Danske Bank Research: Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở tuần giao dịch mới khi phía trước là hàng loạt những sự kiện “bom tấn”?
Thành Duy
Junior editor
Nhận định của Danske Bank Research.
Hôm nay có gì “hot”?
- Khu vực đồng Euro: Chỉ số niềm tin nhà đầu tư Sentix, thước đo đầu tiên về tâm lý thị trường trong tháng 9, đã giảm mạnh hơn cả con số của tháng 8 và dự kiến.
- Trung Quốc: Dữ liệu thương mại tháng 8 của Trung Quốc đã được công bố. Xuất khẩu tuy phục hồi trong nửa đầu năm, nhưng đà tăng đang chững lại do lĩnh vực sản xuất toàn cầu suy yếu. Một trong số ít động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất dần sức mạnh, khiến Trung Quốc gần như chỉ còn biết trông chờ vào đầu tư kích thích.
- Tuần giao dịch sôi động: Hãy chuẩn bị tinh thần cho một tuần đầy bão giông. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Kamala Harris và Donald Trump sẽ diễn ra vào lúc 08:00 sáng thứ Tư theo giờ Việt nam, trong khi chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ sẽ lộ diện vào thứ Tư. Đến thứ Năm, ECB sẽ tổ chức cuộc họp chính sách định kỳ và CPI của Thụy Điển sẽ được công bố vào buổi sáng.
Nhịp đập thị trường
Trung Quốc: Lạm phát tháng 8 của Trung Quốc gây thất vọng khi CPI chỉ đạt 0.6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kỳ vọng là 0.7% trong bối cảnh giá lương thực tăng do thời tiết bất lợi. Lạm phát lõi giảm từ 0.4% trong tháng 7 xuống 0.3% vào tháng 8, cho thấy nhu cầu yếu. Dữ liệu PPI cũng gây thất vọng khi giảm mạnh hơn dự kiến, xuống -1.8% so với cùng kỳ (dự báo là -1.4%) - chủ yếu do giá hàng hóa giảm. Rõ ràng, Trung Quốc đang đóng vai trò như một “tường chắn” giúp kiềm chế lạm phát toàn cầu.
Nhật Bản: Tăng trưởng GDP Q2 được điều chỉnh giảm từ 3.1% xuống 2.9% so với cùng kỳ. Theo đó, mức tăng tương ứng là 0.7% so với quý trước, giảm nhẹ so với con số của Q1 là 0.8%. Nguyên nhân chính là do chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng sụt giảm.
Mỹ: Thị trường lao động Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu ảm đạm khi số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 8 chỉ đạt 142,000, thấp hơn so với dự báo 160,000. Thêm vào đó, số liệu của hai tháng trước đó cũng bị điều chỉnh giảm 86,000. Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm nhẹ xuống 4.2%, nhưng mức tăng trưởng tiền lương lại cao hơn một chút so với dự kiến, đạt 0.4% so với tháng trước và 3.8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, báo cáo việc làm tháng 8 đã cho thấy thêm bằng chứng về sự giảm tốc của thị trường lao động Mỹ.
Phản ứng trước báo cáo này, Chủ tịch Fed New York John Williams thừa nhận rằng đã đến lúc nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Christopher Waller cho biết ông có thể ủng hộ việc cắt giảm lãi suất liên tiếp hoặc thậm chí mạnh tay hơn nếu dữ liệu cho phép. Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee, người luôn kêu gọi cắt giảm lãi suất trong nhiều tháng qua, tiếp tục nhấn mạnh cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Trong khi giới phân tích dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps trong tháng 9, thị trường lại đang đặt cược vào một cú "xuống tay" mạnh mẽ hơn với 33 bps.
Khu vực đồng Euro: Dữ liệu về thu nhập trên mỗi nhân viên, thước đo tiền lương ưa thích của ECB, đã giảm từ 4.76% trong Q1 xuống 4.33% vào Q2 (so với cùng kỳ), thấp hơn so với dự báo của đội ngũ chuyên gia ECB hồi tháng 6 (dự kiến tăng 5.1%). Tin vui cho ECB là áp lực lạm phát cơ bản đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao, trong khi các chỉ báo sớm lại cho thấy sự tăng nhẹ trong tháng 7. Vì vậy, ECB có lẽ vẫn sẽ thận trọng về lãi suất. Giới phân tích dự báo ECB sẽ hạ thêm 25 bps tại cuộc họp chính sách vào thứ Năm, sau đó là các đợt cắt giảm lãi suất hàng quý cho đến Q3 năm 2025.
