Danske Bank Research: Chứng khoán và EUR hưởng ứng tích cực với tin vui từ Đức; chỉ số môi trường kinh doanh Ifo và lạm phát Eurozone vào tầm ngắm

Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Những điểm chính
Chiều nay, thị trường chủ yếu sẽ tập trung vào số liệu lạm phát chính thức của Eurozone trong tháng 1. Số liệu này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn kỹ lưỡng hơn về sự nóng lên trong báo cáo sơ bộ trước đó, vốn được cho là chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhất thời.
Về phía Đức, chúng ta sẽ có chỉ số môi trường kinh doanh Ifo tháng 2. Sẽ rất đáng chú ý nếu chỉ số này phản ánh bức tranh tương tự như báo cáo nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố hôm thứ Sáu, với chỉ số tổng hợp tăng nhẹ, chủ yếu nhờ sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất vốn đang trì trệ.
Ở phần còn lại của tuần giao dịch, trọng tâm sẽ là các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Đức, Tây Ban Nha và Ý. Tại Châu Âu, dữ liệu về lương thương lượng và tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được công bố. Còn tại Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - dự kiến sẽ thu hút đông đảo sự quan tâm vào thứ Sáu. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sát sao bất kỳ thông báo nào về thuế quan từ chính quyền Trump và các diễn biến địa chính trị mới nhất.
Điểm lại một số diễn biến đáng chú ý gần đây
Bầu cử Đức
Kết quả bầu cử Đức cho thấy khả năng cao sẽ hình thành một chính phủ liên minh giữa khối bảo thủ CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), một kết quả tích cực cho nền kinh tế Đức. Nhìn chung, thị trường đã phản ứng tích cực với tin tức này, giúp EUR/USD tăng 0.6% trong phiên Á và hợp đồng tương lai chỉ số DAX (Đức) tăng 1.1%. Ông Friedrich Merz, lãnh đạo CDU/CSU, gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo khi đảng của ông giành được 28.6% số phiếu, trở thành đảng lớn nhất Quốc hội. Khả năng hình thành chính phủ liên minh với SPD mở ra do hai đảng FDP (4.33%) và BSW (4.97%) không đạt đủ 5% số phiếu cần thiết để vào Quốc hội. Điều này mang lại cho liên minh CDU/CSU và SPD tổng cộng 328 ghế, vượt mức 315 ghế cần thiết để nắm đa số. Một chính phủ "đại liên minh" hai đảng được coi là tín hiệu tích cực, giúp quá trình ra quyết định trở nên thuận lợi hơn so với chính phủ tam đảng. Dự kiến, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ sẽ kéo dài từ một đến hai tháng.
Chúng tôi đánh giá xác suất cải cách "phanh nợ" để nới lỏng chính sách vay nợ tại Đức là 70% sau kết quả bầu cử này. Mặc dù vậy, về vấn đề chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ Ukraine, kết quả bầu cử chưa phải là kịch bản lý tưởng do tổng số phiếu bầu của đảng cực hữu AfD và đảng Cánh tả đạt 34.3%. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể ngăn chặn chính phủ Đức sử dụng các quỹ quốc phòng ngoài ngân sách và các đạo luật yêu cầu đa số hai phần ba. Mặc dù vậy, với một Quốc hội ít phân mảnh hơn và khả năng cao sẽ có một chính phủ liên minh hai đảng, vai trò của Đức trong Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ được củng cố so với chính phủ tiền nhiệm, và đây là một tín hiệu đáng mừng.
“Đại tiệc” PMI
Hôm thứ Sáu, câu chuyện trên thị trường chủ yếu xoay quanh báo cáo PMI tháng 2 được công bố ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Đầu tiên là Eurozone, PMI tổng hợp thấp hơn dự kiến ở mức 50.2 (dự báo: 50.5), chủ yếu do PMI dịch vụ giảm xuống 50.7 (dự báo: 51.5), trong khi PMI sản xuất tăng lên 47.3 (dự báo: 47.0). PMI dịch vụ bị kéo xuống bởi sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực dịch vụ của Pháp, trái ngược với xu hướng tăng trưởng tại Nam Âu. Chúng tôi dự báo lĩnh vực sản xuất sẽ dần phục hồi, vượt qua ngưỡng 50.0 vào cuối năm 2025, nhờ vào chính sách lãi suất thấp hơn.
