Westpac IQ – Điểm tin sáng: BoE cắt giảm lãi suất, chứng khoán Châu Âu vượt đỉnh; Yên Nhật mặc sức bay nhảy giữa bối cảnh thị trường chờ đợi báo cáo NFP
![Thành Duy Thành Duy](/uploads/2024/03/25/photo2024-03-2423-24-34-3b90c44f7efb470c6342e95d01a07511.jpg)
Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.
![](/uploads/2025/02/07/1.-a-58c08d6997f474fffa056bbb79212453.png)
Điểm chính
- Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiếp tục cắt giảm lãi suất, góp phần giúp tâm lý thị trường khởi sắc hơn. Hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đều tăng điểm.
- Đồng USD gần như đi ngang, tương tự với AUD. Biến động đáng chú ý nhất thuộc về JPY với đà tăng bền bỉ và GBP giảm tới 70 pip sau quyết định chính sách của BoE nhưng đã hồi phục phần nào nhờ những phát biểu trấn an của Thống đốc Andrew Bailey.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) biến động nhẹ trong biên độ dao động gần đây.
- Giá quặng sắt tiếp tục tăng do lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu nhìn chung tăng điểm, với thị trường Mỹ đang trong trạng thái chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tối nay và báo cáo kết quả kinh doanh sau phiên giao dịch của Amazon. Cổ phiếu Amazon đã giảm giá vào cuối phiên do triển vọng doanh thu kém khả quan. Tại thời điểm viết bài, thị trường quyền chọn dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ biến động ít nhất 0.9% theo hai chiều sau khi dữ liệu NFP được công bố.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đầu tuần khi nỗi lo về một cuộc chiến thương mại toàn diện bùng nổ. S&P 500 và Nasdaq đóng cửa tăng lần lượt 0.4% và 0.5%, trong khi Dow Jones giảm 0.3% (một phần do ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu Honeywell International).
Ở mặt trận khác, chứng khoán Châu Âu phủ một màu xanh tươi sáng với FTSE 100 (Anh) và DAX (Đức) đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Đà tăng của thị trường Anh được hỗ trợ bởi quyết định nới lỏng chính sách đi kèm thông điệp “ôn hòa” của BoE, với hai thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) bỏ phiếu cho mức cắt giảm mạnh tay hơn là 50 bps. Kết quả kinh doanh tích cực của các công ty cũng góp phần thúc đẩy tâm lý lạc quan, đặc biệt là ở Đức, nơi các ông lớn như Siemens đã vượt kỳ vọng thị trường. Kết phiên, Euro Stoxx 50, FTSE 100 và DAX tăng lần lượt 1.6%, 1.2% và 1.5%. Ngoài ra, chứng khoán Châu Á cũng đồng loạt tăng điểm. ASX 200 tăng 1.2% với sắc xanh lan tỏa trên 10/11 nhóm ngành, dẫn đầu là tài chính.
Lợi suất
Lợi suất tăng nhẹ, TPCP Mỹ thu hẹp đà giảm khi Bộ trưởng Tài chính Bessent tái khẳng định quan điểm lợi suất kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục giảm dưới thời chính quyền Trump 2.0. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm cùng tăng 2 bps, lên lần lượt 4.21% và 4.44%. Tại thời điểm viết bài, thị trường dự đoán tổng mức giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là khoảng 45 bps cho đến hết năm 2025.
Trong khi đó, lợi suất TPCP tại Châu Âu diễn biến trái chiều. Điển hình, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Anh tăng 5 bps lên 4.49% sau khi giảm xuống dưới 4.38% ngay khi quyết định của BoE được công bố. Những phát biểu của Thống đốc Andrew Bailey đã phần nào xoa dịu phản ứng ban đầu của thị trường. Tương tự, thị trường dự đoán BoE sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 67 bps trong năm 2025, tăng so với mức 60 bps trước cuộc họp.
Ở một diễn biến khác, lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm và 10 năm tăng lần lượt 2 và 3 bps lên 3.74% và 4.37%. Dự kiến lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ rơi vào tháng 04/2025, cùng với xác suất khoảng 93% cho động thái tương tự vào tháng 2, và tổng mức cắt giảm kỳ vọng là khoảng 90 bps trong năm 2025.
Ngoại hối
Chỉ số DXY gần như đi ngang sau khi đánh mất phần lớn đà tăng trong phiên Á và Âu vào cuối phiên Mỹ. AUD cũng không đổi, tương tự biến động của USD. JPY tiếp tục mạnh lên, với tỷ giá USD/JPY giảm 0.7% xuống 151.50. Yên Nhật đã tăng giá khoảng 4% so với đồng bạc xanh trong tuần này, nhờ vai trò trú ẩn và lực đẩy từ lợi suất.
Một biến động đáng chú ý khác là GBP, giảm 70 pip sau khi BoE công bố quyết định. Dù vậy, đồng tiền này đã hồi phục phần nào sau những phát biểu của Thống đốc BoE. GBP/USD kết phiên giảm 0.6%, đóng cửa tại 1.2435, trong khi EUR/USD gần như đi ngang.
