Westpac IQ – Điểm tin sáng: Căng thẳng chính trị leo thang, chứng khoán toàn cầu đi viện, vàng lập đỉnh mới, USD suy yếu kéo theo nhiều suy tư

Westpac IQ – Điểm tin sáng: Căng thẳng chính trị leo thang, chứng khoán toàn cầu đi viện, vàng lập đỉnh mới, USD suy yếu kéo theo nhiều suy tư

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

07:24 21/02/2025

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính

  • Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Ukraine tiếp tục làm trầm trọng thêm bối cảnh bất ổn của chính trị toàn cầu, gây áp lực lên các tài sản rủi ro.
  • Dự báo kém sắc hơn từ nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong thời gian tới.
  • USD suy yếu trở lại, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu câu chuyện về sức mạnh của đồng bạc xanh có đang thay đổi hay không.
  • Giá hàng hóa tăng nhờ đồng USD yếu hơn, cùng với lo ngại về nguồn cung nhôm và quặng sắt. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới.

Chứng khoán

Các thị trường chứng khoán lớn đồng loạt giảm điểm do căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ và Ukraine, cùng với giọng điệu ôn hòa hơn của Mỹ đối với Nga, tiếp tục cho thấy sự bất ổn cao độ và mức độ rủi ro leo thang trên trường quốc tế. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, đã công bố dự báo thấp hơn kỳ vọng cho năm tới, cho thấy những bất định xoay quanh chi tiêu tiêu dùng và bối cảnh kinh tế - chính trị ảm đạm hơn trên toàn cầu. Tin tức này đã gây ra làn sóng lo ngại mới trên thị trường về tình hình người tiêu dùng Mỹ, khiến chỉ số S&P 500 giảm 0.5%.

Chứng khoán Châu Á không nằm ngoài xu hướng chung, nhưng ảm đạm hơn. Với việc Yên Nhật mạnh lên gây thêm áp lực, chỉ số Nikkei 225 – Nhật Bản giảm 1.2%. Chỉ số Hang Seng – Hồng Kông cũng giảm 1.6%. Chứng khoán Úc cũng đi theo xu hướng tương tự, với chỉ số ASX 200 giảm 1.1%, nâng tổng mức giảm kể từ thứ Sáu tuần trước lên 2.7%. Nhìn sang thị trường Châu Âu, sau phiên điều chỉnh giảm mạnh hôm trước đó, Euro Stoxx 50 gần như đi ngang, trong khi FTSE 100 – Anh giảm ngày thứ hai liên tiếp.

Lợi suất

Tâm lý e ngại rủi ro cũng được phản ánh trên các thị trường trái phiếu lớn. Cụ thể, trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng giá với lợi suất tiếp tục phẳng hơn khi lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm 3 bps xuống 4.50% và kỳ hạn 2 năm gần như không đổi. TPCP Đức (Bund) và Anh (Gilt) cũng tăng giá, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Mặt khác, TPCP Úc ít biến động, bất chấp số liệu thị trường lao động khả quan hơn dự kiến.

Ngoại hối

Chỉ số DXY giảm 0.8%, xuống dưới 106.50, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12. Sự suy yếu này đã mở ra cơ hội cho các đồng tiền chủ chốt khác. Với dữ liệu CPI Nhật Bản vừa được công bố nóng hơn dự kiến, JPY tiếp tục duy trì vị thế là một trong những đồng tiền có hiệu suất tốt nhất tính đến hiện tại của tuần giao dịch. USD/JPY theo đó vẫn giao dịch dưới 150.00 tại thời điểm viết bài, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12.

EUR/USD tăng vượt 1.0500 và GBP/USD chạm mốc 1.2670, cao nhất trong khoảng hai tháng, cả hai đều được hưởng lợi từ việc USD suy yếu. AUD/USD cũng có xu hướng tương tự, tăng lên trên 0.6400 tại thời điểm viết bài. Sau khi giảm mạnh trong ba tháng cuối năm 2024 và đi ngang vào tháng 1, AUD gần đây đã có thể duy trì một xu hướng tăng thuyết phục hơn. Diễn biến này chủ yếu phản ánh biến động của USD, và việc đồng bạc xanh suy yếu trong những tuần gần đây có thể báo hiệu một sự thay đổi nhỏ trong tâm lý đối với các thông báo chính sách của Mỹ và đánh giá về tác động của chúng đối với nền kinh tế.