Tại Anh, báo cáo tổng thể cho thấy những tín hiệu khá yếu. Cụ thể, PMI sản xuất thấp hơn dự kiến ở mức 46.4 (dự báo: 48.5), trong khi PMI dịch vụ lại vượt kỳ vọng ở mức 51.1 (dự báo: 50.8). PMI tổng hợp theo đó gần như không đổi, đạt mức 50.5 (dự báo: 50.6). Doanh số bán lẻ tháng 1 của Anh cũng được công bố, với mức tăng trưởng vượt kỳ vọng: doanh số bán lẻ không bao gồm nhiên liệu ô tô tăng 1.2% so với cùng kỳ năm trước (dự báo: 0.6%, kỳ trước: 2.1%). Đà tăng trưởng bất ngờ này đến từ sự gia tăng doanh số bán hàng của các cửa hàng thực phẩm và bán lẻ trực tuyến. Song, việc điều chỉnh giảm số liệu tháng 12 trên diện rộng đã phần nào hạn chế niềm phấn khởi.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, bức tranh PMI của Mỹ cũng tương tự như Châu Âu. PMI sản xuất tiếp tục cải thiện từ 51.2 lên 51.6 (dự báo: 51.5), trong khi PMI dịch vụ giảm từ 52.9 xuống 49.7 (dự báo: 53.0), mức thấp nhất kể từ tháng 01/2023. Do đó, PMI tổng hợp chỉ nhỉnh hơn ngưỡng trung tính một chút, ở mức 50.4 (kỳ trước: 52.7). Đi sâu vào chi tiết, chỉ số sản lượng dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020 và thấp hơn cả mức trung bình trước đại dịch, trong khi chỉ số việc làm giảm ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Mặt khác, các chỉ số giá sản xuất và cán cân đơn đặt hàng - hàng tồn kho tiếp tục tăng. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá số liệu này là tín hiệu ôn hòa, nếu xét đến lập trường hiện tại của Fed.
Kết quả khảo sát chính thức về kỳ vọng lạm phát của Đại học Michigan trong tháng 1 cho thấy kỳ vọng lạm phát 1 năm không thay đổi so với ước tính ban đầu, ở mức 4.3%, trong khi kỳ vọng lạm phát 5 năm được điều chỉnh tăng từ 3.3% lên 3.5% - mức cao nhất kể từ tháng 04/1995. Điều quan trọng cần lưu ý là các chỉ báo lạm phát khác nhau đang đưa ra những tín hiệu trái chiều vào thời điểm hiện tại.
Phát biểu của quan chức ECB
Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) – Jose Luis Escriva, nhấn mạnh sự thận trọng trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ nhật, đồng thời nêu bật những bất ổn hiện hữu đối với triển vọng kinh tế. Ông nhận định "rất khó để đánh giá chính xác tác động của những sự kiện đang diễn ra" và cho rằng cần phải "chờ đợi cho đến khi những nghi ngại về một số vấn đề được giải tỏa" trước khi có bất kỳ điều chỉnh nào về chính sách tiền tệ. Ông cũng tái khẳng định cách tiếp cận từng bước của ECB, cho biết "không có lộ trình định sẵn nào cho lãi suất trong tương lai". Ngoài ra, vị quan chức lưu ý thêm rằng nhu cầu tại Eurozone vẫn còn yếu, với "những khác biệt đáng kể giữa các quốc gia thành viên". Ở một diễn biến khác, Ủy viên Hội đồng quản trị ECB người Pháp – Francois Villeroy de Galhau, đưa ra một cái nhìn trực quan hơn về lãi suất, cho rằng "xét theo tình hình hiện tại, chúng ta có thể đạt mức lãi suất 2% vào mùa hè tới".
