Cơn đau đầu của Fed: Khi nào lạm phát tạm thời trở thành lạm phát dài hạn?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Lạm phát tại Mỹ vượt con số 3% trong tháng Tư, nhưng nhiều khả năng sẽ không giữ được lâu
Một lao động bình thường tại Mỹ, với độ tuổi trung bình là 43, chưa bao giờ trải nghiệm trong sự nghiệp của mình lạm phát “lõi” (bỏ qua giá thực phẩm và năng lượng) vượt 3%, cho đến tháng Tư năm nay. Số liệu công bố ngày 28/5 cho thấy chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) lõi, một thước đo lạm phát quan trọng với Cục Dự trữ Liên bang, tăng lên 3.1%. Một số kinh tế gia nghĩ đây là khởi đầu cho lạm phát kéo dài, như đã từng xảy ra vào những năm 1970. Nhưng những giả thuyết phổ biến lại cho rằng nguy cơ này vẫn còn xa.
Cuộc Đại Lạm phát (tên gọi của giai đoạn lạm phát thập kỷ 70) đã kéo theo một loạt cải cách trong tư duy kinh tế vĩ mô. Trước đó, các kinh tế gia theo học thuyết Keynes tin rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp dài hạn có thể đạt được bằng việc chấp nhận lạm phát cao. Một số người chỉ trích quan điểm này, như Milton Friedman và Robert Lucas từ Đại học Chicago, nghĩ theo hướng khác. Trong dài hạn, họ cho rằng tỷ lệ thất nghiệp được xác định bằng các đặc tính của nền kinh tế. Một chính phủ bơm tiền để giữ thất nghiệp dưới mức “tự nhiên” sẽ thất bại. Thay vào đó, lạm phát sẽ tăng tốc khi người dân bắt đầu nghĩ giá cả sẽ tăng nhanh hơn.
Cuộc Đại Lạm phát đã tạo uy tín cho phía đối lập. Nhưng chủ nghĩa tiền tệ của Friedman - quan điểm rằng lạm phát dài hạn sẽ dựa trên tăng trưởng nguồn cung tiền - cũng đã bị chứng minh là sai. Các ngân hàng trung ương đã phát hiện mối quan hệ không ổn định giữa cung tiền và lạm phát. Sau đó các ngân hàng đã đi theo một cơ sở “học thuyết Keynes mới”, ở trong đó lạm phát được xác định bằng 3 yếu tố: hiệu ứng sốc cung; mức độ nền kinh tế hoạt động trên hay dưới hiệu suất; và kỳ vọng lạm phát của người dân. Tranh luận về hướng đi của lạm phát ngày nay sẽ dựa trên 3 biến này.
Hãy bắt đầu với sốc cung. Lạm phát tăng hiện tại là kết quả của những gián đoạn liên quan đến quy trình tái mở cửa khá cẩu thả. Cuộc Đại Lạm phát trước đây cũng chịu ảnh hưởng lớn từ sốc cung, cho thấy một vấn đề ngắn hạn có thể nhanh chóng kéo dài. Tuy nhiên quan sát kỹ hơn khoảng thời gian đó cũng đưa ra một số trấn an. Nghiên cứu của Alan Blinder từ Đại học Princeton và Jeremy Rudd từ Fed cho thấy Cuộc Đại Lạm phát trên thực tế phản ánh 2 hiện tượng: vấn đề cầu quá lớn diễn ra quá lâu cùng với việc áp lực từ phía cung. Những cú sốc trong thị trường thực phẩm và năng lượng dẫn đến lạm phát tăng đột biến trong những năm 70. Nhưng Blinder và Rudd chỉ ra rằng lạm phát nhanh chóng xẹp xuống khi những cú sốc dần nguôi ngoai. Lạm phát tổng tại Mỹ tăng 9% từ năm 1972 đến 1974, nhưng đến năm 1976 đã giảm 7%. Điều này cho thấy áp lực cung ngày nay sẽ dịu bớt khi những gián đoạn được giải quyết.
