Danske Bank Research: Niềm tin người tiêu dùng và triển vọng kinh tế Châu Âu – Đà tăng trưởng có trở lại? Nhận định EUR/USD

Danske Bank Research: Niềm tin người tiêu dùng và triển vọng kinh tế Châu Âu – Đà tăng trưởng có trở lại? Nhận định EUR/USD

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:40 20/02/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Niềm tin người tiêu dùng tháng 2 của Eurozone sẽ được công bố vào tối nay và dữ liệu này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Sau hai năm tăng trưởng liên tục, niềm tin người tiêu dùng đã suy giảm trong những tháng gần đây. Vì tiêu dùng tư nhân được dự báo là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, tâm lý người tiêu dùng sẽ đóng vai trò then chốt đối với triển vọng kinh tế Eurozone.

Nhịp đập thị trường

Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và 5 năm ở mức lần lượt là 3.1% và 3.6%. PBOC dường như đang chờ đợi thêm thông tin về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và diễn biến thuế quan. Họ không muốn tạo thêm áp lực giảm lên Nhân dân tệ (CNY) và ưu tiên duy trì sự ổn định.

Dữ liệu giá nhà được công bố hôm qua tương đối trái chiều. Cụ thể, giá nhà mới giảm 0.07% theo tháng, cải thiện nhẹ so với mức của tháng trước (-0.08%), trong khi giá nhà hiện hữu giảm 0.34% (tháng trước: -0.31%). Dữ liệu vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ ràng của thị trường bất động sản, nhưng ít nhất tình hình đã được cải thiện trong sáu tháng qua. Kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là sự phục hồi nhẹ về giá và hoạt động bán hàng vào năm 2025 từ mức rất thấp. Sự khởi sắc của thị trường bất động sản là yếu tố then chốt để đạt được sự phục hồi bền vững trong tiêu dùng tư nhân, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong năm nay.

Mỹ

Tổng thống Donald Trump một lần nữa đề cập đến kế hoạch áp thuế lên ô tô, bán dẫn, chip, dược phẩm và gỗ trong tháng tới. Điều này củng cố tuyên bố của ông hôm thứ Ba, nhưng chưa có thêm thông tin chi tiết.

Ở một diễn biến khác, biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Fed đã được công bố vào đêm qua. "Phần lớn" các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vẫn cho rằng chính sách hiện tại còn thắt chặt, mặc dù "ít hơn đáng kể" so với trước khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Điều này ngụ ý Fed vẫn có định hướng cắt giảm lãi suất trong tương lai, nhưng không vội vàng. Cuộc họp cũng thảo luận về rủi ro lạm phát tiềm ẩn liên quan đến chính sách tài khóa, nhập cư và thương mại. Hầu hết các bình luận về dữ liệu lạm phát thực tế đều lạc quan, một vài thành viên lưu ý rằng việc tách bạch giữa những thay đổi “nhất thời” và “bền vững” sẽ ngày càng khó khăn hơn trong những tháng tới. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ giảm nhẹ, nhưng phản ứng chung của thị trường khá trầm lắng.

Eurozone

Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) gần đây đã tiếp tục thể hiện lập trường diều hâu, thông qua đề xuất thảo luận về việc liệu có cần thiết phải tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không. Đề xuất này tiếp nối bình luận tháng trước của bà, cho thấy xu hướng cắt giảm lãi suất đã không còn rõ ràng.

Anh

Dữ liệu CPI tháng 1 cho thấy một bức tranh tương phản, với chỉ số toàn phần cao hơn dự kiến ở mức 3.0% so với cùng kỳ (dự báo: 2.8%, kỳ trước: 2.5%); trong khi chỉ số lõi khớp với kỳ vọng, tăng 3.7% (dự báo: 3.7%, kỳ trước: 3.2%). Lạm phát dịch vụ lại thấp hơn dự kiến ở mức 5.0%, phù hợp với kỳ vọng của Ngân hàng Trung ương Anh – BoE (dự báo: 5.1%, kỳ trước: 4.4%). Mức tăng của CPI toàn phần được thúc đẩy bởi một số thành phần chính, bao gồm nhiên liệu, giáo dục (thuế VAT trên học phí trường tư), vé máy bay và thực phẩm. Đây là báo cáo CPI cuối cùng trước thềm cuộc họp của BoE vào ngày 20/03, khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng này hiện ở mức rất thấp (thị trường định giá khoảng 2 bps), và kỳ vọng giờ đây đã chuyển sang tháng 5.