Hàng hóa
Giá dầu thô tiếp tục giảm bất chấp việc Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên một mạng lưới các tổ chức và cá nhân có trụ sở tại Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, cùng các tàu liên quan đến việc vận chuyển dầu thô của Iran đến Trung Quốc. Thị trường vẫn đang tập trung vào kế hoạch hạ giá dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kết phiên hôm qua, hợp đồng tương lai dầu thô WTI và Brent giảm lần lượt 0.8%, 1.9% xuống 70.48 và 74.36 USD/thùng.
Giá kim loại tăng do lo ngại về thuế quan dường như đang thúc đẩy các đơn đặt hàng. Đáng chú ý nhất là giá đồng tăng 1.0% lên 9,136 USD/tấn, với chênh lệch giữa hợp đồng Comex và LME là 668 USD/tấn. Điều này cho thấy thị trường đang giao dịch với mức phí bảo hiểm đáng kể khi hợp đồng Comex đạt mức cao nhất trong bốn tháng.
Giá quặng sắt được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của hàng loạt cơn bão nhiệt đới ngoài khơi Pilbara đến hoạt động vận chuyển, tăng 2.1% lên 106.15 USD/tấn. Cục Khí tượng dự báo 25% khả năng sẽ có thêm một cơn bão nhiệt đới hình thành vào tuần tới.
Nhịp đập vĩ mô
Úc
Thặng dư thương mại hàng hóa giảm 1.7 tỷ AUD trong tháng 12, xuống còn khoảng 5 tỷ AUD. Nhập khẩu tăng 5.9% trong tháng, chủ yếu do sự gia tăng mạnh mẽ của hàng hóa tư bản. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nội sinh cơ bản vẫn còn chậm. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tăng 1.1% so với tháng trước. Xuất khẩu sang Mỹ nhảy vọt trong tháng 12, tăng hơn 60% so với tháng trước và 92% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng hàng năm mạnh nhất kể từ đầu những năm 1990 (ngoại trừ giai đoạn đại dịch). Nhập khẩu từ Mỹ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau cùng, thâm hụt thương mại của Úc với Mỹ trong năm qua rơi vào khoảng 27 tỷ AUD.
Eurozone
Doanh số bán lẻ giảm 0.2% trong tháng 12, gần như khớp với dự báo giảm 0.1% của thị trường. Doanh số bán thực phẩm/đồ uống và thuốc lá giảm 0.7%, một con số đáng kể so với mức giảm 0.1% trong tháng 11. Doanh số bán hàng phi thực phẩm tăng 0.3% sau hai tháng giảm liên tiếp. Doanh số bán lẻ giảm mạnh ở Đức và Pháp trong tháng.
Anh
BoE đã quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps xuống 4.5%. Mặc dù động thái này đã được dự đoán trước, hai trong số chín thành viên của MPC đã bỏ phiếu cho mức cắt giảm mạnh tay hơn là 50 bps, trong khi bảy thành viên còn lại ủng hộ mức cắt giảm 25 bps. Thống đốc Andrew Bailey phát biểu: "Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục hạ lãi suất khi xu hướng giảm lạm phát tiếp diễn, nhưng mức độ và tốc độ cắt giảm sẽ được cân nhắc tại mỗi cuộc họp." Ngoài ra, BoE đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 0.75% (giảm một nửa) và tăng dự báo lạm phát. Lạm phát hiện được dự báo sẽ trở lại mục tiêu 2% vào Q4/2027, chậm hơn sáu tháng so với dự báo trước đó.
Mỹ
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 11,000 lên 219,000 trong tuần cuối cùng của tháng 1, cao hơn một chút so với dự báo 213,000 của thị trường. Bên cạnh đó, trung bình động hàng tháng cũng tăng khoảng 4,000 so với tuần trước, cho thấy thị trường lao động đang dần dần nới lỏng.
Năng suất lao động tại Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 2.3% trong năm 2024 và 1.2% với riêng Q4/2024 (theo năm). Chi phí lao động đơn vị danh nghĩa tăng 3.0% trong Q4/2024 (theo năm), thấp hơn dự báo 3.4% của thị trường. Những con số này cho thấy thị trường lao động và áp lực tiền lương không phải là nguyên nhân gây ra lạm phát và vẫn phù hợp với mục tiêu lạm phát 2.0% của Fed.
Ở một diễn biến khác, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Bessent cho biết chính quyền mới đang tập trung vào các chính sách nhằm hạ lợi suất TPCP. Song song với đó, Mỹ sẽ duy trì chính sách "đồng USD mạnh" dưới thời Tổng thống Donald Trump. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago – Austan Goolsbee nhận định rằng, mặc dù sự bất định về chính sách tài khóa có thể hạn chế việc nới lỏng chính sách tiền tệ, ông vẫn dự đoán sẽ có vài đợt cắt giảm lãi suất trong một hoặc hai năm tới.
Westpac IQ