Đức: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục cho thấy sự ảm đạm khi sản xuất công nghiệp giảm 2.4% so với tháng trước và 5.3% so với cùng kỳ trong tháng 7, sau khi tăng 1.7% vào tháng 6, xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch. Với ngành công nghiệp đồ sộ, Đức đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề do nền lãi suất cao, giá năng lượng tăng và thương mại toàn cầu giảm trong những năm qua.
Pháp: Tình hình tài chính của Pháp ngày càng trở nên u ám, buộc Bộ Tài chính nước này phải trao đổi với Ủy ban EU nhằm nới thời hạn đệ trình kế hoạch giảm thâm hụt sau ngày 20/09, để phù hợp với dự thảo ngân sách năm 2025. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh tân Thủ tướng Michel Barnier đang phải chịu áp lực thành lập chính phủ và soạn thảo kế hoạch ngân sách trước ngày 01/10, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Chứng khoán: Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ vào thứ Sáu và ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất trong thời gian gần đây, trước bối cảnh giới đầu tư lo ngại về thị trường lao động Mỹ và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Diễn biến này hoàn toàn phù hợp với những dự đoán trước đó. Kết quả là, giới đầu tư đã rút lui khỏi tài sản rủi ro trên diện rộng, ngoại trừ vàng. Trong tuần trước, chứng khoán toàn cầu đã giảm gần 4.0%. Đáng chú ý, các ngành nhạy cảm với chu kỳ kinh tế giao dịch kém sắc hơn hẳn các ngành phòng thủ khi giảm gần 3.0%. Chỉ số VIX (đo lường sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ) tăng từ 16 lên 22; ngành công nghệ giảm hơn 7.0% trong khi dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng nhẹ. Hôm thứ Sáu, Dow Jones điều chỉnh 1.0%; S&P 500 giảm mạnh hơn với 1.7%; Nasdaq tiêu cực nhất khi rơi đến 2.6% và Russell 2000 là 1.9%. Vào sáng nay, thị trường châu Á phần lớn giảm điểm, trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng điểm.
Trái phiếu: Trái phiếu toàn cầu tăng giá vào thứ Sáu sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy sự ảm đạm của thị trường lao động. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng phai nhạt vì cả Chủ tịch Fed Williams và Waller đều không đưa ra bất kỳ định hướng rõ ràng nào về quyết định của Fed trong tháng 9. Dữ liệu CPI trong tuần này có thể đóng vai trò quyết định xem Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps. Chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ 10Y-2Y đã dốc lên khoảng 8 bps; trong khi lợi suất TPCP 2 năm giảm 10 bps. Thị trường lãi suất hiện đang phản ánh mức cắt giảm 33 bps cho cuộc họp FOMC vào tháng 9 và kỳ vọng cho cuối năm 2024 đã tăng thêm 9 bps lên tổng cộng 119 bps sau báo cáo NFP. Ngoài ra, kỳ vọng cắt giảm lãi suất đối với ECB cũng đã tăng lên, hiện là 175 bps cho đến cuối năm 2025, tăng từ mức 166 bps vào thứ Năm.
Ngoại hối: Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro đã chịu vô vàn áp lực vào cuối tuần trước do tâm lý risk-off gia tăng sau báo cáo NFP, khiến giá năng lượng giảm. NOK đã có một tuần giao dịch tồi tệ khi EUR/NOK tăng khoảng 2,300 pip, trở lại gần mức 11.90; EUR/SEK cũng tăng hơn 1,000 pip. EUR/USD gần như không thay đổi trong khi JPY tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác.
Thị trường trái phiếu
Việc ECB cắt giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tuần này gần như là một điều chắc chắn. Do đó, thị trường sẽ tập trung vào định hướng và dự báo cập nhật từ ECB. Vào thứ Sáu, dữ liệu thu nhập trên mỗi nhân viên, thước đo tiền lương ưa thích của ECB, đã giảm từ 4.8% xuống 4.3% so với cùng kỳ trong Q2, giúp xoa dịu phần nào lo ngại về lạm phát nội địa vẫn ở mức cao. Dự kiến, Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ xác nhận rằng ngân hàng trung ương này đang bước vào giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, nhưng không cam kết về thời điểm cụ thể cho các đợt cắt giảm tiếp theo. ECB có lẽ sẽ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận thận trọng "theo từng cuộc họp và phụ thuộc vào dữ liệu" trong việc điều chỉnh lãi suất chính sách.
Số liệu quan trọng nhất trong tuần này sẽ là CPI tháng 8 của Mỹ, được công bố vào thứ Tư. Cả giới phân tích và thị trường đều dự kiến CPI lõi sẽ tăng 0.2% so với tháng trước, một mức đủ để Fed tiếp tục bám sát định hướng hiện tại. Giai đoạn “án binh bất động” trước thềm cuộc họp của Fed đã chính thức bắt đầu, nhưng những tín hiệu mới từ các quan chức vẫn có thể xuất hiện nếu dữ liệu khiến cho dự báo của FOMC thay đổi.