Chứng khoán

Chứng khoán nhìn chung giảm điểm trong phiên hôm qua. Châu Âu chấm dứt chuỗi tăng, trong khi thị trường Mỹ tăng nhẹ trong một phiên giao dịch ảm đạm. Chứng khoán Châu Âu, đặc biệt là Đức, chịu áp lực với chỉ số DAX giảm 2.1%. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, hiệu suất ngành cũng cho thấy sự thận trọng. Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy thị trường phản ứng tích cực với những đe dọa thuế quan của Tổng thống Trump, vì vậy việc tâm lý lo ngại của nhà đầu tư quay trở lại là điều dễ hiểu. Cổ phiếu ô tô, ngành nhạy cảm với thuế quan, giảm 2.0% cùng với nhóm xây dựng và vật liệu sau một thời gian tăng trưởng mạnh. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn nơi các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Song, những bình luận chỉ trích của Tổng thống Trump nhằm vào Tổng thống Ukraine Zelenskiy và đe dọa thuế quan đã không khiến chỉ số đo lường biến động VIX nóng lên. Chỉ số này vẫn duy trì ở khoảng 15, gần mức thấp nhất trong năm bất chấp những biến động địa chính trị.

Ngoại hối

EUR/USD dao động với biên độ hẹp trong tuần này, tuy nhiên, có xu hướng giảm nhẹ trong khoảng 1.0400 - 1.0500, khi thị trường ngoại hối phần lớn phớt lờ những đe dọa thuế quan mới nhất của Tổng thống Trump. Biên bản cuộc họp FOMC tháng 1 cho thấy, miễn là nền kinh tế Mỹ vẫn gần mức toàn dụng lao động, các nhà hoạch định chính sách sẽ không vội vàng và họ cần chứng kiến thêm những tiến triển rõ ràng về lạm phát trước khi xem xét tiếp tục cắt giảm lãi suất. Hậu công bố, phản ứng của thị trường là khá yếu ớt, mặc dù lợi suất TPCP kỳ hạn ngắn giảm nhẹ.

Hôm nay dự kiến sẽ là một phiên giao dịch yên tĩnh, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ là tâm điểm chú ý, bên cạnh dữ liệu niềm tin người tiêu dùng Eurozone. Ngày mai, thị trường sẽ đổ dồn sự chú ý vào dữ liệu PMI của Mỹ và Eurozone, đặc biệt để xem liệu đà tăng trưởng có tiếp tục sau kết quả PMI tháng 1 khả quan của Eurozone hay không. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử của Đức vào cuối tuần này cũng có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt nếu liên minh do CDU/CSU lãnh đạo được thành lập, báo hiệu sự thay đổi trong chính sách tài khóa, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng yếu kém của Đức và EUR. Sau cùng, chúng tôi vẫn duy trì dự báo EUR/USD sẽ dao động quanh mức hiện tại trong ngắn hạn, cùng với quan điểm giảm về trung và dài hạn.

EUR/GBP giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 0.8300 trong phiên giao dịch hôm qua sau dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến của Anh. Chúng tôi cho rằng BoE khó có thể hạ lãi suất trong tháng 3 sau dữ liệu lạm phát và dự kiến đợt cắt giảm tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5. Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về GBP và dự kiến chu kỳ nới lỏng của BoE sẽ diễn ra chậm hơn so với các ngân hàng trung ương khác, củng cố cho quan điểm này.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