Một nền kinh tế hoạt động quá công suất có thể tạo ra nhiều vấn đề lạm phát kéo dài hơn. Lịch sử một lần nữa đưa ra dẫn chứng: Lạm phát đã bắt đầu tăng tại Mỹ từ trước những năm 70, leo từ gần 2% đầu những năm 60 lên 6% vào cuối thập kỷ. Đây là kết quả của sai lầm trong chính sách: Fed liên tục để lực cầu vượt công suất. Lý do cho việc này vẫn đang gây tranh cãi. Có thể Fed không nhận ra năng suất đang chậm lại, do đó đánh giá quá cao tiềm năng của nền kinh tế. Hoặc Fed đã lưỡng lự khi tính đến cả chi phí xã hội và chính trị trong việc tăng thất nghiệp để kiềm chế lạm phát. Chỉ đến khi Paul Volcker lên nắm quyền Fed vào năm 1979, đà tăng lạm phát mới bị hãm lại.
Một số kinh tế gia lo ngại về tăng trưởng nhờ các gói kích thích có thể khiến lịch sử lặp lại. Lao động tại Mỹ đang thấp hơn so với lúc trước dịch khoảng 8 triệu người, lượng công suất dự phòng khá lớn. Nhưng đến cả Fed cũng nghĩ cái này sẽ giảm nhanh, với tỷ lệ thất nghiệp trên đà rơi xuống dưới mức trung bình dài hạn vào cuối năm 2022. Tuy nhiên dù việc giảm bớt trì trệ kinh tế có thể tạo áp lực lạm phát, nó cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều: thay đổi trong thất nghiệp có ít tác động hơn lên lạm phát trong vài thập kỷ gần đây. Trên thực tế, nghiên cứu bởi Jonathan Hazell từ Đại học Princeton, Juan Herreño từ Đại học Columbia và Emi Nakamura và Jon Steinsson từ Đại học Berkeley cho thấy hiện tượng này không mới. Họ phát hiện ra mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát đang khá yếu kể từ những năm 70: Lạm phát giảm thời kỳ Volcker là do kỳ vọng của công chúng nhiều hơn là thất nghiệp.
Nên trông đợi điều gì?
Kỳ vọng là phần gây khó khăn nhất trong phương trình lạm phát. Theo một khảo sát của Đại học Michigan, người tiêu dùng đoán rằng lạm phát trung bình đạt 3.1% trong 5 năm tới; phương pháp đo lường theo thị trường đưa ra kết quả 2.6% trong cùng khoảng thời gian, và sau 5 năm nữa sẽ giảm xuống 2.2%. Con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng vẫn thấp hơn những năm 1970 rất nhiều. Có lẽ những kẻ đặt cược ít lo hơn về áp lực giá, hoặc họ tin cam kết của Fed trong việc bình ổn giá. Hazel và các đồng tác giả cho rằng kỳ vọng lạm phát giảm sâu đầu thập kỷ 80 là do công chúng thấy được một cuộc “chuyển giao chế độ” của Fed. Để Đại Lạm phát xảy ra lần nữa, cần một sự thay đổi lớn trong cơ sở chính sách của ngân hàng trung ương, và thời gian để công chúng nhìn nhận nó.
Một cú “lật mặt” như vậy có sắp xảy ra? Fed gần đây đã sửa đổi cách tiếp cận của mình, và nói rằng sẽ chấp nhận một khoảng thời gian lạm phát vượt mục tiêu để bù cho việc nó quá thấp trong quá khứ. Liệu điều này có phải là một cuộc “chuyển giao chế độ” hay không là vấn đề khác. Fed vẫn hứa lạm phát trung bình 2%, và vẫn giữ cam kết kiểm soát giá cả. Người dân trung niên Mỹ có thể chịu cảnh lạm phát cao trong năm nay, nhưng vẫn thua xa so với thời cha mẹ họ.
The Economist