Westpac IQ – Điểm tin sáng: Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ sau tin tức thuế quan và việc Tổng thống Ukraine bị chỉ trích; USD tăng, vàng lập đỉnh mới

Thành Duy
Junior editor
Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Những điểm chính
- Thông tin về việc Mỹ có thể áp dụng thêm thuế nhập khẩu đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán lớn đồng loạt giảm điểm, trong khi USD tăng nhẹ.
- Cuộc gặp giữa Mỹ và Nga, cùng với những lời chỉ trích của Tổng thống Trump nhắm vào Tổng thống Ukraine Zelenskyy, đã làm gia tăng tâm lý bi quan tại Châu Âu và trên toàn cầu.
- Biên bản họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) không tiết lộ thêm thông tin quan trọng nào, mà chỉ nhắc lại rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cần thêm bằng chứng cho thấy tính bền vững của xu hướng giảm lạm phát trước khi cân nhắc đến việc cắt giảm lãi suất.
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ sau thông báo Mỹ sẽ áp thuế 25% lên ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu. Tại Châu Á, chỉ số Nikkei 225 – Nhật Bản và Hang Seng – Hồng Kông giảm lần lượt 0.3% và 0.1%. Thị trường chứng khoán Úc cũng không thoát khỏi xu hướng chung, với chỉ số ASX 200 giảm 0.7%, xuống mức thấp nhất trong vài tuần gần đây.
Cuộc gặp giữa Mỹ và Nga, không có sự tham gia của đại diện từ Ukraine hay bất kỳ quốc gia Châu Âu nào, đã góp phần làm gia tăng tâm lý bi quan tại lục địa già. Việc Tổng thống Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, gọi ông là "nhà độc tài", càng làm tình hình thêm trầm trọng. Euro Stoxx 50 giảm 1.3%, nằm trong số những chỉ số có hiệu suất kém nhất. Chỉ số FTSE 100 – Anh cũng khép lại phiên giao dịch trong sắc đỏ, giảm 0.6%. Mặt khác, thị trường chứng khoán Mỹ tỏ ra vững vàng hơn, với chỉ số S&P 500 nhích nhẹ 0.2% nhờ đà tăng cuối phiên bù đắp cho khoản giảm đầu phiên.
Lợi suất
Đường cong lợi suất trái chính phủ (TPCP) Mỹ dốc lên do lợi suất kỳ hạn ngắn giảm mạnh hơn so với kỳ hạn dài hạn. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 4 bps, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 2 bps xuống 4.53% sau khi biên bản họp FOMC được công bố. Biên bản này cho thấy các nhà hoạch định chính sách không vội vàng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
TPCP Châu Âu bị bán tháo sau khi Isabel Schnabel, một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), phát biểu rằng Hội đồng quản trị có thể sớm tạm dừng hoặc ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ. Lợi suất TPCP Đức kỳ hạn 10 năm tăng 6 bps lên 2.56%. Dữ liệu CPI tháng 1 của Anh bất ngờ tăng đã tạo ra động lực tương tự cho thị trường TPCP Anh, với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 5 bps lên 4.61%.
Ở một diễn biến khác, thị trường TPCP Úc tiếp tục cân nhắc tác động của việc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cắt giảm lãi suất vào hôm thứ Ba. Lợi suất tiếp đà tăng sau quyết định cắt giảm lãi suất, với kỳ hạn 10 năm tăng 2 bps lên 4.52%, bất chấp dữ liệu tăng trưởng tiền lương yếu hơn dự kiến.
Ngoại hối
Tin tức về thuế quan nhập khẩu của Mỹ vẫn là tâm điểm chú ý trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của USD so với rổ sáu loại tiền tệ chính, lại gần như đi ngang, tăng nhẹ 0.1% lên 107.20 khi thị trường chờ đợi thêm thông tin chi tiết về cách thức áp dụng thuế quan trong thực tế.