Trong số các sự kiện đáng chú ý trong tuần này còn có cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra vào ngày mai. Cuộc tranh luận này được kỳ vọng sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của hai ứng cử viên đối với chính sách tài khóa, nhập cư và đối ngoại. Mặc dù Harris và Đảng Dân chủ hiện đang có lợi thế, nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn rất khó đoán.
Tuần này cũng sẽ rất bận rộn với các phiên đấu giá trái phiếu thông thường và một thỏa thuận hợp vốn từ EU. Dòng tiền ròng là dương do việc mua lại trái phiếu đáo hạn ở Đức, Ý và Phần Lan.
Thị trường ngoại hối
Các đồng tiền chính: EUR/USD tiếp tục dao động dưới mốc 1.1100 sau báo cáo việc làm của Mỹ. Cả báo cáo này lẫn các bài phát biểu sau đó của hai quan chức Fed là Williams và Waller đều không cho thấy rõ liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps hay 50 bps vào tuần tới. Trọng tâm của thị trường trong tuần này sẽ là dữ liệu CPI Mỹ và cuộc họp của ECB. Trong khi cuộc họp của ECB khó có thể tác động đáng kể đến EUR/USD về ngắn hạn, CPI của Mỹ lại có tiềm năng thay đổi kỳ vọng của thị trường về quy mô cắt giảm lãi suất của Fed, cũng chính là câu hỏi quan trọng nhất hiện nay.
Nhìn chung, Fed rõ ràng cần phải bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất để hướng tới chính sách tiền tệ “dễ thở hơn” do thị trường lao động suy yếu và lạm phát dần được kiểm soát. Do đó, USD có thể sẽ chịu áp lực giảm giá trong những tháng tới, đặc biệt là nếu Fed quyết định cắt giảm 50 bps vào cuộc họp ngày 18/09. Tuy nhiên, những câu chuyện “nổi cộm” trong thời gian qua đã phần nào được phản ánh vào giá, điều này có thể hạn chế đà tăng của EUR/USD nếu không có chất xúc tác tích cực từ nền kinh tế châu Âu.
Các đồng tiền Bắc Âu: Báo cáo NFP của Mỹ đã đẩy tâm lý thị trường sang trạng thái e ngại rủi ro, khiến SEK kém hiệu quả hơn so với USD và EUR. Khi thị trường Mỹ đóng cửa, USD/SEK và EUR/SEK đã tăng hơn 1,000 pip, lên lần lượt là 10.30 và 11.41. EUR/SEK đang hướng tới mục tiêu 11.40 trong 1-3 tháng của chúng tôi. Tuần này, thị trường sẽ xoay quanh các rủi ro suy thoái, phản ứng của Fed, cùng với dữ liệu lạm phát mới của Mỹ và Thụy Điển. Tại Thụy Điển, giới phân tích dự kiến CPIF sẽ giảm đáng kể xuống 1.1%, thấp hơn so với dự báo chung và quỹ đạo của Riksbank (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển). CPIF lõi (loại trừ giá năng lượng) dự kiến sẽ ở mức 2.1%, phù hợp với dự báo của Riksbank và gần với kỳ vọng chung. Nếu điều này xảy ra, Riksbank gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Thị trường lãi suất hiện đang kỳ vọng 100% khả năng Riksbank sẽ cắt giảm 25 bps và 30% cho 50 bps.
Dầu thô: Giá dầu thô WTI đã giảm xuống dưới mức 69 USD/thùng vào thứ Sáu, mức thấp nhất kể từ năm 2021, do chứng khoán giảm điểm và USD phục hồi. Quyết định trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm hai tháng của OPEC+ được cho là chưa đủ để xoa dịu áp lực đối với thị trường dầu mỏ. Nhu cầu yếu đi trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại là vấn đề lớn hơn, trong khi OPEC+ vẫn cam kết tăng sản lượng. Hướng đi của giá dầu thô sẽ phụ thuộc vào việc liệu ECB và Fed có nới lỏng chính sách tiền tệ đủ mạnh trong hơn một tuần tới để xoay chuyển tâm lý trên thị trường toàn cầu hay không. Dự kiến, thị trường dầu mỏ vẫn sẽ giao dịch ảm đạm cho đến cuộc họp FOMC vào tuần tới - sự kiện được mong chờ sẽ mang đến những tia hy vọng khi Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất và cam kết nới lỏng hơn nữa trong những tháng tới.
Danske Bank Research