Westpac IQ: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ; EUR/USD chính thức thủng mốc 1.0900
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Westpac IQ.
Điểm chính
- Chứng khoán Mỹ và Châu Âu chìm trong sắc đỏ với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm.
- Lợi suất TPCP Mỹ giảm trên diện rộng, đặc biệt là ở kỳ hạn dài.
- Giới đầu tư đang gia tăng kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 và ECB cũng có động thái tương tự vào tối mai.
- USD ít biến động, giữ vững trên mốc 103.00. AUD tiếp tục giao dịch giằng co quanh mốc 0.6700.
- Giá dầu thô ghi giảm mạnh sau khi tờ Washington Post đưa tin Israel sẽ chỉ nhắm mục tiêu quân sự thay vì cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.
Chứng khoán
Sự bi quan bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu với nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhà sản xuất chip Châu Âu ASML khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, đi kèm dự báo về một tương lai ảm đạm. Bên cạnh đó, tin đồn về việc chính quyền Trump mới có thể siết chặt xuất khẩu công nghệ từ Mỹ cũng tạo thêm áp lực giảm điểm. Các chỉ số S&P 500, Nasdaq và Dow Jones theo đó kết phiên giảm lần lượt 0.8%, 1.0% và 0.8%.
Quay sang Châu Á, chỉ số Hang Seng và CSI 300 lần lượt giảm 3.7% và 2.7% khi giới đầu tư tiếp tục phân tích các biện pháp kích thích kinh tế đã được công bố, cùng với sự thận trọng khi chờ đợi những động thái tiếp theo từ chính phủ Trung Quốc. Chỉ số ASX 200 của Úc, sau khi lập đỉnh lịch sử mới với mức tăng 0.8%, đã đảo chiều giảm điểm khoảng 0.4% trong phiên giao dịch đêm qua.
Câu chuyện lãi suất
Lợi suất TPCP Mỹ giảm trên nhiều kỳ hạn, phản ánh tâm lý tìm kiếm tài sản an toàn của giới đầu tư. Lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm gần như không đổi khi chỉ giảm 1 bps và đóng cửa ở mức 3.95%. Mặt khác, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm ghi nhận mức giảm mạnh hơn với 7 bps, xuống còn 4.03%. Xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 hiện đã tăng lên mức khoảng 90%.
Lợi suất TPCP Úc cũng đi theo xu hướng giảm của thế giới, với kỳ hạn 3 năm giảm 4 bps xuống 3.72%; trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 5 bps xuống 4.21%. Xác suất RBA cắt giảm lãi suất trong năm nay được duy trì ở mức khoảng 40%.
Ngoại hối
USD ít biến động so với các đồng tiền chủ chốt khác, neo trên ngưỡng 103.00. Hiện tại, thị trường vẫn đang chờ đợi thêm những dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này để dự báo chính xác hơn về lộ trình lãi suất của Fed. Dù thận trọng, nhưng những phát biểu gần đây từ các quan chức Fed cho thấy khả năng cao ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
AUD/USD tiếp tục giằng co quanh mốc 0.6700, dao động trong khoảng 0.6698-0.6733. Nhìn chung, AUD đang chịu áp lực bởi nhiều yếu tố bất lợi, bao gồm triển vọng kinh tế Trung Quốc ảm đạm, lập trường thận trọng của nhiều quan chức Fed và tâm lý e ngại rủi ro gia tăng trên thị trường toàn cầu.
EUR/USD tiếp đà giảm, đóng cửa dưới ngưỡng 1.0900 lần đầu tiên kể từ tháng 7. Diễn biến này càng khiến giới đầu tư gia tăng kỳ vọng vào việc ECB cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới. Hiện tại, xác suất ECB giảm lãi suất đã lên tới 97%. Dù vậy, phản ứng của EUR sau quyết định của ECB vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu ECB cắt giảm lãi suất đúng như kỳ vọng, thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hướng cho đồng tiền chung. Ngược lại, nếu ECB bất ngờ quyết định giữ nguyên lãi suất, EUR có thể tăng mạnh.
USD/JPY giảm nhẹ, giao dịch trong khoảng 148.85-149.84. Giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào số liệu lạm phát của Nhật Bản dự kiến công bố cuối tuần này, xem đây là tín hiệu quan trọng để “bắt mạch” chính sách của BoJ trong thời gian tới. Kỳ vọng lạm phát giảm có thể củng cố thêm cho quan điểm BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng.