Yên Nhật là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm G10. USD/JPY theo đó giảm về 151.45 sau khi thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Takata phát biểu rằng BoJ nên cân nhắc tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát rủi ro lạm phát. Ở phần còn lại, tâm lý e ngại rủi ro khiến các đồng tiền chủ chốt khác mất giá so với USD. EUR/USD giảm gần 0.4% trong phiên, tuy nhiên, bình luận diều hâu của Schnabel đã giúp thu hẹp đà giảm khi kết phiên. GBP cũng giảm tương tự, xuống dưới ngưỡng 1.2600 so với USD. AUD/USD suy yếu nhẹ, giảm 0.1% xuống 0.6350. NZD gần như đi ngang, bất chấp việc Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cắt giảm lãi suất, khi thị trường tập trung vào viễn cảnh chu kỳ nới lỏng tiền tệ ở New Zealand sắp đi đến hồi kết.
Hàng hóa
Giá dầu thô ban đầu tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần do nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng sau đó giảm xuống gần mức thấp nhất trong ngày khi Mỹ và Nga đồng ý đàm phán song phương, cùng với việc Tổng thống Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine là "nhà độc tài". Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao tháng 3 chốt phiên hôm qua ở mức 72.30 USD/thùng. Bloomberg đưa tin, một bản dự thảo tuyên bố của G7 cho thấy nhóm này đang xem xét việc điều chỉnh mức trần giá dầu của Nga từ 60 USD/thùng hiện tại để "khuyến khích Moskva tham gia đàm phán hòa bình một cách nghiêm túc", mặc dù chưa rõ có bao nhiêu quốc gia G7 sẽ ủng hộ biện pháp mới này.
Mặt khác, thị trường kim loại biến động trái chiều. Giá đồng giảm nhẹ xuống 9,467 USD/tấn, trong khi giá nhôm tăng 0.5% sau khi các đại sứ EU đồng ý tiến hành gói trừng phạt mới nhắm vào nhôm của Nga thông qua lệnh cấm nhập khẩu từng bước. Các bộ trưởng ngoại giao dự kiến sẽ chính thức thông qua gói biện pháp này vào tuần tới. Quặng sắt tiếp tục giao dịch trên mốc 105 USD/tấn do thời tiết ảnh hưởng đến nguồn cung, qua đó hỗ trợ cho giá. Giá vàng duy trì ngay dưới mức cao kỷ lục mới vừa được thiết lập vào hôm qua (2,947 USD/oz), khi các nhà giao dịch theo dõi sát sao diễn biến trong quan hệ Mỹ-Nga và những bình luận của Tổng thống Trump về Ukraine.
Điểm tin kinh tế
Úc
Chỉ số giá lương (WPI) tăng 0.7% so với quý trước trong Q4 (được làm tròn từ mức 0.654%), thấp hơn dự kiến của chúng tôi, thị trường và cả RBA. Tiền lương khu vực tư nhân tăng 0.7% theo quý, trong khi tiền lương khu vực công tăng chậm hơn với 0.6%. Xét theo năm, tốc độ tăng trưởng WPI giảm từ mức 3.6% trong Q3 xuống 3.2% vào Q4. Các con số này cho thấy WPI cần phải tăng tốc đáng kể trong Q1 và Q2 (lần lượt là 1.0% và 0.9% theo quý) để đạt được mức tăng trưởng 3.4% tại thời điểm tháng 06/2025 theo dự báo của RBA. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ khó xảy ra, đồng thời dự báo mức tăng trưởng khiêm tốn hơn là 3.0%.
Chỉ báo sớm của Viện Westpac-Melbourne, thường dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế so với xu hướng dài hạn, trong vòng 3-9 tháng tới, đã tăng 0.58% (tính theo năm trên cơ sở sáu tháng), cho thấy triển vọng tích cực hơn. Sự cải thiện này dường như diễn ra trên diện rộng - lần đầu tiên kể từ tháng 06/2021, khi cả tám thành phần chính của chỉ báo đều đóng góp tích cực. Các chỉ số liên quan đến người tiêu dùng, xây dựng nhà ở và giá cả hàng hóa là những động lực chính.
