Danske Bank Research: Niềm tin người tiêu dùng CB nổi lên giữa thị trường lặng sóng; dự kiến EUR/USD sẽ dao động quanh 1.0500 trong ngắn hạn

Danske Bank Research: Niềm tin người tiêu dùng CB nổi lên giữa thị trường lặng sóng; dự kiến EUR/USD sẽ dao động quanh 1.0500 trong ngắn hạn

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

14:49 25/02/2025

Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.

Điểm nhấn hôm nay

Vào lúc 22:00 theo giờ Việt Nam, khảo sát niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 của Conference Board (CB) sẽ được công bố. Bên cạnh đó, bài phát biểu của hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Logan và Barkin cũng rất đáng được quan tâm. Mặt khác, chúng ta sẽ có chỉ số lương thỏa thuận của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho Q4/2024. Dựa trên dữ liệu từ những quốc gia thành viên và các chỉ số lương đã được công bố gần đây, chúng tôi dự báo tăng trưởng lương thỏa thuận sẽ giảm xuống còn 5.0% trong quý này. Dù vậy, cần thận trọng khi diễn giải do tính biến động của chỉ số này, thể hiện qua việc tăng trưởng lương nhảy vọt từ 3.5% so với cùng kỳ (svck) trong Q2 lên 5.4% vào Q3, do bao gồm khoản chi trả bù trừ lạm phát được thực hiện duy nhất một lần trong năm.

Nhịp đập thị trường

PBOC

Lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm của Trung Quốc được duy trì ở mức 2.0%, phù hợp với dự đoán của chúng tôi. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang chờ đợi tín hiệu mới từ Fed và chính sách thuế quan trước khi có động thái tiếp theo.

Câu chuyện thuế quan

Tổng thống Mỹ – Donald Trump một lần nữa "bật đèn xanh" cho thuế quan, tuyên bố các mức thuế áp lên Canada và Mexico đang "diễn ra đúng hạn, đúng tiến độ", dù không đề cập cụ thể hạn chót 04/03. Một quan chức Mỹ cũng tuyên bố các khoản thuế trả đũa, có thể ảnh hưởng đến mọi quốc gia, sẽ có hiệu lực vào tháng 4. USD theo đó cũng mạnh lên so với CAD và MXN.

Eurozone

Dữ liệu lạm phát chính thức cho tháng 1 như xác nhận lại số liệu sơ bộ với lạm phát toàn phần và lõi tăng lần lượt 2.5% và 2.7% svck. Giá năng lượng là động lực chính thúc đẩy lạm phát. Song, dữ liệu tháng 1 bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố nhất thời, xuất phát từ lạm phát kỳ trước, nên không phản ánh áp lực lạm phát trong tương lai. Nhìn chung, dữ liệu chính thức xác nhận lạm phát cơ bản đang hạ nhiệt, còn lạm phát toàn phần tăng chủ yếu do giá năng lượng và một số tác động nhất thời lên dịch vụ lõi trong tháng 1.

Đức

Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo tháng 2 của Đức thấp hơn kỳ vọng (85.2 so với dự báo 85.8), trái ngược với sự cải thiện trong dữ liệu PMI. Các chỉ số thành phần cho thấy kỳ vọng tăng và đánh giá về tình hình hiện tại giảm, cho thấy nền kinh tế Đức vẫn trì trệ.

Về chính trị, Friedrich Merz, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Đức, đã mở ra khả năng nới lỏng "phanh nợ" - một cơ chế giới hạn vay nợ ròng của chính phủ liên bang ở mức 0.35% GDP - trước khi quốc hội mới được thành lập để tăng chi tiêu quốc phòng. Ông Merz có khoảng 30 ngày để thúc đẩy việc này trước khi quốc hội mới được thành lập, khi đó AfD và Die Linke nắm hơn 1/3 số ghế, đủ quyền phủ quyết bất kỳ thay đổi hiến pháp nào về "phanh nợ".

Phát biểu từ quan chức BoE

Swati Dhingra, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và là một trong những tiếng nói “ôn hòa” nhất, tiếp tục phát tín hiệu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn. Bà lập luận rằng chính sách tiền tệ hiện tại vẫn quá thận trọng bất chấp lạm phát đang hạ nhiệt.

Đầu tháng này, Dhingra đã bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 50 bps. Bà bác bỏ quan điểm được nhiều người đồng thuận cho rằng nới lỏng dần dần đồng nghĩa với việc cắt giảm 25 bps mỗi quý: "Ủy ban chưa từng nói vậy, và đó chắc chắn không phải quan điểm của tôi." Bà nhấn mạnh rằng ngay cả khi cắt giảm 25 bps theo quý, chính sách tiền tệ "vẫn sẽ kìm hãm nền kinh tế suốt năm nay".