Hàng hóa
Giá dầu thô lao dốc sau khi báo cáo của Washington Post cho biết Israel sẽ không nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran, xoa dịu phần nào lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Giá dầu thô WTI kết phiên giảm 4.4%, xuống mức 70.58 USD/thùng và thậm chí có thời điểm nhúng qua ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 2 tuần qua.
OPEC tiếp tục cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tháng thứ ba liên tiếp. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc yếu kém và dự báo thặng dư nguồn cung gia tăng. OPEC cho biết nhu cầu dầu thô toàn cầu trong tháng 9 đã giảm 7.4%. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra những nhận định kém lạc quan về thị trường dầu mỏ. IEA cho rằng nguồn cung dầu mỏ vẫn dồi dào và nếu không có sự kiện gián đoạn nào xảy ra, thị trường sẽ dư cung đáng kể trong năm tới. Nhu cầu từ Trung Quốc được IEA đánh giá là đặc biệt yếu kém, với mức tiêu thụ trong tháng 8 giảm 500,000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo thặng dư dầu thô toàn cầu năm 2024 của IEA là 1 triệu thùng/ngày và con số này có thể còn cao hơn nữa nếu OPEC tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 12.
Giá đồng giảm 1.4% xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do lo ngại về triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc và nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, giá nhôm giảm 0.9%, xuống còn 2,571 USD/tấn. Giới đầu tư kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới của Alcoa sẽ tích cực hơn nhờ giá alumina và bauxite tăng cao, bất chấp những gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, Ấn Độ và Úc.
Giá quặng sắt cũng giảm nhẹ trước thềm công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý của các tập đoàn khai thác mỏ lớn như BHP, Rio Tinto và Vale. Dù vậy, hợp đồng tương lai quặng sắt vẫn tăng 1.5%, lên mức 105.95 USD/tấn. Giới phân tích kỳ vọng các tập đoàn khai thác mỏ lớn sẽ công bố báo cáo sản lượng tích cực trong quý vừa qua.
Nhịp đập vĩ mô
Châu Âu: Sản lượng công nghiệp tháng 8 tăng 1.8%, mức mạnh nhất trong vòng 18 tháng qua. Đáng chú ý, sản xuất hàng hóa tư liệu sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ nhất, tiếp theo là hàng tiêu dùng và năng lượng. Dẫu vậy, con số tăng trưởng ấn tượng này vẫn chưa đủ để bù đắp cho mức giảm 0.5% của tháng 7. Hơn hết, tính chung cho Q3, sản lượng công nghiệp của Châu Âu vẫn giảm 0.2%.
Kết quả khảo sát ZEW cho thấy tâm lý của giới chuyên gia tại Châu Âu đang có phần cải thiện, thể hiện qua chỉ số tâm lý kinh tế trong 6 tháng tới tăng 11 điểm, lên mức 20.1 điểm. Mặt dù vậy, xu hướng chung của chỉ số này vẫn là giảm, với mức trung bình 3 tháng đã chạm đáy mới trong năm nay. Chỉ số đánh giá tình hình hiện tại của ZEW gần như không đổi, ở mức -40.8 điểm. Để so sánh, mức trung bình 5 năm trước đại dịch của chỉ số này là 4.3 điểm.
Anh: Báo cáo thị trường lao động Anh ghi nhận tín hiệu tích cực với số lượng việc làm trong 3 tháng qua tăng vọt 373,000, mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3 tháng giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống còn 4%, thấp nhất trong 8 tháng qua, đồng thời thấp hơn 0.4% so với dự báo của BoE cho Q3.
Mặc dù vậy, dữ liệu thị trường lao động của Anh, vốn dựa trên Khảo sát Lực lượng Lao động, đang vấp phải nhiều hoài nghi về độ tin cậy. Do đó, cần thận trọng khi phân tích các biến động ngắn hạn của thị trường lao động Anh.
Bên cạnh đó, dữ liệu tiền lương cho thấy tăng trưởng lương trung bình hàng năm giảm nhẹ xuống còn 3.8%, đồng thời giảm 0.3% so với tháng trước và 2.0% so với cuối năm 2022. Ngoài ra, tăng trưởng lương cơ bản trong khu vực tư nhân (không bao gồm tiền thưởng) cũng giảm xuống mức 4.8%, thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Diễn biến này cho thấy áp lực lạm phát tại Anh có thể đang hạ nhiệt, tạo điều kiện cho BoE tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Mỹ: Chủ tịch Fed - Mary Daly nhận định rằng Fed cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách khi lạm phát và thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặt khác, bà vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Westpac IQ