẽ hạ 10 điểm cơ bản tuần sau và thậm chí thêm 10 điểm nữa cuối năm nay.
Chính sách tiền tệ có thể không bảo vệ được nền kinh tế trước cú shock từ dịch bệnh. Nếu người dân quá sợ hãi và không ra ngoài mua sắm hay ăn uống, hoặc không thể đi làm do bị cách ly, một đồng tiền rẻ không thể tạo ra động lực khiến họ tiêu nhiều hơn hay sản xuất thêm vật chất. Nhưng kích thích tiền tệ có thể giúp hạn chế tối đa tình trạng nhu cầu thị trường thu hẹp kéo dài tới nửa sau của năm.
ECB nhắm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ!
Chủ tịch Lagarde đã kêu gọi các biện pháp phù hợp nhằm đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Giải pháp rõ ràng nhất là chương trình hỗ trợ thanh khoản khuyến khích các ngân hàng đưa ra các gói cứu trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đang đối mặt với cú shock từ virus. Doanh nghiệp quy mô nhỏ là đối tượng dễ đối mặt với nguy cơ phá sản nhất do thiếu nguồn vốn ngắn hạn, vì thế thị trường kỳ vọng ECB có thể kích hoạt chương trình tái cấp vốn mới hướng đến nhóm này, thông qua Ngân hàng trung ương Anh.
Khả năng ECB sẽ hạ lãi suất tiền gửi!
Hạ lãi suất là biện pháp từng được ECB sử dụng nhiều lần, giống như con dao đã cùn, và sẽ gây ra nhiều tranh cãi nảy lửa trên bàn họp của các nhà làm luật xung quanh việc phải hỗ trợ thế nào cho một nền kinh tế đang đối mặt với nhiều cú shock cung cầu cùng một lúc. Khi nỗi lo virus Corona qua đi, khủng hoảng thu nhập trong Quý 2 sẽ là cơn ác mộng đối với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, khiến chi tiêu của Quý 3 dễ bị thu hẹp lại. Đây mới là vấn đề mà ECB cần giải quyết chứ không phải tác động đợt đầu của virus lên tăng trưởng kinh tế.
Nhưng quan trọng hơn việc hạ lãi suất, là tín hiệu mà ECB gửi tới thị trường, rằng ngân hàng này sẵn sàng mạnh tay hơn nếu triển vọng kinh tế tiếp tục đi xuống.
Tuy nhiên, dịch bệnh tại Châu Âu vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu và vẫn có khả năng các quan chức ECB sẽ chờ tới khi có nhiều bằng chứng rõ hơn về ảnh hưởng của nó, trước khi đưa ra quyết định hạ lãi suất, việc hoãn lại quyết định này có thể làm trầm trọng hơn điều kiện tài chính hiện nay. Một khả năng khác là ECB sẽ tăng cường các gói QE, và rất có thể các quan chức “diều hâu” nhất cũng sẽ đồng ý với giải pháp này, trừ khi dịch bệnh này đưa cho họ những bằng chứng về tác động lâu dài lên nền kinh tế.