Danske Bank Research: Điểm qua những diễn biến đáng chú ý gần đây - Nhịp đập vĩ mô, hàng hóa, thị trường ngoại hối
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Nhịp đập vĩ mô
Nhật Bản: Thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) - Seiji Adachi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất một cách thận trọng, đồng thời cảnh báo về những rủi ro khi hành động quá vội vàng. Ông cho rằng, việc tăng lãi suất quá nhanh có thể khiến JPY mạnh lên và gây trở ngại cho xuất khẩu. Mặc dù nhận định nền kinh tế Nhật Bản đã sẵn sàng cho tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại về những bất ổn xoay quanh các vấn đề tăng trưởng tiền lương và rủi ro từ bên ngoài. Dù BoJ đã nâng lãi suất lên 0.25%, ông vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng, từ tốn nhằm tránh giảm phát và đảm bảo điều kiện tài chính nới lỏng.
Châu Âu: Khảo sát hoạt động cho vay ngân hàng trong Q3 do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện cho thấy, các tiêu chuẩn tín dụng đối với doanh nghiệp không thay đổi so với quý trước, sau hai năm liên tiếp thắt chặt. Các tiêu chuẩn được nới lỏng hơn cho các khoản vay mua nhà nhưng đối với tín dụng tiêu dùng thì ngược lại. Nhu cầu vay mua nhà phục hồi trở lại nhờ kỳ vọng cắt giảm lãi suất và triển vọng thị trường được cải thiện. Mặc dù các điều kiện tín dụng tại Châu Âu vẫn còn khắt khe, nhưng xu hướng nới lỏng cho thấy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ còn yếu, song triển vọng trong năm tới sẽ lạc quan hơn.
Đức: Khảo sát ZEW tháng 10 cho thấy, chỉ số đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại của Đức tiếp tục giảm xuống -86.9 điểm từ mức -84.5 điểm của tháng 9. Mặt khác, chỉ số kỳ vọng về tương lai lại nhảy vọt từ 3.6 điểm lên 13.1 điểm. Nhìn chung, đầu tàu kinh tế của Châu Âu vẫn đang trong tình trạng khó khăn với dự báo GDP Q3 suy giảm và có thể tiếp tục yếu đi trong Q4. Dù vậy, báo cáo của ZEW cho thấy, kinh tế Đức có thể phục hồi trở lại vào năm sau khi các điều kiện tài chính được nới lỏng hơn và tình hình thương mại toàn cầu cải thiện, qua đó hỗ trợ cho ngành sản xuất.
Anh: Báo cáo thị trường lao động giai đoạn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 cho thấy những tín hiệu tích cực hơn dự kiến. Dù tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4.0% (tháng trước, cũng như dự báo là 4.1%), nhưng số lượng việc làm tuyển dụng mới cũng có diễn biến tương tự, tiến gần đến mức trung bình của giai đoạn 2016-2019. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lương (không bao gồm tiền thưởng) đạt 4.9% so với cùng kỳ năm trước (giảm từ mức 5.1%), phù hợp với dự báo của thị trường.
Cần lưu ý rằng, dữ liệu được sử dụng trong báo cáo thị trường lao động có độ tin cậy không cao. Chính vì vậy, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không quá tập trung vào báo cáo này mà còn dựa vào "một loạt các chỉ số" khác để đánh giá tình hình thị trường lao động. Được công bố mới đây, CPI toàn phần và lõi của Anh tăng lần lượt 1.7% và 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, thấp hơn cả con số của tháng trước và dự kiến.
New Zealand: CPI Q3/2024 của New Zealand tăng 2.2% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo và đánh dấu lần đầu tiên lạm phát trở lại vùng mục tiêu 1-3% mà Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã đề ra, kể từ tháng 3/2021.
Canada: CPI tháng 9 của Canada tăng 1.6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức dự báo là 1.8%. Bên cạnh đó, so với tháng trước, CPI cũng giảm mạnh hơn dự báo.
Hàng hóa
Giá dầu thô tiếp tục giảm khoảng 5% trong phiên giao dịch hôm qua, do dự báo nhu cầu ảm đạm, cùng với thông tin Israel sẽ không nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Lợi suất TPCP
Lợi suất TPCP kỳ hạn dài đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch hôm qua do kỳ vọng lạm phát trên thị trường giảm, theo sau đà lao dốc của giá năng lượng. Giá dầu thô đã giảm mạnh khoảng 6% kể từ đầu tuần, có thể do sự thất vọng của thị trường với gói kích thích kinh tế mà Trung Quốc công bố vào cuối tuần trước và tin đồn Israel sẽ không tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.
Ngoại hối
GBP/USD: Sắp tới, BoE sẽ bước vào giai đoạn “án binh bất động” trước thềm cuộc họp chính sách vào ngày 07/11. Với báo cáo thị trường lao động và CPI tháng 9 được công bố gần đây, cho thấy áp lực lạm phát hạ nhiệt, việc thị trường gia tăng kỳ vọng vào một động thái ôn hòa hơn từ BoE là dễ hiểu. Sau tin CPI, GBP/USD sụt mạnh 85 pip và hiện đã thủng mốc 1.3000, tính đến thời điểm viết bài. Dù vậy, nền kinh tế Anh hiện vẫn đang có hiệu suất vượt trội hơn so với mặt bằng chung tại Châu Âu, điều này dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp trợ lực cho GBP.
USD/JPY: Cặp tiền này đã tăng từ mức 142.00 lên gần 150.00 chỉ trong nửa tháng qua. Đà tăng này chủ yếu đến từ những số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ, khiến lợi suất TPCP Mỹ và USD tăng. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng trong cùng giai đoạn (mặc dù đã giảm trở lại trong thời gian gần đây) và thị trường giảm kỳ vọng về việc BoJ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay cũng là những yếu tố khiến JPY suy yếu. Hiện tại, thị trường chỉ kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất thêm khoảng 8 bps vào cuối năm nay. Dẫu vậy, chúng tôi cho rằng khả năng BoJ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 12 là khá cao, đặc biệt nếu JPY tiếp tục mất giá và lạm phát ổn định quanh mức mục tiêu 2%.
Báo cáo lạm phát tháng 9 của Nhật Bản sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Khi nâng lãi suất điều hành lên 0.25% hồi tháng 7, BoJ cho biết một trong những lý do khiến họ quyết định thắt chặt chính sách là do JPY suy yếu. Do đó, chúng tôi cho rằng nếu JPY tiếp tục mất giá, BoJ sẽ phải cân nhắc hành động. Về trung và dài hạn, chúng tôi dự báo USD/JPY sẽ tiếp tục giảm và khuyến nghị các nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội short. Mặt khác, trong ngắn hạn, JPY khó có thể phục hồi mạnh và tiềm ẩn biến động mạnh.
Danske Bank Research