New Zealand
Đúng như dự đoán của thị trường tài chính và tín hiệu rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách, RBNZ đã cắt giảm lãi suất chính sách OCR xuống 3.75%, tương ứng 50 bps. Các dự báo mới cho thấy OCR sẽ kết thúc năm nay ở mức 3.10%, một sự điều chỉnh giảm đáng kể so với con số 3.55% trước đó. Mặc dù dự báo lạm phát toàn phần sẽ tạm thời tăng vào cuối năm nay, nhưng giọng điệu của RBNZ vẫn ôn hòa. Bên cạnh đó, trong số những rủi ro chính đối với tăng trưởng, RBNZ nhấn mạnh đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và những ảnh hưởng tiềm tàng từ thuế quan nhập khẩu cũng như tranh chấp thương mại.
Vương quốc Anh
Sau khi dữ liệu tiền lương công bố đầu tuần mạnh hơn dự kiến, số liệu CPI của Anh cũng gây bất ngờ theo chiều hướng tăng, xác nhận rằng áp lực lạm phát đang nóng trở lại. Lạm phát toàn phần tăng từ 2.5% lên 3.0% trong tháng 1, cao hơn 0.2% so với kỳ vọng thị trường và dự báo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố hồi đầu tháng. CPI lõi cũng tăng tương tự, từ 3.2% lên 3.7%. Lạm phát dịch vụ tăng từ 4.4% lên 5.0%, phần lớn đúng như dự kiến, do đó, mức tăng bất ngờ chủ yếu đến từ giá hàng hóa và thực phẩm. Sắp tới, với giá năng lượng tăng cao và GBP suy yếu tiếp tục gây áp lực lạm phát, CPI toàn phần có thể sẽ tiếp tục tăng trước khi giảm dần về mức mục tiêu 2% của BoE.
Mỹ
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp dụng thuế suất 25% đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Ông cho biết, mức thuế mới này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 4 và được cộng dồn với các mức thuế đã công bố trước đó. Hiện tại, vẫn chưa rõ cách thức các mức thuế này sẽ tương tác với thuế quan đối ứng, vốn được thiết kế để tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Về phía các đối tác thương mại, Mexico, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Âu dường như sẽ chịu tác động lớn nhất do lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Biên bản họp FOMC tháng 1 nhấn mạnh quan điểm của Ủy ban về lạm phát và thị trường lao động, vốn đã được báo từ trước. Đáng chú ý nhất, với chính sách tiền tệ phù hợp, lạm phát sẽ tiếp tục giảm dần về mục tiêu theo thời gian và thị trường lao động không phải là nguồn gây áp lực lạm phát, với cung và cầu cơ bản cân bằng. Dù vậy, vẫn còn nhiều bất ổn xoay quanh xu hướng lạm phát do những thay đổi tiềm tàng trong chính sách thương mại và nhập cư của Mỹ. Do đó, nhiều thành viên "nhấn mạnh cần có thêm bằng chứng để củng cố quan điểm cho rằng lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu 2%". Một số thành viên cũng lưu ý rằng "lãi suất quỹ liên bang có thể không cao hơn nhiều so với mức trung lập", cho thấy sự thận trọng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở trên mục tiêu. Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi các chính sách của chính quyền mới được công bố đầy đủ, chưa bàn đến việc hiểu rõ những tác động của chúng.
Về dữ liệu kinh tế, số nhà khởi công tại Mỹ đã đảo chiều vào tháng 1, giảm 9.8% sau khi tăng 16.1% trong tháng 12. Ngược lại, giấy phép xây dựng tăng nhẹ 0.1% sau khi giảm 0.7% trong tháng 12. Cả số nhà khởi công và giấy phép xây dựng hiện đều gần với mức trung bình của 5 năm qua.
Westpac IQ