Westpac IQ: Niềm lạc quan của Chủ tịch Powell đưa Phố Wall lên tầm cao mới; OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong hai năm tới

Westpac IQ: Niềm lạc quan của Chủ tịch Powell đưa Phố Wall lên tầm cao mới; OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong hai năm tới

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

08:07 05/12/2024

Bản tin sáng từ Ngân hàng Westpac.

Điểm chính

Những phát biểu lạc quan của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - Jerome Powell về nền kinh tế Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy đà tăng trên thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ (TPCP). Cụ thể, các chỉ số chứng khoán Mỹ một lần nữa vượt đỉnh và thiết lập mức cao kỷ lục mới, trong khi lợi suất TPCP giảm trên toàn bộ kỳ hạn. Các nhà giao dịch đang đặt cược mạnh tay hơn vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào hai tuần tới và tiếp tục thực hiện điều này trong năm 2025.

Chính phủ Pháp thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, kết thúc nhiệm kỳ ba tháng của Thủ tướng Michel Barnier sau bất đồng về ngân sách năm sau.

Đồng bạc xanh ít biến động, với chỉ số DXY giao dịch trong biên độ quen thuộc gần đây. Mặt khác, AUD suy yếu sau khi dữ liệu tài khoản quốc gia đáng thất vọng được công bố hôm qua vẽ nên một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế nước này. Áp lực bán tiếp diễn trong đêm đã khiến AUD/USD giảm về dưới mốc 0.6400 lần đầu tiên kể từ tháng 8.

Chứng khoán

Phố Wall được thúc đẩy bởi niềm tin của Chủ tịch Fed - Jerome Powell vào nền kinh tế Mỹ, với chỉ số S&P 500 tăng 0.6%, chạm mức cao kỷ lục mới. Bên cạnh đó, Nasdaq tăng 1.3%, cũng thiết lập đỉnh lịch sử mới, tương tự Dow Jones với mức tăng 0.7%.

Chứng khoán Châu Âu biến động trái chiều. Euro Stoxx 50 và DAX (Đức) tăng lần lượt 0.8% và 1.1%, DAX cũng vượt đỉnh lịch sử, trong khi FTSE 100 (Anh) giảm 0.3%. Mặt khác, ASX 200 (Úc) giảm 0.4% vào hôm qua, kém hiệu quả hơn các chỉ số Châu Á khác do dữ liệu GDP gây hụt hẫng, cho thấy triển vọng ảm đạm của nền kinh tế nước này.

Lợi suất

Lợi suất TPCP Mỹ giảm 4-6 bps trên toàn bộ kỳ hạn, tiếp nối đà giảm gần đây. Lợi suất kỳ hạn 2 năm duy trì xu hướng giảm khi kỳ vọng Fed hạ lãi suất được củng cố, trong khi kỳ hạn 10 năm vẫn giữ vững trên ngưỡng 4.16%. Khả năng Fed hạ lãi suất tại cuộc họp sắp tới đã tăng lên khoảng 75% và thị trường hiện đang định giá tổng cộng gần 90 bps cắt giảm cho đến cuối năm 2025.

Lợi suất TPCP Châu Âu biến động tương đối ổn định bất chấp sự sụp đổ của chính phủ Pháp. Lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm dao động trong khoảng 1-3 bps trên khắp Châu Âu.

Hợp đồng tương lai TPCP Úc tiếp nối đà tăng của phiên hôm trước, khiến lợi suất kỳ hạn 3 năm và 10 năm giảm lần lượt 3 bps và 5 bps, hiện đang dao động quanh mức giao dịch hồi giữa tháng 10. Kỳ vọng về lần hạ lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã được đẩy lên tháng 4, với tổng cộng 75 bps cắt giảm được định giá cho năm 2025, tăng từ mức gần 60 bps vào cuối ngày thứ Ba.

Ngoại hối

Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của USD so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, dao động trong biên độ quen thuộc 106.09 - 106.72 và gần như đi ngang so với mức đóng cửa hôm trước đó. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp NFP của Mỹ được công bố vào thứ Sáu sẽ là tâm điểm chú ý tiếp theo trước thềm dữ liệu lạm phát của tuần tới, trong bối cảnh Fed phát đi tín hiệu về việc giảm tốc độ nới lỏng chính sách khi tiến gần đến mức lãi suất trung lập.

