Westpac IQ: “Cam kết mới” từ Bộ Chính trị Trung Quốc tiếp thêm lửa cho thị trường hàng hóa và AUD; Phố Wall chững lại đón dữ liệu lạm phát
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.
Điểm chính
- Nhìn chung, thị trường tiếp tục án binh bất động trước thềm công bố dữ liệu lạm phát của Mỹ vào tối mai và trong bối cảnh thiếu vắng các báo cáo kinh tế quan trọng ngày đầu tuần.
- Chứng khoán Mỹ đảo chiều, ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong suốt ba tuần qua, trong khi trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng bị bán tháo.
- Bộ Chính trị Trung Quốc đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, khẳng định sẵn sàng triển khai chính sách tài khóa "chủ động hơn", đồng thời duy trì chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" trong năm 2025. Điều này đã tiếp thêm lửa cho thị trường hàng hóa, bên cạnh đó, những diễn biến tại Syria cũng thúc đẩy đà tăng của giá dầu thô.
- USD tăng nhẹ, nhưng các cặp tiền chủ chốt đang có sự phân hóa rõ rệt hơn. AUD mạnh lên đáng kể nhờ hưởng lợi bởi tín hiệu tích cực từ Bộ Chính trị Trung Quốc, trái ngược với JPY suy yếu mạnh.
Chứng khoán
Chứng khoán Mỹ hạ nhiệt đầu tuần, chững lại chuỗi tăng điểm gần đây. Kết phiên hôm qua, chỉ số S&P 500, Dow Jones và NASDAQ giảm lần lượt 0.6%, 0.5% và 0.7%.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường Châu Âu biến động trái chiều. Chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE 100 (Anh) kết phiên tăng lần lượt 0.2% và 0.5%, trong khi DAX (Đức) giảm 0.2%.
Ở mặt trận khác, chỉ số ASX 200 (Úc) gần như đi ngang trong phiên giao dịch hôm qua sau khi đảo ngược mức giảm ban đầu. Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng nhảy vọt vào cuối phiên giao dịch hôm qua nhờ các tuyên bố chính sách cứng rắn hơn từ Bộ Chính trị Trung Quốc, chốt phiên tăng 2.8%.
Lợi suất
TPCP Mỹ bị bán tháo trên diện rộng, tiếp tục xu hướng củng cố trước khi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố vào tối mai. Kết phiên, lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 2 bps lên 4.12%, trong khi kỳ hạn 10 năm tăng 4 bps lên 4.20%. Hiện tại, dữ liệu thị trường OIS đang phản ánh xác suất 85% rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới, và dự kiến mức cắt giảm tổng cộng khoảng 90 bps cho đến cuối năm 2025.
Lợi suất TPCP kỳ hạn ngắn tại Châu Âu giảm nhẹ, trong khi kỳ hạn dài tăng không đáng kể. Cho đến nay, thị trường vẫn đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần này.
Hợp đồng tương lai TPCP Úc vẫn bám rất sát diễn biến của thị trường Mỹ. Lợi suất kỳ hạn 3 năm và 10 năm lần lượt tăng 5 và 7 bps lên 3.84% và 4.27%. Kỳ vọng thị trường về chính sách tiền tệ không thay đổi nhiều, với dự báo tháng 05/2025 là thời điểm khả thi nhất để Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) khởi động chu kỳ nới lỏng, đi kèm tổng mức cắt giảm dự kiến hơn 75 bps cho đến cuối năm 2025.
Ngoại hối
Chỉ số DXY tăng nhẹ nhưng nhìn chung vẫn dao động trong biên độ gần đây. Hiệu suất của USD so với các đồng tiền chủ chốt đang có sự phân hóa rõ rệt hơn, một dấu hiệu cho thấy đà tăng giá của đồng bạc xanh bắt đầu từ hai tháng trước đang tạm lắng, ít nhất là tại thời điểm này. Hiện tại, thị trường OIS đang gia tăng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2025, do đó, nếu họ phát đi tín hiệu ôn hòa tại cuộc họp tuần tới, thì tác động lên USD sẽ không quá tiêu cực, thậm chí đồng bạc xanh có thể tăng giá nếu ngân hàng trung ương này giữ vững lập trường thận trọng. Dù vậy, phần lớn diễn biến sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát được công bố vào tối mai.