Mối quan tâm hàng đầu của Dhingra là sức mua tiêu dùng yếu kém dai dẳng: "Chi tiêu vẫn chưa phục hồi, nên áp lực lạm phát cũng chưa hiện diện." Bà cho rằng chính nhu cầu yếu kém này càng củng cố cho lập trường nới lỏng tiền tệ: "Nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn."

Dù thừa nhận một số mặt hàng có thể gây áp lực lạm phát, Dhingra vẫn tin tưởng vào xu hướng giảm chung. Bà cho rằng, điều quan trọng là chính sách tiền tệ vẫn đang quá thận trọng, và việc nới lỏng không có nghĩa sẽ làm chệch xu hướng giảm của lạm phát. Nhìn chung, quan điểm của bà càng làm nổi bật sự chia rẽ trong lập trường của các thành viên MPC. Một số thành viên muốn chờ đợi thêm, trong khi những tiếng nói ôn hòa như Swati Dhingra, Catherine Mann lại muốn cắt giảm lãi suất sớm và mạnh tay hơn.

Địa chính trị

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ nghị quyết EU-Ukraine lên án cuộc xâm lược của Nga, với 93 phiếu thuận và 18 phiếu chống (bao gồm Mỹ và Nga). Mỹ đề xuất một nghị quyết riêng, tránh đề cập đến hành động của Nga, phản ánh sự chuyển hướng chính sách của Tổng thống Trump sang đối thoại với Tổng thống Putin. Hãng thông tấn AP đưa tin, ông Trump tuyên bố đang "nghiêm túc" đàm phán với ông Putin về vấn đề chấm dứt chiến tranh, dù ông Putin cho biết họ chưa thảo luận chi tiết về vấn đề này, trong khi Moscow không loại trừ sự tham gia của Châu Âu vào các cuộc đàm phán hòa bình. Các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng ngăn chặn nghị quyết EU-Ukraine, nhấn mạnh một cam kết mơ hồ về hòa bình. Ngoài ra, Tổng thống Pháp Macron đã gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hôm qua. Fox News cho biết, ông Macron tiết lộ rằng một lệnh ngừng bắn tiềm năng giữa Ukraine và Nga có thể đạt được trong vài tuần tới.

Chứng khoán

Dù khởi đầu khả quan, thị trường đã không thể phục hồi trong hôm qua. Chứng khoán toàn cầu nhìn chung giảm điểm (MSCI World -0.5%), dẫn đầu là thị trường Mỹ, trong khi Châu Âu đi ngang. Dòng tiền tiếp tục đổ vào cổ phiếu phòng thủ, với các lĩnh vực y tế, bất động sản và ngân hàng dẫn đầu, trong khi liên tục tháo chạy khỏi nhóm công nghệ và công nghiệp. Dù ít tin tức, chỉ số đo lường biến động VIX vẫn tiến gần ngưỡng 20, cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư trên Phố Wall.

Ngoại hối

EUR/USD tiếp tục dao động trong khoảng 1.0400-1.0500, được hỗ trợ phần nào bởi dữ liệu PMI yếu kém của Mỹ và kết quả bầu cử Đức. Phiên hôm qua khá yên ắng về mặt dữ liệu, với chỉ số Ifo của Đức là điểm nhấn hiếm hoi. Dữ liệu lạm phát từ Mỹ và Eurozone sẽ là tâm điểm trong phần còn lại của tuần giao dịch, với báo cáo CPI tháng 2 từ Đức, Tây Ban Nha và Ý, dự kiến xác nhận xu hướng hạ nhiệt vẫn đang tiếp diễn. Bên cạnh đó, lương thỏa thuận và tăng trưởng tín dụng của Eurozone cũng là các chỉ số quan trọng. Về phía Mỹ, dữ liệu niềm tin người tiêu dùng của CB tối nay và lạm phát PCE lõi vào thứ Sáu sẽ là hai trọng tâm chính. Chúng tôi dự kiến EUR/USD sẽ dao động quanh 1.0500 trong ngắn hạn. Đà giảm gần đây của USD đã giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, và mô hình phân tích ngắn hạn cho thấy EUR/USD đang giao dịch gần hơn với các yếu tố nền tảng, khi lo ngại về thuế quan và địa chính trị đã giảm bớt.

Danske Bank Research

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