AUD suy yếu sau dữ liệu tài khoản quốc gia đáng thất vọng. Áp lực bán tiếp diễn trong đêm đã khiến AUD/USD lùi sâu về mức 0.6399 trước khi hồi phục nhẹ lên giao dịch quanh 0.6430 tại thời điểm viết bài. Bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém khó có thể gây tác động mạnh đến lập trường “cứng rắn” của RBA trong việc cắt giảm lãi suất, vì điều này chủ yếu phản ánh sự tiếp diễn của tình trạng hiện tại và là nỗi thất vọng về niềm tin phục hồi hơn là dấu hiệu cho một đợt suy thoái mới. Điều này sẽ giúp duy trì chênh lệch lợi suất theo hướng có lợi cho AUD và hạn chế áp lực bán. Dù vậy, không thể loại trừ khả năng AUD/USD tiếp tục suy yếu nếu các “Trump trade” hoạt động mạnh hơn và trường hợp những chính sách của Trung Quốc gây thất vọng trong tháng này.

EUR khá lặng sóng mặc cho bất ổn chính trị tại Pháp, EUR/USD theo đó giao dịch ổn định trong khoảng 1.0473 - 1.0544. Mặt khác, Yên Nhật suy yếu đẩy USD/JPY tăng lên 151.23, kiểm tra lại đường SMA 50.

Hàng hóa

Bất chấp Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo mức giảm lớn nhất của trữ lượng dầu thô kể từ tháng 8 và xuất khẩu sản phẩm tinh chế tăng lên mức cao thứ hai được ghi nhận, thị trường dầu mỏ vẫn suy yếu do chịu ảnh hưởng từ việc đồng bạc xanh mạnh lên và tình hình bất ổn chính trị toàn cầu.

Kết phiên hôm qua, hợp đồng tương lai dầu thô WTI và Brent giảm khoảng 1.8%, xuống còn 68.63 và 72.15 USD/thùng. Kỳ vọng OPEC quyết định gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng sang Q1/2025 khi nhóm họp trực tuyến vào cuối ngày hôm nay là khá cao. Dù vậy, thị trường dường như tập trung hơn vào viễn cảnh dư cung trong năm tới, khi EIA đã cảnh báo vào giữa tháng 11 về khả năng dư thừa 1 triệu thùng/ngày trong năm sau.

Kim loại biến động trái chiều, giá đồng giảm 0.4%, xuống 8,987 USD/tấn, trong khi nhôm tăng 1.1%, lên 2,638 USD/tấn. Giá quặng sắt vẫn duy trì trên ngưỡng 105 USD/tấn giữa lúc các nhà giao dịch chờ đợi Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra vào thứ Tư và thứ Năm tuần tới.

Nhịp đập vĩ mô

Úc

Nền kinh tế Úc tiếp tục trì trệ trong Q3 khi chỉ tăng trưởng 0.3% so với quý trước và 0.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực công vẫn là động lực tăng trưởng chính, trong khi chi tiêu cuối cùng của khu vực tư nhân gần như không thay đổi trong quý.

Trung Quốc

Chỉ số PMI dịch vụ Caixin giảm nhẹ xuống 51.5 trong tháng 11 nhưng vẫn nằm trong vùng mở rộng tháng thứ 23 liên tiếp. Hoạt động dịch vụ dường như đã phục hồi nhẹ trong Q4 nhờ các chính sách hỗ trợ được công bố gần đây.

Eurozone

Chính phủ Pháp mất phiếu tín nhiệm. Mặt khác, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - Christine Lagarde phát biểu: "Cuộc chiến chống lạm phát của chúng ta sắp hoàn thành, chứ không phải đã hoàn thành, và đây chưa phải lúc để tuyên bố chiến thắng". Bà bày tỏ thêm: "Mặc dù vẫn còn một số việc phải làm, nhưng chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu và điều đó cho thấy chúng ta nên bắt đầu hướng tới tương lai nhiều hơn những gì đã làm trong vài năm qua".