AUD tăng mạnh nhờ lập trường chính sách tích cực hơn từ Bộ Chính trị Trung Quốc. Điều cần quan tâm tiếp theo là liệu hành động chính sách có tương xứng với những tuyên bố mạnh mẽ từ các quan chức hay không, và chúng ta vẫn cần thận trọng dựa trên những gì đã diễn ra gần đây. Cuộc họp của RBA hôm nay cũng sẽ rất quan trọng đối với AUD. Sau khi số liệu Tài khoản Quốc gia đáng thất vọng được công bố vào tuần trước, thị trường lãi suất đã nhanh chóng đẩy cao kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất nhanh và sâu hơn trong năm 2025, và hôm nay sẽ là lúc xác nhận liệu RBA có cùng quan điểm hay không.
Yên Nhật suy yếu khi kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới trong tháng 12 giảm mạnh từ khoảng 60% xuống gần 30%. USD/JPY tăng từ 149.69 lên mức cao 151.35 nhưng nhìn chung vẫn nằm trong phạm vi giao dịch của tháng 12. Động thái của thị trường diễn ra sau những bình luận của Thủ tướng Shigeru Ishiba, phủ nhận việc chính phủ sẽ sửa đổi thỏa thuận với BoJ, cam kết BoJ đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Hàng hóa
Căng thẳng tại Syria và lập trường chính sách cứng rắn hơn từ Bộ Chính trị Trung Quốc đã giúp giá dầu thô phục hồi sau phiên giảm hôm thứ Sáu. Giá dầu thô WTI kết phiên hôm qua tăng 1.4%, lên mức 68.16 USD/thùng.
Giá kim loại cũng nhảy vọt nhờ thông tin tích cực từ Trung Quốc, với giá đồng tăng 1.2% lên 9,128 USD/tấn, trong khi kẽm tăng đến 1.8% lên 3,128 USD/tấn. Nhôm tăng chậm hơn, nhưng vẫn đóng cửa dưới mức 2,600 USD/tấn. Giá quặng sắt cũng tăng mạnh, với hợp đồng tương lai tăng 1.9% lên 106.35 USD/tấn.
Nhịp đập vĩ mô
Trung Quốc
Bộ Chính trị Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rõ ràng về việc sẵn sàng áp dụng chính sách tài khóa "chủ động hơn" và duy trì chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" trong năm 2025. Lập trường cứng rắn hơn về vấn đề kích thích kinh tế này được xem là đã đặt nền móng cho Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, dự kiến bắt đầu vào ngày mai, nơi sẽ xác định rõ ràng hơn các ưu tiên và mục tiêu chính sách, bao gồm cả tăng trưởng GDP hàng năm.
Lạm phát CPI tiếp tục giảm tốc trong tháng 11, cho thấy những nỗ lực chính sách hiện tại vẫn chưa đủ để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chỉ số CPI tăng vỏn vẹn 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, tiệm cận nguy cơ giảm phát sau ba tháng liên tiếp giảm tốc.
Đà giảm phát của chỉ số PPI tiếp tục kéo dài sang tháng thứ 26 khi giảm 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11. Đáng chú ý, tốc độ giảm phát PPI đã tăng đáng kể từ giữa năm 2024, báo hiệu áp lực giảm CPI sẽ tiếp tục mạnh lên nếu nhu cầu không được cải thiện “tích cực”.
Eurozone
Chỉ số niềm tin nhà đầu tư Sentix ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023, giảm từ mức -12.8 của tháng trước xuống -17.5 trong tháng 12. Cả đánh giá về tình hình hiện tại và kỳ vọng về triển vọng đều kém lạc quan hơn.
Nhật Bản
Mức tăng trưởng GDP Q3 đã được điều chỉnh nhẹ từ ước tính ban đầu là 0.9% lên 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, việc điều chỉnh này chủ yếu liên quan đến các thành phần thương mại và hàng tồn kho chứ không phải do nhu cầu nội địa tăng. Nhìn chung, dữ liệu xác nhận rằng đà phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, nhưng còn khá mong manh, khiến các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng khi cân nhắc thu hẹp các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Mỹ
Kỳ vọng lạm phát một năm tới hầu như không thay đổi trong khảo sát người tiêu dùng tháng 11 của Fed New York, ở mức 2.97% và nằm trong khoảng dao động với biên độ 0.1% kể từ tháng 6.
Westpac IQ