Hàng hóa

Giá dầu thô tiếp tục đi lên bất chấp việc tồn kho của Mỹ tăng thêm một lần nữa và USD mất giá. Hợp đồng WTI giao tháng 3 kết phiên hôm qua đóng cửa ở mức 72.6 USD/thùng, tăng 0.4%. Giá nhôm cũng tăng vọt 1.6%, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu hơn và sản lượng toàn cầu giảm trong tháng 1, với việc Liên minh Châu Âu (EU) công bố một gói trừng phạt mới nhắm vào nhôm của Nga hồi đầu tuần. Giá quặng sắt tiếp tục tăng do sự nóng liên tục của nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở cả Úc và Brazil cùng với hy vọng về các biện pháp kích thích chính sách mới tại Trung Quốc đang thúc đẩy tâm lý thị trường. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới 2,954 USD/oz sau những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng "sẽ đến Fort Knox... để đảm bảo vàng ở đó".

Điểm tin kinh tế

Úc

Kết quả Khảo sát Lực lượng Lao động tiếp tục gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực, với số lượng việc làm tăng thêm 44,000 trong tháng 1. Dù vậy, tháng đầu năm thường chịu ảnh hưởng mạnh từ yếu tố mùa vụ trong dữ liệu kinh tế, và sự thay đổi các mô hình mùa vụ có thể đã đóng một vai trò nhất định. Song, xu hướng tăng trưởng việc làm cơ bản cũng tỏ ra khá mạnh mẽ, với việc làm tăng 3% so với cùng kỳ, giữ nguyên tốc độ so với một năm trước đó. Con số này vẫn cao hơn mức tăng trưởng dân số, đưa tỷ lệ việc làm/dân số lên mức kỷ lục mới là 64.6%, cho thấy nhu cầu lao động vẫn dồi dào. Nhìn chung, thị trường lao động tiếp tục hấp thụ toàn bộ nguồn cung mới, vốn cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (hay tỷ lệ dân số tích cực tham gia vào thị trường lao động) đạt mức cao kỷ lục mới là 67.3%. Điều thú vị là, bất chấp tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, sự gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã khiến tỷ lệ thất nghiệp nhích lên 4.1%. Có lẽ sự gia tăng này là do các yếu tố nhất thời khiến số lượng lớn người đang chờ bắt đầu hoặc quay trở lại làm việc trong tháng 1. Nếu đúng như vậy, chúng ta có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức 4.0% trong tháng 2.

Eurozone

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Ủy ban Châu Âu cải thiện nhẹ từ -14.2 lên -13.6, theo số liệu sơ bộ tháng 2. Kết quả hiện tại cao hơn một chút so với mức trung bình -15.1 của 5 năm qua và phù hợp với mức trung bình trong quý trước. Lãi suất cho vay giảm và kỳ vọng cuộc bầu cử tại Đức cuối tuần này sẽ mang lại sự thay đổi trong chính phủ có thể là những yếu tố chính tạo nên tâm lý lạc quan hơn trong niềm tin người tiêu dùng Eurozone.

Mỹ

Khảo sát triển vọng kinh doanh của Fed Philadelphia cho thấy một bức tranh kém sắc hơn, với chỉ số chính giảm 26.2 điểm xuống 18.1 trong tháng 2. Dù giảm so với mức tích cực nhất kể từ tháng 04/2021 trong tháng 1, kết quả này vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của năm 2024 và hai thập kỷ qua. Bên cạnh đó, chỉ báo sớm của Mỹ giảm từ 0.1% xuống -0.3% trong tháng 1, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ chậm lại trong những tháng tới. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng nhẹ từ 214,000 lên 219,000 trong tuần trước, một mức rất thấp so với trung bình lịch sử, cho thấy thị trường lao động nhìn chung vẫn khỏe mạnh.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