Chỉ số PMI dịch vụ chính thức cho tháng 11 được điều chỉnh tăng nhẹ từ mức sơ bộ 49.2 lên 49.5. Đây là lần đầu tiên hoạt động dịch vụ suy giảm so với tháng trước kể từ đầu năm. Chỉ số PPI tăng 0.4% trong tháng 10, đúng như dự đoán. Con số này tăng từ mức -0.6% của tháng 9, đưa mức giảm so với cùng kỳ lên -3.2%.

Anh

Chỉ số PMI dịch vụ chính thức cho tháng 11 được điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 50.0 lên 50.8. Hoạt động dịch vụ đã suy giảm đáng kể từ tháng 8, đưa lĩnh vực này đến bờ vực suy thoái.

Mỹ

Chủ tịch Fed - Jerome Powell thể hiện sự tin tưởng vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và cho biết các quan chức có thể thận trọng hơn khi đưa lãi suất về mức trung lập. Ông Powell cũng lưu ý rằng họ sẽ cân nhắc các chính sách tài khóa khi chúng được thông qua. Ngoài ra, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard ủng hộ tính kiên nhẫn và linh hoạt trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ do nền kinh tế đang tiến triển tốt và rủi ro lạm phát đã giảm đáng kể.

Chỉ số PMI dịch vụ ISM giảm từ 56.0 xuống 52.1 trong tháng 11, thấp hơn dự kiến. Việc làm và đơn đặt hàng mới đều suy yếu trong tháng nhưng vẫn trên ngưỡng 50.0 (điểm ngăn cách giữa mở rộng và suy thoái). Chỉ số giá đầu vào tăng nhẹ lên 58.2, phù hợp với các số liệu trong nửa cuối năm 2024.

Dữ liệu việc làm khu vực tư nhân ADP cho tháng 11 thấp hơn một chút so với dự báo, đạt 146,000. Số liệu tháng 10 cũng được điều chỉnh giảm từ 233,000 xuống 184,000 việc làm.

Đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ tăng nhẹ 0.2% trong tháng 10 sau khi mức giảm của tháng 9 được điều chỉnh tăng từ -0.5% lên -0.2%. Loại trừ vận tải, đơn đặt hàng tăng 0.1% tháng thứ hai liên tiếp. Đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi (loại trừ vận tải và quốc phòng) không thay đổi ở mức -0.2%.

Beige Book của Fed tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ yếu hơn so với dữ liệu thực tế. "Hoạt động kinh tế khởi sắc nhẹ ở hầu hết các Khu vực của Fed (tạm gọi là Khu vực), mặc dù kỳ vọng tăng trưởng tăng vừa phải trên hầu hết các vùng địa lý và lĩnh vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ có việc làm không đổi hoặc chỉ tăng nhẹ ở các Khu vực, nhưng tỷ lệ sa thải cũng được báo cáo ở mức thấp. Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương chậm lại ở mức vừa phải tại hầu hết các Khu vực, tương tự như kỳ vọng tăng trưởng tiền lương trong những tháng tới." Về lạm phát, "Giá chỉ tăng ở mức vừa phải... Các doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy khó khăn hơn trong việc kết chuyển chi phí sang cho khách hàng. Giá đầu vào được cho là tăng nhanh hơn giá bán đối với hầu hết các doanh nghiệp, dẫn đến biên lợi nhuận giảm".

Bức tranh kinh tế thế giới

Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro gia tăng, từ căng thẳng thương mại đến chiến tranh và các vấn đề nợ nần, có thể đe dọa “mức phục hồi đáng kể” của những năm trước, OECD cho biết trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất. Bên cạnh đó, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong hai năm tới khi lạm phát “ngủ yên” trong phạm vi mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Mặc dù vậy, tổ chức này nhấn mạnh rằng rủi ro đối với câu chuyện tăng trưởng vẫn còn cao, bao gồm căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị và gánh nặng nợ ngày càng tăng.

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