Địa chính trị
Sau nhiều tuần tập trung vào vấn đề đạt được thỏa thuận ngừng bắn, qua việc Mỹ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Nga tại Ả Rập Xê Út, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng từ chức để đảm bảo nước này được gia nhập NATO hoặc đạt được hòa bình lâu dài. Bên cạnh đó, Tổng thống Zelenskyy cũng bác bỏ yêu cầu của chính quyền Trump về việc chia sẻ một phần đáng kể lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản của Ukraine.
Chứng khoán
Những gì trông giống như một phiên hồi phục của thị trường chứng khoán đã nhanh chóng đảo chiều khi phiên giao dịch tại Mỹ bắt đầu. Chứng khoán toàn cầu giảm 1.0%, dẫn đầu bởi thị trường Mỹ với S&P 500 và Russell 2000 (tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ) giảm lần lượt 1.7% và 2.9%. Ngược dòng, chứng khoán Châu Âu thể hiện vượt trội hơn hẳn, với chỉ số Stoxx 600 thậm chí còn tăng 0.5%. Phiên giao dịch tại Mỹ phác họa rõ nét tâm lý e ngại rủi ro, khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu chu kỳ (công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu, công nghiệp giảm 2-3%) và chuyển sang các cổ phiếu phòng thủ (tiêu dùng thiết yếu và tiện ích). Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa nhỏ cho thấy hiệu suất kém hơn hẳn, giảm gần 4% trong tuần. Chỉ số đo lường biến động VIX tăng vượt 18, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đổ xô vào trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống 4.40% sau khi tăng chạm mốc 4.57% vào đầu tuần.
Kết phiên thứ Sáu, chứng khoán toàn cầu giảm 1.5% trong tuần, đánh dấu tuần giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 1. Cần lưu ý rằng chứng khoán Châu Âu tăng 0.5% trong tuần, cho thấy sự vượt trội đáng kể. Hôm nay, thị trường đón nhận tín hiệu tích cực khi hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tăng nhẹ.
Lợi suất
Lợi suất TPCP Mỹ tăng vào thứ Sáu do dữ liệu kinh tế yếu kém và nỗi lo rằng việc cắt giảm chi tiêu từ Bộ Năng suất Chính phủ sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Điều này cũng dẫn đến chênh lệch giữa lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Đức thu hẹp trong tháng 2 và hiện đang ở dưới mức 200 bps. Về phía Đức, CDU/CSU đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đúng như kết quả dự đoán từ các cuộc thăm dò, và người đứng đầu CDU/CSU – Friedrich Merz, dự kiến sẽ thành lập liên minh với SPD, hoặc có thể là một đảng khác.
Ngoại hối
EUR/GBP tiếp tục dao động quanh mốc 0.8300 với lịch công bố dữ liệu vĩ mô khá thưa thớt trong tuần này. Báo cáo PMI sơ bộ tháng 2 của Anh cho thấy tín hiệu yếu kém, với chỉ số tổng hợp ở mức 50.5 (dự báo: 50.6, kỳ trước: 50.6), trong đó dịch vụ đạt 51.1 (dự báo: 50.8, kỳ trước: 50.8), còn sản xuất là 46.4 (dự báo: 48.5, kỳ trước: 48.3). Về việc làm, tháng 1 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong tăng trưởng lương khu vực tư nhân kể từ năm 2020 do nhu cầu yếu và chi phí tăng. Áp lực lạm phát vẫn dai dẳng do tăng trưởng lương cao và việc điều chỉnh tăng đóng góp bảo hiểm quốc gia (NIC) sắp tới của người sử dụng lao động. Nhìn chung, báo cáo PMI cho thấy, sau khi đình trệ trong nửa cuối năm 2024, nền kinh tế Anh vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù việc tăng lương tối thiểu vào tháng 4, kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ có tác động hỗ trợ, nhưng việc tăng NIC của người sử dụng lao động vẫn là một rủi ro cho thị trường việc làm và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Vào tuần này, bài phát biểu của các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), trong đó có Chuyên gia Kinh tế trưởng Huw Pill, sẽ cần được theo dõi sát sao.
Danske Bank Research