Đồng bạc xanh mạnh hơn có ý nghĩa như thế nào?
Linh Đặng
Investment Analyst
Sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu ở Mỹ nhưng sẽ có những tác động tiêu cực tới nhóm thị trường mới nổi.
Trong khoảng thời gian đầu năm, tăng trưởng thấp và quản lý yếu kém dưới đại dịch Covid -19 đã dẫn đến quan điểm đồng thuận rằng đồng USD sẽ suy yếu đáng kể vào năm 2021. Thực tế, đô la đã mạnh lên – một xu hướng mới mang ý nghĩa quan trọng đối với nước Mỹ và các quốc gia còn lại trên thế giới.
Những lập luận về thâm hụt kép trong thập niên 80 là cơ sở cho một số dự báo của đồng đô suy yếu. Thâm hụt ngân sách đạt khoảng 15% GDP vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa trong năm nay. Thâm hụt tài khoản vãng lai là 3.5% và tăng trong quý 4 năm 2020. Việc nhà đầu tư miễn cưỡng tài trợ 2.8 nghìn tỷ USD cho các gói kích thích có thể đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên, buộc Fed phải tăng cường QE để giảm lãi suất. Và sau cùng, đồng đô la sẽ chịu áp lực.
Trong dài hạn, thâm hụt kép sẽ gây áp lực giảm giá cho đồng đô la, nhưng có những lý do tạm thời lấn át các vấn đề đó. Đồng bạc xanh bắt đầu đảo chiều khi chính quyền Biden thông qua gói cứu trợ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD. Đồng thời, tốc độ tiêm chủng vắc-xin cũng đã tăng đáng kể, từ 900,000 mũi/ngày lên gần 3.000.000 mũi/ngày.
Nền kinh tế Mỹ có vẻ sẽ sớm vượt trội. Theo OECD, chỉ riêng gói giải cứu cũng sẽ tăng thêm 3 đến 4 điểm phần trăm vào GDP năm 2021. Các nhà kinh tế Phố Wall nhận định tăng trưởng GDP có thể lên tới 8%. Điều đó sẽ có nghĩa là doanh thu và lợi nhuận cao hơn đối với các công ty Mỹ, thu hút đầu tư từ nước ngoài, những nhà đầu tư sẽ cần mua đô la.
Nhược điểm thông thường của tăng trưởng do chính phủ tài trợ là lạm phát. Nếu các nhà đầu tư tin rằng Hoa Kỳ đã mất kỷ luật tài khóa, kỳ vọng lạm phát có thể trở nên mất kiểm soát; dấu hiệu tiêu cực đối với cổ phiếu, trái phiếu và đồng đô la. Nhưng những nhà điều hành nền kinh tế Mỹ không nhìn thấy mối nguy hiểm. Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ sẽ không kìm hãm kích thích trong tương lai gần. Biểu đồ dot plot trong tháng này cho thấy lãi suất sẽ duy trì mức ~ 0% cho tới năm 2024. Trong một thế giới mà các NHTW đang giữ lãi suất âm, mức chênh lệch lãi suất nhỏ đó sẽ hỗ trợ cho đồng Đô la Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính mới Janet Yellen đã từ bỏ chính sách “đồng đô la mạnh” lâu nay của Mỹ, khẳng định giá trị của đồng tiền sẽ được “thị trường xác định”. Đồng thời, bà đã cam kết không can thiệp vào các quyết định của thị trường. Điều đó làm giảm rủi ro mà chính quyền có thể can thiệp làm suy yếu đồng đô la để giúp thúc đẩy xuất khẩu, điều này sẽ hữu ích trong việc cố gắng hồi sinh lĩnh vực sản xuất.
Tăng trưởng mạnh hơn và đồng tiền mạnh hơn sẽ thúc đẩy nhập khẩu của Mỹ. OECD kỳ vọng gói giải cứu sẽ bổ sung từ 1/4 đến 1/2 điểm % cho Eurozone và GDP của Trung Quốc, và thậm chí nhiều hơn nữa cho Canada và Mexico. Điều này cũng sẽ đóng vai trò như một van an toàn hữu ích đối với lạm phát khi Hoa Kỳ nhập khẩu áp lực thiểu phát.
Thâm hụt tài khoản vãng lai cao hơn đối với Mỹ có nghĩa là thặng dư cao hơn đối với các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các biện pháp kích thích tài khóa tương đối nhỏ. Nhưng sự tập trung điên cuồng của chính quyền Trump vào cán cân thương mại song phương đã là dĩ vãng, và có rất ít rủi ro rằng mối lo ngại về thao túng tiền tệ sẽ xuất hiện trong năm nay. Đồng đô la mạnh hơn không mang lại lợi ích cho các quốc gia. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Mỹ nhanh hơn hỗ trợ cho tăng trưởng của các thị trường mới nổi, IMF cho rằng điều đó bị giảm đáng kể do đồng đô la mạnh lên. Nó đẩy giá hàng hóa tính bằng đồng đô la xuống, dẫn đến thu nhập thực tế thấp hơn và làm giảm nhu cầu trong nước đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các nước mới nổi. Nó cũng sẽ làm cho các khoản nợ bằng đồng đô la của các quốc gia mới nổi khó xử lý hơn. Khủng hoảng nợ của nhóm quốc gia mới nổi có thể tạo áp lực tăng trưởng toàn cầu, với tác động tiêu cực đến Mỹ. Miễn là các quan chức Mỹ ghi nhớ, chính quyền Biden có vẻ sẽ tiếp tục được hưởng đặc quyền tối cao của đồng đô la.
Financial Times